Hiện tượng sốc văn hóa và sốc văn hóa ngược năm 2024

Khái niệm “sốc văn hóa” lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà Nhân loại học người Mỹ Kalervo Oberg năm 1954. “Culture shock” Sốc Văn hóa, là tình trạng một người cảm thấy choáng ngợp, bồn chồn, lo lắng, bối rối... khi phải tiếp xúc với môi trường, xã hội và văn hóa khác biệt so với cuộc sống quen thuộc thường ngày. Thông thường, con người gặp phải tình trạng sốc văn hóa khi định cư hoặc di chuyển đến một quốc gia mới, một môi trường xã hội mới. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến là: phải tiếp thu nhiều thông tin, tập tục mới dẫn đến quá tải, rào cản ngôn ngữ, khoảng cách thế hệ, khoảng cách công nghệ, sự thua kém về kỹ năng, sự phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào đó, cảm giác nhớ nhà…

Sốc văn hóa khi du học Nhật Bản – Tình trạng phổ biến

Theo chia sẻ của những bạn trẻ đang sống và làm việc tại Nhật Bản, sốc văn hóa là tình trạng thường gặp ở hầu hết các bạn du học sinh Nhật Bản. Khi mà bạn lớn lên trong môi trường quen tụ tập, ồn ào, đôi khi có phần xuề xòa của người Việt thì người Nhật có phong cách sống khép kín, trọng lễ nghĩa, tỉ mẩn, khuôn mẫu, kỷ luật cao, đôi khi đến mức khắc nghiệt. Cảm giác phấn khởi, hào hứng về những điều mới mẻ, lạ lẫm xung quanh sẽ không tồn tại được lâu khi mà những điều này gây khó khăn cho thói quen sinh hoạt của bạn.

Khi mới sang Nhật, những khó khăn đầu tiên trong cuộc sống thường ngày xuất hiện. Chẳng hạn như lần đầu chen chân đến nghẹt thở trên chuyến tàu điện ngầm, hết hồn hết vía khi cảnh sát Nhật yêu cầu kiểm tra giấy tờ khi nghi ngờ bạn có điều bất thường chỉ vì bạn đeo khẩu trang lạ, người Nhật không gần gũi, hiếu khách như bạn tưởng,… Các cú sốc văn hóa khi đi du học Nhật Bản sẽ khiến bạn cảm thấy nhớ gia đình, người thân và bạn bè, bắt đầu nảy sinh ý định quay về. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi “nhập gia tùy tục”, “trước lạ sau quen”, dần dần, bạn sẽ học được cách thích nghi với môi trường sống tại đây.

Sốc văn hóa khi đi du học Nhật – TỔNG HỢP những “cú sốc” văn hóa Nhật Bản

Được xem là sự phản ứng nhạy cảm vois sự khác biệt văn hóa khi sống ở môi trường nước Nhật khác hẳn với môi trường bạn sinh ra và lớn lên, sốc văn hóa là tình trạng phổ biến, cũng là khó khăn đầu tiên mà du học sinh Nhật Bản phải vượt qua. Vậy cuộc sống Nhật Bản đem đến cho du học sinh những “cú sốc” nào?

Người Nhật vô cảm và lạnh lùng

Hầu hết các bạn du học sinh Nhật Bản đều cho rằng người Nhật rất “lạnh lùng”. Họ không bao giờ mời bạn về nhà chơi, cũng như không tới chơi nhà bạn. Khi giao tiếp, họ không thân mật với người nói chuyện mà chỉ xã giao. Người Nhật cũng rất giữ kẽ và tất lịch sự, nhưng thường từ chối mọi lời mời. Sự “vô cảm” này được lý giải là do họ sống trong một xã hội công nghiệp vô cùng bận rộn và họ là những cá nhân độc lập. Họ có không gian riêng và hoàn toàn không muốn bạn “thâm nhập” vào đó.

