liên hệ bản thân về chính sách dân tộc, tôn giáo

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt trong những năm gần đây do sự phát triển của nền kinh tế cùng với sự du nhập, giao thoa của nền nhiều nền văn hóa đã tạo ra những tác động lớn trong mối quan hệ dân tộc  tôn giáo. Điều này đòi hỏi công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước phải sớm nắm bắt được những tác động, những biến đổi này để có giải pháp khắc phục.

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương nhất quán để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này được thể hiện trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 16 dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người. Đây là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, là nhóm dân tộc dễ bị tụt hậu nhất trong quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên nhờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì khoảng cách giữa các nhóm dân tộc ở nước ta ngày càng thu hẹp. Những sự thay đổi này trước hết phải nhìn vào sự thay đổi của cuộc sống các dân tộc thiểu số, miền núi.

Ở các vùng miền núi, nơi tập trung nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các vùng khác được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ phát triền kinh  xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tính từ năm 2010 đến nay, Chính phủ ta đã thông qua hàng loạt chính sách với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Hai lĩnh vực được được ưu tiên chú trọng phát triền là hỗ trợ về giáo dục và hỗ trợ phát triền kinh tế  xã hội thể hiện trong Quyết định số 2123/QĐ-TTg năm 2010, Nghị định số 57/2017/NĐ-CP và Quyết định số 2086/QĐ-TTg năm 2016.

Nhờ vào những chính sách trên cuộc sống của người dân tộc thiểu số đã có những thay đổi rõ rệt và không ai bỏ lại phía sau. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng hiện đại và khang trang hơn. Về giáo dục thì trẻ em được đến trường, được đảm bảo môi trường học tập và nâng cao chất lượng y tế tại các địa bàn khó khăn.

Có thể kể đến như tại Hà Giang, tỉnh đã thực hiện Quyết định 2086 và trong 2 năm 20192020 đã bố trí 73 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống và các hoạt động bình đẳng giới.

Theo Chương trình Bảo vệ và Phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021  2030 tại Quyết định số 499/QĐ-TTg thì chương trình đã hỗ trợ cải thiện tình trạng tụt hậu, kém phát triển của các dân tộc thiểu số rất ít người, giảm tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, bảo đảm sự đồng đều giữa các dân tộc.

Giải pháp:

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của công tác dân tộc, xây dựng chương trình hành động để thực hiện thắng lợi chính sách đại đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đảm bảo tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát triển kinh tế  xã hội tại các vùng miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Tiếp tục chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, y tế, văn hóa và giáo dục.

Có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, nhiều bộ, ngành để xây dựng chính sách phù hợp, thực hiện có hiệu quả và đảm bảo sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo kịp sự phát triển của đất nước.

Tăng cường cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số:

Trong những năm gần đây công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên do việc cụ thể hóa còn chậm thống nhất nên chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn bộc một số hạn chế, bất cập. Tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương còn thấp do công tác tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số còn thiếu tầm nhìn và định hướng chiến lược.

Giải pháp:

Tăng cường bồi dưỡng, giáo dục để người dân tộc thiểu số nỗ lực học tập, rèn luyện để trưởng thành, chống tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước.

Xây dựng cơ chế tuyển dụng người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan đặc thù thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cần quy định rõ tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan nhà nước, tại các huyện, tỉnh có tỉ lệ dân số là người tộc thiểu số cho tương xứng.

Tăng cường công tác bồi dường kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế, xây dựng đề án đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đặc biệt là ở cấp xã để bổ sung cán bộ làm công tác dân tộc.

Xây dựng cơ chế tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bình đẳng giới và lan tỏa những tấm gương phấn đấu học tập, rèn luyện để tăng cường vận động ý thức tự giác, tự học tập, tu dưỡng của cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Vai trò của báo chí với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta không ngừng vận dụng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí, tuyên truyền. Việc này có ý nghĩa rất quan trong trong việc tuyên truyền và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ủy ban dân tộc đã thực hiện cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến nay chính sách báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được tăng cường, nhiều người dân đã được kịp thời tiếp nhận, cập nhật thường xuyên về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật.

Ngoài ra, các báo, tạp chí còn giúp truyền bá tri thức, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống và tuyên truyền người dân tuân thủ, sống, học tập và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, theo pháp luật.

Giải pháp:

Tiếp tục công tác vận động người dân đặc biệt là dân tộc thiểu số ở miền núi tích cực học tập, rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua công tác tuyên truyền trên các báo, tạp chí.

Biên tập các báo, tạp chí theo hướng ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí của từng dân tộc thiểu số, từng vùng trên đất nước. Đồng thời cũng phải trình bày một cách đúng khuôn khổ, hấp dẫn, kết hợp ảnh và cỡ chữ để người dân dễ dàng tiếp thu thông tin được truyền tải.

Các thông tin trên các báo, tạp chí phải đúng, đủ, chính xác, đưa ra kịp thời những thông tin về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao ý thức cảnh giác, tuyên truyền cho đồng bào không gây mất ổn định an ninh và trật tự xã hội, không nghe kẻ xấu xúi giục.

