Mẫu bài phát biểu tiếp xúc cử tri

Toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XII

QNP - Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng làm rõ nhiều nội dung, vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2013 và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh trong năm 2014. Cổng Thông tin điện tử tổng hợp tỉnh trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.

Kính thưa các đồng chí chủ tọa kỳ họp, kính thưa các vị hội đồng, kính thưa toàn thể nhân dân và cử tri!

Tôi hết sức lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh về thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh cũng như các ý kiến tham luận tại tổ, tham luận tại hội trường, các ý kiến chất vấn của các vị đại biểu chất vấn tại hội trường, ý kiến chất vấn chuyển trực tiếp cho hội đồng cũng như các vị đại biểu hội đồng, các ý kiến tham gia kiến nghị của cử tri nhân dân trong tỉnh và đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong phiên khai mạc.

Ngày hôm nay, tôi thay mặt cho UBND tỉnh, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các vị đại biểu, của nhân dân, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để trên cơ sở đó tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo triển khai các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND chiều ngày hôm nay thông qua. Trước hết, tôi thấy rằng trong báo cáo của UBND tỉnh liên quan đến đánh giá kết quả của năm 2013, những vấn đề tồn tại, nguyên nhân cũng như mục tiêu, giải pháp cho năm 2014 đã nêu hết sức đầy đủ, cũng như ý kiến phát biểu tham gia của các đồng chí đại biểu hết sức sâu sắc, ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư hết sức cụ thể, do vậy, tôi xin phép chỉ đề cập một số vấn đề liên quan đến đánh giá kết quả năm 2013 cũng như một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 mang tính chất nhấn mạnh.

Về kết quả năm 2013, chúng tôi hết sức đồng tình với ý kiến phát biểu của các đồng chí và UBND tỉnh đã nhận xét, đánh giá. Năm 2013 là năm thật sự khó khăn, phải nói là khó khăn thực sự như người ta nói là điểm thấp nhất trong tất cả những năm vừa qua, nhưng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành, trong đó, rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mang tầm cỡ quốc gia.

Một là, vừa qua tỉnh xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị đề án xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Hai là, chúng ta tập trung đưa điện lưới tới tận thôn, khu, khe, bản đặc biệt là điện ra Cô Tô. Với sự thần tốc trong 01 năm chúng ta đã đưa điện lưới ra đảo Cô Tô. Đây cũng là một trong những nội dung không những có ý nghĩa quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội cho vùng biển đảo; đồng thời liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm của chúng ta cũng như ứng dụng khoa học công nghệ đưa điện lưới đi qua vùng biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng Nông thôn mới. Vừa qua, Chính phủ sơ kết, chúng ta có 8 xã/200 xã của cả nước đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; tập trung hoàn thiện Trung tâm hành chính công và đã đưa vào sử dụng Trung tâm hành chính công Móng Cái và Uông Bí, đang hoàn thiện trung tâm Vân Đồn, Cẩm Phả cũng như Trung tâm của tỉnh, đây là một trong những điểm đi đầu cả nước về Trung tâm hành chính công, chúng ta đang hướng đến đặc thù Trung tâm hành chính công độc lập không mang tính chất "một cửa"; chúng ta cũng dành nguồn lực đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử; tập trung chỉ đạo đi đầu của tỉnh liên quan đến thi các chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành và bổ nhiệm các chức danh trong số các đồng chí bảo lưu kết quả. Nhiều địa phương trong cả nước đã đến Quảng Ninh học tập cách làm này.

Chúng ta cũng đi đầu trong việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.

Việc nâng cao y đức trong ngành y tế được triển khai có hiệu quả, quan tâm đầu tư trang thiết bị, nguồn lực. Đại bộ phận người dân đã hài lòng đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, áp lực chuyển tải bệnh nhân lên tuyến trên đã giảm dần. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá rất cao việc nâng cao y đức và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của tỉnh Quảng Ninh. Đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục, tác động sâu sắc vào tư tưởng của cán bộ trong ngành cũng như toàn thể nhân dân để cùng triển khai và giám sát lẫn nhau. Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của ngành y tế, công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương liên quan trong việc tham mưu cho tỉnh xử lý kịp thời, công bố công khai xử lý nghiêm, dứt điểm ngay từ đầu vụ ngộ độc rượu, chính vì vậy góp phần giảm thiểu cho Quảng Ninh và các tỉnh thành khác có rượu này.

