Làm sao để quản lý mạng xã hội là gì

Mạng xã hội là loại hình dịch vụ kết nối các thành viên có chung sở thích hoạt động trên nền internet. Người sử dụng có thể giao lưu, chia sẻ thông tin, không bị giới hạn về địa lý và thời gian, phục vụ những yêu cầu chung, những giá trị của cộng đồng và nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập mối quan hệ, thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân và tổ chức xã hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực đó, mạng xã hội cũng chứa đựng những mặt trái của nó. Đặc biệt, sau sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông vừa qua, mạng xã hội càng thể hiện rõ mặt tích cực và tiêu cực của loại hình dịch vụ này. Vì thế, mạng xã hội được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách xã hội của các quốc gia đặc biệt quan tâm.

Làm sao để quản lý mạng xã hội là gì
Facebook - một trong những mạng xã hội có số thành viên đông nhất thế giới (Ảnh IT)

Mạng xã hội, hay còn gọi là mạng xã hội ảo, là dịch vụ nối kết các thành viên có chung sở thích, hoạt động trên internet. Mạng xã hội có các tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ dữ liệu, blog và xã luận. Các dịch vụ này có nhiều phương pháp để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo nhóm, thông tin cá nhân, sở thích cá nhân hoặc lĩnh vực quan tâm...

Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống trên nền internet cho phép người dùng giao lưu, chia sẻ thông tin mà không bị giới hạn về địa lý và thời gian; xây dựng một mẫu định danh trực tuyến nhằm phục vụ những yêu cầu chung, những giá trị của cộng đồng và nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ, những mối quan tâm chung, thúc đẩy sự liên kết các cá nhân và các tổ chức xã hội.

Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate nhằm mục đích kết nối bạn học. Tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích. Cho đến nay đã có hàng trăm mạng xã hội khác nhau xuất hiện và thu hút một lượng người tham gia khổng lồ.

Hiện Facebook và Twitter là hai mạng xã hội phổ biến nhất, được thành lập năm 2004 theo ý tưởng của một sinh viên Đại học Harvard (Mỹ). Theo danh sách 1.000 website hàng đầu trên thế giới do Hãng Google cung cấp vào tháng 01.2011, Facebook hiện đang đứng đầu bảng với 590 triệu thành viên và đạt 840 tỉ lượt truy cập. Đứng thứ hai thế giới là Twitter với 96 triệu thành viên và 5,8 tỉ lượt truy cập, ngoài ra còn có các mạng xã hội khác ở Hà Lan, Đức, Hungary, Tây Ban Nha, Ba Lan, châu Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương…

Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mạng xã hội khác nhau như: ZingMe, GoOnline, Yume, Tamtay, CyberWorld, Go.vn, AZU.vn và Banbe.net. Các mạng xã hội “nội địa” của Việt Nam chủ yếu hoạt động theo mô hình của các mạng xã hội thế hệ đầu tiên (như mô hình của Y!360) với xu hướng chính là tự tạo nội dung (chia sẻ ảnh, video, viết blog). Tuy nhiên, Facebook với xu hướng chính là tương tác, liên kết giữa người dùng với nhau trong các mối quan hệ bạn bè đã nhanh chóng gặt hái được thành công tại Việt Nam. Thành công của Facebook khiến các mạng xã hội Việt Nam muốn tồn tại cũng phải thay đổi theo mô hình của Facebook, đi đầu là các mạng ZingMe, GoOnline. Trong “Top 100 website Việt Nam” do Google Ad planner công bố vào tháng 9.2010, đứng đầu là ZingMe (me.zing.vn) - với 5,1 triệu người sử dụng; Facebook xếp thứ hai với 2,9 triệu thành viên và đạt 710 triệu lượt xem; đứng thứ ba là Yume (yume.vn) với xấp xỉ 2,9 triệu thành viên; cuối cùng là Tamtay với 1,2 triệu người sử dụng.

Theo một số nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, năm 2011 sẽ là năm bùng nổ của thị trường ứng dụng trên mạng xã hội tại Việt Nam. Với lợi thế cộng đồng người sử dụng lớn và công cụ thanh toán đơn giản, đây sẽ là thị trường màu mỡ cho các nhà cung cấp nội dung, đồng thời sẽ hình thành một làn sóng dịch vụ và ứng dụng trên mạng xã hội.

