Liệt kể các nhân vật xét về vai xã hội trong phim lão Hạc

Liệt kể các nhân vật xét về vai xã hội trong phim lão Hạc

Tham khảo thêm:

Soạn bài Tức nước vỡ bờ

Soạn bài xây dựng đoạn văn trong văn bản

I. Soạn bài Lão hạc: Tìm hiểu chung 

1.1 Tác giả

Tác giả Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ. Một nhà văn hiện thực lớn thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, một nhà báo kháng chiến thời điểm sau Cách mạng. Tác giả Nam Cao được đánh giá là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

* Tiểu sử:

– Nam Cao –  tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1917 – mất năm 1951

– Quê quán:  làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam)

– Thuở nhỏ học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học

– Do thể chất yếu nên ông phải về nhà chữa bệnh và cưới vợ

– Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn làm thư ký cho một hiệu may

– Sau đó trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội

– 1943: tham gia vào Hội Văn hóa cứu quốc

– 1945: tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã

– 1946: tham gia vào Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc

– 1948: tham gia vào Đảng Cộng Sản Việt Nam

– 1950: làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại toà soạn tạp chí Văn nghệ

* Sự nghiệp văn học

– Quan điểm sáng tác

+ Quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” “: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”

+ Tác phẩm “phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng” và “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”.

– Tác phẩm chính

+ Những tác phẩm của ông thường gắn liền với hình ảnh người nông dân Việt Nam thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám.

+ Ông để lại một khối lượng lớn tác phẩm giá trị với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: “Sống mòn”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “ Giăng sáng”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Đôi mắt”, …

– Phong cách nghệ thuật

+ Luôn đề cao con người: Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, ông hứng thú với việc khám phá “con người trong con người”.

+ Đào sâu khám phá nội tâm nhân vật

+ Thường viết về những điều nhỏ nhặt nhưng lại mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc

+ Phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh độc đáo, đặc trưng

* Vị trí và tầm ảnh hưởng

– Là một nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại.

– Nhà văn hiện thực nhân đạo xuất sắc của thế kỉ XX. Tác giả Nam Cao đã đưa chủ nghĩa hiện thực một bước đột phá lên tầm cao mới: chủ nghĩa hiện thực tâm lý.

– Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật vào năm 1996.

1.2 Tác phẩm

Xuất xứ: 

Lão Hạc là một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết vào năm 1943. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn, để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả và đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, phim,… Tác phẩm lột tả nỗi cùng cực của người nông dân lam lũ thời thực dân nửa phong kiến, qua đó tố cáo tội ác tàn bạo của chế độ xã hội cũ. Tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh đầy đủ được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. 

Tóm tắt: 

Lão Hạc là một người nông dân nghèo, vợ ông đã mất sớm, đứa con trai duy nhất của ông  vì không có tiền để lấy vợ nên bỏ đi làm ở đồn điền cao su. Lão cứ vậy sống một mình trong nghèo khổ, cô độc chỉ với một chú chó tên là cậu Vàng để bầu bạn qua ngày tháng. Sau một trận ốm nặng, lão  không còn đủ sức để đi làm thuê như trước được nữa. Cuối cùng, lão đưa ra quyết định bán đi cậu Vàng – người thân cận duy nhất của Lão. Sau đó lão đem tiền và mảnh vườn gửi cho ông giáo để lo ma chay – một người trí thức nghèo thường hay sang nhà lão. Lão nói dối với Binh Tư xin bả chó và rồi tự kết liễu đời mình. Cuối cùng lão Hạc chết trong cơn đau quằn quại dữ dội, không một ai hiểu nguyên nhân câu chuyện về cái chết bất ngờ của Lão, ngoại trừ Binh Tư và ông giáo.

Giá trị nội dung:  

Truyện ngắn thể hiện một cách chân thực và cảm động số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ từ đó làm nổi bật phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Đồng thời, tác phẩm còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn Nam Cao dành cho người nông dân và tài năng nghệ thuật xuất sắc của ông; đặc biệt trong việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện mang dấu ấn đặc trưng.

Giá trị nghệ thuật

Nam Cao đã thể hiện tài năng nghệ thuật của mình trong việc khắc họa hình ảnh nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể chuyện giản dị, tự nhiên chân thực – “rất đời” với giọng điệu linh hoạt và tình huống độc đáo.