Vừa qua chúng ta tập trung liên quan đến chỉ đạo của Chính Phủ trong năm 2013 tập trung cấp quyền sử dụng đất theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn đặt ra, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo đi trước cả nước 3 tháng.

Theo báo cáo trình HĐND tỉnh, trong 24 tiêu chí có 6 tiêu chí chúng ta chưa đạt trong đó có tiêu chí quan tâm nhất là thu ngân sách. Có thể khẳng định năm 2013 tỉnh sẽ thu nội địa vượt. Vì vậy, tôi biểu dương đánh giá rất cao Cục Hải quan, Cục thuế, các cơ quan chức năng trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của các doanh nhân doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh và toàn thể các địa phương đã tập trung quyết liệt trong công tác thu ngân sách. Trên cơ sở mục tiêu đạt được như vậy, chúng tôi cho rằng nếu chủ trương đúng, thống nhất cao, giải pháp quyết liệt thì mọi việc sẽ thành công. Bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ của của Trung ương, việc tỉnh tiết kiệm nguồn lực, sự đóng góp của cán bộ công chức, viên chức, và đặc biệt chúng tôi đánh giá rất cao và chân thành cảm ơn sự vào cuộc tích cực, đóng góp của người dân, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu chủ trương liên quan đến quốc phòng an ninh.

Về những vấn đề còn tồn tại, trong báo cáo đã nêu đầy đủ, đặc biệt khai mạc kỳ họp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ. Tôi nhấn mạnh 2 vấn đề tồn tại lớn nhất cần phải khắc phục. Công tác thủ tục hành chính đã quyết tâm rất cao nhưng vẫn còn chậm. Đây là vấn đề người dân, doanh nghiệp bức xúc. Tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải cụ thể, chi tiết từng vấn đề. Liên quan đến môi trường, đây là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề người dân hết sức bức xúc. Bước sang năm 2014 cần chấn chỉnh những tồn tại này.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, có được những kết quả như hiện nay là do sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có sự đóng góp của các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, của nhân dân, góp phần đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013.

Năm 2014, tôi xin nhấn mạnh 2 nội dung. Một là liên quan đến chủ đề chúng ta đã bàn rất nhiều, hai là giải pháp đầu tư như thế nào. Trong báo cáo UBND tỉnh cũng như các vị đại biểu HĐND tỉnh tham gia rất nhiều, đặc biệt là trong chất vấn đã nêu. Trước khi vào vấn đề cụ thể, tôi xin nhắc lại những chỉ tiêu mà chúng ta đề ra trong năm 2014.

Thưa toàn thể các đồng chí.

UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh nghị quyết về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 trên cơ sở bám sát thực tiễn để báo cáo cơ quan chức năng phân bổ kế hoạch. Đối với thu ngân sách của tỉnh, thu ngân sách 2 năm không vượt, có nhiều nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội, suy thái kinh tế nhưng trong đó có lý do là giao ngân sách. Trước đây, giao ngân sách, các cơ quan chức năng của Bộ lấy số thực thu của năm trước (x) tỷ lệ 17 - 24%. Đây là chỉ đạo của các cơ quan chức năng Trung ương. Năm 2013, sau khi giao chỉ tiêu thu ngân sách cho tỉnh, giao cho Cục thuế đề xuất các khoản thu, trong đó có 900 tỷ không biết thu từ đâu vì thu phải có mục, khoản. Trong khi đó, điều kiện kinh tế năm 2013 không thuận lợi hơn năm 2012. Năm nay, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chức năng giao đúng danh mục các khoản thu và phải thu đúng, thu đủ. Nếu giao không đúng thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Đúng, đủ rồi mà địa phương nào không thu đúng thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Năm nay danh mục giao cho tỉnh khác hẳn những năm trước. Giao thu nội địa cho tỉnh là 12.700 tỷ, nghị quyết là 13.600 tỷ,vượt thu số của Trung ương giao là 900 tỷ đồng để thực hiện chi. Việc này phải có khoản, mục. Đối với thu xuất nhập khẩu, tỉnh được giao 18.750 tỷ đồng, chúng ta sẽ giữ nguyên số thu này.

