Hoạt động theo dự án bot bto bt là gì năm 2024

Thoạt nhìn và nghe loại hình đầu tư theo hình thức BT (đầu tư- chuyển giao), đa số nhiều người có suy nghĩ “ Nhà nước chưa có tiền ngay để đầu tư, các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế dám bỏ tiền để đầu tư trước dự án, sau đó chuyển giao cho Nhà nước và Nhà nước thanh toán khi dự án đưa vào khai thác vận hành thu lợi”. Như vậy Nhà nước có lợi lớn là không phải bỏ vốn ban đầu mà vẫn thu lợi khi đưa dự án vào khai thác, đồng tiền quay vòng nhanh. Tuy nhiên khi đi sâu vào vấn đề này mới thấy, thực chất không phải như vậy, các quy định hiện hành về các loại hình đầu tư: BOT; BTO; BT thì các dự án đầu tư theo hình thức BT đang làm lợi lớn cho các Nhà đầu tư và bên chịu thiệt lại là Nhà nước trong bất kỳ trường hợp nào.

Với loại hình đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư- kinh doanh- chuyển giao) thì Nhà đầu tư (viết tắt là NĐT) phải bỏ tiền (có thể là vốn tự có, vốn vay .v.v. để đầu tư, tiến hành kinh doanh dự án trong một thời gian nhất định để thu lời sau đó Nhà nước nhận bàn giao lại dự án và tiếp tục kinh doanh, như vậy Nhà nước luôn là bên được hưởng lợi do không mất tiền đầu tư mà vẫn có dự án để kinh doanh, NĐT phải đầu tư dự án với chất lượng đảm bảo, phải tính toán thời gian thu hồi vốn rất chi tiết để kinh doanh có lãi. Đây là loại hình đầu tư mà đôi bên đều có lợi.

Với loại hình đầu tư theo hình thức BTO (đầu tư- chuyển giao – kinh doanh), nhìn chung loại hình này hiện không phổ biến, NĐT cũng bỏ vốn đầu tư sau đó chuyển giao cho đối tác kinh doanh thu lợi, với loại hình này không khác máy đầu tư theo hình thức BT (đầu tư chuyển giao), tuy nhiên có yếu tố kinh doanh về sau nên khi dự án được lập và phê duyệt, các bên có nghiên cứu kỹ để thu lợi nhuận sau khi đầu tư.

Với hình thức đầu tư BT (đầu tư- chuyển giao), hiện nay đang được các NĐT ưa thích khi một bên đối tác nhận chuyển giao là Nhà nước, các quy định về quản lý đầu tư theo hình thức này cũng là mảnh đất mầu mỡ cho NĐT khi thực hiện dự án, thực chất của vấn đề này là gì, nằm ở đâu, chúng ta cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá.

Bên chịu thiệt- Luôn là Nhà nước

Đầu tư theo hình thức BT, để thu hồi vốn NĐT thu hồi bằng nhiều hình thức như: Thu hồi vốn bằng tiền, bằng đất, bằng dự án khác (có thể hiểu như một khoản lợi khi NĐT đầu tư và thu hồi từ một hay nhiều dự án khác) hoặc cũng có thể kết hợp nhiều hình thức thu hồi vốn.

Ở hình thức BT khi NĐT thu hồi vốn bằng tiền, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải bỏ số vốn tự có tối thiểu là 15% trong tổng đầu tư của dự án, còn lại 85% là vốn vay (có dự án, Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho nhà đầu tư vay vốn từ ngân hàng). Sau khi công trình hoàn thành (tùy theo điều khoản của hợp đồng BT), sau khi quyết toán được phê duyệt Nhà nước phải trả tiền cho nhà đầu tư (cả vốn lẫn lãi phát sinh), trường hợp công trình phê duyệt quyết toán nhanh thì thời gian chuyển từ phía NĐT phải đi vay sang Nhà nước đi vay càng ít. Có thể nói về bản chất của nguồn vốn thì Nhà nước về cơ bản vẫn là người đi vay hoặc bảo lãnh cho NĐT vay tiền. Nếu nguồn tiền từ một ngân hàng Nhà nước mà không phải là một ngân hàng thương mại hoặc cổ phần thì về cơ bản vẫn là đầu tư bằng nguồn tiền của Nhà nước. Như vậy việc dùng hình thức BT trả bằng tiền không giải quyết được gánh nặng ngân sách ở mức trung và dài hạn mà chỉ ngắn hạn trong vòng 2-3 năm (từ khi xây dựng đến khi đưa công trình vào khai thác).

