Giá trị giáo dục của truyện ngụ ngôn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 TRỊNH QUỐC HOÀNG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI VÀ Ý NGHĨA GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC HÀ NỘI, 2014 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 TRỊNH QUỐC HOÀNG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI VÀ Ý NGHĨA GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC Chuyên ngành: Giáo dục học (Bậc Tiểu học) Mã số: 60140101 LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Thị Thu Hiền HÀ NỘI, 2014 LỜI CẢM ƠN Luận văn được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Có được kết quả này, trước tiên tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Lê Thị Thu Hiền, người đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu. Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Phòng Sau Đại học, các thầy cô giáo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã giảng dạy, trang bị cho tôi những kiến thức chuyên ngành cần thiết và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập tại trường. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu trường Tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện luận văn. Cuối cùng xin gửi lời cảm ơn gia đình, bạn bè đã quan tâm và giúp đỡ tôi thực hiện công trình nhỏ này. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hà Nội, ngày ..... tháng.....năm 2014 Tác giả Trịnh Quốc Hoàng LỜI CAM ĐOAN Đề tài “Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh Tiểu học” được chúng tôi nghiên cứu và hoàn thành trên cơ sở kế thừa và phát huy những công trình nghiên cứu có liên quan của các tác giả khác cộng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Tôi xin cam đoan kết quả của đề tài này không trùng với bất cứ một công trình nghiên cứu nào khác đã được công bố. Người thực hiện Trịnh Quốc Hoàng MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài........................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2 3. Mục đích nghiên cứu .................................................................................. 4 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, giới thuyết khái niệm ............................... 4 4.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ............................................................... 4 4.2. Giới thuyết khái niệm .............................................................................. 5 5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................ 5 6. Dự kiến đóng góp mới................................................................................ 6 7. Cấu trúc của luận văn ................................................................................. 6 CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI TRONG HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA L.N.TÔNXTÔI ................................................. 7 1.1. Quan niệm chung về truyện ngụ ngôn ..................................................... 7 1.2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của L.N.Tônxtôi.................................. 10 1.3. Những sáng tác cho trẻ em .................................................................... 15 Tiểu kết ........................................................................................................ 19 CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI............................................................................... 20 2.1. Thế giới nhân vật................................................................................... 20 2.1.1. Những loại nhân vật chính.................................................................. 21 2.1.1.1. Loại nhân vật là loài vật................................................................... 21 2.1.1.2. Loại nhân vật là con người .............................................................. 28 2.1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ............................................................ 30 2.1.2.1. Xây dựng kiểu nhân vật cặp đôi....................................................... 30 2.1.2.2. Nghệ thuật nhân hóa ........................................................................ 40 2.1.2.3. Nghệ thuật ẩn dụ.............................................................................. 44 2.2. Ngôn ngữ .............................................................................................. 47 2.2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện................................................................. 47 2.2.2. Ngôn ngữ nhân vật ............................................................................. 49 2.3. Kết cấu truyện ...................................................................................... 53 Tiểu kết ........................................................................................................ 57 CHƯƠNG 3: TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC VÀ NHỮNG BÀI HỌC GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH.............................................................. 58 3.1. Những bài học giáo dục của truyện ngụ ngôn Tônxtôi với học sinh tiểu học......................................................................................................... 58 3.2. Truyện ngụ ngôn Tônxtôi trong chương trình Tiếng Việt tiểu học......... 66 3.2.1. Khảo sát, nhận xét .............................................................................. 66 3.2.2. Việc giảng dạy truyện ngụ ngôn Tônxtôi trong trường Tiểu học ..............67 3.2.2.1. Những khó khăn trong việc giảng dạy truyện ngụ ngôn Tônxtôi...........67 3.2.2.2. Đề xuất một số biện pháp giảng dạy hiệu quả truyện ngụ ngôn Tônxtôi trong trường Tiểu học.............................................................................70 3.2.2.3. Thực nghiệm sư phạm...................................................................... 73 3.2.2.3.1. Soạn giáo án ................................................................................. 75 3.2.2.3.2. Kết quả thực nghiệm ................................................................................ 93 Tiểu kết ........................................................................................................ 96 KẾT LUẬN................................................................................................. 97 TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................... 99 PHỤ LỤC 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. Đại văn hào Nga L.N.Tônxtôi (1828 – 1910) đã để lại cho nhân loại di sản văn học đồ sộ, phong phú, đa dạng. Hơn sáu mươi năm miệt mài không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ vĩ đại của ngôn từ ấy đã góp phần khẳng định sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga thế kỷ XIX, đưa văn học Nga lên đến đỉnh cao, trở thành một trong những nền văn học tiên tiến nhất của nhân loại. Tiểu thuyết là thể loại làm nên tên tuổi Tônxtôi. Chiến tranh và hòa bình, Anna Karênina từng được đánh giá là những cuốn sách hay nhất của văn học mọi thời đại. Song, không chỉ là nhà tiểu thuyết kiệt xuất, Tônxtôi còn là tác giả của hàng trăm truyện ngắn, truyện vừa có ảnh hưởng không nhỏ không những đối với các nhà văn Nga mà còn tới nhiều nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động tư tưởng trên thế giới thế kỷ XX. Trong cuộc đời mình, Tônxtôi rất quan tâm đến trẻ em. Ông đã dành sáng tác của mình cho các em nhỏ, đặc biệt là con em nông dân trong điền trang của mình. Những truyện ngắn, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, sách học vần, sách tập đọc của Tônxtôi giản dị, dễ hiểu, được trẻ em hết sức yêu thích. Tônxtôi còn tự học tiếng Hy Lạp, dịch truyện ngụ ngôn của Êdôp cho trẻ em Nga. Dưới ngòi bút thiên tài, các truyện ngụ ngôn của Êdốp trở thành những tác phẩm mang phong vị Nga, văn hóa Nga, gần gũi với tiếp nhận của các độc giả nhỏ tuổi Nga, đem lại bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ở Việt Nam, tập truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu của Tônxtôi đã được dịch và giới thiệu từ những năm 50 giữa thế kỷ XX. Mỗi câu chuyện của nhà văn đã trở thành món quà tuyệt vời cho trẻ em. Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi vô cùng phong phú, hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, khơi dậy trí tưởng tượng, lòng yêu cuộc sống. Những bài học giáo dục được rút ra sau mỗi tác phẩm có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần nâng 2 cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho trẻ em mà còn hướng các em đến với cái đẹp, cái thiện, từ đó các em có ý thức vươn lên tự hoàn thiện mình. Đặc biệt, trong số những tác phẩm văn học nước ngoài được lựa chọn giảng dạy ở chương trình Tiếng Việt bậc Tiểu học, truyện ngụ ngôn Tônxtôi dành được sự quan tâm rất lớn. So với một số tác giả nước ngoài khác, tác phẩm của Tônxtôi được lựa chọn với số lượng đáng kể. Các tác phẩm của ông được phân bố hầu như ở các khối lớp và được học sinh yêu thích đón nhận. Điều này cho thấy sức sống lâu bền của truyện ngụ ngôn Tônxtôi, đúng như lời tâm nguyện của nhà văn khi ông nói về những đứa con tinh thần của mình: “nếu mà người ta bảo tôi rằng cái tôi viết ra trẻ em thời nay sẽ đọc và 20 năm nữa người ta sẽ vẫn đọc, vẫn khóc và cười trên những trang sách của tôi và yêu hơn nữa cuộc sống, thì tôi sẽ dành cho việc ấy toàn bộ cuộc đời và sức lực của mình”. Việc giáo dục trẻ qua những câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có những tác phẩm của Tônxtôi, đóng vai trò hết sức quan trọng. Đề tài nghiên cứu "Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học" vì thế có ý nghĩa góp phần nâng cao việc giảng dạy tốt bộ môn Tiếng Việt và giáo dục học sinh bậc tiểu học của người giáo viên. 2. Lịch sử vấn đề Tài liệu về Tônxtôi dường như là vô tận. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn thiên tài này đã trở thành đối tượng nghiên cứu cho rất nhiều công trình, chuyên luận, tiểu luận ở Nga và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ đề cập những công trình, bài viết liên quan tới đối tượng nghiên cứu là những truyện ngụ ngôn của nhà văn. Do chưa bao quát được những tài liệu tiếng Nga, nên chúng tôi chủ yếu tập trung khảo sát trên nguồn tư liệu tiếng Việt, qua bài 3 viết, công trình của các tác giả trong nước. Có một thực tế là, truyện ngụ ngôn của Tônxtôi cho đến nay đã được dịch ở Việt Nam, mặc dù vậy, nghiên cứu về nó, chúng tôi lại chưa thấy xuất hiện công trình, bài viết nào. Hầu hết, các công trình, luận án đều nghiên cứu chuyên sâu, thiên về lý luận, nghiên cứu văn học sử, hoặc khái quát, phân tích trên các bình diện tư tưởng, nội dung, nghệ thuật các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nhà văn. Có thể nói thành tựu nghiên cứu của các nhà “Tônxôi học” ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể với những nhà nghiên cứu tên tuổi: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hải Hà, Đỗ Xuân Hà, Phạm Gia Lâm, Nguyễn Trường Lịch, Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh, Hà Thị Hòa, Trần Thị Quỳnh Nga, Đỗ Hải Phong,... Những công trình của các nhà nghiên cứu này là tiền đề quan trọng, gợi mở hướng tiếp cận cho chúng tôi. Nhắc đến những truyện ngắn dân gian của Tônxtôi, chúng tôi thấy có một nhận xét rất đáng lưu ý của Hoàng Xuân Nhị trong giáo trình Lịch sử văn học Nga. Theo Hoàng Xuân Nhị, đó là những mẩu chuyện nhỏ “có tính chất giáo dục đạo đức, và được văn sĩ viết ra với một văn phong dựa vào lời ăn tiếng nói của nhân dân, - ngắn gọn, không hoa hòe gì cả, có dụng ý ngây ngô, như văn phong của hai nhà văn hào cổ Hy Lạp Hê-rô-đô-tô-xơ và Xê-nô-phôn [14,26]. Mặt khác, có thể nhận thấy, các tác phẩm văn học nước ngoài nói chung, văn học Nga nói riêng, trong đó có tác phẩm của Tônxtôi đã được dịch rất nhiều ở Việt Nam. Song số lượng công trình hướng đến nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài ở nhà trường tiểu học còn khá khiêm tốn. Ngay cả việc đặt vấn đề dạy một tác giả nước ngoài cụ thể, như trường hợp Tônxtôi, ở tiểu học cũng chưa được chú ý, tất nhiên, ở đây do đặc trưng cấp học, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng chương trình bậc tiểu học. Một trong những cơ chế của hoạt động tiếp nhận văn bản văn học đó là phải chú ý đến nhà văn – tác giả với tư cách là người sáng tạo văn bản. Bởi thế, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu phong cách tác giả Tônxtôi ở một thể loại văn học gần gũi với trẻ em từ 4 đó đề xuất hướng tiếp cận các tác phẩm văn học nước ngoài nói chung, văn học Nga nói riêng, trong đó có Tônxtôi đối với học sinh tiểu học. Liên quan đến đề tài của chúng tôi, trong các trường đại học đã có một số khóa luận tốt nghiệp triển khai nghiên cứu truyện ngụ ngôn Tônxtôi, song những luận văn đó, do khuôn khổ và phạm vi nghiên cứu, chỉ mới đề cập đến một khía cạnh nào đó trong mảng truyện này của nhà văn. Bên cạnh đó chúng tôi nhận thấy cũng đã có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu thế giới nghệ thuật của một số tác giả văn học nước ngoài như La Fontaine, Andersen,.. trong nhà trường tiểu học. Từ thực tiễn này, đề tài của chúng tôi sẽ đi vào khái quát các bình diện chính của truyện ngụ ngôn Tônxôi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học. Đây sẽ là một trong những công trình nghiên cứu chuyên biệt về mảng truyện ngụ ngôn của Tônxtôi và những tác phẩm của nhà văn được lựa chọn giảng dạy trong nhà trường tiểu học Việt Nam. 3. Mục đích nghiên cứu Luận văn nghiên cứu, tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi nhằm mục đích khám phá những giá trị thẩm mỹ ở một mảng sáng tác trong sự nghiệp đồ sộ của đại văn hào, từ đó rút ra ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp ích cho công việc giảng dạy của người giáo viên ở nhà trường tiểu học, trong đó có tác giả luận văn. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, giới thuyết khái niệm 4.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Luận văn xác định đối tượng khảo sát, nghiên cứu, là toàn bộ truyện ngụ ngôn của Tônxtôi đã được dịch sang tiếng Việt trong tập Kiến và chim bồ câu (do Xuân Oanh dịch, Nxb Văn học 2013) và những truyện có mặt trong chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) - Là một chỉnh thể nghệ thuật, thế giới nghệ thuật bao gồm tất cả các yếu tố: không gian, thời gian, nhân vật, điểm nhìn, giọng điệu, sự kiện, cốt truyện,.. Khuôn khổ luận văn không cho phép chúng tôi khảo sát, nghiên cứu 5 tất cả các yếu tố đó. Chúng tôi xác định phạm vi nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu thể loại truyện ngụ ngôn của Tônxtôi từ một số bình diện quan trọng: nhân vật, ngôn ngữ, một số thủ pháp nghệ thuật đặc sắc,... 4.2. Giới thuyết khái niệm Thuật ngữ “thế giới nghệ thuật” (tiếng Nga: художественный мир) ở đây được chúng tôi hiểu như một chỉnh thể nghệ thuật được kiến tạo theo một nguyên tắc thống nhất, chịu sự qui định bởi quan niệm nghệ thuật của nhà văn đã được chuyển hóa thành hình tượng trong tác phẩm. Thế giới nghệ thuật là mô hình đặc biệt về thực tại phản ánh hiện thực xã hội và đời sống tinh thần bên trong của con người thông qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Chính vì thế, “thế giới nghệ thuật bao giờ cũng khác với thực tại để không hoà tan vào thực tại, và chứng tỏ nó là nó, và sự khác biệt cũng là một phương tiện biểu hiện ý nghĩa [30,48]. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng thế giới nghệ thuật là một thế giới được tạo ra trong nghệ thuật “theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lý của con người, mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy” [15,302-303]. Có nhiều con đường khác nhau để đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn. Luận văn của chúng tôi nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn của Tônxtôi chủ yếu trên bình diện thi pháp học, đồng thời dựa trên một gợi ý quan trọng của chính Tônxtôi “…tác phẩm nghệ thuật hay hay dở tuỳ thuộc vào điều nhà văn nói ra, cách anh ta nói và anh ta nói có thật lòng không” [12,164]. Theo đó, chúng tôi xác định cùng một lúc phải tìm hiểu nhà văn muốn nói điều gì và nói điều đó như thế nào, bởi điều nhà văn muốn nói bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ thống nhất với cách nhà văn nói điều đó. 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp thi pháp học - Phương pháp tiếp cận hệ thống 6 - Phương pháp phân tích, tổng hợp - Phương pháp so sánh ,đối chiếu. 6. Dự kiến đóng góp mới. - Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi được mô tả một cách tương đối đầy đủ, toàn diện và hệ thống trên các bình diện: nhân vật, ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật. - Đề tài giúp giáo viên Tiểu học hiểu sâu sắc hơn giá trị của truyện ngụ ngôn Tônxtôi từ đó có những phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Việt trong nhà trường Tiểu học. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia làm 3 chương: Chương 1: Truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi trong hành trình sáng tạo của L.N.Tônxtôi Chương 2: Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi Chương 3: Truyện ngụ ngôn L.N.Tônxtôi trong sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học và những bài học giáo dục đối với học sinh 7 CHƯƠNG 1 TRUYỆN NGỤ NGÔN L.N.TÔNXTÔI TRONG HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA L.N.TÔNXTÔI 1.1. Quan niệm chung về truyện ngụ ngôn Ngụ ngôn là một trong những thể loại tự sự cổ xưa nhất, ra đời từ thời kỳ trước công nguyên. Ở folklore của mọi dân tộc đều có thơ hoặc truyện ngụ ngôn, đó là những sáng tác của nhân dân, được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng con đường truyền miệng. Ngụ ngôn xuất hiện trong kho tàng văn hóa các dân tộc như Hy Lạp, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa...và xa xưa nhất có thể tính đến các tác phẩm ngụ ngôn nửa thực nửa truyền thuyết tương truyền do Êdốp sáng tác, có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với văn học Hy Lạp cổ đại mà còn đối với nhiều nền văn học trên thế giới. Theo từ nguyên, ngụ ngôn là những “lời nói, mẩu chuyện có ngụ ý (ngụ là “gửi”) xa xôi bóng gió được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại văn học dân gian và văn học thành văn (như thơ ngụ ngôn, truyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ” [15,216]. Có thể thấy, trong văn học dân gian Việt Nam, ngụ ngôn là một kho triết lí dân gian độc đáo, đó là những câu tục ngữ ngụ ngôn như: Chó chê mèo lắm lông, Lươn ngắn lại chê trạch dài, Cáo chết ba năm quay đầu về núi,...; là những câu ca dao ngụ ngôn như: Con mèo mà trèo cây cau, Con gà cục tác lá chanh, Con cò mà đi ăn đêm, Con kiến mà kiện củ khoai,...cũng có khi là truyện thơ ngụ ngôn như: Trê Cóc, Lục súc tranh công, Hai ông phật cãi nhau,... Như vậy, truyện ngụ ngôn là những tác phẩm nghệ thuật bằng văn xuôi hoặc văn vần, có ngụ ý một bài học đạo lí, một triết lí nhân sinh, một nhận xét về thực tế xã hội bằng lối diễn đạt bóng gió, hài hước nhưng sâu sắc, thường qua nghệ thuật nhân hóa giới tự nhiên để nói chuyện về con người. Ta có thể bắt gặp trong truyện ngụ ngôn các nhân vật là loài vật như: Thỏ, Rùa, Voi, Chuột,... các loại cây cối, hoa quả như: cây lúa, mướp đắng, ... 8 các nhân vật vô tri vô giác: nồi đất, nồi gang, ngòi bút,... có khi cả những bộ phận của con người như: dạ dày, tứ chi, mắt, miệng,... Như vậy, một trong những đặc trưng cơ bản nhất của truyện ngụ ngôn là thường dùng loài vật, đồ vật, các vật vô tri vô giác để gián tiếp nói chuyện về con người, qua đó nhằm nêu lên những bài học đạo đức dưới một hình thức kín đáo. Nhân vật truyện ngụ ngôn vì thế trở thành phương tiện để nhận thức và lý giải những vấn đề của con người và xã hội loài người. Theo Từ điển văn học, ngụ ngôn là "một thể loại văn học giáo huấn, thường sử dụng phúng dụ như một nguyên tắc tổ chức tác phẩm” [16,1091]. Từ những cách hiểu trên, chúng tôi cho rằng truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn một câu chuyện kể về loài vật qua đó gửi gắm ý tưởng, nhận xét về nhân sinh, hay bài học về kinh nghiệm sống, có ý nghĩa răn dạy đạo đức. Có thể thấy, ngụ ngôn có hình thức ngắn gọn, bởi nội dung truyện đơn giản, kết cấu mạch lạc, rõ ràng nhưng bao chứa nhiều tầng ý nghĩa. Có lẽ vì thế, trong văn học thành văn thế giới, nhiều nhà văn đã xem sự ngắn gọn, súc tích, kiệm lời của ngụ ngôn là mẫu mực sáng tác cho mình. Trong văn học Nga, L.Tônxtôi về cuối đời, sau khi lên đến đỉnh cao vinh quang với những tiểu thuyết đồ sộ: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karênina đã bắt tay viết truyện ngụ ngôn, truyện ngắn theo quy luật ngụ ngôn dành cho những bạn đọc bình dân. A.Sêkhôp với quan niệm: công việc viết văn là lược bỏ,... Truyện ngụ ngôn ít tình tiết, ít cảnh vì thường chỉ xoay quanh một sự kiện. Không gian và thời gian truyện rất ít khi được nêu. Thời gian trong mỗi câu chuyện chỉ được nhắc thông qua cụm từ ngày xửa ngày xưa, rất lâu về trước... Đó là khoảng thời gian nhất định nhưng không thể xác định chi tiết, cụ thể hơn được nữa. Số lượng nhân vật trong mỗi câu chuyện cũng ít và mỗi nhân vật chỉ được khai thác ở một nét tính cách hoặc một thói quen, thậm chí có truyện chỉ có một nhân vật với một hoàn cảnh, một tình huống nhất định, một sự 9 kiện cố định. Vì vậy, mỗi truyện ngụ ngôn là một câu chuyện nhỏ vừa sức tiếp thu với học sinh tiểu học. Truyện ngụ ngôn là phương tiện hữu ích để giáo dục cho học sinh. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được tiếp xúc với những bài ca dao mang tính ngụ ngôn thông qua những lời ru, câu hát. Khi 4, 5 tuổi, các em được làm quen với những câu chuyện ngụ ngôn đơn giản. Ở lứa tuổi tiểu học, tư duy trực quan cụ thể vẫn còn đang phát triển, các em chủ yếu đánh giá, nhìn nhận các sự vật, hiện tượng bằng trực giác. Các em yêu thích truyện ngụ ngôn vì bề ngoài đơn giản, các câu chuyện ngắn gọn, nhân vật gần gũi, thân thuộc, tuy nhiên, phần triết lý trừu tượng ẩn dấu phía sau nội dung đó thì cần có sự trợ giúp, phân tích của người lớn thì các em mới hiểu được. Thế giới nhân vật trong truyện ngụ ngôn phong phú, đa dạng, có nhân vật là người (cha, mẹ, ông, bà, người hàng xóm, cụ già...); có nhân vật siêu nhiên (hung thần, bà tiên, con cá vàng...); có vua chúa, hoàng hậu, công chúa và cũng có những người lao động như bác nông dân, người thợ săn, ông lão đánh cá,... rồi cả những tính cách của con người như anh nói khoác, chị lọc lừa, kẻ bới móc,... những điều vô hình, vô dạng như: sự khôn khéo, sự ngu dại, cái thiện, cái ác, điều họa, phúc,... Nói chung, tất cả vạn vật tồn tại trong trời đất, những cái có thể xuất hiện hoặc có thể tồn tại, ngụ ngôn đều mượn cả. Thế giới ấy vừa hiện thực vừa kì ảo lung linh cho trẻ thỏa sức tưởng tượng, khám phá. Nhưng, để lại ấn tượng nhất trong nhận thức thẩm mỹ của trẻ nhỏ, có lẽ là những nhân vật loài vật với đủ giống loại mang ý nghĩa tượng trưng cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội loài người. Thế giới nhân vật ấy giúp độc giả nhỏ tuổi bước vào thế giới tự nhiên, xã hội chung quanh một cách tự nhiên, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và giúp các em dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong cộng đồng sau này. Truyện ngụ ngôn đưa học sinh vào một thế giới loài vật đa dạng, phong phú mà mục đích sâu xa hơn là đến với thế giới loài người với những bài học 10 ứng xử tế nhị. Thông qua truyện ngụ ngôn, các em không chỉ được đồng cảm thương yêu những con người bất hạnh, hiểu được lẽ sống, cách ứng nhân xử thế mà còn bộc lộ thái độ yêu ghét, lên án, phê phán những cái xấu, cái ác, đấu tranh chống lại áp bức, cường quyền. Khi được hòa mình vào thế giới của những câu chuyện ngụ ngôn, học sinh không chỉ rút ra cho mình những bài học về nhân tâm thế sự mà trí tưởng tượng, tính thẩm mĩ của học sinh cũng được hình thành và phát triển. Có thể nói, truyện ngụ ngôn giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện hình thành và phát triển ở các em tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm với con người, góp phần quan trọng vào việc hình thành, hoàn thiện nhân cách, giáo dục thẩm mĩ trong các em. Việc tìm hiểu và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại qua truyện ngụ ngôn giúp học sinh ghi nhớ, nâng cao hiểu biết và thực hiện nó trong các trường hợp cụ thể. 1.2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của L.N.Tônxtôi Đại văn hào Lep Nhikôlaievich Tônxtôi sinh ngày 9.9.1828 trong một gia đình quý tộc truyền thống giàu có lâu đời tại trại ấp Iaxnaia Pôliana (tiếng Nga có nghĩa là: khoảng rừng thưa sáng). Thời thơ ấu và niên thiếu, ông sống giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những trò chơi dân gian trong trại ấp của gia đình. Xuất thân từ tầng lớp quý tộc song Tônxtôi rất gần gũi với nông dân, nông nô, đặc biệt là con em của họ. Tônxtôi sớm mồ côi cha mẹ. Việc trông nom anh em Tônxtôi do cô Tachiana Ergônxkaia - một người phụ nữ không lấy chồng, có họ hàng xa bên nội tự nguyện chăm sóc các cháu. Bà là một nhà giáo dục tuyệt diệu; với tâm hồn rộng mở và cương nghị bà đã truyền lại cho cậu bé Lep lòng yêu thương mọi người, khuyến khích niềm say mê văn học trong cậu bé. Nhà văn tương lai rất yêu quý người cô, sau này ông thường viết thư đàm đạo với bà về những vấn đề văn chương, xã hội, và những tác phẩm do ông sáng tác. Năm 16 tuổi, Tônxtôi vào học trường Đại học Kadan ngành ngôn ngữ phương Đông, sau chuyển sang ngành Luật. Lúc đầu cậu sinh viên quý tộc 11 mải mê chạy theo đủ mốt chơi bời, cùng bầu bạn lao vào các thú hưởng lạc mong sao cho xứng “một công tử quý tộc hào hoa phong nhã” (lời của Tônxtôi). Song chẳng bao lâu, cuộc sống phóng đãng trở nên vô vị. Cảm thấy ân hận và lỗi lầm, Tônxtôi chán ngán cả cái xã hội thượng lưu trống rỗng và sự trì trệ bảo thủ của trường đại học. Tônxtôi gần gũi lớp sinh viên dân chủ cách mạng, tìm thấy phong cách sống giản dị, lành mạnh, niềm say mê học tập, lao động và nghiên cứu khoa học. Từ đây trong ông có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức xã hội cũng như đạo đức. Mùa xuân năm 1847, Tônxtôi đoạn tuyệt với trường Đại học Kadan quay về trại ấp (Ông từng thổ lộ: “chúng tôi thu hoạch được những gì ở các chủng viện này? Hãy quay về nông thôn chúng ta sẽ được những điều bổ ích và cần thiết”). Sau khi về quê, theo truyền thống gia đình và di chúc của cha mẹ, Tônxtôi được thừa kế trại ấp Iaxnaia Pôliana và 330 nông nô. Trong thời gian này, ông chăm lo đến việc cải thiện đời sống cho nông dân và đặt cho mình một kế hoạch tự học tập thật đồ sộ. Ông tự học ngoại ngữ, đọc sách, nghiên cứu triết học, văn chương. Ông say mê nghiên cứu tủ sách với hàng nghìn cuốn trong thư viện của cha. Bằng con đường tự học, ông biết rất nhiều ngoại ngữ, đọc thông viết thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Đầu những năm 1850, Tônxtôi gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ hải cảng Xêvaxtôpôn trước cuộc tấn công của liên quân Anh - Pháp trong chiến tranh Crưm (1854-1856). Những ngày ở đây nhà văn viết xong Thời thơ ấu - tập một của bộ ba tiểu thuyết tự thuật và gửi in trên tạp chí Người đương thời. Tài năng miêu tả tâm lý của Tônxtôi được bộc lộ ngay từ tác phẩm đầu tay này. Tác phẩm giành được tình cảm của đông đảo bạn đọc, được giới phê bình dân chủ cách mạng ngợi khen. Chính trong cuộc chiến đấu sinh tử này, Tônxtôi cùng đồng đội nếm trải đủ mùi vị cay đắng ngọt bùi nơi khói lửa. Ông trực tiếp chiến đấu ở pháo đài bốn thần kỳ - một trong những pháo đài trọng yếu của quân đội Nga. Hiện thực cuộc chiến đã cung cấp cho 12 Tônxtôi những tài liệu vô giá về tính cách, tinh thần và ý thức trách nhiệm của con người Nga đối với Tổ quốc. Ý chí kiên cường bất khuất của họ đã được nhà văn miêu tả vô cùng sinh động trong tập truyện ký nổi tiếng Truyện Xêvatxtôpôn. Cuối tháng 11.1856 Tônxtôi giải ngũ và trở về Pêtecbua. Mùa xuân năm 1857, Tônxtôi đi du lịch ra nước ngoài. Ông đi thăm các nước Pháp, Thuỵ Sĩ, Ý, Đức. Chuyến đi đầu tiên này đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển thế giới quan của nhà văn. Ông cảm thấy thất vọng và hoàn toàn mất niềm tin vào nền công nghiệp tư bản khi chứng kiến những cảnh tượng bất công, độc ác đang diễn ra hàng ngày ở các nước phương Tây. Những ấn tượng nặng nề của Tônxtôi về thái độ tàn nhẫn, lạnh lùng của trật tự tư sản phương Tây đối với nghệ thuật, nghệ sĩ, đối với con người đã được ghi lại trong truyện ngắn Luyxecnơ (1857). Khi trở về nước (30-7-1857), Tônxtôi viết truyện Ba cái chết (1858) phê phán lối sống quý tộc xa hoa, đề cao quy luật vĩnh hằng của thiên nhiên và truyện Hạnh phúc gia đình (1859) bảo vệ truyền thống gia trưởng trong gia đình. Năm 1860 Tônxtôi ra nước ngoài lần thứ hai để thăm người anh ốm nặng và tìm hiểu tình hình giáo dục phương Tây. Ông đi thăm các nước Đức, Pháp, Ý, Anh, Bỉ, gặp gỡ nhiều nhà giáo dục, nhà văn và nhà hoạt động Châu âu. Tháng 4 năm 1861 Tônxtôi về nước đúng vào dịp Nga hoàng công bố sắc lệnh “Cải cách nông nô” (19.2.1861). Tônxtôi nhận xét về bản cải cách của Nga hoàng: “Nông dân thì không hiểu một chữ nào còn chúng ta thì không tin một lời nào”, bản chất của nó “không có gì ngoài những lời hứa hẹn”. Thời gian này ông chủ yếu hoạt động giáo dục, mở trường học cho con em nông dân, viết sách cho trẻ em học và xuất bản tạp chí giáo dục “Iaxnaia Pôliana”. Năm 1862, Tônxtôi kết duyên cùng Xôphia Anđrêepna Berx. Hạnh phúc gia đình tràn ngập đã giúp nhà văn hoàn thành cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình - tác phẩm vĩ đại làm rạng rỡ nền văn học Nga, đưa ông trở thành “con sư tử của văn học Nga” (I. Gônsarôp). 13 Những năm 1870, Tônxtôi tham gia cứu đói ở đồng cỏ Xamara. Thời gian này ông bắt tay vào viết Anna Karênina (1873-1877). Cuốn tiểu thuyết kỳ diệu này làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Những năm 1880, Tônxtôi và gia đình chuyển đến ở Matxcơva. Ông giữ nếp sống giản dị, tự mình sách nước, bổ củi, khâu giày, ăn uống kham khổ. Năm 1882 Tônxtôi tham gia kiểm kê dân số tại một khu vực dân nghèo ở Matxcơva. Chứng kiến tận mắt cuộc sống của những con người nghèo khổ, khốn cùng Tônxtôi hết sức xúc động. Nhà văn đã ghi lại những cảm xúc và bày tỏ thái độ quyết liệt của mình trong bài Thế thì chúng ta phải làm gì đây: “Có thể bắt người ta làm nô lệ... Nhưng không thể bắt người ta nghĩ rằng khi chịu đựng bạo lực thì con người được tự do và điều ác hiển nhiên mà con người phải chịu đựng đó lại tạo nên hạnh phúc của nó”. Thời gian này Tônxtôi viết khá nhiều truyện cho nhân dân nhằm tiếp tục phê phán xã hội đương thời và truyền bá học thuyết của mình. Ông cũng viết một số truyện ngắn xuất sắc như: Cái chết của Ivan Ilich (1886), Bản Xônat Cơrâyxe (18871889), Ma quỷ (1889),... và hai vở kịch có tính tố cáo sâu sắc Quyền lực của bóng tối (1886) và Thành quả giáo dục (1890). Đây là thời kỳ diễn ra bước chuyển biến căn bản trong tư tưởng cũng như sáng tác của Tônxtôi. Những năm 1890, chống lại ý kiến vợ, Tônxtôi tuyên bố từ bỏ bản quyền văn học của những tác phẩm do ông viết sau năm 1881. Tônxtôi sốt sắng tham gia cứu đói ở các tỉnh Riadan, Tula, Oren. Nỗi niềm u ái trước số phận dân nghèo day dứt, giằng xé tâm tư nhà văn đã được bộc lộ hết sức mãnh liệt trong Vì sao nhân dân Nga đói. Trong bài này, ông vạch rõ: “Nhân dân Nga đói chỉ vì chúng ta quá no nê. Làm sao nhân dân lại không đói được khi họ sống trong những điều kiện bố thí, ít đất đai, bị cầm tù trong cảnh hoang tàn, man rợ lại phải làm tất cả công việc đáng sợ mà kết quả của nó đã bị các thủ đô, các thành phố trung tâm những người giàu có nhất ở nông thôn nuốt hết... Tình trạng của họ cứ như vậy mãi...”. Bài báo là tiếng thét mạnh 14 mẽ vào mặt bọn quan lại tham nhũng, bọn giàu có sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động. Tác phẩm vĩ đại nhất của Tônxtôi trong những năm 90 là tiểu thuyết Phục sinh (1889- 1899). Đây là bản án đanh thép tố cáo chế độ nông nô chuyên chế và giáo hội Nga là những kẻ đẩy quần chúng vào cảnh khốn cùng. Tác phẩm là duyên cớ cuối cùng để giáo hội Nga khai trừ Tônxtôi – “kẻ dị giáo và phản Chúa”. Ngoài ra Tônxtôi còn viết một số truyện vừa: Đức cha Xerghi (1898), Chiếc thây sống (1890), Khatgi Murat (1896- 1904), Sau đêm vũ hội (1903). Đồng thời nhà văn hoàn thành bài khảo cứu nổi tiếng Nghệ thuật là gì? (1897-1898) tổng kết những suy nghĩ của ông trong nhiều năm về nghệ thuật. Trong những năm cuối đời mình, cơn khủng hoảng tư tưởng trong Tônxtôi càng trầm trọng. Những mộng ước của ông về việc xoá bỏ mọi bất công, xoá bỏ chế độ tư hữu ruộng đất, những lý tưởng của ông về thứ tự do nguyên thuỷ, về con người chí thiện mà ông đã truyền bá suốt đời mình vẫn chưa được thực hiện. Trước mắt ông vẫn sừng sững cái mâu thuẫn xã hội gay gắt: “Càng ngày tôi càng cảm thấy đau đớn, hầu như về thể xác, về sự bất bình đẳng, cảnh giàu sang thừa thãi giữa cảnh nghèo nàn, thế mà tôi lại không giảm nhẹ được sự bất bình đẳng đó. Đó là bi kịch thầm kín của đời tôi.”(NK ngày 10/6/1907). Sự bất hoà giữa ông và gia đình lại càng làm cho bi kịch đó thêm nặng nề. Vì thế từ lâu Tônxtôi đã có ý định rời bỏ “tổ ấm quý tộc” và xã hội thượng lưu. Rạng sáng ngày 28/10/1910, Tônxtôi cùng bác sĩ riêng bỏ nhà ra đi. Dọc đường đi Tônxtôi bị cảm lạnh phải nghỉ lại ở ga Axtapôvô (hiện nay mang tên Tônxtôi). Ngày 7/11/1910, Tônxtôi tạ thế, thọ 82 tuổi. Cả nước Nga và thế giới thương tiếc nhà đại văn hào. Lênin viết bài điếu văn L.N.Tônxtôi nêu bật cống hiến to lớn của Tônxtôi vào kho tàng văn hoá của nhân loại và tầm quan trọng lịch sử của Tônxtôi. M.Gorki viết: “Trong đời mình chưa bao giờ tôi khóc thảm thiết, tuyệt vọng cay đắng như vậy”. Đúng như nguyện