Về vấn đề tăng trưởng, kỳ họp Quốc hội đánh giá năm 2014 có dấu hiệu kinh tế phục hồi. Cụ thể đối với tỉnh ta theo dõi trong 4 quý năm 2013, quý 1 tăng trưởng 5,5%, quý 2 tăng 7,4%, quý 3 tăng 8,2%, quý 4 tăng 8,4%. Do vậy con số 8% là chúng ta thu vào thời điểm quý 4. Bình quân của tỉnh Quảng Ninh là được khoảng 7,5%. Chính vì vậy, năm nay chúng ta đề xuất tăng trưởng từ 8-9% có tính khả thi. Năm 2014 trình với HĐND tỉnh về các chỉ tiêu trên cơ sở bám vào khả năng thực tiễn của tỉnh để phấn đấu hoàn thành trong năm.

Qua theo dõi, tôi thấy rằng, đơn vị ảnh hướng lớn nhất đối với tỉnh là ngành than. Tháng 8-2013, Chính phủ đã đồng ý cho tăng giá than. Tháng 9-2013 đã giảm thuế xuất xuống còn 10%. Do vậy, sẽ chuẩn bị cho năm 2014 tốt hơn cả về giá than, thu và việc bán hàng tốt hơn, đạt được các chỉ tiêu đề ra. Bước vào đầu năm, trên cơ sở có nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ triển khai ngay kế hoạch phấn đấu từng tháng, từng quý đạt được yêu cầu đề ra.

Các nội dung mà các đại biểu cũng như các cử tri rất quan tâm là chủ đề của năm 2014, đó là tinh giản tổ chức bộ máy biên chế và đồng hành với doanh nghiệp. Chủ đề tinh giản tổ chức bộ máy biên chế liên quan rất nhiều đến công tác lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh. Theo kết luận số 64 của Bộ Chính trị cũng như nghị định 29 của Chính phủ, sau khi UBND tỉnh rà soát lại các nội dung liên quan đến các đối tượng trên địa bàn thì thấy có ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta phải có từng bước, lộ trình để thực hiện, đảm bảo thực thi, tạo sự đồng thuận, cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tôi xin thông tin thêm một số thông tin. Đến nay toàn tỉnh có 68.049 người được hưởng lương theo ngân sách. Nếu chia ra theo dân số tỉnh khoảng 1,2 triệu người thì bình quân có 16 người dân thì có 1 người được hưởng lương theo ngân sách, chưa kể các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, ví dụ như: Công an, thuế, kho bạc, toà án, kiểm sát… Bình quân 01 năm phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ là 4.120 tỷ đồng, đây là con số rất lớn. ( trong khi đó Tỉnh lân cận là Hải Dương chi tất cả chỉ có 4.000 tỷ đồng). Chúng tôi đã rà soát thí điểm lại, bình quân 01 xã, phường hiện nay có khoảng 200 người cán bộ hưởng lương. Phường nhiều nhất là phường Hồng Hải, TP Hạ Long có 400 cán bộ hưởng lương. Địa phương ít nhất là xã Thanh Lân của huyện Cô Tô với 82 người được hưởng. 01 xã của huyện Ba Chẽ có 120 hộ với 521 người dân, trong đó có 110 cán bộ được hưởng lương ngân sách. 01 trường Tiểu học – THCS có tới 98 học sinh, 27 thầy cô giáo và 2 bảo vệ. Điều đó chứng tỏ bộ máy thực sự quá cồng kềnh, nhưng không mạnh.

Kết luận 64 của Bộ Chính trị quy định một thôn, khu, khe, bản không quá 03 người được hưởng ngân sách. Toàn tỉnh Quảng Ninh, hiện nay có 12.328 cán bộ không chuyên trách ở thôn, khe, bản. Cán bộ các chi hội, đoàn thể là 15.099 người. Cán bộ các tổ là 3.512 người. Qua sơ bộ ước tính, cán bộ xã không chuyên trách là 2.616 người giảm được 600 người. Cán bộ không chuyên trách ở thôn có 12.328 giảm khoảng 6.250 người. Do vậy, đây là một nội dung hết sức lớn.

