Khiếm khuyết cơ bản của cơ chế thị trường nhìn từ góc độ quản lý giáo dục

Đề phòng ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường với giáo dục

Khiếm khuyết cơ bản của cơ chế thị trường nhìn từ góc độ quản lý giáo dục

Các lò luyện thi, một hình thức biến tướng trong kinh tế thị trường.


Với công cuộc đổi mới to lớn do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (1986), nền kinh tế nước ta trước đó theo mô hình kế hoạch hóa tập trung với hai thành phần chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã đã chuyển một cách suôn sẻ sang mô hình kinh tế thị trường có nhiều thành phần bình đẳng cạnh tranh lành mạnh với nhau trong khuôn khổ pháp luật, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nền giáo dục nước ta, từ 1956 tới 1986 đã được xây dựng để thích nghi với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cũng phải đổi mới để thích nghi với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công việc đổi mới này đã được tiến hành từ 1986 và hiện nay đang còn được tiếp tục. Có những tư duy gì, đúng và sai, cần được làm rõ để định hướng cho việc thích nghi nền giáo dục nước ta với kinh tế thị trường?

1. Trong ba nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài thì nhiệm vụ đào tạo nhân lực là gắn trực tiếp nhất với các hoạt động kinh tế. Các hoạt động kinh tế này quyết định các loại trình độ (sơ cấp, trung cấp, đại học v.v.), các loại ngành nghề (cơ khí, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi v.v.), số lượngchất lượng các loại nhân lực mà giáo dục phải đào tạo cho các hoạt động kinh tế (và các loại hoạt động khác).

a. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cần và có thể kế hoạch hóa tập trung cơ cấu các loại nhân lực đào tạo cho các địa chỉ xác định. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc kế hoạch hóa tập trung nói trên không còn thực hiện được nữa, trừ ở một số lĩnh vực như các cơ sở sự nghiệp do nhà nước trực tiếp quản lý. Số lượng và chất lượng cơ cấu nhân lực cần cho kinh tế sẽ do cơ chế thị trường lao động quyết định theo quy luật cung cầu mà bản chất ở cấp vĩ mô là có tính tự phát không có kế hoạch hóa chi tiết được mà chỉ có thể điều tiết bằng các công cụ vĩ mô khác (quy hoạch, ngân hàng, tài chính...).

Do đó việc thích nghi giáo dục - đào tạo với kinh tế thị trường đã được thể hiện ở nước ta ngay từ 1986, lúc bắt đầu đổi mới, qua việc bỏ cơ chế phân phối học sinh tốt nghiệp các trường đại học và chuyên nghiệp, để cho các học sinh đó tự tìm việc làm trên thị trường lao động. Đó là sự đổi mới cần thiết. Nhưng thị trường lao động tuy bản chất là tự phát, không thể kế hoạch hóa được, nhưng không phải là không thể nghiên cứu để dự báo xu hướng phát triển và điều tiết xu hướng đó nhằm làm cho việc đào tạo nhân lực (cơ cấu, số lượng, chất lượng) thích nghi với thị trường lao động nói chung và nói riêng là để tổ chức hướng dẫn học sinh tốt nghiệp tìm việc làm được thuận lợi, giảm đến mức tối thiểu hiện tượng nhân lực được đào tạo rơi vào thất nghiệp hay làm việc trái ngành nghề đã được đào tạo.

Trong quá trình đổi mới để thích nghi giáo dục với cơ chế thị trường, chúng ta chưa làm tốt việc nghiên cứu và dự báo thị trường lao động nên việc thích nghi nói trên không được trôi chảy. Đây là một việc phải rất chú ý khắc phục từ nay trở đi.

b. Một mặt khác của việc thích nghi giáo dục với cơ chế thị trường là đề phòng và ngăn chặn ảnh hưởng các mặt tiêu cực của cơ chế đó vào các hoạt động giáo dục. Cơ chế thị trườnglợi nhuận, là chạy theo đồng tiền. Giáo dục trái lại là hình thành nhân cách con người theo các tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ, là vừa dạy chữ, dạy nghề và dạy người. Không đề phòng được các ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường đối với hoạt động giáo dục, để các ảnh hưởng tiêu cực đó làm ô nhiễm thầy và trò thì nhiệm vụ dạy người (nhiệm vụ cao quý nhất của giáo dục, vì nhiệm vụ đó mà xã hội tôn vinh việc dạy và việc học ) sẽ bị phá hoại.