Bố cục:

+ Đoạn 1: Từ đầu…”Tôi bây giờ có làm được gì đâu” → Lão Hạc kể về cuộc sống của Lão và dự định bán cậu Vàng

+ Đoạn 2: “Hôm sau Lão hạc sang nhà tôi…thế nào rồi cũng xong → Lão Hạc kể chuyện bán cậu Vàng và nhờ ông giáo hai việc…(sắp xếp trước cho cái chết của mình). Ông giáo an ủi lão Hạc

+ Đoạn 3: “Luôn mấy hôm…một sào” → Cuộc sống của Lão Hạc sau đó qua lời kể của ông giáo, thái độ của Binh Tư và ông giáo. Cái chết của Lão Hạc.

II. Soạn bài Lão Hạc: Hướng dẫn đọc hiểu

Câu 1 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Hãy phân tích diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán cậu vàng. Qua đó nhận xét lão Hạc là người như thế nào?

Hướng dẫn giải 

* Tình cảm của lão Hạc dành cho cậu Vàng:

– Trân trọng khi gọi con chó là cậu Vàng

– Làm bạn với cậu Vàng để khuây khỏa, coi như một người thân cận duy nhất

– Đối xử với cậu Vàng như đối xử với người thân: cho ăn trong bát, gắp thức ăn cho, chửi yêu, cưng nựng…

* Tình thế khốn cùng khiến lão Hạc phải bán cậu Vàng:

Sau trận ốm cộng với cơn bão đi qua khiến tình cảnh của lão Hạc “đói deo đói dắt”

* Sau khi bán “cậu Vàng”

– Lão cố làm ra vui vẻ, cười như mếu

– Đôi mắt lão ầng ậng nước

– Mặt … co rúm, vết nhăn xô lại, ép …nước mắt

– Cái đầu ….ngoẹo, miệng móm mém…mếu

– Lão hu hu khóc

Những từ tượng hình, từ tượng thanh → Thể hiện tâm trạng đau khổ tột cùng

– “Thì ra tôi già…lừa một con chó” → Thể hiện thái độ chua chát, ngậm ngùi, mặc cảm khi cảm thấy mình là kẻ có tội

⟹ Qua đó cho thấy lão Hạc là người hiền lành và sống rất tình nghĩa chính vì vậy lão cảm thấy vô cùng đau xót, dằn vặt lương tâm khi bán cậu Vàng.

Câu 2 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Bạn hiểu thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc. Qua những điều lão Hạc thu xếp và nhờ cậy ông giáo rồi sau đó mới tìm đến cái chết, đưa ra suy nghĩ gì về tình cảnh, tính cách của lão Hạc?

Hướng dẫn giải

* Những việc làm và kế hoạch lão Hạc sắp xếp trước khi chết

– Sắp xếp nhờ ông giáo:

+ Giúp giữ hộ ba sào vườn cho con trai

+ Giúp gửi 30 đồng để lo hộ đám tang cho mình

+ Duy trì cuộc sống cầm cự: ăn khoai, củ chuối, sung luộc, rau má, củ ráy, bữa trai bữa ốc.

– Từ chối mọi sự giúp đỡ từ mọi người

=> Coi trọng bổn phận làm cha, coi trọng danh giá làm người cho đến những ngày cuối đời.

* Về cái chết của lão Hạc

– Nguyên nhân:

+ Tình cảnh đói khổ túng quẫn đến đường cùng (đó cũng là số phận cơ cực đáng thương chung của những người dân nghèo trước Cách mạng tháng 8)

+ Tâm nguyện muốn bảo toàn căn nhà, mảnh vườn cho con; bản thân không muốn gây phiền hà cho hàng xóm láng giềng.

– Về cái chết bất ngờ dữ dội và bi thảm của lão Hạc

“…lão Hạc…vật vã, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra…giật mạnh…lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết”.