Nghị định 29 cơ bản liên quan đến cán bộ không chuyên của các cấp xã, chỉ khoán phụ cấp chứ không chức danh. Do vậy, giải pháp được đặt ra là phải tiếp tục tuyên truyền, triển khai cụ thể công tác này cho tới tận thôn, khu, khe, bản. Trong đó, từng bước thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới địa phương; phải tiến hành rà soát lại biên chế của tỉnh, dứt khoát từ nay sẽ không tăng biên chế tới năm 2016. Về vị trí công việc, cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể phải thực hiện đồng bộ. Đối với công chức thì tự điều chỉnh từ vị trí này sang vị trí kia, từ người điều phối nghỉ hưu, những người chuyển công tác khác bổ sung vào. Các địa phương tự phân bổ, điều chỉnh lượng lao động cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu.

Về nội dung rà soát lại các đơn vị sự nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 162 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, đơn vị hệ thống chính trị; 98 đơn vị thuộc các địa phương có liên quan. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nhìn nhận, khách quan, thực tiễn để xử lý sao cho phù hợp. Trước hết, rà soát lại các đơn vị thực sự trùng lặp, không hiệu quả thì giải thể, sáp nhập. Đối với các đơn vị có khả năng có thu thì không bố trí biên chế mà chuyển thành giao nhiệm vụ, ngân sách trả theo sản phẩm. UBND tỉnh đã quyết định 18 đơn vị sự nghiệp chính thức không thuộc ngân sách. Còn lại sẽ giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Còn lại chúng ta trả theo sản phẩm, từng bước giảm dần hỗ trợ của Nhà nước, đến giai đoạn nào đó chúng ta chấm dứt, chuyển đổi mô hình. Nhiều đơn vị của Nhà nước không thực sự cần nữa thì bàn giao cho tư nhân vào quản lý, khai thác.

Trước đây Trường Trung cấp nông, lâm nghiệp không có học sinh, sau khi tỉnh bàn giao cho Đại học Ngoại thương thì đến nay đào tạo rất tốt, thu hút nhiều học sinh thi vào. Đối với cán bộ xã phải rà soát lại, mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức danh để giảm bớt biên chế, dành nguồn lực chi trả cho những người có năng lực để yên tâm công tác. Đối với cán bộ thôn, khu, bản, chúng ta phải rà soát cụ thể trên cơ sở thực hiện kết luận số 64 của Bộ Chính trị. Trong thời gian qua, cán bộ thôn, khu, bản của chúng ta tham gia vào công tác chính trị, quản lý ở địa phương tương đối tốt, nhưng hiện nay đi vào chi tiết thì có rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Do vậy chúng ta cần phải triển khai rà soát lại đồng bộ nội dung này trên cơ sở đảm bảo tinh giản hiệu quả, lựa chọn cán bộ có năng lực, trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo từ cơ sở. Do vậy đây là nhiệm vụ chính trị mà chúng ta cần phải làm trong năm 2014 để chúng ta chuyển đổi nhận thức và triển khai đồng bộ kết luận số 64 của Bộ Chính trị và Nghị định 29 của Chính phủ đạt kết quả.