Ở hình thức đầu tư BT khi thỏa thuận hợp đồng thanh toán bằng dự án khác (ở đây đa số các dự án khác là bằng giá trị quyền sử dụng đất tại một dự án khác). NĐT bỏ tiền (bằng 15% tổng mức đầu tư dự án), phần còn lại cũng đi vay hoặc huy động từ những nguồn khác. Sau khi đầu tư dự án xong, Nhà nước trả cho NĐT bằng dự án khác (quyền sử dụng đất có giá trị tương đương (tính cả vốn lẫn lãi phát sinh khi đầu tư). Theo quy định thì Nhà nước vẫn là bên đứng ra chịu mọi trách nhiệm về GPMB để bàn giao quỹ đất sạch cho NĐT. Nếu hợp đồng không chặt chẽ thì tính toán giá trị đất tại thời điểm ký hợp đồng được thẩm định nhìn chung giá trị đất đều thấp hơn so với giá thực tế, nếu như đất tại vị trí đó có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ. Như vậy, Nhà nước luôn phải mua một sản phẩm (công trình) có giá thành cao (với tổng vốn thanh toán gồm tổng mức đầu tư + lợi nhuận nhà đầu tư + lãi bảo toàn vốn + lãi vay) và phải trả bằng đất có giá trị rẻ hơn giá trị thực.

Trong các hình thức thanh toán, phần giải phóng mặt bằng theo quy định toàn bộ đều do Nhà nước đảm nhận thực hiện. Đây là một phần có thể nói là khó nhất của các dự án. Nếu việc bồi thường GPMB bị ách tắc, tiến độ dự án bị kéo dài, hiệu quả dự án thấp, chi phí phát sinh do lãi xuất bị đội lên thì toàn bộ việc chi phí đó đều tính vào giá thành dự án và Nhà nước đều phải gánh chịu, kể cả khi tổng mức đầu tư bị đội lên cao.

Tóm lại với bất kỳ hình thức thanh toán nào, với các dự án BT thì bên chịu thiệt đều là phía Nhà nước, NĐT không bao giờ chịu thiệt về kinh tế. Đây là điều bất hợp lý trong sản xuất kinh doanh. Với bất kỳ hình thức đầu tư nào, một NĐT muốn thu được lợi nhuận thì đều đi kèm với nó là nguy cơ rủi ro, lợi nhuận càng cao thì nguy co rủi ro càng lớn và NĐT có nguy cơ phá sản nếu gặp rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên với hình thức đầu tư BT thi khảng định chắc chắn là NĐT luôn có lợi, không bao giờ gặp rủi ro.

Chất lượng các dự án BT- giải pháp quản lý hữu hiệu không nằm trong tay Nhà nước.

Trong đầu tư, đặc biệt là xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng công trình nhìn chung đã có những quy định rất chặt chẽ. Bằng nhiều các quy định như các Luật hiện hành, Nghị định 209/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, các Thông tư .v.v.các dự án do Nhà nước đầu tư đều tuân thủ nguyên tắc chung và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan. Tuy nhiên dự án đầu tư theo hình thức BT lại khác, cần phải bàn bạc xem việc quản lý chất lượng có được cho là tốt hay chưa.

Theo các quy định về quản lý chất lượng các dự án BT hiện nay, NĐT được toàn quyền trong các công việc: Lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát và quản lý chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ giữ vai trò rất mờ nhạt là tiếp nhận các thông báo về tiến độ, chất lượng công trình theo hợp đồng từ nhà đầu tư. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư bàn giao công trình và chỉ phải chịu nghĩa vụ bảo hành theo hợp đồng. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra lại nếu thấy nghi ngờ về chất lượng, trường hợp các phần công trình bi che khuất thì việc kiểm tra chất lượng vô cùng khó khăn và coi như là việc đã rồi.

Để đảm bảo dự án có chất lượng thì quản lý chất lượng dự án phải đặt lên hàng đầu, đây là công việc thường xuyên, liên tục, có hệ thống. Với các dự án BT, cơ quan Nhà nước chuyên ngành không thể kiểm soát được chất lượng công trình từ lúc NĐT tổ chức thuê tư vấn thiết kế kỹ thuật hoặc bản vẽ thi công, và quá trình thi công. NĐT có quyền thuê một đơn vị tư vấn và thanh toán kinh phí cho nhà tư vấn. Vậy ai có thể khảng định không có sự “bắt tay” giữa đơn vị tư vấn cùng NĐT để hợp thức hóa các biên bản kiểm tra chất lượng hoặc các khối lượng phát sinh với các phần việc che khuất. Nếu như có sự bắt tay đó thì sẽ là vô cùng thiệt hại cả về kinh tế lẫn kỹ thuật và bên gánh chịu hậu quả là Nhà nước. Trường hợp dự án kém chất lượng nhưng nó không hỏng ngay mà tới 2-5 năm sau mới phát bệnh và hư hỏng, tỏng khi thời hạn bảo hành dự án chỉ từ 12 tháng đến 18 tháng. Đến lúc đó NĐT coi như hết trách nhiệm, không thể quy kết bồi thường kinh tế và hậu quả là Nhà nước lại chịu thiệt thòi.

Về lựa chọn nhà thầu tham gia dự án theo quy định phải tổ chức đấu thầu, tuy nhiên với hình thức đầu tư BT, việc này do NĐT đảm nhiệm, vậy sự kiểm soát đấu thầu, tính cạnh tranh của các nhà thầu để giảm giá thành đầu tư nhìn chung là không thể kiểm soát được (với các dự án do Nhà nước quản lý giá trị dự thầu thường giảm từ 5-10%). Đây cũng là một thất thoát đáng kể kinh phí đầu tư và phần thu lợi vẫn NĐT hưởng. Giá trị giảm giá có thể tương đương với phần lãi xuất phải đi vay ngân hành để thực hiện dự án.

Thay lời kết

Hiện tại trên các tỉnh, thành phố, việc đầu tư theo hình thức BT đã và đang là trào lưu được các NĐT ưa thích, cũng không phủ nhận có một số không nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT phát huy tác dụng và đưa vào khai thác sớm, phát huy hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vấn đề này, giữa cái được và những khiếm khuyết bộc lộ như đã phân tích ở trên, với cơ quan quản lý Nhà nước cần có những điều chỉnh kịp thời để quản lý chặt chẽ các dự án BT.

Việc đầu tư theo hình thức BT hiện nay chưa phải là giải pháp đạt hiệu quả cao trong việc huy động vốn xã hội. Ở đây, vốn xã hội không phải từ nhà đầu tư mà từ các tổ chức tài chính, tín dụng. Nếu như từ nguồn vốn vay của các Ngân hàng Nhà nước thì về cơ bản là không nên đầu tư theo hình thức này.

Với việc đầu tư bằng nguồn vốn vay, Nhà nước nên giao cho các đơn vị có năng lực quản lý chuyên ngành (như các ban quản lý dự án, các khu quản lý giao thông đô thị…) tổ chức thực hiện. Đây là các tổ chức thuộc thẩm quyền điều chỉnh và chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, lúc đó giá thành công trình chắc chắn sẽ giảm, vì khi đó giá thành công trình không phải bao gồm các khoản lợi nhuận của nhà đầu tư và lãi bảo tồn vốn. Công tác quản lý chất lượng công trình sẽ được thực hiện về cơ bản là tuân thủ đúng các quy định, quy trình kỹ thuật. Nhà nước sẽ thực thi được công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về tiến độ, chất lượng công trình vì đơn vị được giao có quan hệ trực thuộc cả về hành chính, nhân sự và chính trị…

Các dự án đầu tư theo hình thức BT chỉ nên nhường cho các doanh nghiệp thực hiện với nhau mà không nên sử dụng khi mà một đối tác tiếp nhận dự án là Nhà nước.

Chủ đề