Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc

Nguồn: Minxin Pei, “China’s one-child calamity”, Project Syndicate, 04/11/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên  | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách một con sau 35 năm thi hành đã khép lại một trong những chương tăm tối nhất của lịch sử nước này. Vào cuối những năm 1970, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhận định rằng, kiểm soát dân số là chìa khóa cho việc thực hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hàng triệu ca phá thai, triệt sản đã diễn ra sau đó, và giờ đây, họ đang phải trả giá.

Theo những số lệu chưa chính thức, chính sách một con đã gây ra tổn thất về người thậm chí còn lớn hơn cả chiến dịch Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông – nguyên nhân dẫn đến nạn đói khủng khiếp khiến xấp xỉ 36 triệu người chết từ năm 1959 đến năm 1961 – và Cách Mạng Văn Hóa – thời kì xảy ra bạo lực chính trị quy mô lớn khiến hơn cả chục triệu người chết trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến năm 1976.

Để thực thi chính sách, theo dữ liệu được ban hành bởi Bộ Y Tế Trung Quốc năm 2013, từ năm 1971 đến năm 2012, có 336 triệu ca phá thai – nhiều hơn tổng dân số Hoa Kỳ – đã được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép. (Mặc dù chính sách một con chỉ được ban hành khoảng sau năm 1979, nhưng các chính sách kế hoạch hóa gia đình khác đã tồn tại trước đó.)

Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy thi hành chính sách một con, thậm chí còn đưa ra một con số cao hơn: hơn 13 triệu ca nạo phá thai mỗi năm – chưa kể những ca dùng thuốc hay được thực hiện tại các cơ sở tư nhân chưa được cấp phép.

Tất nhiên, không thể biết chính xác bao nhiêu trong số các ca phá thai trên là hệ quả của chính sách này. Nhưng, như ở Ấn Độ, nơi mà phá thai là hợp pháp và các chính sách kế hoạch hóa gia đình tương tự không tồn tại, con số lại thấp hơn đáng kể – tuy không thấp ở mức 630.000 ca như những gì mà Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cung cấp, nhưng con số thực tế chỉ khoảng gần sáu triệu ca một năm.

Mặc dù có sự chênh lệch đáng kể giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng dân số của hai quốc gia này lại xấp xỉ nhau. Vậy nên có cơ sở để nói rằng, một nửa số ca phá thai của Trung Quốc – khoảng 6,5 triệu ca nạo phá thai hợp pháp, cộng với những ca sử dụng thuốc hay những ca phá chui mỗi năm – là kết quả của chính sách một con. Có nghĩa là đã có tới 200 triệu ca phá thai trong suốt 35 năm thực hiện chính sách.

Thế nhưng việc ép phá thai mới chỉ là màn khởi đầu. Trong thực tế, những con số gây sốc kia còn chưa nói lên được những gì con người phải chịu đựng hay những hậu quả kinh tế tồi tệ mà chính sách một con đã gây ra.

Giới truyền thông đã đưa nhiều câu chuyện về các gia đình và những người phụ nữ đang mang thai phải hứng chịu cảnh đối xử dã man từ các viên chức địa phương vì đã vi phạm chính sách – một hành động tàn bạo được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết The Dark Road (tạm dịch: Con đường tăm tối) của Mã Kiến. Trong một vụ việc nổi tiếng năm 2012, chính quyền địa phương tỉnh Thiểm Tây đã buộc một phụ nữ phải bỏ cái thai đã bảy tháng.

Không chỉ phải chịu những chấn thương về tâm lý và thể xác, các nạn nhân của chính sách này – cũng thường là những người nghèo nhất – còn phải đối mặt với những hình phạt đánh vào kinh tế. Xem xét một số tỉnh điển hình cho thấy Chính phủ Trung Quốc thu được khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ đô la) mỗi năm từ các khoản phạt do vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Quan chức địa phương nhiều nơi còn thẳng thừng đe dọa những người vi phạm bằng những hình phạt dã man như phá nhà hay tịch thu gia súc, gia cầm.

Chính sách một con còn gây ra những hậu quả lâu dài về nhân khẩu học. Những dữ liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi – những người từ 65 tuổi trở lên so với những người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) – hiện tại ở mức 13%. Khi những thế hệ con một già đi – sẽ có thêm mười triệu người về hưu mỗi năm –  thì tỉ lệ này sẽ còn tăng cao, cùng với đó là việc nguồn lao động thặng dư đã tạo ra sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc bấy lâu nay sẽ được thay thế bởi tình trạng thâm hụt nhân lực nghiêm trọng vốn có thể kìm hãm tăng trưởng.

Một vấn đề nhức nhối không kém là tình trạng mất cân bằng giới tính đáng báo động của nước này. Các gia đình đều mong muốn sinh được con trai, điều này đã dẫn đến hàng loạt các ca phá thai chọn giới tính. Năm 2013, lượng nam giới từ 0 đến 24 tuổi nhiều hơn số nữ giới đến 23 triệu người, có nghĩa là, hơn 20 triệu đàn ông trẻ Trung Quốc sẽ không thể kết hôn trong những thập niên tới.

Bài học đắt giá nhất từ những thiệt hại mà chính sách một con gây ra đơn giản là chính quyền nước này đã áp đặt chính sách này quá lâu. Thực tế Trung Quốc là nước duy nhất trong lịch sử đã thực hiện thành công việc ép giảm dân số. Mấu chốt nằm ở chế độ độc đảng không ai kiểm soát được duy trì bởi một bộ máy quan liêu đồ sộ và đầy quyền lực.

Những ai khi nhìn từ ngoài vào thường sẽ thấy ngưỡng mộ trước khả năng hoàn thành mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – ít nhất khi đó là những việc như xây dựng thành phố siêu hiện đại và mạng lưới đường tàu cao tốc. Nhưng họ lại không quan tâm đến những hậu quả nghiêm trọng mà Đảng này đã gây ra khi cố dùng quyền lực của mình để theo đuổi một mục tiêu tàn bạo.

Giờ đã đến lúc thẳng thắn nhìn nhận những hậu quả trên, nhất là khi giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thôi ý định hạn chế sinh sản. Trái lại, họ chỉ đơn giản là đang chuyển từ chính sách một con sang chính sách hai con. Trung Quốc cũng như các quốc gia khác phải nhấn mạnh tính chất dã man mà các chính sách này gây ra, đồng thời phải hành động để đảm bảo rằng những chính sách như thế sẽ không còn tồn tại, ở Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), giáo sư về quản trị tại Claremont McKenna College, là nghiên cứu viên không thường trú của Quỹ Marshall Đức ở Hoa Kỳ.

Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s one-child calamity

Năm 1979, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được giới thiệu từ năm 1978 và thai nghén từ 1977. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được phép có 1 con. Những trường hợp ngoại lệ bao gồm sinh đôi, dân tộc thiểu số hoặc cả hai bố mẹ đều là con một.

Mặt tích cực thấy rõ

Thực ra ban đầu Trung Quốc không thực hiện biện pháp can thiệp để giảm sinh, thậm chí có giai đoạn còn khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tuy nhiên, sau đó dân số Trung Quốc tăng đột biến, kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Chính Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cải cách kinh tế Trung Quốc, đã nhận định, nếu không giảm nhanh mức sinh, thì “chúng ta sẽ không thể phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của nhân dân”. Và khi quốc gia đông dân nhất này tiến hành mở cửa cải cách kinh tế thì cũng là lúc nước này bắt đầu áp dụng chính sách 1 con độc nhất vô nhị trên thế giới.

Trên thực tế, Trung Quốc đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định chính sách 1 con là một thành công lớn, giúp Trung Quốc giảm áp lực trên các phương diện xã hội, kinh tế và môi trường do dân số quá lớn và cho phép các gia đình tiết kiệm một lượng đáng kể tiền bạc.

Theo Nhân dân Nhật báo, nước này đã giảm được tới 400 triệu ca sinh mới trong khoảng thời gian từ năm 1979 cho đến 2011, và làm “trì hoãn Ngày Thế giới đạt 7 tỷ người tới 5 năm”. Nếu không có chính sách 1 con, tờ báo viết, dân số Trung Quốc đã đạt 1,7 tỷ người thay vì 1,3 tỷ người. Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia của Mỹ (NCBI) cũng thừa nhận, ngay cả khi chính sách 1 con được áp dụng, dân số nước này vẫn tăng đều thêm 1 triệu người cứ sau 5 tuần, suy ra nếu không thực hành chính sách 1 con thì dân số Trung Quốc sẽ tăng mạnh đến nhường nào.

Ấn bản Nhân dân Nhật báo điện tử ngày 28/10/2011 khẳng định Trung Quốc vẫn coi chính sách 1 con là chính sách quốc gia cơ bản và vẫn sẽ giữ chính sách này trong một thời gian dài.

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc
Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc
Một panô tuyên truyền về chính sách kế hoạch gia đình ở Trung Quốc (ảnh: io9)

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bên cạnh những mặt lợi, Trung Quốc đang và sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy từ chính sách này.

Trong bài viết gần đây trên trang mạng IO9, tác giả Dvorsky cũng cho rằng, chính sách 1 con của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều vấn đề không lường trước được. Ông khẳng định, cuộc thử nghiệm chưa từng có tiền lệ này sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Nhiều bé gái không có cơ hội ra đời hoặc sống sót

Nếu người dân Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ thì dù có thực hiện chính sách 1 con, xã hội Trung Quốc vẫn sẽ không bị mất cân bằng giới tính nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

Nói theo cách nói của các nhà nghiên cứu văn hóa thì văn hóa truyền thống (gốc du mục) của Trung Quốc trọng dương, trọng sức mạnh, và trọng nam giới. Văn hóa này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến tâm lý người Trung Quốc hiện nay, thể hiện ở việc 1 tỷ lệ lớn gia đình mong muốn sinh con trai.

Chính nét tâm lý này là nguyên nhân quan trọng khiến chính sách 1 con, vốn không liên quan gì đến phân biệt giới tính, trở thành tác nhân gây mất cân bằng giới tính trầm trọng cho Trung Quốc.

Vấn đề đầu tiên và trước hết, theo Dvorsky chính là nạn phá thai nhi nữ và giết hại các bé gái sơ sinh (trong trường hợp trót sinh do không xác đinh được giới tính từ trước) nhằm đạt được mục đích có được con trai mà vẫn chỉ có 1 con. Hiện tượng này, theo Dvorsky, đã phổ biến ngay từ khi bắt đầu áp dụng quy định sinh 1 con. Ông cho biết, để tránh vấn nạn này, một số khu vực ở Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách bằng việc cho phép 1 cặp vợ chồng nếu sinh con đầu là con gái thì sẽ được phép sinh thêm 1 bé nữa. Dẫu vậy, không có gì đảm bảo đứa thứ 2 là trai và nạo thai vẫn sẽ là một khả năng lớn.

Dvorsky viết tiếp, trong vài thập kỷ qua, đã có hàng triệu triệu ca phá thai như vậy, nhiều khi là do chính phụ nữ (có thể cả mẹ chồng nữa) xúi giục.

Cuốn sách Unnatural Selection (lựa chọn phi tự nhiên) của tác giả Mara Hvistendahl cho biết, trong trạng thái tự nhiên, cứ 100 bé gái thì có 105 bé trai, nhưng ở Trung Quốc, lượng bé trai đã lên tới 121, thậm chí 150 ở một số nơi.

Bất chấp quy định cấm nạo thai để lựa chọn giới tính, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ và tìm mọi phương cách để xác định giới tính bào thai cũng như nạo thai. Dvorsky cho biết, năm 2005 số lượng bé trai sinh ra lớn hơn bé gái tới hơn 1,1 triệu. Và trong xã hội Trung Quốc hiện nay, nam giới nhiều hơn nữ giới tới 32 triệu người hoặc hơn thế nữa.

Nghiên cứu của Giáo sư Wei Xing Zhu thuộc trường Đại học Sư phạm Chiết Giang (Trung Quốc) cho thấy, khoảng cách giới lớn nhất hiện nay là ở nhóm trẻ 1 - 4 tuổi, và tình trạng mất cân bằng này sẽ còn tệ hại hơn nữa trong hai thập kỷ tới.

Nguy cơ bất ổn xã hội

Nữ tác giả Hvistendahl viết, “về mặt lịch sử, các xã hội mà nam giới đông hơn hẳn nữ giới đều không phải là nơi tốt lành để sống”. “Thường thì các xã hội này bất ổn, đôi lúc bạo lực.”

Bà này lấy ví dụ là thành Athens thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và phong trào khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc giữa thế kỷ 19, mà theo bà được đặc trưng bởi nạn tội phạm và bạo lực trên quy mô lớn sau khi có nhiều trẻ sơ sinh nữ bị giết trên quy mô lớn.

Hvistendahl nhận xét, số nam giới “dư thừa” ít có hy vọng lập được gia đình ở Trung Quốc, có xu hướng tập trung trong các tầng lớp bên dưới của xã hội. Khi không lấy được vợ, thu nhập thì lại thấp, họ có xu hướng nổi loạn. Hvistendahl nêu thực tế, những khu vực mất cân bằng giới tính thường có tỷ lệ tội phạm cao hơn. 

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc
Số lượng nam giới Trung Quốc hiện lớn hơn nữ giới tới hàng chục triệu (ảnh: gg2)

Báo chí Việt Nam và Trung Quốc đã nói nhiều về việc nữ giới Trung Quốc trở nên đắt giá ra sao khi đến tuổi cập kê và cánh đàn ông phải có nhiều tiền mới lấy được vợ. Nhiều khi không kiếm được vợ một cách hợp pháp, đàn ông Trung Quốc (nhất là ở vùng nông thôn nghèo) phải dùng đến biện pháp “tậu vợ” từ các nước xung quanh, gây nên bao khổ đau cho các cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc. “Nhẹ hơn”, họ đi “giải tỏa” qua hình thức mua dâm – điều này cũng gây ra nhiều nhức nhối xã hội như làm gia tăng bệnh truyền nhiễm và kích thích sự phát triển của mại dâm cưỡng bức cùng với nạn buôn bán phụ nữ.

Già hóa dân số và giảm sức cạnh tranh

Dvorsky cho biết, theo một cuộc điều tra gần đây, dân số Trung Quốc tăng 5,8% từ 1,27 tỷ vào năm 2000 lên 1,34 tỷ hiện nay – một sự giảm đà đáng kể so với tốc độ tăng 11,7% trước đó. Đồng thời tỷ lệ người Trung Quốc từ 14 tuổi trở xuống cũng giảm xuống mức 16,6% so với 22,9% trong cuộc điều tra trước đó. Điều này, theo Wang Feng, nhà nhân khẩu học thuộc Trung tâm Chính sách Công Brookings-Thanh Hoa tại Bắc Kinh, phản ánh mức sinh rất thấp dưới 1,5 trẻ trên 1 cặp vợ chồng.

Nếu giữ mức sinh này và chính sách 1 con còn kéo dài trong thời gian tới thì Trung Quốc sẽ giảm dân số một cách đáng kể, Dvorsky lập luận. Ông cho biết, một số người thậm chí còn lo ngại lực lượng lao động Trung Quốc đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm chỉ trong vài năm nữa, và do vậy có thể sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc. 

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc
Dân số Trung Quốc bắt đầu già hóa (ảnh: BBC)

Có lẽ cũng vì lo ngại này nên ở Trung Quốc, dự thảo đề nghị thay đổi chính sách sinh đẻ kế hoạch đang được soạn thảo để trình lên chính phủ. Phóng viên thường trú VOV tại Bắc Kinh dẫn lời nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số và sinh đẻ kế hoạch Trung Quốc Trương Duy Khánh  mới đây cho biết, chính sách nới lỏng có khả năng được thực hiện thí điểm ở những nơi kinh tế phát triển.

Gánh nặng chăm sóc và hội chứng ‘tiểu hoàng đế’ 

Hậu quả chính sách 1 con của Trung Quốc
"Tiểu hoàng đế" Trung Hoa (ảnh: io9)

Các vấn đề xã hội nảy sinh từ chính sách 1 con không giới hạn ở tệ nạn xã hội. Một hiện tượng đã được giới quan sát ghi nhận là vấn đề “4-2-1”. Không có anh chị em, những đứa trẻ con 1 của Trung Quốc trong tương lai sẽ phải chăm sóc cho 2 bố mẹ (2), và có thể cả 2 ông bà bên đằng nội cộng với 2 ông bà bên đằng ngoại (4).

Theo BBC, vào năm 2050, hơn một phần tư dân số Trung Quốc sẽ là trên 65 tuổi, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ sẽ đối diện với gánh nặng chăm sóc lớn chưa từng thấy. Vào thời điểm đó, ứng với 100 người tuổi từ 20-64 sẽ là 45 người tuổi trên 65 so với 15 người hiện nay.

Ngoài “4-2-1”, trẻ em Trung Quốc còn gặp phải một thực trạng nữa mà một số nhà tâm lý học gọi là hội chứng “tiểu hoàng đế”. Do là con một nên các em có xu hướng được cưng chiều. Vì không có anh/chị/em nên có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội. Thực tế đã có không ít ý kiến cho rằng những đứa trẻ như thế này dễ vô kỷ luật và kém thích ứng.

Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học về vấn đề này, nhưng Dvorsky cho rằng bản thân ý tưởng tạo ra 1 đất nước gồm toàn những người không có anh chị em ruột đã có 1 cái gì đó không ổn lắm và có thể sẽ làm giảm sự đa dạng các kiểu loại nhân cách./.