Công việc đề phòng và ngăn chặn này là khó nhưng phải làm và không phải là không làm được. Đáng tiếc là việc này ở ta trong đổi mới chưa làm được đáng kể, trong xã hội cũng như trong giáo dục. Những hiện tượng thi cử gian lận, mua bằng, bán điểm, dạy thêm bằng lừa dối hay bằng cưỡng bức trá hình, kinh doanh kiếm lợi nhuận trên lưng học trò trong việc xuất bản sách giáo khoa và tài liệu tham khảo v.v., là kết quả tất nhiên của việc buông lỏng đề phòng và ngăn chặn nói trên.

2. Mấy năm gần đây, một số người chú ý tới khái niệm thị trường và liên hệ với chủ trương đúng đắn đang được thực hiện là cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh và phát triển các doanh nghiệp tư nhân, đã nghĩ tới việc phải coi giáo dục cũng là một loại hàng hóa được đưa ra mua bán trên thị trường theo quy luật cung cầu, ai làm được hàng hóa giáo dục thì được quyền đưa ra mà bán, ai cần thứ hàng hóa đó và có tiền để mua thì ra thị trường đó mà mua, coi nhà trường cũng là một doanh nghiệp, muốn xóa bỏ sự phân biệt giữa trường công và trường tư.

Cái tư duy muốn đổi mới đó về giáo dục là căn bản sai lầm vì đã đồng nhất tính chất dịch vụ giáo dục với các loại hàng hóa và dịch vụ khác của kinh tế.

Ở các nước Âu - Mỹ  có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển đã mấy trăm năm nay, thành phần kinh tế tư nhân là chủ đạo trong khi nền giáo dục ở các nước đó cũng đã phát triển hàng trăm năm nay để thích nghi với nền kinh tế của họ lại luôn luôn chăm lo lấy các trường công làm lực lượng chủ yếu (trường tư hoặc không có, hoặc nhỏ bé, hoặc có phát triển như ở Hoa Kỳ thì vẫn ít hơn các trường công); học phí ở trường công hoặc không đặt ra (nhiều nước có nền giáo dục miễn phí hoàn toàn hay gần hoàn toàn như ở châu Âu) hoặc chỉ đặt ra ở mức thấp (tối đa chỉ đủ bù 1/4 chi phí của nhà nước cho giáo dục như ở Hoa Kỳ). Thực tế đó của giáo dục ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển chứng tỏ có một sự khác nhau về bản chất giữa nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục với các doanh nghiệp kinh tế cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ khác. ở các nước đó, không có chủ trương giáo dục là hàng hoá, là thị trường, nhất là đối với các trường công (và nếu lúc nào có hiện tượng thương mại hoá nhà trường thì liền bị dư luận xã hội phản đối, phê phán như mới đây đối với một số trường ở Hoa Kỳ làm quảng cáo tiếp thị cho các hãng buôn)1.

Vậy sự khác nhau bản chất giữa dịch vụ giáo dục với các loại hàng hóa và dịch vụ khác là ở đâu?

Dịch vụ giáo dục là một dịch vụ lợi ích công cộng, làm lợi trước hết và chủ yếu cho cả xã hội, trong khi các loại hàng hóa và dịch vụ khác trước hết là thoả mãn nhu cầu cho cá nhân người tiêu dùng khi cá nhân đó có tiền để mua hàng hóa hay dịch vụ ấy, có tiền thì được thoả mãn nhu cầu, không có tiền thì đành nhịn. Dịch vụ giáo dục vì trước hết và chủ yếu để phục vụ lợi ích cho cả xã hội nên không thể đưa ra mua bán theo quy luật ai có tiền thì mua mà phải được cung cấp không phân biệt giàu nghèo, phải chú trọng cho đa số (rồi đến tất cả) trong xã hội đều được hưởng dịch vụ giáo dục để qua đó dân trí của xã hội được nâng cao, nhân lực cần cho cả xã hội được có đủ về số lượng và chất lượng, nhiều nhân tài được bồi dưỡng; đó là điều kiện cần để tạo ra lợi ích tố đa cho cả xã hội.

