Hệ thống thư viện đhqg-hcm có bao nhiêu cơ sở

Thư viện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Địa điểm học tập lý tưởng cho sinh viên

(ĐCSVN) - Đối với các sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học, thư viện chính là địa điểm học tập lý tưởng nhất để tiếp thu những kiến thức mới.

Sinh viên học tập tại Thư viện Trường ĐH Quốc tế ĐHQG-HCM. Ảnh: Hoài Thương

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) gồm 7 trường đại học thành viên, tạo nên một mạng lưới thư viện vừa thống nhất vừa đa dạng, thu hút đông đảo các thế hệ sinh viên đến học tập và nghiên cứu. Các thư viện trong hệ thống ĐHQG-HCM phần lớn được cấu trúc theo mô hình không gian mở, tự quản lý, tự phục vụ.

Thư viện hiện đại, nguồn tư liệu phong phú, chất lượng

Hệ thống thư viện ĐHQG-HCM rất hiện đại. Trong đó, Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM có không gian rộng lớn gồm ba tầng và phân chia từng khu vực cụ thể cho sinh viên. Đặc biệt, tầng ba là có thiết kế phòng họp, hội trường tạo môi trường làm việc nhóm tối ưu. Còn thư viện Trường ĐH Quốc Tế gây ấn tượng bởi sự hiện đại và năng động với sự bố trí hợp lý giữa phòng đọc và kho sách không bị ngăn cách, thuận tiện cho sinh viên lựa chọn sách và đọc ngay tại chỗ.

Đáng chú ý, Trường ĐH Quốc tế đầu tư hệ thống cửa tự động kết hợp hệ thống an ninh tạo cảm giác thoải mái cho sinh viên đồng thời giữ gìn bảo quản sách vở, tài liệu kỹ lưỡng. Thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật với mô hình thân thiện, đơn giản và dễ sử dụng, thư viện trang bị những chiếc ghế salon, ghế mềm cho sinh viên nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng trên lớp.

Về nguồn tư liệu, hệ thống thư viện ĐHQG-HCM có số lượng tài nguyên bản in và tài nguyên điện tử phong phú. Riêng tại Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM đã có hơn 100.000 tài liệu, 70 máy tính phục vụ sinh viên. Tất cả nguồn tài liệu nội, ngoại văn đều được chọn từ những nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước.

Song song với đó, mỗi thư viện thành viên đều có nguồn tư liệu chuyên sâu cho từng lĩnh vực đào tạo. Ở Trường ĐH Quốc tế, do trường chủ yếu giảng dạy, học tập bằng tiếng Anh nên đã chủ động mua sách tiếng Anh chuyên ngành từ nước ngoài, chiếm 90% tổng lượng sách của thư viện trường. Còn thư viện Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã số hóa tất cả giáo trình do giảng viên của trường biên soạn. Trường ĐH Bách khoa chuyển hầu hết tài liệu giấy từ cơ sở 1 đến cơ sở 2 để xây dựng môi trường thư viện số tại cơ sở 1 tốt hơn.

Mặc dù chứa đựng một khối lượng tài liệu đồ sộ từ bản giấy đến online, nhưng nhờ các máy tính với phần mềm hỗ trợ đặt tại thư viện, sinh viên ĐHQG-HCM có thể dễ dàng tìm kiếm được tư liệu. Chỉ cần gõ từ khóa, máy tính sẽ đưa ra một danh sách chi tiết tư liệu đang có trong thư viện để sinh viên lựa chọn. Ngoài ra, các thư viện còn tổ chức những lớp hướng dẫn cho tân sinh viên về cách sử dụng thư viện hiệu quả.

Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm tư liệu dễ dàng

Đi đầu là Trường ĐH Công nghệ Thông tin, trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thư viện để thu hút sinh viên. Tham gia cuộc thi, ngoài việc tăng sự hiểu biết về thư viện sinh viên còn được cộng điểm rèn luyện và nhận giải thưởng. Thứ hai phải kể tới Trường ĐH Kinh tế - Luật, bên cạnh những buổi hướng dẫn trực tiếp, nhân viên thư viện còn tổ chức các lớp hướng dẫn online cho sinh viên cao học, sinh viên nước ngoài...Về phần mình, Trường ĐH Quốc tế chủ động tổ chức những buổi workshop để hướng dẫn người dùng sử dụng phần mềm trích dẫn tài liệu tự động.