⇒ Lão Hạc rất nghèo, lại già yếu ốm đau, không còn đủ sức khỏe để làm thuê được nữa. Chỉ có duy nhất mảnh vườn và dành dụm được một món tiền nhỏ từ việc bòn vườn nhưng cuối cùng lão quyết định dành tất cả cho đứa con trai, lão chỉ ăn củ khoai, chuối,… cầm cự sống qua ngày. Trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, lão đưa ra quyết định tự tử, một quyết định âm thầm nhưng quyết liệt. Trước khi tự tử lão đã lên kế hoạch sắp xếp cẩn thận nhờ cậy ông giáo đứng tên trông nom mảnh vườn để sau này sẽ trao lại cho con trai,… Vậy ra lão Hạc quyết định hy sinh để bảo vệ mảnh vườn cho người con trai mà lão tin rằng sớm sẽ trở về. Đó là sự hy sinh cảm động của người cha.

Cũng vì rất tự trọng, lão dù có chết đói cũng nhất quyết không chịu nhận sự giúp đỡ của bất cứ ai. Khi quyết định tự tử, cùng với lòng tự trọng cao và nhân cách trong sạch, lão không muốn phiền lụy hàng xóm mà tiền làm ma chay sau khi ông chết cũng đã gửi ông giáo từ trước.

Câu chuyện của lão Hạc lột tả rõ số phận, nhân phẩm của tầng lớp nông dân nghèo trước Cách mạng tháng 8: toàn những nghèo khổ, bế tắc, cùng đường nhưng vẫn giàu tình yêu thương và lòng tự trọng. Qua đó, tố cáo quyết liệt chân thực sự tàn ác, bất nhân của chế độ thực dân – phong kiến.

Câu 3 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1 : Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi”- “ông giáo” đối với lão Hạc như thế nào?

Hướng dẫn giải

* Tình cảm đối với lão Hạc

– “Tôi muốn ôm choàng lấy lão mà khóc”

– Giữ hộ lão Hạc mảnh vườn và ba mươi đồng bạc

– Khi nghe chuyện lão Hạc muốn bán chó thì dửng dưng, thờ ơ

– Khi lão Hạc khóc vì bán chó thì cảm thông, chia sẻ “muốn ôm choàng lấy lão mà khóc”, muốn giúp đỡ

– Khi nghe Binh Tư kể lão Hạc xin bả chó: nghi ngờ, thoáng buồn

– Khi chứng kiến cái chết của lão Hạc thì đau xót, kính trọng nhân cách, tấm lòng của con người bình dị

⇒ Đồng cảm, xót thương cho hoàn cảnh của lão Hạc, luôn muốn tìm cách giúp đỡ, an ủi và bày tỏ lòng quý trọng với nhân cách của lão Hạc.

⟹ “Ông giáo” như một người bạn tâm giao của lão Hạc, ông hiểu sâu sắc và đồng cảm, kính trọng lão Hạc

Câu 4 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để định bắt một con chó hàng xóm thì “ông giáo” cảm thấy “cuộc đời quá thật đáng buồn”. Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc ‘‘ông giáo” lại nghĩ: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Trình bày ý hiểu ý nghĩ đó của nhân vật “tôi”-“ông giáo”

Hướng dẫn giải

– Khi nói chuyện với Binh Tư

+ “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”

+ Buồn vì: đói nghèo có thể đổi trắng thay đen, biến một người lương thiện như lão Hạc có thể trở thành kẻ trộm cắp như Binh Tư

+ Buồn vì: một con người như lão Hạc mà đành phải biến chất vì không còn tìm đâu ra miếng ăn tối thiểu hàng ngày

– Khi chứng kiến lão Hạc chết

+ “Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn”

Vì không có gì có thể hủy hoại được nhân phẩm của con người lương thiện như lão Hạc và ta có quyền hy vọng tin tưởng vào con người.

+ “Hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”

Vì người tốt như lão Hạc mà đành hoàn toàn vô vọng, phải tìm đến cái chết đau đớn như một sự giải thoát tự nguyện và bất đắc dĩ như vậy.

– Thêm đoạn khi nói chuyện với vợ:

+ “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ…không bao giờ ta thương” → Đây là đoạn triết lý về cuộc đời xen lẫn cảm xúc trữ tình xót xa.

=> Khẳng định thái độ sống, một cách ứng xử mang tinh thần nhân đạo: Cần phải quan sát, suy nghĩ và nhìn nhận con người sống xung quanh mình bằng lòng đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương.

Nêu ra một phương pháp đúng đắn, sâu sắc khi đánh giá một con người: phải biết đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể của người khác thì mới có thể hiểu và cảm thông đúng đắn, đừng vội kết tội cho bất cứ ai chỉ qua một sự việc nào đó.

