Làm thế nào để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hành chính nhà nước?

(Quang Binh Portal) - Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự tham mưu của các sở, ngành, chung tay của các cấp chính quyền trong tỉnh nên Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã có sự thăng tiến về điểm số và duy trì xếp hạng ở mức trung bình khá trong toàn quốc.

Cụ thể, năm 2019, một số lĩnh vực của tỉnh đứng trong nhóm đầu cả nước như: Chỉ số Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 8,5/8,5 điểm, đạt 100% điểm, là một trong 02 đơn vị dẫn đầu toàn quốc (cùng với tỉnh Bình Dương); Chỉ số về Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): 13,45/14 điểm, đạt 96,05 xếp thứ 08/63 tỉnh, thành phố (năm 2018 xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số về Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước: 9,84/12 điểm, đạt 82,01 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số về Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 12/14 điểm, đạt 85,76/100% xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Xây dựng và thực hiện Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tại tỉnh: 8,80/10 điểm, đạt 87,98/100% xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, Chỉ số CCHC tỉnh đạt 82,33 điểm, tăng 1,53 điểm so với năm 2019.

Để có được kết quả đó, bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh đã thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành liên quan cũng phối hợp chặt chẽ, sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; thường xuyên kiểm tra hoạt động CCHC của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời chấn chỉnh. Công tác xây dựng và thực hiện văn bản QPPL cũng đạt nhiều kết quả tốt. Tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành xây dựng dự thảo văn bản QPPL theo đúng chương trình đề ra; kịp thời rà soát, xử lý tốt các văn bản QPPL theo kiến nghị của cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc kiểm soát TTHC, ban hành, công bố TTHC cũng được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC tại các cấp đạt tỷ lệ đúng hạn cao, đã làm cho người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện quyết liệt, hoạt động của bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả. Việc đào tạo, bồi dưỡng ngày càng có chất lượng, nâng cao trình độ, năng lực rõ rệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính cơ bản đã góp phần đắc lực trong việc lãnh đạo quản lý, theo dõi và xử lý công việc hành chính được thông suốt.

Tuy nhiên, công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân còn chậm so với quy định, chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều TTHC vẫn còn rườm rà, việc cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân và doanh nghiệp cần ít và ít phát sinh giao dịch, chưa quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản các TTHC trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, cấp giấy phép đầu tư, thuế, hải quan... Tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh; ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn chưa thực sự mạnh mẽ, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để giải quyết TTHC chưa cao. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen nộp hồ sơ điện tử nên việc phát sinh hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống dịch vụ công của tỉnh chiếm tỷ lệ thấp. Việc cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế, Chỉ số về Cải cách tài chính công, Chỉ số về Hiện đại hóa hành chính, Chỉ số về Tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp so với cả nước...

Để xây dựng nền hành chính của tỉnh theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân, giai đoạn 2021 - 2030, công tác CCHC của tỉnh xác định tập trung vào 06 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Tỉnh hướng mục tiêu đến năm 2030 sẽ đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của địa phương; cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính Nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC; 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%; 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%; giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2025; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt tối thiểu 95%; mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng

Để hoàn thành các mục tiêu đó, tỉnh xác định một số giải pháp cần triển khai như: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện CCHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC của Đảng, Nhà nước; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính như chú trọng lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Mặt khác, tỉnh cũng tiếp tục huy động và bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; nâng cao năng lực nghiên cứu và chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ CCHC; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với Nhân dân ra khỏi các cơ quan Nhà nước; tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp như: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng chính sách lương, thưởng thỏa đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC cấp sở, cấp huyện, cấp xã hàng năm; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong đánh giá; thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau, trên các nội dung quản lý như ban hành cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật, cung cấp dịch vụ công... của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông trong khảo sát trực tuyến người dân, tổ chức để cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời về tình hình phục vụ của các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp ở địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số, đảm bảo an toàn an ninh mạng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.

PV: NQ