Những ưu điểm mà mạng xã hội đem lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều tiêu cực. Nghiêm trọng hơn hết đó là sự phát triển của công nghệ thông tin khiến internet nói chung và mạng xã hội nói riêng vô tình trở thành một công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh và phát triển các nguy cơ đối với an ninh, chính trị - xã hội. Vì vậy, đi đôi với việc phát triển mạng xã hội cần phải có sự quản lý, hướng dẫn, tư vấn và định hướng của các cơ quan chức năng đối với người sử dụng để việc sử dụng mạng xã hội một cách có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin rõ ràng đã đem lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng kéo theo đó là một loạt những vấn đề liên quan đến an ninh và các nguy cơ gây bất ổn chính trị xã hội. Do vậy, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và kỹ thuật kiểm soát mạng, các chính phủ trên thế giới đang ngày càng nỗ lực thu thập dữ liệu của người dùng internet, sử dụng các biện pháp chọn lọc và ngăn chặn nội dung mạng ngày càng tinh vi.

Trong số các phương pháp kiểm duyệt mạng, đơn giản nhất là chặn các trang web. Biện pháp thực hiện có thể là khác nhau nhưng cơ bản là đưa các trang web vào một danh sách cấm, sau đó ngăn không cho người dùng internet truy cập vào tất cả các trang trong danh sách đó, hoặc có thể ngăn chặn chọn lọc hơn bằng các phương tiện kỹ thuật trên mạng. Biện pháp kiểm duyệt mạng tiếp theo là ban hành luật, quy chế quản lý và sử dụng mạng như: đăng ký giấy phép sử dụng mạng, bắt buộc sử dụng tên thật khi truy cập mạng… Ngày nay, các nước ngày càng sử dụng các phương pháp tinh vi, linh hoạt và chọn lọc hơn trong việc ngăn người sử dụng mạng truy cập các nội dung cụ thể. Nhiều nước đã có các tổ chức chuyên theo dõi trực tiếp người dùng mạng, hoặc dùng tin tặc tấn công các trang mạng có nội dung nhạy cảm, bị cấm truy cập.

Một số quốc gia có các biện pháp kiểm duyệt internet nghiêm ngặt như: ban hành các luật kiểm soát internet, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, yêu cầu các công ty cung cấp internet tự kiểm soát nội dung trên mạng. Cơ quan tuyên truyền quốc gia tự đưa ra các nội dung để chiếm lĩnh không gian mạng, dùng các biện pháp theo dõi, bắt đăng ký tên thật để kiểm soát các hành vi trên mạng, áp dụng kiểm duyệt cưỡng chế đối với những người sử dụng internet.

Nhà nước ra các đạo luật như:

(1) Quy chế về việc quản lý thông tin mạng máy tính kết nối quốc tế. Theo đó, không một đơn vị hoặc cá nhân nào được phép tự tạo ra những kết nối quốc tế trực tiếp mà phải thông qua các nhà cung cấp mạng của quốc gia;

(2) Pháp lệnh về Bảo vệ an ninh của các hệ thống thông tin máy tính, trong đó quy định việc “giám sát, kiểm tra và hướng dẫn công tác bảo vệ an ninh”, “điều tra và truy tố các trường hợp phạm pháp”;

(3) Quy định những “thông tin độc hại” và xác định cấp độ kiểm duyệt đối với các mạng chủ và các nhà cung cấp dịch vụ mạng; kiểm duyệt các nhà cung cấp nội dung internet; giám sát, kiểm duyệt thư điện tử và các mạng xã hội…

Từ tình hình phát triển và vai trò của các mạng xã hội đối với các vấn đề chính trị xã hội hiện nay, những kinh nghiệm của một số nước trong quản lý mạng xã hội cho thấy, để kiểm soát và loại trừ những nguy cơ mà mạng xã hội có thể mang lại, các nước trên thế giới có những biện pháp kiểm soát khác nhau nhưng đều có mục đích chung là hạn chế tối thiểu nguy cơ từ mạng xã hội đồng thời vẫn đảm bảo phát triển cho các mạng này. Đó là những vấn đề mới nảy sinh từ những tiến bộ của công nghệ internet mà các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quản lý xã hội nước ta cần phải quan tâm./.