Để hỗ trợ sinh viên, các chuyên viên thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật sẵn sàng trao đổi với sinh viên qua email và trang web. Tại thư viện trường còn có những chuyên viên của từng mảng luật và kinh tế. Ngoài kỹ năng tìm kiếm, thư viện có thêm kỹ năng đánh giá thông tin và mức phù hợp của tài liệu để hỗ trợ sinh viên.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong mùa thi, Thư viện Trường ĐH Bách Khoa mở cửa đến 20 giờ 30 mỗi ngày, kể cả hai ngày cuối tuần. Thư viện tại Ký túc xá cũng mở cửa đến 21 giờ 30 nhằm giúp sinh viên có nhiều thời gian để học tập.

Cô Ninh Thị Kim Duyên - Trưởng Phòng phục vụ độc giả Thư viện Trung tâm cho biết: “Chỉ cần một tấm thẻ Hệ thống Thư viện, các bạn sinh viên có thể mượn sách từ các thư viện khác nhau trong hệ thống. Nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho sinh viên sử dụng thư viện, thư viện đang tiến hành tích hợp thẻ Hệ thống Thư viện vào thẻ sinh viên, tiên phong là Trường ĐH Công nghệ Thông tin”.

Bạn Phạm Ngô Hồng Thủy, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế nhận xét: “Bình thường nguồn tài liệu nước ngoài thường bị giới hạn đối với độc giả sinh viên nhưng khi đăng ký thẻ ở Trường ĐH Quốc tế, sinh viên sẽ truy cập được nhiều nguồn tài liệu hơn, thích hợp cho việc nghiên cứu khoa học”.

Theo cô Trần Thị Hồng Xiêm - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật, những người làm việc tại thư viện đòi hỏi dành nhiều tâm huyết và tinh thần trách nhiệm đối với người dùng: “Không chỉ có nguồn tài liệu phong phú là đủ mà phải cung cấp dịch vụ thỏa đáng cho sinh viên”./.

Hoài Thương

Thân gởi đến quý độc giả lời chào trân trọng.

Hệ thống Thư viện ĐHQG-HCM là một mạng lưới các thư viện liên thông, liên kết, cùng phối hợp cung cấp các nguồn tài nguyên thông tin và các dịch vụ thông tin cho tất cả bạn đọc là giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và cán bộ viên chức của ĐHQG-HCM. Sứ mạng của Hệ thống Thư viện ĐHQG-HCM là phục vụ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của ĐHQG-HCM; đồng thời đóng góp vào việc phát triển cộng đồng cũng như phát triển hệ thống thư viện đại học Việt Nam. Hệ thống thư viện ĐHQG-HCM gồm các thư viện của các đơn vị thành viên trong ĐHQG-HCM

Cơ chế vận hành

  • Tổ chức và quản lý: Hệ thống Thư viện vận hành dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Hệ thống Thư viện ĐHQG-HCM, đứng đầu là đại diện Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, sự điều hành trực tiếp của Hội đồng Thư viện ĐHQG-HCM, và sự phối hợp hoạt động của các thư viện thành viên. Trong đó, Hội đồng Thư viện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chiến lược và triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc trong toàn Hệ thống.
  • Chuẩn chuyên môn nghiệp vụ: Các thư viện thành viên áp dụng thống nhất và đồng bộ các Chuẩn nghiệp vụ và Quy trình hoạt động thông tin – thư viện. Thư viện Trung tâm đóng vai trò chủ chốt trong việc đầu tư phát triển các công nghệ ứng dụng dùng chung nhằm đảm bảo sự liên thông, đồng bộ và chuẩn hóa nghiệp vụ, tiến đến phù hợp với các tiêu chuẩn phổ biến trong lĩnh vực thư viện – thông tin đang được áp dụng trên thế giới.
  • Nguồn lực dùng chung: Các nguồn tài nguyên thông tin, dịch vụ thông tin và cơ sở vật chất của các thư viện thành viên trong Hệ thống được dùng để phục vụ chung cho mọi bạn đọc của ĐHQG-HCM. Bạn đọc có thể sử dụng trực tiếp hoặc từ xa các nguồn lực của tất cả các thư viện thành viên.
  • Nguồn nhân lực: Từng thư viện thành viên có đội ngũ cán bộ thư viện chuyên nghiệp tác nghiệp tại đơn vị của mình. Bên cạnh đó, Hệ thống Thư viện tập hợp các cán bộ thư viện chủ chốt từ các thư viện thành viên để tổ chức các nhóm chuyên trách giữ trách nhiệm điều phối các hoạt động liên thông, liên kết, phối hợp các công tác và hoạt động chuyên môn và phục vụ bạn đọc giữa các thư viện thành viên.
  • Nguồn lực tài chính: ĐHQG-HCM ưu tiên đầu tư cho các dự án, chương trình phát triển Hệ thống theo hướng hiện đại, liên thông, đáp ứng tốt cho mục tiêu phục vụ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của ĐHQG-HCM.

Nguồn tài nguyên thông tin trong Hệ thống

  • Tài liệu bản in: Hệ thống hiện có hơn 600.000 bản sách, hàng trăm nhan đề tạp chí, hàng ngàn luận văn, luận án và CD-Rom thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học.
  • Tài liệu điện tử truy cập qua mạng internet: Hệ thống hiện có các cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử, gồm hơn 26.000 tạp chí điện tử và 20.000 sách điện tử của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới. Bạn đọc có thể truy cập vào các cơ sở dữ liệu điện tử từ các máy tính trong hệ thống mạng ĐHQG-HCM hoặc sử dụng tài khoản cá nhân được cấp để truy cập từ bất kỳ máy tính nào có kết nối internet.

Dịch vụ thư viện chung trong Hệ thống

  • Dịch vụ mượn tài liệu liên thư viện; Thông tin và Tham khảo; Hỗ trợ học tập, giảng dạy, nghiên cứu; Lưu hành tài liệu và nhiều dịch vụ khác nhằm hỗ trợ tối đa khả năng tiếp cận và khai thác tất cả nguồn tài nguyên thông tin hiện có của các thư viện thành viên.
  • Sinh viên có thể dùng thẻ sinh viên/thẻ thư viện Trung tâm để đến sử dụng tài liệu và các dịch vụ của các thư viện.

Công nghệ ứng dụng trong Hệ thống

  • Cổng tra cứu và truy cập nguồn tài liệu báo và tạp chí: Phần mềm kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu tạp chí; nhờ đó giúp bạn đọc nhanh chóng tìm được những cuốn tạp chí mong muốn.
  • Cổng tra cứu và truy cập nguồn tài nguyên thông tin của Hệ thống: Phần mềm kết nối thông tin của tất cả các nguồn tài liệu – bản in, tài nguyên điện tử, bộ sưu tập số của thư viện và của các nhà xuất bản; từ đây, bạn đọc có thể tra cứu và truy cập vào toàn văn của các loại tài liệu điện tử, hoặc định vị được các địa điểm có thể mượn được tài liệu bản in. Ngoài ra, hộp tìm kiếm này cũng giúp bạn đọc truy cập được đến hàng triệu bài báo nghiên cứu trên các tạp chí điện tử, sách điện tử, cơ sở dữ liệu điện tử sẵn có từ các nguồn tài nguyên truy cập mở và theo những thỏa thuận cấp phép truy cập hiện hành với nhiều nhà xuất bản trên thế giới.

Hệ thống thư viện ĐHQG-HCM cam kết làm việc hết lòng, khoa học và sáng tạo để cung cấp cho bạn đọc tài liệu khoa học và các dịch vụ với chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của ĐHQG-HCM.

Hãy tích cực, chủ động khai thác các nguồn tài nguyên và dịch vụ của Hệ thống thư viện ĐHQG-HCM và đóng góp ý kiến để thư viện phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.

Trân trọng

 CÁC BÀI VIẾT KHÁC:

   Các thư viện trong hệ thống

   Danh sách các nhóm chuyên trách

   Chính sách phục vụ chung

   Chính sách mượn liên thư viện

   Tài liệu mới

Video liên quan

Chủ đề