Có thể thấy ông giáo là người hiểu đời, hiểu người, chan chứa tình yêu thương con người và lòng nhân ái sâu sắc. Một người trọng nhân cách và luôn đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người.

Câu 5 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Theo em, cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở những điểm nào? Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng như thế nào? Cách xây dựng nhân vật có gì đặc sắc? Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) có hiệu quả nghệ thuật gì?

Hướng dẫn giải

– Cái hay, hấp dẫn ở truyện nằm ở việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện:

+ Diễn biến tâm lý của lão Hạc xung quanh chuyện bán chó

+ Sự thay đổi thái độ, tình cảm của ông giáo từ dửng dưng đến cảm thông, chia sẻ, kính trọng

+ Nghệ thuật phân tích tâm lí già dặn, kể chuyện chân thực, màu sắc trữ tình đan xen triết lý sâu sắc.

– Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng làm sáng tỏ nhân cách của lão Hạc giúp đọc giả trải qua từng cung bậc diễn biến tâm lý của nhân vật và đồng cảm trọn vẹn với cuộc đời, câu chuyện của họ.

– Cách xây dựng nhân vật đặc sắc khi cả hai nhân vật đều có vẻ đẹp của nhân cách, phẩm giá dù họ có những nỗi khổ riêng:

+ Lão Hạc giàu tình thương, lòng tự trọng, trung thực

+ Ông giáo tử tế, hiểu đời, hiểu người, biết chia sẻ, đồng cảm.

– Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) đưa đến hiệu quả nghệ thuật độc đáo: Nhân vật “tôi” kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện nhưng lại nhập vai vào các nhân vật khác nhau nên tác phẩm trở nên đa dạng với nhiều giọng điệu, không còn đơn điệu.

=> Sử dụng ngôi kể thứ nhất, khi người kể là nhân vật chứng kiến toàn bộ câu chuyện dẫn tới sự cảm thông với lão, giúp người đọc cảm nhận được sự chân thực về mặt cảm xúc.

Câu 6 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Trình bày ý hiểu về ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn.

Hướng dẫn giải

“Chao ôi ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn ; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương ; không bao giờ ta thương […]. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.

Đây là phát hiện sâu sắc, một đoạn triết lý về cuộc đời xen lẫn cảm xúc trữ tình xót xa:

+ Phải thực sự am hiểu, trân trọng con người mới có thể khám phá ra những nét tốt đẹp tiềm ẩn của con người.

+ Con người chỉ bị những đau khổ che lấp đi bản tính tốt đẹp, cần phải “tìm hiểu và đồng cảm” với họ.

+ Phải khi đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của người khác để hiểu, để cảm thông và chấp nhận họ.

=> Là cách ứng xử nhân hậu, tình nghĩa xuất phát từ sự yêu thương con người.

Câu 7 trang 48 sgk Ngữ văn 8 Tập 1

Đề bài: Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu gì về cuộc sống và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ?

Hướng dẫn giải

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” và truyện ngắn “Lão Hạc” là hai tác phẩm phản ánh chân thực nhất về cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ.

Trước cách mạng tháng Tám, số phận của tầng lớp nông dân gặp nhiều đau khổ bất hạnh, họ là người sống khổ cực và bị áp bức bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ vẫn có những phẩm chất đáng quý là sự trong sạch, lương thiện, giàu tình yêu thương. Họ sẵn sàng quyết liệt phản kháng với số phận, với tầng lớp thống trị hoặc thậm chí dám chọn cái chết để giữ gìn phẩm chất trong sạch của mình. Điều đó cho chúng ta thấy: người nông dân trong xã hội cũ mang trong mình một sức mạnh tiềm tàng, họ không giàu có về mặt vật chất nhưng họ giàu có về tình cảm, sáng ngời những phẩm chất cao quý.

Hy vọng rằng tài liệu soạn bài “Lão Hạc” này sẽ giúp ích cho bạn trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. 

Chúc các bạn có bước soạn bài thật tốt để chuẩn bị và soạn bài Lão Hạc hiệu quả nhất, tiếp thu nhanh nhất kiến thức thầy cô giảng trên lớp! 

Liệt kể các nhân vật xét về vai xã hội trong phim lão Hạc