Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi

Kết bài truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Mục Lục bài viết:
1. Kết bài số 1
2. Kết bài số 2
3. Kết bài số 3
4. Kết bài số 4

Kết bài truyện Chiếc thuyền ngoài xa
 

1. Kết bài số 1:

Nguyễn Minh Châu là một trong những người tiên phong trong việc đi sâu khám phá những "ngóc ngách" của đời sống, phát hiện ra những góc khuất, những phức tạp của cuộc sống ấy. Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ là phát hiện của ông về góc tối trong cuộc sống của những con người nghèo khổ mà qua đó ông còn đặt ra mối trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ với con người đồng thời đặt ra trách nhiệm của những người nghệ sĩ, khi nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống cần có cái nhìn sâu rộng, cảm thông để thấy được bản chất dù là xù xì, xấu xí bên trong thay vì cái nhìn phiến diện như chiếc thuyền ở ngoài xa.
 

2. Kết bài số 2:

Bằng vốn am hiểu về cuộc sống con người cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ mang đến một câu chuyện xót xa, đáng suy ngẫm về cuộc sống của người đàn và hàng chài mà còn đặt ra trách nhiệm cho nghệ thuật và người nghệ sĩ: Cần nhìn cuộc sống bằng cái nhìn cảm thông, da diện, đa chiều và một tác phẩm nghệ thuật chân chính là khi tác phẩm ấy phản ánh được cuộc sống, phát hiện được những bề sâu, góc khuất của sống sống ấy thay vì vẻ hào nhoáng nhưng vô thực.
 

3. Kết bài số 3:

Như vậy, qua việc xây dựng tình huống truyện mang tính phát hiện, khám phá về những phức tạp trong cuộc sống con người sau giải phóng, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ đề nhân vật Phùng và Đẩu thay đổi về nhận thức về cuộc sống của người đàn bà hàng chài và cũng là cuộc sống của bao con người nghèo khổ khác ngoài kia mà còn đặt ra điểm nhìn của người nghệ sĩ, cần nhìn cuộc sống ở bề sâu, trong cái đa diện để thấy được bản chất bên trong. Qua truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" nhà văn còn khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và hiện thực của cuộc sống.
 

4. Kết bài số 4:

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau đổi mới, đây cũng là tác phẩm thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của ông, theo đó nghệ thuật cần sát sao, phản ánh được hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ cần nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, sâu sắc để thấy hết được bề sâu, cái phức tạp của cuộc sống ấy. Nghệ thuật đích thực là khi nó hướng đến con người, phản ánh hiện thực vốn có của đời sống, cái đẹp mà nghệ thuật mang đến cho cuộc đời trước hết phải là sự thật. Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện nên khi nhìn nhận, đánh giá chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo, toàn diện để thấy được bản chất, sự thật bên trong.

---------------------HẾT-------------------------

Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn các em viết Kết bài truyện Chiếc thuyền ngoài xa qua những bài mẫu cụ thể. Để tích lũy thêm nhiều kĩ năng viết bài, bên cạnh cách viết kết bài, các em có thể tham khảo một số Bài văn hay lớp 12 hữu ích khác như: Mở bài truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích hình tượng chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

So với phần mở bài và thân bài, kết bài viết tương đối đơn giản, các em học sinh chỉ cần tổng kết lại vấn đề mà không cần "phô bày" quá nhiều đơn vị kiến thức trong đó. Tuy nhiên, để viết được kết bài hay thì không phải bạn học sinh nào cũng làm được, để có kĩ năng viết kết bài tốt, các em hãy cùng tham khảo bài Kết bài truyện Chiếc thuyền ngoài xa dưới đây nhé.

Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Tóm tắt tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa Những giá trị về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Chiếc Thuyền ngoài xa Cách khám phá đời sống mới mẻ của Nguyễn Minh Châu qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa Sơ đồ tư duy Chiếc thuyền ngoài xa

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

Tác giả Nguyễn Minh Châu: vị trí của ông trong văn học hiện đại Việt Nam.

Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện sự thay đổi quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa hiện thực và con người được giảng giải qua cuộc sống đầy nghịch lí của một người đàn bà làng chài.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung

Hoàn cảnh sáng tác: ra đời trong hoàn cảnh xã hội đăc biệt, tác phẩm được sáng tác vào tháng 8/1983.

Xuất xứ: in trong tập truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, năm 1987.

2.2. Nội dung phân tích

 LĐ1: Nhân vật Phùng và ba phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh

Phát hiện thứ nhất – Phát hiện đầy thơ mộng với cảnh bình minh trên biển- Chiếc thuyền khi ở ngoài xa .

