Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa mới nhất năm 2024

Phát biểu tại hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là công việc rất quan trọng và cần thiết. Hội thảo công tác chuyên môn sẽ là nơi để các đơn vị chuyên môn trong Tổng cục TĐC đóng góp những ý kiến và phát huy được trí tuệ tổng thể trong việc sửa đổi và bổ sung Luật.

Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa mới nhất năm 2024

Chia sẻ đề xuất các chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại hội thảo chuyên môn, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, hiện nay có 5 nhóm chính sách bao gồm: nhóm chính sách thứ nhất là đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhóm chính sách thứ hai là ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; nhóm chính sách thứ ba là thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế; nhóm chính sách thứ tư là tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; nhóm chính sách thứ năm là tăng cường tính hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Trong các nhóm chính sách trên, hiện còn nhiều bất cập và khó khăn, trong đó, nhóm chính sách thứ nhất về xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 gặp bất cập trong ban hành danh mục, cùng với đó là không rõ cơ sở khoa học công nghệ và chuyển từ nhóm 2 thành nhóm 1.

Chính sách thứ hai ứng dụng công nghệ gặp bất cập trong mã số mã vạch chỉ là một trong nhiều công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và ghi nhãn điện tử. Nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan,...) cũng ứng dụng công nghệ, trong đó mã số mã vạch để quản lý chất lượng và ghi nhãn điện tử. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Chính sách thứ ba gặp bất cập trong hoạt động đánh giá sự phù hợp, chồng chéo về quản lý chất lượng. Chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các bộ ngành; chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài; chưa có quy định cách xử lý. Việc quy định đăng ký hiện nay chưa phù hợp với chuyển đối số và chưa quy định quản lý hoạt động đào tạo đánh giá sự phù hợp.

Chính sách thứ tư gặp bất cập trong việc triển khai còn hạn chế; việc bố trí vị trí việc làm, chuyển xếp lương còn nhiều vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể. Đội ngũ công chức kiểm soát viên chất lượng còn mỏng, hàng năm số lượng không được tăng thêm do chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ. Quy định ít nhất 50% số thành viên tham gia Đoàn kiểm tra là kiểm soát viên chất lượng; nhiều địa phương không còn Chi cục TĐC.

Chính thứ năm bất cập về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước; về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; về công tác thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa tại bộ, ngành và địa phương. Một số văn bản quy phạm pháp luật có các quy định không thống nhất: thủ tục thông quan, cán bộ hành chính; xử phạt vi phạm hành chính; phí và lệ phí; thanh kiểm tra; quản lý chất lượng hàng hóa trong kinh doanh thương mại điện tử.

Qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng nhu cầu thay đổi, hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, tự do hóa thương mại và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hội thảo công tác chuyên môn đã đưa ra các giải pháp trong việc sửa đổi và bổ sung luật phù hợp cho bối cảnh hiện nay.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 21/11/2007, Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) số 05/2007/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008.

Qua hơn 14 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, thời kỳ tự do hóa thương mại và sự thực thi của các Hiệp định thương mại tự do.

Việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật CLSPHH, các thông lệ quốc tế còn chưa được triển khai triệt để. Một số bộ, ngành chưa tách biệt hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động đánh giá sự phù hợp. Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa phát sinh trong thực tế.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG) mặc dù là hoạt động giải thưởng duy nhất được quy định ở cấp Nghị định, tuy nhiên chưa thực sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị của giải thưởng.

Hoạt động mã số, mã vạch (MSMV) chưa phát huy được tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh được việc khai thác dữ liệu MSMV, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai MSMV cho doanh nghiệp.

Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi việc đặt sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam là trọng tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh với vai trò kiến tạo của Chính phủ.

Ngược lại, việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cũng được thể hiện thông qua sự cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo và bảo vệ. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau của nhân dân. Sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn được kiểm soát, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập vẫn là công việc được liên tục tiến hành.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà trọng tâm là Luật CLSPHH cũng cần được đánh giá một cách toàn diện để không chỉ đáp ứng các nghĩa vụ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia mà còn phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới. Một số nội dung của Luật CLSPHH cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

7 chính sách của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Mục đích xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định ASEAN…

Đồng thời, cũng sẽ rà soát, sửa đổi những điều khoản, quy định có vướng mắc lớn, chưa phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn hơn 14 năm thi hành Luật, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để đạt được các mục tiêu trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn.

Chính sách 1: Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Chính sách 2: Bổ sung nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch.

Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng.

Chính sách 5: Thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP.

Chính sách 6: Bổ sung nội dung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI).

Chính sách 7: Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan khác tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thông lệ quốc tế.