Văn hóa lặng yên của người Nhật

Nhật Bản là nơi mà tiếng ồn được hạn chế tới mức tiếng chuông điện thoại trở thành chế độ thừa.Trong văn phòng, lớp học hay thậm chí cuộc họp mặt ở Nhật đều được yêu cầu tắt chuông điện thoại, không nói chuyện riêng hay làm ồn để thể hiện sự tôn trọng người khác. Đặc biệt, trên các phương tiện công cộng như tàu điện hay xe bus cũng có biển cảnh báo tắt chuông điện thoại, vì tiếng chuông có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Sốc văn hóa Senpai-Kouhai

Rất nhiều bạn du học sinh Nhật Bản khi mới sang bị sốc với văn hóa Senpai – Kouhai, bởi các mối quan hệ giữa các cá nhân và tôn ti trật tự tại Nhật rất sâu sắc. Có thể nói rằng, mối quan hệ senpai - kohai là một trong những tiêu biểu về phân bậc xã hội Nhật Bản. Nếu bạn đi làm thêm, người vào trước có quyền sai bảo bạn. Tại Nhật Bản, mối quan hệ này không cởi mở và bình đẳng như tại các quốc gia khác. Thậm chí, có nhiều người không chịu nổi và phải xin nghỉ việc. Tuy vậy, nghĩ theo một cách tích cực thì đây cũng là một điều tốt để rèn luyện thái độ của bạn. Vì thế, trước khi bắt đầu công việc làm thêm tại Nhật Bản, hãy học cách tôn trọng tất cả mọi người đặc biệt là những tiền bối đi trước.

Văn hóa làm việc của người Nhật

Đối với người Nhật, công việc dường như là quan trọng nhất. Họ cũng là những người rất cần cù, chịu khó. Họ có thể làm việc quần quật từ 9-10h/ngày. Người dân của “xứ anh đào” rất yêu công việc. Họ xem công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình. Quan niệm của họ là “sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống”. Có thể thấy, lối sống và làm việc của người Nhật có phần nào đó khắt khe, khuôn mẫu…Điều này khiến khá nhiều bạn du học sinh bị “sốc” và thậm chí cảm thấy “nghẹt thở”. Tuy nhiên, đức tính này lại là bí quyết khiến người Nhật vực dậy sau thảm họa và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Sự tỉ mỉ và tính cẩn thận của người Nhật

Người Nhật cũng rất cẩn thận và tỉ mỉ. Từng câu, từng chữ đều được yêu cầu chuẩn format. Các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng…ở Nhật cũng yêu cầu kê khai một cách chi tiết và cẩn thận.

Thậm chí, một số loại còn yêu cầu tuyệt đối không dùng bảng chữ cái tiếng Anh mà bạn phải tự điền bằng tiếng Nhật viết tay, người làm giấy phải có con dấu kiểu Nhật, không sử dụng chữ ký viết tay thông thường. Với những người mới học tiếng Nhật, việc hoàn thành những thủ tục này khá vất vả.

Văn hóa “đeo khẩu trang”

Nghe có vẻ khá kỳ cục nhưng ở Nhật có văn hóa đeo khẩu trang. Khẩu trang được xem là một món đồ thiết yếu tại Nhật. Khi đi đường, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người đeo khẩu trang. Hầu hết những người đeo khẩu trang là khi họ đang bị bệnh và họ muốn hạn chế lây nhiễm sang những người xung quanh. Trong môi trường làm việc hoặc ở lớp học và kể cả ở nhà, chúng ta có thể đeo khẩu trang mà không ai có ý kiến gì. Vì đó chính là ý thức giúp người bệnh tránh lây nhiễm sang những người khác đặc biệt là người thân.

Một số “cú sốc” khác về văn hóa

Bên cạnh những vấn đề nêu trên thì việc sử dụng các loại máy móc tự động cũng gây không ít khó khăn cho những bạn du học sinh khi mới sang. Nhà vệ sinh có cả tá nút bấm: xả, các chế độ phun rửa, tăng giảm nhiệt độ thành bồn, nhiệt độ nước, gọi hỗ trợ khẩn cấp, thậm chí cả thổi gió sấy khô… Du học sinh phải sửa từ những việc nhỏ nhặt nhất cho phù hợp với môi trường sống và học tập đặc biệt ở đây. Xung quanh mình, mọi người đều tự giác, mọi thứ đều tự động ở mức tối đa. Xe điện, tàu điện luôn luôn đúng giờ khiến thói quen cao su giờ của các du học sinh mới sang không còn tồn tại được nữa.

Sốc văn hóa khi du học Nhật – Một số THÔNG TIN cần biết

Làm thế nào để biết mình đang bị sốc văn hóa Nhật Bản?

Đây là vấn đề khá nhiều bạn du học sinh quan tâm và thắc mắc. Trên thực tế, có nhiều bạn bị sốc văn hóa, xong ở tình trạng nhẹ nên vẫn không cảm thấy có những biểu hiện rõ rệt. Dưới đây là một số triệu chứng tâm lý thường gặp của một người đang chịu sốc văn hóa. Cụ thể:

  • Nóng giận, bực tức
  • Buồn chán
  • Đau đầu, nhức mỏi, thường xuyên bị dị ứng
  • Buồn bã, chán nản, cảm giác trống trải
  • Mệt mỏi, ngủ nhiều, hoặc không ngủ được
  • Vui buồn lẫn lộn, không kiểm soát được cảm xúc
  • Ăn uống quá nhiều hoặc quá ít, tăng cân hoặc giảm cân bất thường
  • Căng thẳng với tất cả mọi thứ, dù là chuyện nhỏ nhất
  • Phản ứng thái quá, tiêu cực
  • Cô đơn, nhớ nhà, nhớ bạn bè người thân
  • Thấy mất phương hướng, tự hỏi việc mình đến đây là đúng hay sai
  • Không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, tự cô lập bản thân
  • Bất lực, không muốn làm gì nữa
  • Quan trọng hóa vấn đề vệ sinh sạch sẽ của bản thân hoặc môi trường xung quanh
  • Khó chịu, ác cảm với văn hóa lối sống của người bản xứ
  • Giữ định kiến, cho rằng văn hóa lối sống bản xứ rất xấu xí, còn văn hóa nước mình mới tốt đẹp
  • Muốn buông bỏ, trường hợp xấu có thể dẫn đến ý nghĩ tự tử

Các giai đoạn khi bị sốc văn hóa Nhật Bản

Sốc văn hóa khi du học Nhật được chia thành những giai đoạn khác nhau, cụ thể, gồm 5 giai đoạn sau: \>>> Giai đoạn đầu (từ 1 tuần đến 1 tháng): thời kỳ bạn cảm thấy toàn bộ những thứ nghe và nhìn thấy đều mới mẻ và hấp dẫn. \>>> Giai đoạn sốc (khoảng 3 tháng): Sự khác biệt về văn hóa, từ ngữ khiến bạn cảm thấy bất tiện, gây ra stress, dễ trở nên cách biệt mình trong phòng. \>>> Giai đoạn thích nghi (khoảng 6 tháng đến 1 năm): thời kì dần quen với thói quen mới, thông thạo tiếng Nhật, thích ứng với môi trường mới. \>>> Giai đoạn hòa hợp, hòa nhập (hơn 1 năm): thời kì có thể sống cuộc sống ổn định khi bạn hiểu thấu được nền văn hóa mới. \>>> Giai đoạn trở về văn hóa cũ: đây là thời kỳ sau khi đi du học và quay về môi trường cũ. Khi đã quen với phong tục, tập quán của người Nhật bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa suy nghĩ, cảm nhận của bản thân so với gia đình và bạn bè.

Sốc văn hóa ngược – được hiểu như thế nào?

Bên cạnh tình trạng sốc văn hóa khi đi du học Nhật khá phổ biến thì còn có nhiều bạn trẻ mắc phải tình trạng “sốc văn hóa ngược”. Vậy sốc văn hóa ngược là gì? Tình trạng này được hiểu là sau khi đi du học Nhật, bạn trở về đất nước của mình và thấy mình không thích ứng được. Bạn cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ: sự bẩn thỉu, không khí ô nhiễm, công việc trì trệ, ý thức người dân quá kém… Bạn hoàn toàn rơi vào cảm giác chán nản. Sẽ không có cửa hàng tiện lợi, mà nếu có cũng không tiện lợi lắm. Không tàu điện mà phải chen chúc lúc kẹt xe, tha hồ hít khói bụi. Đôi giày đẹp của bạn sẽ bị dính nước bẩn. Ai cũng có thể làm phiền bạn mà chẳng buồn xin phép. Không ở đâu xếp hàng mà phải chen lấn xô đẩy. Bạn thấy mình không thích ứng được và cảm thấy tuyệt vọng. Đây chính là "Sốc văn hóa ngược". Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ quan và vẫn sống tốt. Mọi cú sốc đều có cách giải quyết, và nhiều khi là đơn giản. Để tránh các cú sốc, bạn cần hiểu chân thực về thế giới. Đừng tin những thứ mà sách giáo khoa, các loại sách vở hay người nào đó nói mà hãy kiểm chứng. Sẽ có ngày bạn hiểu rõ xã hội, văn hóa Việt Nam cũng như Nhật Bản và bạn không cảm thấy "sốc" nữa.

CÁCH KHẮC PHỤC sốc văn hóa khi đi du học Nhật Bản

Mặc dù sốc văn hóa khi đi du học Nhật không quá đáng sợ, xong khá nhiều bạn học sinh chuẩn bị đến với “đất nước mặt trời mọc” bị áp lực vấn đề này. Vậy làm thế nào để khắc phục những “cú sốc” này? Nếu bạn đang lo lắng về tình trạng sốc văn hóa khi đi du học Nhật, hãy tham khảo một số giải pháp khắc phục dưới đây:

Chuẩn bị tâm lý thật kỹ càng

Bên cạnh những vật dụng cần thiết thì chuẩn bị tâm lý là một vấn đề rất quan trọng khi chuẩn bị hành trang du học Nhật Bản. Để có thể nhanh chóng thích nghi, bạn cần chuẩn bị “kiến thức” về “đất nước mặt trời mọc”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải biết được những mặt tốt, mặt xấu, những khác biệt về khí hậu, tôn giáo, lễ nghi, thói quen hay phong tục tập quán… Nắm rõ được những điều đó, bạn sẽ không còn cảm thấy bất ngờ trong lúc giao tiếp, qua đó tránh được cảm giác sốc và khó chịu nếu có.

Bày tỏ cảm nhận của bản thân

Bạn cũng có thể vượt qua cú sốc văn hóa khi du học Nhật bằng cách bày tỏ cảm nhận của bản thân. Hãy thổ lộ những cảm nghĩ hiện tại của bạn về sự khác biệt văn hóa với bạn bè, người quen hay những người thân xung quanh. Và họ có thể chia sẻ với bạn những kinh nghiệm của bản thân, điều này có thể giúp bạn vượt qua những vấn đề khó khăn. Đôi khi họ cũng đang gặp tình huống như bạn thì sự cảm thông từ những người bạn chính là động lực để bạn tìm ra hướng giải quyết những cú sốc văn hóa khi du học Nhật Bản.

Giữ tư duy thoải mái

Hãy giữ đầu óc thoải mái, sẵn sàng tiếp thu cái mới. “Nhập gia tùy tục”,học tập văn hóa nước khác cũng như giữ thói quen học hỏi. Nếu không biết, bạn có thể hỏi những người xung quanh. Đồng thời, bạn cũng cần tránh lối suy nghĩ thành kiến, thiên vị đối với nước mình mà chê bai nước người. Thay vào đó, hãy chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia.

Hãy liên lạc với gia đình

Việc đến và học tập tại đất nước xa lạ sẽ không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà. Vì thế, việc liên lạc với người thân, gia đình cũng là một trong những điều quan trọng, giúp bạn giữ vững tinh thần khi đi du học. Hiện nay hầu như việc liên lạc xa đã trở nên vô cùng dễ dàng, với sự xuất hiện của internet, online chat hay mạng xã hội… Tuy vậy, trong giai đoạn đầu làm quen với cuộc sống mới, bạn chú ý đừng thường xuyên gọi về nhà quá nhiều (ví dụ như ngày nào cũng gọi), vì việc này sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng nước ngoài đấy.

Giữ nếp sống lành mạnh

Để vượt qua những cú sốc về văn hóa, bạn cũng cần giữ nếp sống lành mạnh. Hãy ngủ đủ, đúng giờ giấc, chú ý chế độ ăn uống nhằm cân bằng cơ thể trước tình trạng stress, mệt mỏi của bản thân. Cảm xúc tiêu cực sẽ khiến bạn chán nản, thụ động, thậm chí rơi vào trạng thái tinh thần mệt mỏi hay ốm yếu.

Tránh tự cô lập bản thân

Khi mới sang Nhật, rất nhiều bạn du học sinh bị rơi vào trạng thái buồn chán, cô độc nơi “xứ người”, nhất là giai đoạn đầu, khi các mối quan hệ chưa nhiều. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn cảm thấy như vậy thì bạn cũng đừng tự cô lập mình, né tránh tiếp xúc với mọi người, bởi làm như vậy chỉ làm những cú sốc văn hóa khi du học Nhật Bản kéo dài thêm và gây ra những việc không mong muốn. Sốc văn hóa khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn thu mình lại để bảo vệ sự an toàn của mình. Tuy nhiên, việc tách khỏi cộng đồng như vậy càng khiến vấn đề sốc văn hóa của bạn trầm trọng hơn. Hãy cho bản thân mình và những người xung quanh cơ hội tìm hiểu, trao đổi vấn đề với nhau. Bạn có thể tham gia hội nhóm, câu lạc bộ, chơi thể thao, làm tình nguyện, kết bạn với nhiều bạn bè quốc tế, trao đổi học thuật, văn hóa …Những hoạt động như thế không chỉ giúp bạn trong việc học mà trong cả chuyện thư giãn, vui chơi, giải tỏa căng thẳng nữa.

Tích cực trải nghiệm và tham gia các hoạt động cuộc sống

Để vượt qua tình trạng sốc văn hóa khi đi du học Nhật, bạn cũng có thể tham gia nhiều hoạt động và trải nghiệm. Việc mua sắm, đi lại ở Nhật rất dễ dàng, đi lại thuận tiện, cuộc sống mới mẻ…có vô vàn thứ đang chờ bạn khám phá. Thay vì ôm trong mình mớ cảm giác hỗn độn, hãy trải nghiệm và hòa nhập với cuộc sống tại Nhật.Một số hoạt động các bạn có thể làm như: du lịch, chụp ảnh, leo núi, lắp ráp các món đồ điện tử, tham quan các khóa học về trang trại, tham gia các lễ hội…Những trải nghiệm thú vị này mang lại những cảm giác thích thú sẽ giúp bạn vượt qua thời kỳ mệt mỏi, chán nản.

Nhờ đến sự hỗ trợ của những chuyên gia tâm lý

Khi cảm thấy bản thân không thể xử lý tốt những cú sốc văn hóa, nền văn hóa lạ này gây cho bạn quá nhiều áp lực trong công việc và học tập, hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Hầu hết các trường tại Nhật cũng đều có nơi hỗ trợ sinh viên, tư vấn về mọi mặt trong cuộc sống. Khi mắc phải những vấn đề này, các bạn đừng ngại mà hãy chia sẻ vấn đề của mình để các chuyên gia có thể giúp bạn giải quyết một cách tốt nhất.

Giữ cho mình một sức khỏe tốt

Người ta thường nói: “Trí tuệ tốt trong một thân thể khỏe mạnh”. Chính vì thế, để phòng tránh cũng như phục hồi từ cú sốc văn hóa, thì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và thường xuyên vận động, chơi thể thao sẽ là phương thuốc hiệu quả giúp bạn giữ tinh thần minh mẫn, lạc quan…

Lời kết

Mọi cú sốc văn hóa khi đi du học Nhật đều cần thời gian để thích ứng. Cuộc sống du học không chỉ toàn màu hồng, mà còn cả những khoảng xám, những áp lực vô hình khiến bạn cảm thấy lạc lõng và chán nản. Vì thế, hãy suy nghĩ tích cực và cố gắng thích nghi. Cuộc sống du học Nhật sẽ đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thú vị.

Chủ đề