=> Phùng là người nghệ sỹ chân chính có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp

Phát hiện thứ hai – phát hiện đầy nghịch lí với cảnh bạo hành- Chiếc thuyền khi vào gần.

=> Phùng với những khám phá sâu sắc về cuộc sống và con người. Là người nghệ sĩ chân chính với những nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghệ thuật và mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống.

Phát hiện thứ ba – phát hiện đầy nghịch lí với câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện.

=> Phùng với những trăn trở đầy trách nhiệm trước số phận con người.

LĐ2: Nhân vật người đàn bà làng chài

Hoàn cảnh, ngoại hình: người phụ nữ vô danh, trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, thô kệch. Từ nhỏ đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, kết hôn với anh con trai của một nhà hàng chài giữa phá.

Số phận: chị là người phụ nữ bất hạnh…

Phẩm chất, tính cách

+ Nhẫn nhục, chịu đựng

+ Giàu đức hy sinh, yêu thương con tha thiết

+ Người phụ nữ giàu lòng vị tha, bao dung, sắc sảo và thấu hiểu lẽ đời.

LĐ3: Nhân vật người chồng, chị em thằng Phác (Khái quát)

Nhân vật người chồng: là một lão đàn ông độc ác, nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, dáng vẻ khắc khổ, lời nói cục cằn, hung dữ, thói vũ phu…

Chị Phác: một cô bé yếu ớt mà can đảm

Thằng Phác: luôn yêu thương mẹ, có những hành động bảo vệ mẹ của một đứa trẻ miền biển

2.3. Đặc sắc nghệ thuật

Nét độc đáo trong cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu

Nghệ thuật khắc họa nhân vật

Ngôn ngữ kể chuyện

3. Kết bài

Tổng kết nội dung phân tích, nêu cảm nhận.

Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Bài văn tham khảo

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) – là nhà văn quân đội và là niềm kiêu hãnh của những người cầm bút. Ông được đánh giá là vị khai quốc công thần của triều đại văn học Việt Nam thời kì đổi mới khiến nhà văn Nguyên Ngọc phải khẳng định rằng: “Nguyễn Minh Châu thuộc số nhà văn mở đường tinh anh và tài năng của văn học ta hiện nay”. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời vào năm 1983 chính là một minh chứng. Nằm trong số những tác phẩm văn học của Nguyễn Minh Châu được sáng tác sau năm 1975, “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện sự thay đổi quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa hiện thực và con người. Điều đó được giảng giải  qua cuộc sống đầy nghịch lí của một người đàn bà làng chài thất học, nghèo đói, lam lũ.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả sáng tác vào tháng 8 năm 1983. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội đăc biệt, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành được thắng lợi, đất nước thống nhất trong nền độc lập. Trước đó, một thời gian dài người ta cho rằng hiện thực cuộc sống đã được nhận thức đầy đủ trong đường lối của nhà nước và chỉ cần thực hiện đúng chính sách là cải tạo được hiện thực, đem lại cho người dân lao động cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Đó cũng là bài học rút ra từ thiên truyện này. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất được in trong tập truyện cùng tên, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, năm 1987. Truyện thể hiện rõ phong cách  nghệ thuật “tự sự – triết lý” của Nguyễn Minh Châu.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” kể lại chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng cùng với những chiêm nghiệm sâu sắc của anh về nghệ thuật và cuộc đời. Theo lời đề nghị của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù cho bộ lịch về thuyền và biển. Và nơi Phùng chọn để thực hiện bô ảnh lại là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống đễ quốc Mĩ. Tại đây anh đã được gặp lại Đẩu – người bạn chiến đấu năm xưa, giờ là chánh án tòa án huyện. Khi đến anh bắt gặp một bức tranh tuyệt đẹp đó là hình ảnh của thuyền và biển trong sương sớm. Nhưng trong bức tranh tuyệt diệu ấy Phùng lại tìm ra hai phát hiện.

Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đầy thơ mộng trước vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm sương mờ. Là một phóng viên yêu nghề, có đam mê và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, Phùng đã trải qua khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng khi được thấy một cảnh “đắt” trời cho: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…”. Khung cảnh ấy quả thực đã chạm tới xúc cảm của người nghệ sĩ. Nó đem đến cho ta một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích khiến cho Phùng phải bối rối, anh cảm nhận được trong trái tim như có cái gì đó thắt vào. Đó là khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Phùng nhanh chóng nhấc máy ảnh lên và chụp lại khoảnh khắc ấy. Phát hiện đầy thơ mộng với cảnh bình minh trên biển mang đến một bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ mà không thể nào tìm thêm một từ ngữ nào khác để ca ngợi vẻ đẹp cổ điển mà lãng mạn của nó. Qua phát hiện thứ nhất ta thấy Phùng Phùng là người nghệ sĩ chân chính có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp. Anh đã khám ra chân lí của sự hoàn thiện, cho rằng bản thân của cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp phải thực sự có tính hướng thiện.

Nhưng sau khi chứng kiến những gì diễn ra trên bờ biển trong buổi sáng hôm ấy, Phùng đã có những thay đổi trong nhận thức về nghệ thuật. Đó chính là phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh – một phát hiện trước bức tranh cuộc sống đầy bất ngờ và nghịch lí. Một cảnh đời ngang trái đã diễn ra khi chiếc thuyền tiến vào bờ và Phùng đã chứng kiến tất cả câu chuyện đau lòng của gia đình làng chài ấy. Xuất hiện trước mắt anh là hình ảnh một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi, thân hình cao lớn, rỗ mặt, gương mặt tái ngắt, hiện lên sự mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng kéo lưới. Và tiếp đó là hình ảnh người đàn ông đi sau với tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ…. Than ôi! Còn đâu nữa nét đẹp cổ điển và lãng mạn của bức tranh thiên nhiên “toàn bích” khi mà Phùng tận mắt chứng kiến một trận lôi đình của lão đàn ông hùng hổ. Chẳng rõ cơ sự thế nào mà anh chỉ thấy lão rút chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa rồi chẳng nói chẳng rằng cứ thế quật tới tập vào tấm lưng của người phụ nữ lam lũ ấy. Điều anh bận tậm nhất chính là việc người đàn bà bị người chồng vũ phu và độc ác đánh đập hàng ngày mà không hề kêu ca, chống đối gì cả. Phải chăng đó là một sự chịu đựng hoàn toàn tự nguyện? Mọi chuyện xảy ra đột ngột khiến người nghệ sĩ nhiếp ảnh không khỏi kinh ngạc. Vấn đề lớn nhất mà người nghệ sĩ này nhận ra đó là khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Hóa ra cuộc sống của những con người lao động nơi đây không hề viên mãn như khung cảnh sáng sớm bình minh đẹp mê hồn ấy. Phùng với những khám phá sâu sắc về cuộc sống và con người, anh nhận ra người nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện, đa chiều, đi sâu vào khám phá bản chất bên trong chứ không phải chỉ đứng từ “ngoài xa” để quan sát vẻ bề ngoài.

Vậy là người nghệ sĩ đã có những phát hiện mới mẻ trong bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ là bức tranh cuộc sống đầy nghịch lí và bất ngờ. Từ một chiếc thuyền đẹp như mơ đến cảnh tượng bạo lực của người đàn ông độc ác khiến ai cũng phải sững sờ, hoảng hốt. Thương thay cho số kiếp lênh đênh, khốn cùng của người đàn bà làng chài. Phùng không thể đứng yên khi thấy người đàn bà bị đánh đập dã man và anh cũng muốn khám phá những bí ẩn về thân phận của một con người luôn giống như một ẩn số với anh. Và đó chính là phát hiện thứ ba của người nghệ sĩ nhiếp ảnh với câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện.

Phùng là một người tốt bụng, nhân hậu. Câu chuyện cuộc đời của người đàn bà làng chài đã khiến anh vỡ lẽ ra biết bao điều về con người và cuộc sống: Những thân phận đau khổ, những vẻ đẹp khuất lấp, những nghịch lí chưa thể giải quyết của đời sống hiện thực… Qua đấy ta thấy Phùng là một con người sâu sắc, anh mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và tình thương yêu con người. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy đã có những động thái tác động vào đời sống: can thiệp vào việc người đàn bà bị đánh trên bờ biển, gặp gỡ trò chuyện với con trai của chị – thằng Phác, cùng với chánh án Đẩu tìm cách giải thoát cho người đàn bà. Nhưng tất cả những điều đó dường như chưa đủ sau khi nghe người đàn bà kể lại câu chuyện cuộc đời mình tại tòa án huyện. Người đàn bà đã từ chối dứt khoát thiện ý của người đại diện cho công lí là muốn giúp chị được giải phóng khỏi cái ách nặng nề  của người chồng vũ phu, tàn bạo. Tới đây thiên truyện được mở nút bằng lời giải của người đàn bà nghèo khổ. Thứ nhất chị làm vậy là vì tình thương đối với lũ con, chúng là tất cả niềm vui và niềm hạnh phúc của chị, chị cam chịu vì con cái. Thứ hai là vì cuộc sống dân chài luôn phải chống chọi với những bất trắc của biển cả nên việc có người đàn ông chèo chống trong gia đình rất cần thiết. Đó là những lời lí giải mà có lẽ những ai có cái nhìn giản đơn, duy ý chí sẽ không thể nào mà hiểu được.

Phùng – nhân vật chính của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Anh là nơi mà tác giả gửi gắm những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về nghệ thuật, những thấu hiểu và lo âu hết sức đáng quý của một người nghệ sĩ trước cuộc đời: tránh mọi cái nhìn chủ quan, phiến diện một chiều, hay lãng mạn hóa hiện thực. Ta phải nhìn thẳng vào hiện thực bởi hiện thực và con người rất phức tạp, đầy bí ẩn, không thể coi là cái đã biết trước.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu viết về những “con người đời thường”, những số phận bi kịch đang bế tắc, quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo và thất học. Đại diện cho cuộc sống đó là nhân vật người đàn bà làng chài. Bằng những miêu tả chân thực của Phùng, chị hiện lên với hình ảnh người đàn bà xấu xí, thân hình cao lớn với những nét thô kệch. Từ nhỏ đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, kết hôn với anh con trai của một nhà hàng chài giữa phá. Nhưng ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ cam chịu luôn vì gia đình. Người đàn bà yêu thương con hết mực, thị cam chịu cũng chỉ vì con cái mà thôi! Câu chuyện về cuộc đời của chị tại tòa án huyện khiến Phùng và Đẩu phải thay đổi suy nghĩ. Người đàn bà hóa ra không hề ngờ nghệch, cố chấp cam chịu một cách vô lí mà là người sâu sắc. Chị biết chắt chiu hạnh phúc. Trong chị, ta thấy thấp thoáng những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, bao dung, giàu đức hy sinh vì chồng, vì con.

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công hình ảnh các nhận vật phụ như người chồng độc ác hay chị em thằng Phác. Từ đó góp phần làm cho thiên truyện thêm phần kịch tính, hấp dẫn. Ta thấy ở người đàn đông là một người chồng độc ác, luôn dở thói vũ phu với vợ, dáng vẻ khắc khổ, lời nói cục cằn, hung dữ… Còn chị thằng Phác là một cô bé yếu ớt mà can đảm, yêu thương mẹ và em. Cuối cùng là cậu bé Phác – người luôn muốn bảo vệ mẹ khỏi những trận đánh đập tàn bạo của người cha, có những hành động bảo vệ mẹ của một đứa trẻ miền biển.

Tất cả những nhân vật ấy càng chứng tỏ một điều rằng họ là nạn nhân của nhau. Nhưng đồng thời nhìn rộng ra thì họ chính là nạn nhân của hoàn cảnh, một hiện thực nghiệt ngã mà chỉ Nguyễn Minh Châu mới dám nói lên vào thời điểm sáng tác “nhạy cảm” ấy. Người đàn bà là nạn nhân chính, người đàn ông vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân … Đứa con là nạn nhân, mà cũng có thể Phác sẽ là một thủ phạm khác trong tương lai?

Chiếc thuyền ngoài xa là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, là cách nhìn nhận và tiếp cận nghệ thuật chân chính: xa và gần, ngoài và thẳm sâu. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Minh Châu các nhận vật trong truyện hiện lên sinh động qua lối văn giản dị mà sâu sắc. Cách khắc họa hình tượng nhân vật vô cùng độc đáo, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo. Góp phần làm nổi bật chủ đề – tư tưởng tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”

Quả thực truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” như là một “tuyên ngôn về nghệ thuật” trong thời kỳ Đổi Mới của văn học Việt Nam hiện đại, những năm 80 của thế kỷ XX. Qua tác phẩm chúng ta có thể rút ra bài học sâu sắc rằng: trước một hiện thực đời sống phức tạp, trước những số phận còn nhiều éo le ta phải có một cái nhìn toàn diện, tuyệnt đối tránh chủ nghĩa chủ quan duy ý chí. Ta không thể say sưa với chiến thắng mà quên đi thực tiễn trước mắt. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” sẽ còn để lại trong ta nhiều suy ngẫm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

Nguyễn Thị Thu Huyền