Hình ảnh không hút thuốc lá nơi công cộng

(Baonghean.vn) - Tại Khoản 7, Điều 2, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người. Do vậy trong Luật đã cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của rất nhiều người, do vậy việc hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, làm cho những người không sử dụng thuốc lá cũng bị hút thuốc lá một cách thụ động. Hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói thuốc do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc.

Ảnh minh họa.

Hơn nữa, khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nên nhiều bệnh như: tim mạch, phổi, làm giảm các chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Do đó, quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng là rất cần thiết. 

Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng còn để bảo đảm giữ vệ sinh chung, không để tàn thuốc, mẩu thuốc lá vương vãi làm mất vệ sinh nơi công cộng.

Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm: 

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b, khoản 2, Điều này; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. 

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều này và khoản 1, Điều 12 của Luật này. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện. 

Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: 

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa. 

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ./.

Với mong muốn góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá xây dựng Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động, nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc.

Phần mềm được triển khai thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) trong năm 2022.

Mặc dù, mới là áp dụng thí điểm nhưng dư luận lo ngại về tính khả thi của việc xử lý hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc qua Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động (gọi tắt là qua ứng dụng) vì những lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng nơi có quy định cấm hút thuốc lá như cơ quan, bệnh viện, trường học… xảy ra phổ biến nhưng việc xử lý các hành vi vi phạm này là rất hạn chế.

Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm mà không sợ bị xử lý. Việc kiểm tra, nhắc nhở và xử lý của các cơ quan chức năng đối với người vi phạm chưa được thường xuyên, kịp thời. Chính vì vậy, việc triển khai ứng dụng để xử lý hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc sẽ càng khó khăn hơn.

Thứ hai, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng xảy ra nhanh chóng, đối tượng vi phạm chủ yếu là người vãng lai. Sau khi hút thuốc xong, người vi phạm sẽ di chuyển đi nơi khác nên không thể có các thông tin như tên, địa chỉ người vi phạm; đồng thời, hành vi vi phạm này cần phải bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ và xử lý mới đảm bảo tính khả thi.

Do đó, việc người dân quay video hoặc chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng sẽ rất khó xử lý do thiếu thông tin của đối tượng vi phạm.

Thứ ba, về quy trình xử lý, thông tin phản ánh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi Ủy ban nhân dân cấp quận và chuyển xuống cấp xã, phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý.

Quy trình này phải tốn rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực và phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin.

Mặt khác, một số thông tin phản ánh của người dân không có nghĩa là đã đầy đủ, chính xác, rõ ràng mà phải thông qua việc kiểm tra, xác minh, nhiều trường hợp việc xác minh, kiểm tra sẽ không có kết quả nên không thể xử lý hành vi vi phạm. Việc này có thể làm cho người dân đã phản ánh thông tin sẽ nản lòng và không tiếp tục phản ánh nữa.

Thiết nghĩ, việc phản ánh hút thuốc lá nơi công cộng qua ứng dụng di động là cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân về các vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các hành vi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Việc phản ánh của người dân về hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng qua ứng dụng chỉ có thể giúp chính quyền cơ sở và cơ quan, đơn vị, quản lý các địa điểm công cộng nơi cấm hút thuốc lá tăng cường các biện pháp quản lý như kiểm tra, nhắc nhở và xử lý hành vi vi phạm, chứ không thể giúp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã xảy ra và được người dân quay video hoặc chụp ảnh cung cấp.

.

Cập nhật lúc: 08:11, 01/06/2022 (GMT+7)

Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan dù Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá năm 2013 đã có hiệu lực 9 năm; mức xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng đã có, nhưng việc xử lý gần như… bó tay.

Một trường hợp hút thuốc lá ở quán cà phê vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

* Một người hút, nhiều người hít

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, hàng quán, tiệm cà phê ở TP.Biên Hòa, không khó để thấy nhiều người phì phèo hút thuốc lá, kể cả những nơi được quy định cấm hút thuốc như bệnh viện. Tại một số bệnh viện vẫn còn tình trạng nhiều người ngang nhiên hút thuốc, thậm chí cả bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân. Dù được nhắc nhở, nhưng chỉ một lúc rồi đâu lại vào đó.

Đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh, trong khi chờ lấy kết quả xét nghiệm, bà Vũ Thị Sáng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) ra ghế đá ngoài sân ngồi nhưng phải chuyển chỗ mấy lần vì không chịu nổi “ống khói” của những người ngồi hút thuốc bên cạnh phả ra. Mặc dù nhân viên bảo vệ bệnh viện thường nhắc nhở, nhưng khi bảo vệ đi qua họ lại lấy thuốc ra hút.

Bà Sáng cho hay: “Bệnh nhân vào đây với nhiều bệnh tật đã mệt mỏi mà còn hít phải khói thuốc như vậy rất khó chịu. Tôi mong bệnh viện làm thật gắt với những trường hợp hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Nếu cần, buộc những người hút thuốc lá ra khỏi bệnh viện”.

Tình trạng hút thuốc lá mọi lúc, mọi nơi đang diễn ra rất phổ biến, nhất là ở những quán cà phê, nhà hàng ăn uống. Nhiều chủ tiệm ăn ở TP.Biên Hòa cho biết, vì ngại mất lòng khách hàng nên cũng không dám nhắc nhở. Vậy nên, việc hút thuốc lá và vô tư nhả khói ra môi trường được coi như chuyện thường ngày.

* Đánh thuế nặng, xử phạt nghiêm

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế, lực lượng tham gia xử phạt vi phạm hành chính về PCTH của thuốc lá là thanh tra y tế, chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, chủ tịch UBND cấp xã (phường). Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn và lãnh đạo một số UBND phường ở TP.Biên Hòa, việc xử phạt đối với hành vi này hiện gặp nhiều khó khăn.

Quyền Trưởng phòng Y tế TP.Biên Hòa Trần Hùng cho biết, việc xử lý những trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng rất khó, bởi hành vi hút thuốc của người đó diễn ra bất chợt, nhanh, vị trí không cố định. Nếu xử phạt theo đúng quy trình là sau khi nhận được phản ảnh của người dân, lực lượng chức năng thành lập đoàn đến lập biên bản, ra quyết định hoặc đề xuất xử phạt thì cá nhân vi phạm không chỉ thừa thời gian “thủ tiêu” tàn thuốc mà còn đi mất dạng, rất khó để truy tìm và xử lý. Hơn nữa, đơn vị xử lý cũng không thể có đủ nhân lực để bố trí các nơi nhằm kiểm tra, giám sát, phát hiện người vi phạm.

Mới đây, để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PCTH thuốc lá, tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh về các hành vi vi phạm Luật PCTH của thuốc lá, Quỹ PCTH thuốc lá (Bộ Y tế) đã xây dựng và thí điểm ứng dụng Vn0khoithuoc (app trên điện thoại di động), giúp người dân phản ảnh các vi phạm liên quan đến thuốc lá tới cơ quan chức năng.

Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm Luật PCTH thuốc lá tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đem lại hiệu quả, bởi không phải ai cũng có điện thoại thông minh, có kết nối internet để chụp, gửi hình ảnh. Ngoài ra, việc chụp và sử dụng ảnh người khác khi không có sự đồng ý của người đó là vi phạm luật pháp.

Trước những khó khăn trong công tác xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện song song 2 biện pháp. Thứ nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt tác động đến những người có người thân hút thuốc lá để vận động người nhà bỏ hút thuốc. Thứ hai là tăng thuế thật cao đối với mặt hàng thuốc lá để “đánh” vào túi tiền người hút thuốc.

Khi bao thuốc lá tăng giá lên gấp 3-4 lần hoặc nhiều hơn nữa thì người hút sẽ phải cân nhắc, từ đó có thể giảm dần và tiến tới bỏ hút nếu không đủ tiền để mua hoặc mua thường xuyên. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người hút thuốc lá đối với sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng.

Theo Khoản 1, Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, người có hành vi hút thuốc lá ở những nơi có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng.

Phương Liễu

Video liên quan

Chủ đề