Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Hiển đạt Đông y danh quốc sử

Lưu truyền Nam dược tế dân sinh

(Làm rạng rỡ khoa thuốc phương Đông đề tên tuổi trong quốc sử

Lưu truyền lại ngành thuốc Nam cứu độ cuộc sống nhân dân.)

Đôi câu đối còn lưu tại Nhà tưởng niệm Đại danh y đã ca ngợi được một phần đóng góp cho nền y học nước nhà của “Bậc thiên tài kiệt xuất của nền Y học cổ truyền Việt Nam”, Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhờ những đóng góp lớn lao của ông, dù hơn 200 năm đã qua, trải bao vật đổi, sao dời nhưng phàm là người Việt, hiếm ai chưa từng sử dụng thuốc Nam để bồi bổ hay trị bệnh.

Lựa chọn lẽ sống

Trong khuôn viên Nhà tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trên quê hương Liêu Xá (Yên Mỹ), tần ngần ngắm những mảng tường rêu phong, những lớp ngói âm dương cổ kính, những viên gạch bát tràng bạc màu phơi mình dưới nắng hanh hao, tôi cứ ngỡ như tại sân nhà này hơn 200 năm trước, có một ông già cặm cụi phơi cây thuốc, cặm cụi ghi chép… đặt nền móng cho nền y học nước nhà. Ông lười (Lãn Ông) với công danh phú quý những cần mẫn, hết lòng, hết sức với sự nghiệp trị bệnh cứu người, đã có công làm rạng danh nền Y học cổ truyền Việt Nam, mà tên tuổi, tầm vóc và ảnh hưởng đã trở thành biểu tượng còn mãi với thời gian... 

Hải thượng lãn ông quê ở đâu
Hoạt động tế lễ trong lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Ảnh tư liệu)

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Hưng, nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) xuất thân trong một gia đình khoa bảng có 6 tiến sỹ, nhiều người làm quan to trong triều. Ông là con tiến sỹ Lê Hữu Mưu, là cháu ruột Thượng thư Lê Hữu Kiều.

Lê Hữu Trác từ nhỏ cũng đã nuôi chí hướng tiến thân bằng con đường khoa cử nên rất chăm chỉ đèn sách. Thuở thiếu thời, Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh, uyên bác, thơ hay. Dưới xã hội phong kiến, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân, điều đó lại càng dễ hiểu với một chàng trai thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc như Lê Hữu Trác.  

Dù vậy, vốn học cao, hiểu rộng, “cậu ấm” Chiêu Bảy Lê Hữu Trác sớm nhận ra sự rối ren của xã hội đương thời, vua Lê chỉ còn hư vị, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn giao tranh. Với sự mẫn cảm về thời cuộc, Lê Hữu Trác nhanh chóng nhận ra, làm quan không phải là cái đích của cuộc đời mình. Vậy là, quyết tâm từ bỏ con đường bon chen danh lợi, Lê Hữu Trác về ở ẩn tại quê mẹ, nay thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).  Thậm chí sau này, khi được vời ra chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán, được chúa Trịnh nể tài, ban quan tước, ông vẫn không bị lợi danh mê hoặc, hết sức từ chối, một mực xin về quê làm nghề thuốc. Điều đó cho thấy lối suy nghĩ hiếm có của ông trong thời thế nhiễu nhương bấy giờ. 

Bước ngoặt quan trọng đối với không chỉ cuộc đời Lê Hữu Trác mà cả với nền y học Việt Nam đó là khi ông nhận ra, trên đời còn một công việc rất quan trọng đối với con người là bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh cứu người, rằng nghề y không chỉ giúp mình mà còn có thể giúp người đời. Ông bắt đầu say mê, quyết chí học nghề thuốc, nghiên cứu y học…, coi đó là lẽ sống của đời mình.

Niềm tự hào của nền y học cổ truyền 

Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính tám chữ “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức.