Về vấn đề đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua kinh nghiệm trong năm 2013, chúng ta đã giải quyết tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp đã đóng góp cho chúng ta rất lớn, đặc biệt đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, lao động, tăng thu ngân sách… Năm 2014, chúng ta xác định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, trên cơ sở đó chúng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Phương châm của tỉnh Quảng Ninh “hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh Quảng Ninh”. Theo quan điểm của tỉnh, “đồng hành cùng doanh nghiệp” ở đây được xác định là “cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả”. Đơn cử như ngành than, mỗi năm đóng góp cho tỉnh 40% GDP, công nghiệp 60%, đóng góp cho ngân sách trên 63%. Trên cơ sỏ kinh nghiệm của năm 2013, chúng ta tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến ngành than, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, tiền thuê đất, lãi suất vốn vay. Cụ thể, tập trung giải quyết các thủ tục hành chính; xây dựng các cơ chế chính sách; chú trọng giải quyết cho ngành than, sản xuất công nghiệp, hàng tạm nhập tái xuất, vật liệu xây dựng, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tiến hành xúc tiến đầu tư, sớm hoàn thiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; một tháng UBND tỉnh sẽ gặp mặt Hiệp hội các doanh nghiệp một lần để tháo gỡ khó khăn, hướng tới giải quyết cụ thể từng nhóm doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ chỉ đồng hành với các doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật, có năng lực thực sự, còn các doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì cần xử lý kiên quyết. Do vậy các doanh nghiệp cũng chia sẻ cho tỉnh. Thời gian vừa qua, một số dự án bị tỉnh thu hồi vì không triển khai đúng tiến độ phê duyệt.

Vấn đề liên quan đến giải pháp cơ cấu đầu tư, hiện nay tỉnh Quảng Ninh cũng có nguồn thu lớn, đứng thứ 5 toàn quốc và cũng thuộc diện là tỉnh được chi lớn. Thời gian vừa qua, mỗi một năm, tỉnh Quảng Ninh được chi từ 10.000 tỷ đến 13.000 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên bình quân từ 7.000 đến 9.000 tỷ đồng, trong khi đó dân số của Quảng Ninh ít hơn so với các tỉnh bạn rất nhiều, chi đầu tư phát triển từ 3.000 tỷ đến 4.000 tỷ đồng/năm. Theo con số thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, chi cho đầu tư phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2013 đứng thứ 4 toàn quốc với 3.740 tỷ đồng (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng). Qua rà soát lại mấy năm gần đây, năm 2011, tỉnh Quảng Ninh chi cho đầu tư phát triển 3.300 tỷ, đạt 28% trong tổng chi; năm 2012 chi khoảng 3.500 tỷ, đạt 31% trong tổng chi; năm 2013 chi khoảng 3.900 tỷ, đạt 33% trong tổng chi. Năm 2014 dự kiến chi trên 4.100 tỷ, đạt trên 35% tổng chi, đấy là chưa kể các nguồn chi khác nữa.

Thứ nhất để tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển thì phải giảm chi thường xuyên, ngoài việc tiết kiệm thì cần cơ cấu lại nguồn chi cho hợp lý: không chi những trường hợp chưa cấp bách, giảm chi tự chủ, ra soát biên chế các đơn vị sự nghiệp.

Thứ 2 là việc rà soát lại mục tiêu nghị quyết của BCH Đảng bộ và Nghị quyết HĐND cho phù hợp thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó hoãn, giãn các mục tiêu ví dụ như liên quan đến mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục; các công trình trọng điểm về y tế, môi trường, đường cao tốc… Tôi đề nghị chúng ta nên xem xét vấn đề này.

Thứ 3 là tăng cường thu ngân sách, thu đúng, thu đủ trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ 4 là tập trung tranh thủ xin ý kiến, cơ chế của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện Thông báo 108; liên quan đến việc tranh thủ các nguồn vốn tư các hình thức đầu tư BOT, ODA, đầu tư có mục tiêu.

Về cơ cấu đầu tư phát triển, trong đó có các công trình nợ đọng, công trình dở dang, công trình mới, công trình trọng điểm. Tôi đề nghị chúng ta cần có sự nhìn nhận một cách bình tĩnh. Thời gian trước đây việc đầu tư tương đối dàn trải. Kết quả của một quá trình dài cộng với việc phê duyệt nhiều dự án trong thời gian ngắn; các công trình nguồn vốn trung ương nay phải chuyển về ngân sách địa phương; cũng có một số công trình chúng ta đưa vào danh sách công trình trọng điểm song lại chưa nhìn rõ về nguồn lực đầu tư…