Đó là sự khác nhau về bản chất        giữa dịch vụ giáo dục và các loại hàng hóa và dịch vụ khác ở thế giới hiện đại; nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa rất phát triển không những không làm thay đổi sự khác nhau cơ bản đó mà còn tạo điều kiện cho sự khác nhau đó phát huy tác dụng. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (hoặc chỉ mới có định hướng xã hội chủ nghĩa) lại càng cần phát huy bản chất lợi ích công cộng đó của dịch vụ giáo dục. Đó là một vấn đề nguyên tắc cần giữ vững khi nói đến việc đổi mới tư duy làm giáo dục trong nền kinh tế thị trường.

3. Về vấn đề giáo dục và kinh tế thị trường, cần lưu ý đến tình hình sau đây đang xảy ra và có thể xảy ra nghiêm trọng hơn. Việc cho các trường tư hoạt động ở ta từ đổi mới tới nay là một chủ trương phù hợp để góp phần vào việc phát triển giáo dục theo hướng huy động lực lượng của tư nhân làm giáo dục, cũng tức là công nhận thị trường giáo dục ở các trường tư. Nhưng vì ở ta, cầu về giáo dục (nhất là cầu về bằng cấp) vượt cung rất nhiều nên các trường tư nếu không được quản lý chặt chẽ về đầu vào (tuyển sinh) và đầu ra (tốt nghiệp cấp bằng) thì các trường tư rởm sẽ xuất hiện nhan nhản, trở thành một thứ kinh doanh béo bở, thu siêu lợi nhuận, tuy vẫn huênh hoang tuyên bố là hoạt động phi lợi nhuận ! Một bài báo dưới nhan đề Nhiều người giàu lên nhờ kinh doanh giáo dục (Báo Lao động ngày 22-5-2004) cho biết tình hình đáng lo ngại đó đã xuất hiện ở ta.

Tình hình đó nếu không được quản lý chặt chẽ thì sẽ (và cũng đã) đưa đến hai kết quả tiêu cực khác:

- Một là tác động đến tâm lý các trường công của ta cũng muốn tư nhân hoá để có thu nhập cao hơn hiện nay hoặc yêu cầu phải nâng học phí ở các trường công lên cho tương đương với học phí ở trường tư (thực chất cũng là một kiểu tư nhân hóa trường công).

- Hai là, thị trường giáo dục tư siêu lợi nhuận của ta sẽ hấp dẫn thu hút nhiều trường tư nước ngoài vào ta hoạt động để cạnh tranh với trường công và trường tư của ta, theo các hiệp định hội nhập ta ký kết với nước ngoài. Nếu không có cơ chế quản lý đúng đắn, thì số đông vào nước ta sẽ là các trường chất lượng thấp, thậm chí trường rởm, trường ma (hữu danh vô thực) như đã từng xảy ra cách đây không lâu mà mọi người đều biết.

------------------1 Thời gian gần đây rộ lên một trào lưu tư tưởng về kinh tế gọi là chủ nghĩa tự do mới (néolibéralisme) muốn phục hồi và cực đoan hóa chủ nghĩa tự do cũ của A.Smith và Ricardo ở thế kỷ XVIII, đòi hỏi mọi hoạt động trong xã hội như giáo dục y tế v.v... đều phải theo cơ chế thị trường tự do, phải phi quy chế hóa (deregulation) tức là chống lại sự quản lý của nhà nước và phải tư nhân hoá. Đây là một luồng tư tưởng bị phê phán là phi nhân văn.                                    LÊ VĂN GIẠNG