Hải thượng lãn ông quê ở đâu
Nhà tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữ Trác

Cùng với việc chữa bệnh cứu người, là tấm gương mẫu mực về y đức, mở trường dạy học, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam di sản quý giá, với nhiều trước tác được biên soạn công phu, khoa học, tiến bộ, giá trị còn mãi đến ngày nay. Đặc biệt là bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đồ sộ gồm 28 tập, 66 quyển. Trong lời giới thiệu về tác phẩm, giới y học hậu thế đã đánh giá, 28 tập sách Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông là 28 viên ngọc quý và là 28 ngôi sao sáng của nền Y học cổ truyền phương đông.

Sở dĩ người đời sau đánh giá tác phẩm kinh điển này là di sản đặc biệt quý giá, bởi vì đây được coi là bộ Bách khoa toàn thư y học của thế kỷ XVIII, loại sách mà ở thời kỳ đó trên thế giới cũng rất ít. Trong công trình tâm huyết được ông chấp bút trong gần 40 năm này, ông đã chắt  lọc tinh hoa của y học cổ truyền, xây dựng thành hệ thống toàn bộ về: Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học Việt Nam. Ông cũng dày công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc nam, thu thập, tổng hợp gần 3000 phương thuốc hay của các bậc tiền nhân lưu truyền trong dân gian…

Theo Danh nhân Hưng Yên, Hải Thượng Lãn Ông không những là thiên tài kiệt xuất, niềm tự hào của nền y học cổ truyền Việt Nam, ông còn là một nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”, cùng phối thờ chung với Đại danh y Tuệ Tĩnh ở Y miếu Thăng Long - Hà Nội. Tên của ông được đặt cho một số trường học, đường phố không chỉ ở Hưng Yên mà nhiều địa phương trong cả nước.

Ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông được Bộ Y tế chọn làm Ngày truyền thống Y Dược cổ truyền Việt Nam. Bởi vậy, cứ vào Rằm tháng Giêng hàng năm, nhân dân cùng những người hành nghề Đông y và các thầy thuốc trong cả nước lại tề tựu về Nhà tưởng niệm Đại danh y ở Liêu Xá dâng hương, tưởng nhớ và tôn vinh y đức lớn lao của bậc Y thánh.

Tôi vẫn nhớ buổi lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y tại nhà tưởng niệm ở xã Liêu Xá, nhân kỷ niệm 59 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã xúc động phát biểu: “Cuộc đời của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả, đức hy sinh nhẫn nại, tận tâm, lòng yêu thương người bệnh vô bở bến. Ông xứng đáng là “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.”

Có người em của tôi đã kể lại, cô từng đọc một cuốn sách về cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác khi còn là học sinh lớp 9. Cuốn sách mỏng vài chục trang đã để lại trong lòng cô ấn tượng sâu đậm về hành trình của một Đại danh y từ “cậu ấm” con quan thông minh, uyên bác, trải nhiều hạnh ngộ và rồi nhận ra lẽ sống của đời mình là trị bệnh cứu người và kiên tâm thực hiện. Tôi vô tâm chưa hỏi, liệu cuốn sách phác họa về cuộc đời của vị Đại y tôn có là chất xúc tác để sau này cô quyết định trở thành sinh viên ngành y học cổ truyền của trường Đại học Y Hà Nội thay vì đi du học hay không… Nhưng tôi đinh ninh rằng, không gì đáng mừng hơn khi những người trẻ có được “ngọn cờ đỏ thắm” trong tim mình, trước những phân vân, ngã rẽ cuộc đời… 

Minh Huệ

Hải thượng lãn ông quê ở đâu
UNESCO vinh danh Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ngày 15/12/2021, đại diện Ban Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, họ Lê Hữu Liêu Xá, đại diện lãnh đạo Vụ truyền thông - Thi đua khen thưởng và Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Báo Sức khỏe và Đời sống, tạp chí Thế giới doanh nhân đã tham dự Lễ dâng hương nhân ngày Giáng Sinh lần thứ 297 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2021) tại bản quê Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên. Buổi lễ dâng hương và thăm viếng quê hương Đại danh y diễn ra rất cung kính, trang nghiêm, giản dị.

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791)

Xác định năm sinh chính xác của Hải Thượng Lãn Ông

Tại cuộc gặp gỡ sau lễ dâng hương, các đại biểu tập trung vào nội dung chính là xác định năm sinh chính xác của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hiện nay, trên đất nước ta vẫn còn tồn tại hai quan điểm về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1720 và 1724.

Nhà nghiên cứu văn hóa Việt cổ Lê Hữu Khánh, Quyền Trưởng tộc dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá cho biết: Theo gia phả, có ghi chép rằng: Nếu tính từ đời thứ nhất, cụ Thủy tổ Lê Phúc Tiên, thì đến nay dòng họ Lê Liêu Xá đã phát triển đến đời thứ 22.

Về đời thứ 9, trong gia phả và trên văn bia có ghi: cụ Lê Hữu Mưu, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Canh Dần (1710), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, có một trong ba vợ là cụ bà Bùi Thị Thưởng, quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trong số anh chị em cùng mẹ do cụ Thưởng sinh ra có cụ Lê Hữu Tán (anh) và cụ Lê Hữu Trác (em). Gia phả lại ghi rất rõ rằng cụ Tán sinh vào giờ Tý ngày 14 tháng 2 năm Canh Tý (1720) và cụ Trác sinh vào giờ Dần ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724).

Hiện tại, tất cả các tài liệu và gia phả của dòng họ còn lưu truyền về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đều ghi chép là năm Giáp Thìn. Theo lịch can chi: Những năm có chữ Giáp đứng ở đầu thì khi chuyển sang năm dương lịch phải có con số 4 ở cuối, do đó năm sinh chính xác của Lãn Ông phải là 1724!

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Đại biểu tham dự Lễ dâng hương và thăm viếng quê hương Đại danh y trước Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông tại Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên.

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Nhà nghiên cứu văn hóa Việt cổ Lê Hữu Khánh, Quyền Trưởng tộc dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết cá nhân ông thấy có sự thuyết phục với chi tiết năm sinh chính xác của Lãn Ông là 1724. Ông đề nghị dòng họ Lê Liêu Xá đứng ra làm kiến nghị về vấn đề này, đưa ra các bằng chứng thuyết phục và gửi hồ sơ lên Bộ Y tế. Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thẩm định dựa trên cơ sở của nguồn tư liệu mới và sau đó công bố thông tin chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên TBT báo Quân đội nhân dân và hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng họ Lê nhận xét rằng những tư tưởng của Đại danh y về chăm sóc sức khỏe người dân như sử dụng y học cổ truyền, thiết lập sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe thật sự nhân văn và mang tầm nhân loại. Rất mong Bộ Y tế vào cuộc, cùng với các đơn vị liên quan để làm sáng rõ chi tiết về năm sinh chính xác của Lãn Ông và tiến tới làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Ngài là Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh (2024). Trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, việc này đặc biệt có ý nghĩa.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam khẳng định Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta, trong đó có dòng họ Lê Liêu Xá. Ngài chính là người thầy vĩ đại truyền cảm hứng không nhỏ tới các thế hệ trong tương lai. Đồng thời để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà. Do đó việc làm rõ năm sinh chính xác của ông là cần thiết và cũng là trách nhiệm chung.

Cũng nhân sự kiện này, Báo Sức khỏe & Đời sống trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu công phu của ông Phạm Quang Ái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa với tên gọi: Góp phần đính chính năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây có thể xem như một tài liệu đáng tin cậy để giúp các nhà sử học có thêm căn cứ khẳng định năm sinh chính xác của Đại danh y.

1. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong tứ trụ danh nhân văn hóa (Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ) không chỉ của xứ Nghệ mà còn là của cả nước trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX. Cuộc đời, sự nghiệp y học và sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế. Chúng ta đã và đang ra sức khảo cứu, kế thừa và phát huy những di sản quý báu của ông để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, văn minh sánh tầm với các cường quốc năm châu.

Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan và chủ quan, xung quanh những gì liên quan đến thân thế, sự nghiệp và trước tác của Đại danh y còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề đó là việc xác định năm sinh và năm mất của ông, hiện nay, đang làm cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc bối rối.

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Ông Phạm Quang Ái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa.

2. Từ các công cụ tra cứu trên mạng internet, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu có chứa đựng thông tin về năm sinh của ông nhưng không có sự đồng nhất. Hiện nay, phần lớn tài liệu đều ghi năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1720 và năm mất là 1791. Đó cũng là tư liệu chính thức được Lương y Lê Trần Đức và những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế dùng trong lần kỷ niệm 250 năm sinh Đại danh y vào năm 1970.

Từ đó đến nay, tất cả các lần tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại danh y ở tầm địa phương hoặc tầm quốc gia đều lấy năm 1720 làm năm sinh của ông và trong hầu hết các tài liệu chính thống viết về Lê Hữu Trác cũng như sự ghi chép ở các tấm bia, tượng đài, tượng thờ, tranh ảnh của ông đều thống nhất ghi năm sinh như trên. Trong khi đó, ở một số tài liệu khác lại đưa ra những thông tin khác nhau về năm sinh, năm mất của ông, tuy không phổ biến.

Về năm sinh, năm mất của Lãn Ông, trước hết phải kể đến thông tin của dịch giả, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940) trong bài Một nhà danh – nho và danh – y của nước ta ngày xưa – cụ Lãn ông, viết về Hải Thượng Lãn Ông, đăng liên tục trong hai số Tạp chí Nam Phong 69 & 70 năm 1923 [và sau đó, trong các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924) của Tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật đã công bố trọn vẹn bản dịch Việt ngữ tác phẩm Thượng kinh ký sự]. Trong bài viết trên, Nguyễn Trọng Thuật cho biết… "Cụ là con thứ bảy quan Thượng-thư họ Lê, làng Liêu-xá 遼舍, huyện Đường-hào 唐豪, tỉnh Hải-dương (bây giờ thuộc về huyện Yên-mĩ, Hưng-yên), tục gọi cậu "Chiêu Bảy", sinh ở đời vua Giụ-tôn nhà Hậu-Lê, ngang lịch tây năm 1721, thọ ngoài 70 tuổi, chưa tường mất năm nào".

Năm 1959, NXB Văn học in bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ, Bùi Kỷ duyệt lại. Trong lời Tựa, dịch giả ghi rõ năm sinh của Lãn Ông là 1720 nhưng không ghi năm mất mà chỉ ghi là "Ông mất thọ 70 tuổi". Dịch giả Phan Võ ghi như vậy, nếu tính tuổi âm lịch thì năm mất của Lãn Ông là 1789, còn tính theo tuổi dương lịch là 1790. Cũng như Nguyễn Trọng Thuật, khi đưa ra thông tin về năm sinh và tuổi thọ của Lê Hữu Trác, Phan Võ không cho biết là căn cứ từ đâu. Năm 1974, Ứng Nhạc Vũ Văn Đình cho ra mắt bản Việt dịch thứ ba in trong Tập san Sử Địa (số 26, 27 & 28) ở Sài Gòn. Trong Lời giới thiệu của dịch giả, Vũ Văn Đình có nêu tóm tắt tiểu sử Lãn Ông nhưng không có thông tin về năm sinh và năm mất;

Trong khi đó, từ năm 1971, trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam tập 1 của học giả, nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, Thư Viện Quốc Gia xuất bản (Hà Nội, năm 1971), sau đó, Nxb Văn Hóa tái bản (Hà Nội, 1984), ở mục số 211, khi khảo về bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, Trần Văn Giáp cho biết: Lê Hữu Trác "… sinh năm Giáp Thìn đời Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 5, ngày 12 tháng 11 tức là ngày (27 – 12 - 1724), tại quê mẹ và mất ngày 15 tháng Giêng, năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung (17 – 2 – 1791), thọ 67 tuổi". Thông tin về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất mà Trần Văn Giáp đưa ra trong tài liệu kể trên là căn cứ vào sách Văn Xá Lê tộc gia phả (Trần Văn Giáp, sách đã dẫn, mục 147, tr. 314-316) và về cơ bản là giống với thông tin trong các bộ gia phả họ Lê bằng quốc ngữ ở Liêu Xá (Hải Dương).

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Cổng vào nhà Tiến sĩ Lê Hữu Môn, nơi Hải Thượng Lãn Ông đã sống thời nhỏ tại Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên.

3. Trước tình trạng như vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải tìm cho được những tư liệu, bằng chứng có giá trị để hiệu khảo, đính chính về năm sinh và năm mất của Đại danh y.

Trước hết, chúng tôi tự xác định rằng: nếu tìm được những thông tin do chính Hải Thượng Lãn ông tiết lộ trong các trước tác của ông thì đó sẽ là những chứng cứ đích đáng nhất. Thậm chí, trong những trường hợp, cảnh huống đặc định, những thông tin do chính tác giả bộc lộ sẽ có giá trị cao hơn, đáng tin cậy hơn là thông tin trong gia phả. Vì ngày xưa, phần lớn gia phả được chép bởi những người thuộc các thế hệ sau trong gia tộc nên khó mà biết được một cách chính xác những thông tin như ngày tháng năm sinh hoặc ngày tháng năm mất.

Từ sự định hướng nói trên, chúng tôi đã đọc kỹ bộ Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh qua bản dịch của Đình Thụ Hoàng Văn Hòe (xuất bản ở Sài Gòn năm 1972) và bản dịch của tập thể dịch giả miền Bắc trước năm 1975 (do NXB Y học xuất bản năm 2005). Đặc biệt, chúng tôi đã chú trọng tiến hành rà soát một cách tỉ mỉ thiên tùy bút – tự truyện Thượng kinh ký sự. Trong quá trình tìm tòi tỉ mẩn đó, chúng tôi đã phát hiện được hai chi tiết đắt giá. Chi tiết thứ nhất được tiết lộ trong đoạn Lê Hữu Trác thuật chuyện sau khi vào Trịnh phủ, thăm mạch, kê đơn cho Trịnh Cán lần thứ nhất, ông tìm cách khước từ mọi chức tước, bổng lộc để về quê. Không gặp được Huy Quận công Hoàng Tố Lý, là người đã bố trí cho ông vào chữa bệnh cho nhà chúa, ông tìm cách gặp viên Quận hầu là con trai Quận Huy để thăm dò tình hình và trình bày nguyện vọng. Lãn Ông đã nói với viên Quận hầu như sau: "Tôi vốn có chí hồng-nghê từ thủa nhỏ mà không gặp thời, phải về nương-náu chỗ sơn-cùng thủy-tận cho được dưỡng-nhàn. Nay tuổi đã sáu mươi rồi, mắt hoa tai điếc, còn làm gì được mà cầu tiến nữa…"(4).

Cũng theo tác giả cho biết ở phần mở đầu thiên tùy bút thì ông được điều động về kinh đô để chữa bệnh cho chúa là vào "Năm Nhâm-Dần, niên hiệu Cảnh-hưng 景興 thứ 43 (1782), tháng Mạnh-xuân (tháng Giêng)". Và sau gần một năm ở kinh đô Thăng Long, ông được trở về nhà vào ngày 02 tháng 11 cùng năm (1782). Ở thời điểm nói trên, ông nói mình đã 60 tuổi là theo cách tính tuổi âm lịch chứ tuổi dương lịch thì ông mới 59 tuổi; như vậy, năm sinh của ông sẽ là: (1782 – 59) + 1 = 1724.

Từ một tài liệu khác do chính Lãn Ông viết, cũng cho chúng ta dữ liệu để tính ra năm sinh của ông. Đó là trong lời tựa của chính Lãn Ông viết ở đầu quyển thủ của bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, ông cho biết "Tôi lúc mười lăm tuổi, tiên nghiêm (tức là cụ thân sinh, Tiến sỹ Lê Hữu Mưu) tạ thế…". Theo sách Gia phả họ Lê, bản sưu tầm và biên dịch của ông Lê Tràng Thành năm 1959, cũng như các bản gia phả khác, thì cụ thân sinh Lê Hữu Trác là Tiến sỹ Lê Hữu Mưu sinh năm 1685 và mất năm 1739. Vậy từ năm mất của cụ Lê Hữu Mưu, sẽ tính ra năm sinh của Lê Hữu Trác là 1724.

Hải thượng lãn ông quê ở đâu

Một số di cảo của Hải Thượng Lãn Ông đang được lưu giữ tại nhà Hữu Vu khu nhà thờ Ngài tại Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên.

Cũng trong Gia phả họ Lê (do Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch 1959), có một bằng chứng khác sẽ giúp ta dễ dàng bác bỏ cái thuyết Lê Hữu Trác sinh năm 1720 hoặc 1721 là cụ bà Bùi Thị Thưởng, thứ thất cụ Lê Hữu Mưu, sinh được 6 người con là: Châu, Tựu, Chuân, Ngoạn, Trác, Tố. Gia phả cho biết cụ thể: "Lê Hữu Tán, húy Tựu sau đổi là Đình Ngạc, làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri phủ Anh Đô, hiệu là Thạch Trai, sinh năm Canh Tý 1720, mất năm Bính Ngọ 1786, thọ 67 tuổi, húy ngày 12 tháng 2, Ngài vào ở quê mẹ làng Phúc Tuy, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh". Như vậy người con thứ hai của bà Thưởng là ông Tựu sinh năm 1720, sau ông Tựu còn những hai người anh, chị nữa rồi mới đến Lê Hữu Trác.

Rõ ràng, Lê Hữu Trác không thể sinh vào các năm 1720 hoặc 1721. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa năm sinh của ông anh Lê Hữu Tán (tức Tựu) với năm sinh của Lê Hữu Trác là vì Gia phả cũng như một số tài liệu địa phương chí Hán Nôm ở Hải Dương chép Lê Hữu Trác lúc trẻ có tên gọi thân mật là cậu Chiêu Bảy (ông là con trai thứ 7 trong số 8 người con trai trong gia đình) nhưng xét theo thứ tự năm sinh của 12 người con trai và gái của cụ Lê Hữu Mưu thì ông anh Lê Hữu Tán lại đứng thứ 7 và Lê Hữu Trác đứng thứ 11.

Về năm mất của Hải Thượng Lãn Ông, ngoài việc nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã nói rõ là "…thọ ngoài 70, chưa tường mất năm nào" và dịch giả Phan Võ cho biết rằng "Ông mất thọ 70 tuổi" (vì thế khó xác định được là mất năm 1789 hay năm 1790), còn hầu hết các bộ Gia phả của dòng họ và các tài liệu hiện hành đều thống nhất ghi là năm 1791. Về ngày tháng sinh và ngày tháng mất của Lãn Ông, các bộ Gia phả đều chép giống như trong tài liệu của học giả Trần Văn Giáp mà chúng tôi đã dẫn ở trên.

4. Từ các căn cứ đã được phân tích, đối chiếu nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (27-12-1724) và mất ngày 15 tháng Giêng, năm Tân Hợi (17-2-1791), thọ 67 tuổi. Việc xác định đúng năm sinh của Lê Hữu Trác không chỉ góp phần đính chính một sự kiện trong tiểu sử của ông, quan trọng hơn, sẽ góp phần trong việc nghiên cứu thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Đại danh y.

Hơn thế, đây cũng là căn cứ quan trọng để chúng ta đề xuất với các cơ quan chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế để lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 300 năm sinh của ông vào năm 2024.

Phạm Quang Ái - VHT