Rất nhiều lý do khiến còn nhiều công trình nợ đọng như thế. Ở đây có thể kể tới một loạt công trình như Bệnh viện Sản Nhi, đường tránh TP Hạ Long, đường 18C từ Tiên Yên đi Bình Liêu, Công trình Bảo tàng, thư viện tỉnh… Do tập trung nguồn lực vào những công trình này do đó chưa có đủ nguồn lực để chi trả cho một số công trình khác. Vì tập trung vào những công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn nên các địa phương cũng cần chia sẻ với tỉnh trong việc giải quyết nợ đọng. Do vậy phương hướng được đặt ra là cân đối hài hòa giữa chi trả nợ đọng và đầu tư những công trình trọng điểm mới. Về những công trình dở dang, tôi đề nghị đối với những công trình của tỉnh mà nhiệm vụ chi của tỉnh bàn giao cho địa phương thì tỉnh sẽ chịu trách nhiệm, những công trình địa phương tự quyết định nay còn nợ đọng thì các địa phương tự chịu trách nhiệm.

Giải pháp đối với các công trình trọng điểm, sơ bộ nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm ước tính là 4.030 tỷ; gồm: giải phóng mặt bằng Sân bay Vân đồn 95 tỷ, đường vào sân bay Vân Đồn 700 tỷ, Cung quy hoạch triển lãm 750 tỷ, nhà thi đấu trung tâm thể thao Đông Bắc 930 tỷ, đường vào KCN Hải Hà 500 tỷ, đường vào KCN Việt Hưng 250 tỷ.

Vậy nguồn lực ở đâu để chúng ta triển khai? Hôm nay tôi cũng xin ý kiến trong Hội đồng như sau: Đối với GPMB sân bay Vân Đồn sẽ đề nghị Chính phủ cho phép mở trái phiếu chính quyền địa phương với 100% dư nợ; Về Cung quy hoạch triển lãm sẽ tiến hành đấu giá đất khu vực Cột 3; liên quan đến đường vào các khu công nghiệp chúng ta sẽ tìm nhà đầu tư có năng lực, tiến hành đầu tư vốn trước, nợ vốn sau. Liên quan đến huy động nguồn vốn xã hội, vừa qua chúng ta thực hiện rất thành công (Riêng việc huy động từ người dân và doanh nghiệp cho các công trình năm 2013 là gần 4.000 tỷ). Liên quan đến việc đầu tư cho các di tích thì nhất định phải xã hội hóa. Về phương thức đầu tư sẽ áp dụng phương thức đầu tư công, quản lý tư. Việc này chúng ta cũng đã làm ví dụ như dự án đưa điện lưới ra huyện Cô Tô. Chúng ta sẽ tiếp tục nhân rộng phương thức này đối với một số dự án liên quan đến nước sạch, y tế, trường học.

Đối với trụ sở các cơ quan, chúng ta cũng nên tính đến phương án để doanh nghiệp đầu tư trụ sở, sau đó các cơ quan nhà nước thuê lại. Tôi nghĩ điều này sẽ mang lại hiệu quả cao cho cả hai bên.

Tóm lại liên quan đến nguồn lực đầu tư cần rất nhiều giải pháp và phải thực hiện đồng bộ. Có vậy chúng ta mới đạt được những mục tiêu đã định.

Thưa các đồng chí!

Trước mắt, chúng ta có nhiều nội dung cần phải làm. Song trong năm 2014, tôi đề nghị chúng ta tập trung vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề rất cấp bách liên quan đến tính mạng con người. Đừng trông chờ vào các bộ ngành cấp trên, mà chúng ta cần nêu cao phương châm hành động “Hãy tự cứu lấy mình”. Do đó tôi đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, các địa phương, các ngành vào cuộc, mỗi người dân đều vào cuộc. VSATTP không chỉ liên quan đến người dân mà còn liên quan đến 7 triệu khách du lịch, liên quan đến đầu tư. Vụ ngộ độc rượu vừa qua khiến người dân rất đỗi bàng hoàng và hoang mang. Rất nhiều ngành liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: nông nghiệp, thương mại, y tế… Do đó tôi đề nghị trong phạm vi trách nhiệm của mình, ở mỗi vị trí chúng ta đều làm tốt vấn đề này. Nếu các quý vị đồng ý, ngay đầu tháng 01-2014 UBND tỉnh sẽ triển khai kế hoạch cụ thể để lấy năm 2014 bên cạnh chủ đề lớn là "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giảm bộ máy biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp", chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Chủ đề