Rà soát lại để cắt giảm đầu số báo không phát huy hiệu quả, tăng cường những đầu số báo có chất lượng nội dung tốt, hình thức thể hiện phù hợp với trình độ dân trí, phong tục, lao động, sản xuất của đồng bào.

Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước

Để đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân thì Đảng, Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến công tác tôn giáo, tạo được khối đại đoàn kết dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đề cao yếu tố văn hóa trong quan hệ ứng xử với mình, với người, với việc. Tư tưởng của Người là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khối đại đoàn kết tôn giáo, đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc.

Người đã sử dụng yếu tố văn hóa để giao lưu, đối thoại với đồng bào tôn giáo nhằm giải quyết những mâu thuẫn, khác biệt phát sinh. Điều này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước và đã đạt được những thành quả nhất định trong lĩnh vực công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đem chính sách pháp luật về tôn giáo đến với mọi người dân, đặc biệt là người dân có đạo.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước tiếp tục được phát huy. Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp chính quyền động viên đồng bào dân tộc nhiệt tình tham gia sự nghiệp đổi mới, làm tốt việc đạo cũng như nghĩa vụ công dân, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.

Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là nội dung cốt lõi trong quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 đã đã ghi nhận rõ là mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tôn giáo đã Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Đồng bào tôn giáo cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ đất nước, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Đảng và Nhà nước chấp nhận những giá trị tốt đẹp của tôn giáo vào hệ giá trị xã hội, phát huy giá trị tôn giáo góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bộ hóa với hệ thống chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước nói chung trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thể hiện sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo trong điều kiện đất nước hiện nay.

Giải pháp:

Phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đồng bào có đạo là một bộ phận không thể thiếu. Quan tâm giải quyết nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Khuyến khích phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo.

Ngăn chặn, làm thất bại những luận điệu sai trái, gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Các cấp chính quyền thông qua chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cần tuyên truyền cho đồng bào có đạo hiểu, tuân thủ pháp luật. Quan tâm bảo đảm lợi ích của đồng bào tôn giáo được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh, chính đáng của họ.

Khuyến khích phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là giá trị nhân văn, hướng thiện của tôn giáo. Động viên tín đồ, chức sắc tôn giáo phát huy những mặt tích cực, giá trị văn hóa của tôn giáo, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào tôn giáo.

Phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, những người có công với Tổ quốc và nhân dân, đây cũng chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Định hướng cho các tôn giáo, tín ngưỡng đoàn kết, gắn bó với nhau đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm lý, tâm linh của người dân.

Nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hoạt động trái pháp luật, gây chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc.

Tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Mối quan hệ Dân tộc  Tôn giáo trong giai đoạn hiện nay

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều biến động lớn, làm xuất hiện những biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc  tôn giáo.

Sự du nhập của các tôn giáo, đặc biệt là du nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khiến cho mối quan hệ dân tộc  tôn giáo ở những vùng dân tộc thiểu số có nhiều biến đổi. Làm hình thành nên các cộng đồng dân tộc  tôn giáo. Các giá trị tôn giáo trước đây được quy ước trong phạm vi dòng họ, tộc người thì bây giờ thông qua sự du nhập của các tôn giáo lớn thì tôn giáo gắn kết các nhóm tộc người.

Sự gắn kết giữ dân tộc và tôn giáo đã tạo điều kiện cho các dân tộc mở rộng giao lưu với các tộc người khác. Các giá trị tôn giáo là yếu tố gắn kết cộng đồng, tạo ra mối liên kết theo dạng tộc người  tôn giáo.

Trong mối quan hệ dân tộc  tôn giáo thì mối quan hệ này có thể là yếu tố góp phần vào sự ổn định chính trị  xã hội hoặc cũng có thể làm rạn nứt các mối quan hệ cộng đồng. Hiện tượng một bộ phận người dân tộc cải đạo do tác động của các tôn giáo lớn du nhập đã dẫn đến những xáo trộn lớn trong quan hệ tộc người, trong các mối quan hệ truyền thống của người dân tộc thiểu số có đạo.

Người dân tộc thiểu số có đạo thường có mối liên kết cộng đồng chặt chẽ theo truyền thống gia đình  dòng họ  làng bản. Sự suy giảm về về vai trò của trưởng họ, già làng, trưởng bản đã làm cho sự kết nối niềm tin tôn giáo có sự thay đổi lớn, đôi khi gây nên những mâu thuẫn với các thành viên không theo đạo.

Sự xuất hiện của các tôn giáo mới ngoài việc gắn kết các giá trị văn hóa thì còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiều người dân tộc thiểu số bị các thế lực thù địch lợi dụng, gây tác động xấu đến niềm tin của một bộ phận người dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động đến mối quan hệ dân tộc  tôn giáo do đó cần đẩy mạnh công tác dân tộc tôn giáo để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời nâng cao nhận thức về pháp luật và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới.