Lập bảng kết quả nghiên cứu hồ sơ

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động năm 2019

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động năm 2019

NỘI DUNG TƯ VẤN​

1. Các bước nghiên cứu hồ sơ của người tư vấn:

1.1 Sắp xếp hồ sơ

Hồ sơ sẽ được sắp xếp theo bút lục của tòa án hoặc theo thứ tự thời gian và chú ý rằng người tư vấn sẽ phải sắp xếp hồ sơ ngay từ đầu khi mới tiếp nhận hồ sơ, để thể hiện cách làm việc khoa học và có hiệu quả.

  1. Đơn khởi kiện
  2. Văn bản thể hiện sư kiện pháp lý dẫn đến tranh chấp
  3. Văn bản xác lập quan hệ
  4. Tài liệu, chứng cứ thể hiện các bên có ý kiến với tranh chấp
  5. Tài liệu, chứng cứ của bên nguyên đơn, bên bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về quan điểm việc giải quyết tranh chấp
  6. Tài liệu, chứng cứ từ tòa án hay chính là các văn bản tố tụng.
  7. Tài liệu, chứng cứ thể hiện tư cách đương sự của các bên.

1.2 Nghiên cứu hồ sơ tố tụng:

Người nghiên cứu hồ sơ nên thực hiện theo trình tự như sau:

  1. Kiểm tra được tính hợp lệ của việc thụ lý
  2. Xác định thời hiệu khởi kiện.
  3. Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp.
  4. Xác định tư cách đương sự trong vụ án, xem xét là vụ án có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không để tránh bị bỏ sót, có sự vi phạm về thủ tục tố tụng và có thể hậu quả sẽ dẫn đến việc phải hủy bản án đã tuyên đặc biệt là những vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất, về thừa kế, về vấn đề hôn nhân và gia đình thì càng hay bị bỏ xót vì các mối quan hệ phức tạp trong các quan hệ pháp luật này.
  5. Đánh giá chứng cứ: không phải bất kỳ đồ vật, tài liệu nào được cung cấp trong vụ án thì đều được coi là chứng cứ mà các chứng cứ được thu thập phải đảm bảo đủ tính hợp pháp mới là chứng cứ. Ví dụ như: Email giao dịch để được coi là chứng cứ thì không chỉ phải in ra bản giấy mà còn phải thực hiện theo các bước được nêu trong Luật giao dịch điện tử để được xác định là chứng cứ; đoạn ghi âm thì phải nộp đúng thời điểm và có nguồn gốc chứng cứ ( thời gian để nộp chứng cứ là kể từ khi thụ lý vụ án đến khi phiên họp công khai chứng cứ ...)

1.3 Nghiên cứu hồ sơ về nội dung:

Nghiên cứu hồ sơ về nội dung cần được thực hiện theo trình tự như sau :

  1. Xác định yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập: các yêu cầu này phải được nhìn nhận một cách khách quan.
  2. Tìm hiểu tất cả các văn bản pháp lý bao gồm cả án lệ để các định thời hiệu.
  3. Đánh giá chứng cứ: là đánh giá tính đầy đủ của chứng cứ ( chứng cứ nhằm xác định những vấn đề cần làm rõ trong vụ án)
  4. Xác định được tình tiết, sự kiện gây mâu thuẫn.
  5. Xác định các vấn đề cần làm rõ, hướng giải quyết vụ án về mặt tố tụng ( có bị đình chỉ hoặc bị tạm đình chỉ không) về mặt nội dung.

Nhà tư vấn, nghiên cứu phải xem xét vụ việc một cách khách quan, công bằng, đầy đủ, toàn diện.

1.4 Phương pháp nghiên cứu

Trước tiên cần phải đọc và hiểu được nội dung đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, bản tự khai (sẽ không có bản tự khai nếu đơn khởi kiện đã nêu đầy đủ tất cả các nội dung của vụ việc).

Thứ hai, nhà tư vấn sẽ nghiên cứu và đọc nội dung biên bản lấy lời khai ( khi cần tiến hành thu thập thêm chứng cứ thì biên bản lấy lời khai chính là một nguồn của người nghiên cứu).

Người tư vấn khi nghiên cứu hồ sơ nên lập bảng để xác định rõ những vấn đề đã thống nhất được và những vấn đề còn gây mâu thuẫn, tranh cãi:

Nguyên đơn

Thống nhất

Mâu thuẫn

Bị đơn

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tên: …

Địa chỉ: ….

Đại diện theo pháp luật: …

Tên: …

Địa chỉ: ….

Đại diện theo pháp luật: …

Tên: …

Địa chỉ: ….

Đại diện theo pháp luật: …

1.Các tình tiết sự việc trước khi các bên xác lập quan hệ

  1. ….
  2. ….

x

x

x

2. Tình tiết, sự kiện pháp lý phát sinh tranh chấp.

3.Tình tiết, sự kiện pháp lý thể hiện quan điểm.

4.Yêu cầu khởi kiện, phản tố

Trong phần nội dung bảng sẽ thể hiện quan điểm còn mâu thuẫn hoặc đã thống nhất được với nhau, thì người tư vấn sẽ tập trung vào phần nội dung còn mâu thuẫn và tìm ra phương án, chiều hướng giải quyết và căn cứ pháp lý kèm theo.

2. Ví dụ về các bước nghiên cứu nội dung của hình thức kỷ luật lao động sa thải

Về vấn đề xử lý kỷ luật lao động sa thải có vi phạm không xét ở các mặt sau:

Thứ nhất, Sa thải phải xuất phát từ hợp đồng lao động: tức là người bị sa thải phải là người lao động trong một quan hệ pháp luật lao động, họ phải được giao kết hợp đồng lao động với phía người sử dụng lao động. Đối với cán bộ, công chức, viên chứ thì phải bị buộc thôi việc, không dùng hình thức sa thải, nên phải xét tùy trong các mối quan hệ khác nhau mà có lựa chọn hình thức sa thải hay không. Chẳng hạn như trong một đơn vị sự nghiệp công lập thì tồn tại bao gồm cả công chức, viên chức và người lao động nên hình thức chấm dứt hợp đồng lao động với các đối tượng này là khác nhau dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng; Đối với các ngân hàng thì hiện này kể cả ngân hàng nhà nước thì tất cả nhân sự đều chuyển thành hợp đồng lao động; ...

Thứ hai, hành vi vi phạm có phải kỷ luật lao động không theo Điều 125 của Bộ luật lao động năm 2019. Ngoài ra còn xoay quanh các vấn đề khác như:

  • Thời giờ lao động, thời giờ làm việc.
  • An toàn lao động, vệ sinh lao động;
  • Mệnh lệnh, quy trình sản xuất;
  • Bí mật công nghệ sản xuất kinh doanh;
  • Vi phạm quy định chung, nội quy lao động (đã được đăng ký hợp pháp chưa, vì ngoài quy định đã được nêu trong luật thì những hành vi khác sẽ bị xử lý nếu được thể hiện rõ ràng trong nội quy lao động)

Thứ ba, về trình tự xử lý kỷ luật có vi phạm về nguyên tắc xử lý kỷ luật không?

Người sử dụng lao động phải lưu ý đảm bảo các nguyên tắc khi xử lý kỷ luật lao động như sau:

  • Không được áp dụng nhiều hình thứ xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
  • Một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi nặng nhất.
  • Không được áp dụng xử lý kỷ luật lao động với người lao động đang trong thời gian sau: bị tạm giữ, tạm giam, Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định ...
  • Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Thứ tư, về thời hiệu xử lý kỷ luật là từ khi có hành vi đến khi có quyết định xử lý kỷ luật đã đảm bảo đúng quy định tại Điều 123 của Bộ luật lao động năm 2019 không hay đã quá thời hạn?

Cụ thể theo quy định thì thời hiệu xử kỷ luật lao động là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động sẽ lâu hơn là 12 tháng. Khi người lao động thuộc các trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động trong một khoảng thời gian nhất định như đang bị tạm giữ, tạm giam, lao động nữ mang thai, người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, ... , nếu còn thời hiệu hoặc hết thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nêu trên.

Thứ năm, thẩm quyền xử lý kỷ luật: Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động ( bao gồm người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc, Tổng giám đốc, ... người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân; chủ hộ kinh doanh gia đình trực tiếp sử dụng lao động...) Việc xử lý kỷ luật lao động có thể ảnh hưởng tới thu nhập, thậm là việc làm của người lao động. Chính vì vậy, để nơi làm việc có kỷ luật, có tôn ty, trật tự nhất định và có tính chất răn đe với người lao động thì phía người sử dụng lao động phải tuyệt đối tuân thủ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Thứ sáu, trình tự xử lý kỷ luật

Khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động thì trước tiên phía người sử dụng lao động sẽ phải tổ chức phiên họp, chứng minh lỗi của người lao động. Trong cuộc họp sẽ phải có sự tham gia của tổ chức địa diện người lao động tại cơ sở mà người lao động bị xử lý kỷ luật là thành viên và phải có mặt của người lao động. Tại đây, người lao động sẽ tự bào chữa hoặc nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa, trường hợp người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật. Kết quả của phiên họp xử lý kỷ luật lao động là biên bản họp và quyết định xử lý kỷ luật lao động.

Thứ bảy, căn cứ để xử lý kỷ luật : dựa trên nội quy lao động đã được đăng ký của công ty để xác định các trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định trong Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019 cũng sẽ bị xử lý...

Thứ tám, hậu quả pháp lý: khi người lao động bị xử lý kỷ luật lao động thì hậu quả xảy ra là họ sẽ bị khiển trách; cách chức; sa thải hoặc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng còn tùy thuộc vào hành vi vi phạm có mức độ có nghiêm trọng không và mức độ thiệt hại như thế nào.

Kết luận: Nếu khi xử lý kỷ luật lao động, người tiến hành xử lý kỷ luật chỉ cần vi phạm một trong tám phần trên thì việc xử lý kỷ luật là có vi phạm. Và sẽ không đảm bảo về tính có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê