Mẫu De Tam Thoải Phủ là ai

Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hay còn gọi là Mẫu Thoải là một trong ba vị nữ thần thuộc hàng Tam Tòa Thánh Mẫu. Đây là vị nữ thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chịu trách nhiệm cai quản các miền sông nước. Để giúp quý độc giả có thể hiểu rõ hơn Mẫu Thoải, ban biên tập xin mời tham khảo bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ.

“Thỉnh mời Thánh Mẫu Đệ Tam

Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung

Kính Xuyên sớm kết loan phòng

Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan

Kính Xuyên chẳng xét ngay gian

Vàng mười nỡ để lầm than sao đành

Lòng trời thương kẻ ngay lành

Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”

Mẫu De Tam Thoải Phủ là ai

Nội dung bài viết

    • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là ai ?
  • Sự tích Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Sự tích bốn lần Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hiển linh giúp nước
    • Lần thứ 1: Mẫu hiển linh giúp vua Lý Thái Tổ
    • Lần thứ 2: Mẫu hiển linh giúp Trần Hưng Đạo
    • Lần thứ 3: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông
    • Lần thứ 4: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thần Tông
  • Văn khấn Mẫu Thoải
  • Đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Khánh tiệc Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Bản văn Mẫu Thoải

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là ai ?

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt, tam tòa Thánh Mẫu là ba vị nữ thần cai quản các miền khác nhau bao gồm miền trời (thượng thiên), miền rừng núi (thượng ngàn) và miền sông nước (thoải phủ). Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là vị thánh mẫu thứ ba, coi sóc miền đồng bằng sông nước. Trên ban thờ Tam tòa thánh Mẫu ta sẽ thấy Mẫu Thoải mặc xiêm y trắng, ngồi bên trái Thánh mẫu Đệ nhất Thượng Thiên. Chữ Thoải là đọc chệch từ chữ Thủy (nghĩa là nước). Xiêm y trắng cũng là tượng trưng cho nước, thế giới Mẫu cai quản.

>>> Xem thêm: Cộng đồng Thoải Phủ

  • Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ
  • Quan Hoàng Bơ Thoải là ai, sự tích và đền thờ Quan Hoàng Bơ
  • Cô Bơ Thoải Phủ; Sự tích, văn khấn, tiệc cô Bơ Thoải
  • Cậu Hoàng Bơ Thoải là ai và đền thờ cậu ở đâu ?

Sự tích Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Sự tích lưu truyền Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ vốn là con Vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình, theo lời vua cha ngài kết duyên cùng Kính Xuyên là con Vua Đất. Một buổi, Kính Xuyên đi vắng, tiểu thiếp Thảo Mai tìm cách giả đồ thư để hãm hại ngài, Kính Xuyên mù quáng, nghe lời Thảo Mai vu cho rằng ngài thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu ngài không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn tình cờ gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Cảm thương trước nỗi oan của ngài, Liễu Nghị theo lời ngỏ mang thư của ngài theo chỉ dẫn về đến Hồ Động Đình truyền thư. Chàng dùng kim thoa gõ vào cây ngô đồng như lời tiên ngài dặn thì y như rằng làn nước rẽ làm đôi đón chàng tới thủy cung, tại đây chàng kể hết sự tình và tình hình hiện tại của ngài cho vua cha. Sau đó vua cha sai người đi đón và minh oan cho ngài. Đồng thời cho phép ngài cùng kết duyên với Liễu Nghị, đồng thời cũng trừng phạt Kính Xuyên và Thảo Mai. Dựa trên tích này cùng với lòng tín ngưỡng trong nhân dân với Thủy tổ thì Mẫu Đệ Tam được huyền hóa, tái hiện trong các triều đình phong kiến như bà Nguyễn Thị Châu (Châu Nương) ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh thời Lê – Nguyễn với tôn xưng mẫu Hàn Sơn.

Sau này, theo một số câu chuyện, ngài thường hiển linh, phù hộ cho những người đi biển khỏi sóng to gió lớn nên được nhân dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp nơi cửa sông, cửa biển. Khi xưa ở chốn Động Đình ngài vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Trung Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này ngài còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.

Cũng có thuyết cho rằng ngài là con gái Long Vương. Một ngày nọ, ngài gặp Kinh Dương Vương lúc đó đang đi chơi hồ Động Đình. Kinh Dương Vương là con cháu vị Thần Nông, đem lòng yêu mến rồi hỏi lấy ngài làm vợ. Sau đó, hai người hạ sinh ra Lạc Long Quân, chính là cha Rồng, tổ tiên của người Việt. Ki Hồng Bàng thị trong phần Ngoại ký của Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương Vương trị vì phương Nam, gọi tên là nước Xích Quỷ, Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.” Hay trong Lĩnh Nam chích quái cũng kể thêm: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái của hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân.”

Dù nguồn gốc của Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ  như thế nào, thì tựu chung lại cũng chính là cách người dân đất Việt, nơi “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” tôn vinh vị thần của sông nước. Nói rộng ra, đó là cách con người vật chất hóa tình cảm của mình với tự nhiên, nhân hóa tự nhiên để tự nhiên gần gũi với đời sống con người, không chỉ đời sống sản xuất mà còn trong cả đời sống chiến đấu.

Sự tích bốn lần Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hiển linh giúp nước

Lần thứ 1: Mẫu hiển linh giúp vua Lý Thái Tổ

Tương truyền vùng Đồng Bằng Bắc Bộ thường xuyên có lũ lụt. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, ông bắt đầu công việc trị thủy. Công việc kéo dài đến tận thời vua Lý Thái Tông mới căn bản xong. Các đoạn đê được nối liền vào với nhau và có quy mô rộng lớn như ngày nay. Trong suốt quá trình xây dựng hệ thống đê, lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho nhân dân. Mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven Thăng Long để âm phù giúp dân đắp đê chống lụt. Thần tích này còn được ghi tại các làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ,…

Lần thứ 2: Mẫu hiển linh giúp Trần Hưng Đạo

Quân Nguyên xâm lăng đất nước, vua Trần Nhân Tông khi ấy triệu Hưng Đạo Vương phong làm Đại Nguyên Soái cất quân đi dẹp giặc. Lúc ấy khi đi ngang qua sông Xâm Miện (khu đền Dầm) thì mặt trời vừa lặn. Ông cho quân lính cắm trại dừng chân bên bãi sông còn mình thì ở lại trên thuyền.

Đêm đến, trong cơn mơ, ông thấy một người con gái áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông và nói rằng: “Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa, được lệnh đến giúp ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp.” Tỉnh dậy ông biết là mộng báo có người phù trợ bèn xua quân đại chiến với giặc. Hai bên giao tranh ác liệt thì gió bấc thổi lên, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngập trời làm cho chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm tả tơi.

Thắng trận trở về, ông tâu vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giải về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ và ban sắc phong:

“Hoàng Long tĩnh mạch, đoan trang

Anh linh Thục Diệu phu nhân Trung Đẳng Thần.”

Lần thứ 3: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông

Tích này liên quan đến ngôi đền Hàn Sơn nổi tiếng tại Thanh Hóa. Tích xảy ra trong quá trình vua Lê đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì gặp một trận cuồng phong. Vua bèn lập đàn tràng để xin các vị thần phù trợ. Mẫu Thoải hay tin đã phái một nữ tướng đến trị. Ngay lập tức sông yên, gió lặng. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ tại đền Hàn Sơn. Từ đó, ngôi đền trở thành một trong những đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng nhất vùng.

Lần thứ 4: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thần Tông

Đời vua Lê Thần Tông, mẫu Thoải hiển linh phù âm giúp dân chống lụt xua đuổi thủy quái khi nhân dân gặp nạn nước sông Hồng dâng cao bất thường tràn vào cả Yên Phụ. Nhà vua phải đích thân hành lễ Nam Giao (Lễ tế cáo trời đất) để cầu các vị thần linh phù trợ.

Văn khấn Mẫu Thoải

Nam mô a di đà phật !

Nam mô a di đà phật !

Nam mô a di đà phật !

Con thành tâm kính lạy:

  • Đức Ngọc Hoàng Huyền Thượng đế
  • Đức Đệ nhất thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh công chúa,
  • Đức Đệ nhị thượng thiên cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương
  • Đức Đệ tam thoải phủ Xích Lân Long Nữ Công Chúa
  • Đức Đệ tứ khâm sai quyền cai bốn phủ
  • Tứ phủ vạn linh.

Hôm nay là ngày …………………..

Tín chủ con là ……………………..

Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia chung nhất tâm nhất lễ đến trước phủ/đền/điện….. chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Kính dâng lễ vật, sớ mỏng tâm thành cúi xin các ngài xét thương gia hộ độ trì cho gia đình chúng con già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, được vạn sự bình an, tứ thời được bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Mẫu De Tam Thoải Phủ là ai

Đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Đền thờ thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có thể kể tới như:

  • Đền Mẫu Thoải Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn. Đền Hàn Sơn là ngôi đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Năm 1992, đền đã được Nhà Nước công nhận và xếp hạng.
  • Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng
  • Đền Dầm ở thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Là ngôi đền nổi tiếng thờ Mẫu Thoải Phủ gắn liền với tích Mẫu về báo mộng phù trợ Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc ngoại xâm, được vua ban sắc phong tôn quý.
  • Ngoài ra còn một số ngôi đền khác: Đền Cửa Sông, Đền Bà Áo Trắng, Đền Cái Lân, Đền Mẫu Thoải Lạng Sơn

Khánh tiệc Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Ngày tiệc Mẫu Thoải là ngày 10 tháng 6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.

Bản văn Mẫu Thoải

Cung văn khi dâng văn về Mẫu Thoải chủ yếu được dùng để hát thờ vào những dịp tiệc đản thánh Mẫu có đoạn:

Trịnh Nam biên doành khuyên lai láng.
Nguyệt lầu-lầu sai rạng Nam minh
Vốn xưa Thủy quốc Động đình,
Có Tiên thánh nữ giáng xinh đền Rồng.
Đức gồm vẹn công dung ngôn hạnh.
Nét nhu mì vốn tính thiên nhiên;
Dung nhan khác giá Thần Tiên.
Đã đành lệ thủy chơi miền non côn.
Hằng chầu trực kim môn ngọc điện
Duyên sắt cầm chưa định nơi nao;
Chúa từ thời tiết thanh tao.
Giớ Đằng vương các thư trao dưới màn.
Dưới Thủy quan có nhà lệnh tộc.
Vốn con dòng danh ốc Kinh Xuyên;
Vốn xưa vây cánh nhà truyền.
Thao mai nàng ấy tạm quyền tiểu tinh.
Chí bình sinh phù đời giúp nước.
Ơn Cửu trùng phó thác bên giang;
Mảng danh Công chúa phi phương,
May nhờ lá thắm kết vương tơ hồng.
Trên Vương phụ có lòng lân mẫn,
Cho đôi người duyên phận sánh nhau;
Chúa từ kết ngãi Trần Châu.
Đã đành núi thẳm vực sâu khôn nài.
Kết duyên hài trăm năm phối thất.
Đạo cương thường nhiệm nhặt tóc tớ;
Cùng nhau chưa mấy nắng mưa.
Bỗng đâu ra sự thiên cơ quải người.
Trách Thao Mai ra lòng giáo giở.
Giả đầu thư làm cớ gieo oan.
Kinh Xuyên chẳng xét ngay dan.
Giá vàng nỡ để lầm than bao đành.
Trên dương thế một mình vò võ.
Sớm khuya cùng núi cở ngàn cây;
Đèn trăng chiếu đá màn mây.
Dưỡng thân hoa cỏ, bạn bày trúc mai.
Thường vãng lai thanh sơn tú thủy,
Lốt đại sà tượng thể ngư long;
Có khi biến tướng lạ lùng.
Mày ngài yểu điệu má hồng phi phương.
Có phen nhớ gia-nương dòi-dọi.
Mặt rầu rầu dạ rối châu sa;
Có khi nương bóng hằng nga.
Tưởng bề phu phụ xót xa muôn phần.
Có phen trách lòng quân bội bạc.
Nghe ai làm chếch-mác duyên ai!
Có phen liễu ủ đào phai.
Phận đành nước chẩy hoa chôi lỡ làng.
Có phen tưởng giáy sương giãi nguyệt.
Bảo than phàm mong quyết về không;
Có phen giãi nắng non sông.
Tưởng về nhiều nỗi hình dong võ-vàng.
Bốn bề những hổ lang ác thú.
Vật đều cùng mến Chúa hôm mai
Đua nhau trăm giống ngàn loài.
Dâng hoa cúng quả chẳng nài công phu
Vẹn mười thu giãi giàu sương nắng
Tin cá chìm nhạn vắng khôn hay;
Tấc niềm nhiều nỗi riêng tây.
Ai ngờ con Tạo vẫn soay cớ trời.
Trên dương thế có người ho-sĩ.
Văn tú tài Liễu Nghị là tên;
Trẻ thơ nhờ âm xuân huyên,
Sôi kinh nấu sử hằng chuyên việc mình.
Thời gặp thuở thần-kinh hội-thí,
Dậm đường trường Liễu Nghị bước ra;
Vũ môn mong nhảy đợt ba,
Ai ngờ con Tạo sui ra quải người.
Bây giờ đã tới nơi non quạnh,
Ác ban tà sương lạnh trời hôm;
Bốn bề hoa cỏ xanh um,
Trước ngàn liễu ủ, sau chòm đào phai.
Lòng quân tử đeo đai cảnh vật,
Thấy Chúa ngồi tư cách dung nhan;
Má hồng châu lệ chứa chan,
Nỉ non hòa nói hòa than một mình.
Chàng trông thấy tâm tình cảm cách,
Chúa ngập ngừng nhủ khách rằng cây:
“Sơn lâm rừng vắng chốn này,
Cớ sao quân tử tới đây lạc loài?
Ngày hồ đã trăng soi ác lặn,
Chàng hãy còn thơ thẩn cớ sao?”
Thưa rằng: “hàn sĩ chí cao,
Mười năm đèn sách công lao chuyên cần;
Hội khoa xuân hiềm chưa gặp gỡ,
Tưởng duyên này cắc cớ vì đâu?”
“Dám xin kết ngãi trần châu,
Kẻo lòng quân tử gieo cầu dưới trăng>”
Chúa nghe nói dùng-dằng khôn siết,
Đoái nhủ chàng”Cả quyết sao nên?
ta nay người dưới Thủy Tiên,
Nghiêm từ sớm định kết duyên dai -kỳ.
Khăng khăng giữ đạo tùy sau trước,
Chẳng ngờ chàng tính nước lòng mây”;
“Bỗng không bốc lửa bỏ tay,
Gieo oan một phút bắt đầy mười đông.
Cạy quân tử tin thông họa nả.
Sự duyên này dám há đơn sai.”
Chàng rằng: “Nguyện được như lời,
Đã đành bể rộng sông dài quản đâu”.
Nhờ đèn nguyệt đêm thâu bóng thỏ,
Giãi tấc lòng núi cỏ non xanh;
hàn-lâm nghe mảng tiếng kềnh,
Kim-ô bóng đã lộ hình ra đâu.
Chúa hiềm nỗi bấy lâu oan ức,
Phó kim thoa một bức thư phong.

