Luyện tập viết đoạn văn biểu cảm

, một bài học thực sự thực tế và có ích phải không các em? Vì bài học đó vô cùng quan trọng nên Bộ Giáo dục có sắp xếp thêm một bài luyện tập về phần này để các em có nhiều thời gian hơn để làm quen. Và ở bài viết này, HOCMAI sẽ hướng dẫn các em cách Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm để các em hiểu bài sâu sắc nhất có thể.

Phần I: Từ sự việc và nhân vật đến đoạn văn tự sự có yếu tố miêu tả và biểu cảm

( Sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1 – trang 83)

1. Hướng dẫn cách làm câu b:

Xây dựng một đoạn văn tự sự có sử dụng đan xen trong đó các yếu tố miêu tả và biểu cảm. Các em có thể làm theo các bước sau đây:

– Bước một: Lựa chọn sự việc chính làm nòng cốt: Em giúp đỡ một bà cụ đi qua đường khi đường có nhiều xe cộ và đông người qua lại.

– Bước hai: Lựa chọn ngôi kể: Chọn kể ở ngôi thứ nhất, xưng “em”

– Bước ba: Xác định thứ tự kể hay mạch của truyện:

  • Hoàn cảnh em gặp bà cụ như thế nào?
  • Hình dáng, khuôn mặt, tâm trạng và hành động của cụ lúc ấy ra sao?
  • Em giúp đỡ cụ bằng cách nào? Kể thêm cuộc hội thoại giữa em và cụ.

– Bước bốn: Xác định các yếu tố miêu tả và biểu cảm mà em sẽ dùng trong đoạn văn tự sự này: Đó là bà cụ hành động hoặc cư xử như thế nào? Bà lúng túng, hoang mang, sợ sệt khi qua đường ra sao? (miêu tả). Cảm xúc và thái độ của em khi em chứng kiến bà cụ đang gặp khó khăn như thế? (biểu cảm)…

– Bước năm: Viết thành đoạn văn kể chuyện hoàn chỉnh, kết hợp đan xem các yếu tố miêu tả và biểu cảm sao cho hợp lý.

Bài viết hoàn chỉnh: Khoảng năm giờ chiều tan học, mọi nẻo đường, ngóc ngách đều tắc cứng toàn xe là xe, các phương tiện chen chúc, hối hả để trở về nhà. Em thì đang cùng đám bạn đi bộ trên lề đường, bỗng chúng em nhìn thấy một bà cụ già đang ngó nghiêng nhìn sang phía bên kia đường. Bà cụ tầm tám mươi tuổi, có vẻ như bà đang muốn sang bên kia đường nhưng đường quá đông, bà cụ cứ ngập ngừng bước vài bước rồi lại lùi lại. Em nhìn thấy cụ bà như vậy, em cảm thấy rất thương cụ. Em bèn bước đến bên và hỏi bà cụ: “Bà ơi, bà muốn qua đường phải không ạ?, bà cho phép cháu dẫn bà sang đường nhé”. Bà cười tươi vẻ mừng rỡ: “Thật là may quá cháu ơi, bà cảm ơn cháu, cháu giúp bà qua đường với, bà đứng đây lâu rồi mà vẫn chưa qua nổi, đường đông quá cháu ạ”. Khi đưa bà cụ qua được đường bên kia xong xuôi bà cứ cảm ơn em, em mỉm cười tạm biệt bà rồi lại tiếp tục trở về nhà của mình. Trên đường đi em cứ cảm thấy nao nao, vui vui, mừng rỡ vì mình đã làm được một việc tốt.

2. Bài viết hoàn chỉnh của những câu còn lại:

a) Hôm nay là ngày ba mươi Tết âm lịch, em và chị gái cùng nhau phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cơm cúng cụ, trang trí phòng khách chuẩn bị đón Tết. Không may đang mải lau bàn em lỡ vô ý khua tay vào bình hoa hồng mẹ vừa mới cắm. Chiếc bình hoa rơi mạnh xuống đất vỡ tan tành. Đó là chiếc bình hoa màu xanh ngọc lục bảo, cắm những bông hoa hồng xanh mà mẹ em yêu thích nhất. Em vô cùng sợ hãi và lo lắng, một cảm giác bất an rộn lên cuồn cuộn trong lòng. Dưới sàn nhà bây giờ là những mảnh vụn, nước văng lênh láng, những bông hoa gãy nát chồng chéo lên nhau. Em nhanh chóng tự mình dọn dẹp thật nhanh rồi tìm cách để xin lỗi mẹ. Trái với những điều em lo lắng, khi mẹ biết chuyện thì mẹ chỉ dặn em lần sau cẩn thận hơn, và dọn dẹp những mảnh vụn thật kỹ để không để bị dẫm vào chân. Em thầm cảm ơn mẹ nhiều vì đã tha thứ, bao dung với em, và tự hứa từ nay bản thân sẽ chú ý, cẩn thận hơn, không hậu đậu làm đổ vỡ đồ đạc nữa.

c) Trong các món quà mà em đã được nhận thì có lẽ chiếc xe đạp mini màu hồng mới được tặng trong dịp sinh nhật lần thứ mười bốn là em yêu thích nhất. Nhà em cách trường một đoạn khoảng hai cây số, thường ngày em vẫn phải đi bộ đi học. Gia đình em lại có chút khó khăn, mơ ước của em là có được một chiếc xe đạp của riêng mình để đi học nhanh hơn, có thể đi đến nhiều nơi hơn, đi mua đồ hoặc đưa đồ phụ đỡ bố mẹ. Trong ngày sinh nhật hôm đó, khi em đi học về thì thấy nét mặt bố mẹ tươi vui một cách lạ thường, bố mẹ dặn em mời các bạn tối sang nhà mình ăn sinh nhật. Bố mẹ đã mua sẵn bánh kẹo, nước ngọt và hoa quả mà em thích. Buổi tối trong khi mọi người đang vui vẻ hát vang bài hát chúc mừng ngày sinh nhật thì bố mẹ che mắt em lại, rồi mọi người dẫn em ra ngoài sân. Khi mở tấm vải che mắt ra, em đã rất ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết, tim đập rộn ràng khi trước mặt là một cái xe đạp quá trời đẹp, cái xe đạp mà hàng ngày em chỉ dám ngắm nhìn từ xa. Bố mẹ nói vì em ngoan ngoãn, vâng lời, chăm chỉ, siêng năng, học giỏi nên đã dành dụm tiền tặng cho em. Em vô cùng cảm động và trân trọng món quà này, thầm hứa với bố mẹ rằng em sẽ giữ gìn nó cẩn thận.

Phần II: Luyện tập

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1 – Trang 84):

Em hãy đóng vai ông giáo kể lại cái giây phút lão Hạc sang nhà báo tin:

Buổi sáng hôm ấy, khi đang ngồi chăm chú đọc sách trước hiên nhà thì tôi bỗng thấy lão Hạc lại nhà. Lúc đó tôi thầm nghĩ bụng: chắc lại là chuyện con chó, ngày nào lão chẳng kể rằng lão sắp bán thế mà lão đã nỡ bán nó đâu. Lão Hạc bước nhanh chóng vào đến trước sân, điệu bộ vẻ gấp gáp hơn mọi ngày, tôi dự là đã xảy ra chuyện gì đó. Vừa nhìn thấy tôi, lão liền kể ngay: “Tôi vừa mới bán cậu Vàng rồi, họ vừa tới bắt xong”. Lúc ấy tôi giật mình, cuối cùng lão cũng đành phải bán thật rồi, tôi lấy làm thương xót cho lão. Nhìn khuôn mặt mếu máo của lão như sắp khóc, giọng điệu có phần run run, tôi cảm thấy xót xa, chắc hẳn lão phải tiếc con chó lắm, nó đã ở bên cạnh lão, như người thân trong gia đình của lão suốt mấy năm qua. Lão ngồi kể về việc sáng nay người ta tới bắt chó như thế nào và nói rằng lão đang cảm thấy rất hối hận, tôi cũng ái ngại thay cho lão. Tôi thương xót một con người tốt bụng, hết mực thương con, chăm chỉ nhưng lại phải sống cô đơn, nay lại phải bán đi cậu Vàng đang ngày ngày bầu bạn với mình.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1 – Trang 84):

– Nhờ có sự kết hợp tinh tế đan xen giữa yếu tố miêu tả và biểu cảm mà tác giả:

  • Khắc họa rõ nét một cách đặc sắc hình tượng lão Hạc và diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của nhân vật.
  • Qua đó giúp người đọc cảm nhận rõ ràng, sâu sắc nỗi đau, sự dằn vặt, sự uất hận tới tột cùng trong cảm xúc khi lão phải bán “cậu Vàng”.
  • Đã chỉ ra được hai lớp biểu cảm của nhân vật “tôi” và của lão Hạc.

– Đoạn văn mà có sự kết hợp giữa yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm:

  • Trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão và òa lên khóc.
  • Mặt lão đột nhiên co rúm lại,.. Những nếp nhăn xô lại với nhau,.., Cái đầu lão ngoẹo về một bên,..

Bài viết tham khảo thêm:

  • Soạn bài Đánh nhau với cối xay gió của Xéc-van-tét
  • Soạn bài Tình thái từ

Vậy là chúng ta đã cùng nhau làm xong bài Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm rồi. Lại một lần nữa các em học sinh được ôn luyện cách để sử dụng yếu tố biểu cảm và yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự. HOCMAI mong rằng tới bài này, các em đã có thể hiểu bài một cách sâu sắc. Để tìm thêm những bài soạn văn khác, các em hãy chủ động truy cập website