VẬY CÓ THƯ RẰNG:

Nữ tiên thủ bút, con bái lạy vua quan: thân nữ nhi phận gái hồng nhan; đã sinh cửa quyền môn quý tôc. Tam niên dưỡng dục; phụ tử tình thâm. Khi cả khôn duyên bén sắt cầm; khăng khăng giữ tòng phu cho phải đạo. Trách bà Nguyệt lão; khéo quải duyên ai! Vì tiểu tinh là cái Thao-Mai; Đầu thư giả làm ra oan trái. trách chàng cả dạ; nghe đứa tà dan. Bảo cho con nết ở đa đoan, đem đầy chốn rừng xanh núi cỏ. Một mình vò võ, nào có ai hay. Ngày gió đưa làm bạn với cỏ cây; đêm trăng bạc biết cùng ai năn nỉ. Bỗng đâu nho sĩ, bước đến thẩn thơ. Nguyệt ta-tà thẫn-thẫn thờ-thờ; Nghĩ nông nỗi dừng chân lỡ bước. Trước sau sau trước, mượn bút thay lời. Chiếc thoa tin với bức thư này; dẫu nghìn dậm công lênh đừng có tiếc. vu oan một tiếng, vắng vẻ mười đông. Sự soay vần đã có thiên công; thư một bức đôi vừng nhật nguyệt. Sự tình con xin kể hủy chung.

Nhủ chàng ra mãi bể Đông,
Tới đâu là bóng ngô-đồng cây cao;
lấy kim thoa gõ vào cây ấy,
Dưới Thủy tề nghe thấy chẳng lâu;
Phòng khi ứng hiện nhiệm mầu,
Hẹn chàng thưa gửi gót đầu đinh ninh.
Chàng quân tử tâm tình sau trước,
Dạ ngùi ngùi chân bước đường thông;
Bể nào lai láng xa trông,
Nửa nỗi Chúa, nửa mòng sự duyên.
Sông vân hán bằng miền Thủy phủ.
Tới ngô-đồng tay gõ một thôi;
Tự nhiên nổi trạn phong lôi,
Giữa dòng nuowvs chảy có đôi bạch sà.
Chàng trông thấy sự đà ứng hiện,
Mới hay lời Chúa phán phân minh;
Bạch sà thoắt xuống Động đình,
Bách quan rẽ nước giàng xanh rước chàng.
Rước chàng xuống đèn vàng Thủy phủ,
Thấy triều thần văn võ đôi bên;
Tiêu thiều nhạc táu dưới trên,
Tả biên ngư mục, hữu biên bạch sà.
Kim quy sứ vào tòa ngọc bệ,
Mới phán đòi Liễu Nghị vào trong;
Chàng bèn dâng bức thư phong,
Phụ vương trông thấy trong lòng quặn đau.
Trách Kính Xuyên cơ cầu độc dữ,
Mới đòi chàng Hoảng tử Xích Lân;
Phán rằng: Chúa phải gian truân,
Con vua rước xuống Thủy cung chớ chày
Lời Bương phụ phán ngay lập tức,
Sai các quan hết sức thần thông;
Chiêng kêu, cờ phất, trống rung,
Khắp hòa thế giới đều cùng mênh mông,
Bốn phương trời mưa rong chớp giật,
Quỷ cùng tờ giéo giắt mọi nơi;
Rước Chúa về tới long ngai,
Tội Kính Xuyên với Thảo Mai luận đầy,
Công cán này ai bằng Liễu Nghi,
Sắc phong làm Quốc-tế Thuy quan;
Chàng từ bái lệnh thiên nhan,
Duyên ưa phận đẹp sắc ban trọng quyenf.
Duyên thiên công bày yên thuở trước,
Người phàm trần lại được bén tiên;
Chàng từ kim cải kết duyên,
Có cơ trí tuệ, có quyền anh linh
Dầu ai có bệnh cùng khí huyết,
Lập đàn len Chầu hát lại tha,
Dầu ai dâng tiến hương hoa,
Tiền tài lưu loát, cửa nhà khang ninh.
Dầu ai ai dốc lòng thành phụng bái,
Phúc đến nhiều lộc lại đề đa;
Toàn gia con cháu vinh hoa,
Mãn đường phu quý trẻ già bình an.
Chữ rằng: Thánh giáng lưu ân!
Thần giáng lưu phúc, thiên xuân thọ trường!

Xem thêm:

>>> Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

>>> Gìn giữ và phát huy nét đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube