Gà qué trong sách lớp 1

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài về những vấn đề ông cho là bất cập trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các bài viết phân tích, phản biện các nội dung trên từ các nhà giáo và những ai quan tâm, trăn trở về giáo dục, đặc biệt là từ chính các tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, ngõ hầu làm sáng tỏ các vấn đề mà dư luận quan tâm. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Chúng tôi thống kê những từ khó hiểu trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều (tập 1) của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).

Theo đó, cuốn sách này (tham khảo bản điện tử ở tài liệu đính kèm số 3) có một số hạn chế về mặt từ ngữ có thể liệt kê như sau.

“Lồ ô” (trang 23), từ này kể cả người lớn hay những người ở vùng đồng bằng, thành thị cũng chưa chắc đã biết. “Lồ ô là một loài tre, mọc thành từng bụi, được dùng làm thực phẩm và dùng cho các công trình xây dựng tạm thời” (từ điển).

“Pi-a-nô” (trang 44) là một loại nhạc cụ rất xa lạ với học sinh vùng nông thôn, miền núi hay vùng sâu vùng xa nên chưa cần thiết phải đưa vào sách lớp 1.

“Gà ri” (trang 47) sách minh họa là một con gà mái mẹ màu vàng, có thân hình to béo. Đúng ra “gà ri” phải là giống gà có “thân hình nhỏ bé, chân ngắn…” (từ điển).

“Sẻ ca ri ri” (trang 49) mô phỏng tiếng kêu của chim sẻ chưa đúng. Chim sẻ sống khắp nơi, đặc biệt chúng thích sống và làm tổ trên mái nhà, trên cánh đồng lúa. Khi bay loài chim sẻ phát ra tiếng kêu có phần sắc nhọn “tít- tít”. [1]

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều)

“Nó (sư tử) ngó chó xù. Mi mà là sư tử à” (trang 57). “Nhà ve chả có gì” (trang 69). “Cò chả đáp gì” (trang 79).

“Ngó” (nhìn) là phương ngữ miền Nam; “mi” – ngôi thứ hai số ít, cùng nghĩa với từ “mày” là phương ngữ miền Trung; “chả” (chẳng) là phương ngữ miền Bắc.

“Má ở thị xã về” (trang 64). “Má” là phương ngữ miền Nam, từ phổ thông phải là “mẹ”.

“Chị hứa tìm dép hộ em mà”. “Hộ” phương ngữ miền Bắc – có nghĩa là giúp, giùm (giúp đỡ).

“Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” (trang 95). “Chộp” là phương ngữ miền Nam, trong khi đó từ thường dùng là “tóm”, “vồ”.

“Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ”… “Chó tợp mỡ tha đi”. “Cuỗm” (thông tục) - chiếm lấy và mang đi một cách nhanh gọn (từ điển). Còn “tợp” (khẩu ngữ), có nghĩa là đớp nhanh lấy (từ điển).

“Hà của bà ngộ quá” (trang 97). “Ngộ” là (khẩu ngữ) - hơi có vẻ khác lạ, gây được sự chú ý, thường là làm cho thấy hay hay, có cảm tình (từ điển).

“Rô con vọt lên bờ” (trang 125). “Vọt” là phương ngữ miền Nam, miền Trung (nhảy nhanh) cũng xa lạ với học sinh miền Bắc.

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều)

Sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 phải sử dụng từ phổ thông (từ toàn dân) thì học sinh mới hiểu được. Đành rằng học sinh cần biết phương ngữ để hiểu hơn về sự đa dạng của ngôn ngữ cũng như văn hóa vùng miền, nhưng lớp 1 thì không cần thiết.

“Dưa đỏ” (trang 58) minh họa quả dưa được cắt ra có màu đỏ, nhưng đúng ra tên gọi phải là “dưa hấu” mới chính xác.

“Nó (thỏ) la cà nhá cỏ, nhá dưa” (trang 61). Thỏ thì ăn cỏ vì cỏ mềm, không phải vật dai, cứng, khó ăn đến mức phải “nhá”. Chưa kể, thức ăn (thường xuyên) của thỏ có phải là dưa hay không, cũng là một điều cần được quan tâm.

“Quả trám” là một loại quả có nhiều ở vùng trung du miền núi phía Bắc, cũng rất hiếm người biết, nếu không phải là người dân địa phương ở vùng đó.

“Gà nhép” (trang 75) là tên một loại gà rất xa lạ. Gọi là “gà nhép” vì loại này chỉ có cân nặng 1,2 -1,8 kg khi xuất bán. Nó có hình dáng gần với gà ri lai, chân vàng, mỏ vàng, lông vàng óng và thời gian nuôi chỉ từ 2,5 – 3 tháng. [2]

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều)

“Gà nhí nằm mơ” (trang 83). “Rùa nhí tìm nhà” (trang 91). Cách nói “gà nhí” hoàn toàn xa lạ với người Việt – thay vì “gà con”. Tương tự “rùa nhí” cũng vậy.

“Vì cố quá lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp”. “Thở hí hóp” là thở mệt nhọc, yếu ớt như sắp hết hơi. Tuy nhiên cách nói này hiếm khi dùng nên học sinh khó hiểu “thở hí hóp” là thở như thế nào.

“Đôn” (trang 126) minh họa là vật hình tròn, có chân, làm bằng gỗ cũng không đúng với nghĩa từ điển. “Đôn” đồ dùng bằng sành, sứ hay gỗ quý, không có chân đứng, thường để bày chậu cảnh hoặc để ngồi (từ điển).

“Chuột út buồn lũn cũn đi ra sân” (trang 133). Người ta thường nói, chuột chạy, chuột bò… chứ không ai nói “chuột lũn cũn đi” cả. Cách miêu tả này tối nghĩa, bởi “lũn cũn” (tính từ - khẩu ngữ), chỉ dáng đi có những bước ngắn và nhanh như bước đi của trẻ con (từ điển). Ví dụ: Bé lũn cũn bước theo bà.

“Cá măng lạc mẹ” (trang 143). “Cá măng” đến người lớn cũng có thể không biết thì rõ ràng từ này gây khó cho học sinh lớp 1.

“Xe điện, xe téc lo lắng nhìn” (trang 147). Người ta thường nói “xe bồn” hay “xe chở xăng dầu” và rất hiếm khi nói xe téc (đúng ra phải là xe xi-téc).

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều)

Ngày 7/10/2020, trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều nói đại ý, nếu giáo viên, phụ huynh nóng vội, “đốt cháy” giai đoạn khi dạy học sinh lớp 1, có thể dẫn đến tình trạng quá tải, trẻ không tiếp thu, không làm được bài, thậm chí còn gây áp lực tâm lý, khiến cho trẻ sợ học. [4]

Thế nhưng, như những gì chúng tôi đã phân tích ở trên thì rõ ràng việc học sinh lớp 1 khó tiếp thu nội dung bài học là do một phần cuốn sách này dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ xa lạ kể cả dùng từ tối nghĩa – chứ không phải do giáo viên hay phụ huynh nóng vội đốt cháy giai đoạn.

Trước đó, ngày 5/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, để không gây quá tải về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục.

Cùng với đó, phải giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Ngoài ra, cần tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. [5]

Chúng tôi nhận thấy, Bộ đã lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh phản ánh về việc chương trình lớp 1 bất cập và đưa ra những quyết sách chỉ đạo nhằm ổn định việc dạy và học ở thời điểm này là đúng đắn, kịp thời.

Tuy vậy, những chỉ đạo như thế này mới chỉ nằm ở phần “ngọn” nên khó lòng một sớm một chiều có thể cải thiện được những bất cập ở chương trình sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều).

Theo ý kiến của chúng tôi, Bộ nên tổ chức hội thảo về cuốn sách này để đánh giá lại những ưu khuyết một cách nghiêm chỉnh – tức là làm lại từ “gốc”.

Và nhất là Bộ cần lắng nghe những ý kiến phản biện của giáo viên, phụ huynh, dư luận để có giải pháp căn cơ nhằm sớm ổn định việc học cho học sinh lớp 1.

Tài liệu tham khảo:

[1] //convat.net/chim-se/#Tieng_chim_se_hot_nhu_the_nao

[2] //khoahocphattrien.vn/dia-phuong/ky-thuat-nuoi-ga-nhep-cho-thu-nhap-hang-tram-trieu/20170126054344502p1c937.htm#:~:text=G%E1%BB%8Di%20l%C3%A0%20G%C3%A0%20Nh%C3%A9p%20v%C3%AC,2%2C5%20%E2%80%93%203%20th%C3%A1ng.

[3]//sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/?fbclid=IwAR3yaYoDGsbPBuL_APepbccgy6MgO66CpaFyjJ5k-Cst3OUajtiqmYfHXxI#page/176

[4] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-the-dot-chay-giai-doan-khi-day-hoc-sinh-lop-1-I4wXVZcMR.html

[5] //thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-yeu-cau-khong-gay-qua-tai-voi-hoc-sinh-lop-1-1287581.html

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài

LTS: Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài tiếp tục gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh những bất cập trong nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nội dung, văn phong thể hiện quan điểm cá nhân tác giả.

Thống kê văn bản trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều (tập 1) của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020), chúng tôi nhận thấy sách còn nhiều sai lạc kiến thức và thiếu tính giáo dục.

Theo đó, những văn bản được liệt kê (sách điện tử Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều - tập 1, ở tài liệu tham khảo số 3) như sau.

Văn bản “Ở bờ đê” (trang 25):

Dê la cà ở bờ đê. Bờ đê có dế. Bờ đê có cả bê. Bê be be.

Bò con, trâu con dân gian gọi là con bê, con nghé. Bê thì không bao giờ kêu “be be” – đây là âm thanh của con dê. Con nghé kêu “nghé… nghé…”. Khi nghé lớn lên thành trâu thì kêu “nghé ọ”.

Văn bản “Bé Hà, bé Lê” (trang 27):

- Hà ho, bà ạ.

- Để bà bế bé Lê đã.

- Dạ.

- A, ba! Ba bế Hà!

- Ba bế cả Hà, cả bé Lê.

Văn bản này đã từng thu hút sự quan tâm của phụ huynh trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh nói rằng, khi Hà nói với bà bị ho, thay vì chăm sóc Hà thì bà lại đi dỗ bé Lê. Nếu học sinh chỉ đọc phần đầu của văn bản thì rất dễ nhầm lẫn, bởi dường như bé Hà bị cho ra ngoài.

Ngoài ra, văn bản này sử dụng phương ngữ không thống nhất, lúc thì dùng từ “bế” (bồng) – phương ngữ miền Bắc, lúc thì dùng từ “ba” (cha) phương ngữ miền Trung, miền Nam.

Văn bản “Bể cá” (trang 31):

Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ.

Bể cá có ai trưng bày le le gỗ không? Bởi le le làm bằng chất liệu gỗ mà để ở bể cá thì sẽ thấm nước và làm cho con vật dễ bị mục nát.

Văn bản “Bé kể” (trang 35):

Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ.

Đặt tên văn bản “Bé kể” là chưa hợp lí. Bởi bé Lê chỉ mới bi bô tập nói những những tiếng đầu đời “dì”, “giò”. Gọi là “kể” (kể chuyện) thì phải có nhân vật, cốt truyện, chi tiết, sự việc…

Văn bản “Đố bé” (trang 37):

- Bi đó à?

- Dạ.

- Đố Bi: Mẹ có gì?

- Mẹ có cá kho khế.

- Đố Bi: Bố có gì?

- Bố có bé Li.

Dễ nhận thấy, nội dung của hai câu đố thiếu lo-gich. Mẹ có thức ăn thì bố cũng phải có thức ăn – chứ không phải bố có con (bé Li).

Bên cạnh đó, cách đặt tên Li cũng rất khác thường về danh từ riêng chỉ người. Đành rằng đặt tên gì cho con là quyền riêng tư của cha mẹ, ông bà. Thế nhưng, với đại đa số người Việt thì tên “Li” rất hiếm thấy và cách viết “i ngắn” (i) cũng thiếu thẩm mỹ về mặt hình thức.

Văn bản “Ở nhà bà” (trang 43):

Bi có bà ở quê. Nghỉ hè, Bi ở nhà bà. Xa bà, Bi nhớ bố mẹ. Giá bà ra phố ở nhà Bi, Bi đỡ nhớ bà, nhớ bố mẹ.

Cách diễn đạt “giá bà ra phố ở nhà Bi…” mặc dù không sai ngữ pháp nhưng thiếu suôn sẻ cũng khiến cho học sinh lớp 1 khó lòng đọc trôi chảy.

Văn bản “Lỡ tí ti mà” (trang 53):

Hổ nhờ thỏ bê đồ. Thỏ lỡ xô đổ ghế. Hổ la “Thỏ phá nhà ta à?”. Thỏ sợ quá: “Tớ lỡ tí ti mà”. Hổ khà khà: “À, tớ nhờ thỏ kia mà. Bỏ qua!”.

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Nội dung văn bản này thật vô lí, thể hiện ở nghĩa của từ. Vì “xô” là một hành động có chủ ý, hoàn toàn khác với “lỡ”. Nếu “lỡ” (do sơ suất làm xảy ra điều không hay khiến phải lấy làm tiếc, làm ân hận – từ điển) thì phải dùng từ “vấp” (đụng chân, va chân vào vật – từ điển). Chính vì thỏ “xô” đỗ ghế (cố ý) nên hổ mới phản ứng gay gắt bằng từ “phá” – “Thỏ phá nhà ta à?

Thiết nghĩ, trong suy nghĩ của chúng ta, thỏ là con vật hiền lành, thậm chí còn khờ dại khi bị rùa lừa (chuyện ngụ ngôn Rùa và thỏ - La-phong-ten). Còn hổ là động vật ăn thịt, hung dữ thì cách cười “khà khà” cũng không hợp với bản tính của loài thú này – cho dù văn bản hư cấu theo lối nhân hóa.

Khi vào sở thú tham quan, đến chuồng hổ (cọp), chúng ta thường thấy bảng cảnh báo ghi “nguy hiểm, cấm lại gần/cấm vượt rào…”. Nếu trẻ em tin lời sách dạy “hổ khà khà” thì sẽ rất nguy hại!

Văn bản “Thỏ thua rùa” (phần 2), (trang 51):

… Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ.

Rùa tự nhủ: “Ta sẽ cố”.

Giữa trưa, chị quạ “quà quà”. “A, thỏ thua rùa” (Theo Truyện ngụ ngôn Ê-dốp)

Nghi ngờ âm thanh tiếng quạ kêu “quà quà” chưa đúng, chúng tôi truy cập nguồn kênh Youtube [1] thì nghe được tiếng kêu của quạ gần giống với “quá quá” – thanh sắc, nghe khô, mạnh chứ không yếu ớt như “quà quà”.

Văn bản “Ve và gà” (phần 1), (trang 67):

Cả mùa hè, ve chỉ ham múa ca. Ngó chị gà đạp đạp, giũ giũ lúa, ve thỏ thẻ:

- Làm thì có gì thú vị nhỉ?

Gà đáp: Chị làm để có lúa cho lũ nhỏ. (Phỏng theo La-phong-ten, Minh Hòa kể)

Cách miêu tả “ve ham múa ca” cho dù đã nhân cách hóa thì cũng không phù hợp với suy nghĩ của người Việt. Chúng ta thường nói, con công hay múa; con chim ca hát; ve ngân nga, ve kêu não nề… chứ không ai nói ve ham múa ca cả.

Văn bản “Ve và gà” (phần 2), (trang 69):

Mùa thu qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý:

- Chị… cho ve tí gì nhé?

Gà cho ve và thủ thỉ:

Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì. (Phỏng theo La-phong-ten)

“Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì” là một câu lủng củng về ngữ nghĩa ở cụm từ “thì sẽ chả”.

Văn bản “Cô bé chăm chỉ” (trang 71):

Bé Chi chăm chỉ lắm. Bé đi khắp nhà. Khi thì bé mở vở của chị ê a. Khi thì bé đi xe đạp. Khi thì bé khám cho chó Lu. Lu “gù gù” có vẻ thú vị lắm.

Văn bản này có 3 câu (Khi thì bé mở vớ của chị ê a. Khi thì bé đi xe đạp. Khi thì bé khám cho chó Lu) viết tách rời là chưa đúng ngữ pháp. Văn bản liệt kê các hành động của cô bé chăm chỉ thì phải sử dụng dấu phẩy hoặc dấu chấm phẩy cho từng vế câu.

Văn bản “Bé Lê” (trang 73):

Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm. Bé chỉ: “Cò… cò…”. Ti vi có cá mập. Bé la: “Sợ”! Má bế bé, vỗ về: “Cá mập ở ti vi mà”. Má ấm quá, bé chả sợ nữa.

Văn bản này mắc 2 lỗi: thứ nhất, ti vi (television – vô tuyến truyền hình) là một từ nên không thể viết tách rời “ti vi” (viết đúng ti-vi/tivi); thứ hai, sử dụng hai phương ngữ “má” (mẹ - phương ngữ miền Nam) và “bế” (bồng – phương ngữ miền Bắc) trong một bài gây rối rắm về nghĩa của từ.

Văn bản “Thi vẽ” (trang 75):

Cá chép và gà nhép thi vẽ.

Cá chép vẽ nó làm vua. Gà nhép vẽ gà mẹ chăm lũ gà em.

Cô cò, chú trắm chấm thi. Họ cho là gà nhép vẽ vừa đẹp vừa có ý nghĩa.

Văn bản sử dụng từ “gà mẹ” thì phải đặt trong mối quan hệ với “gà con”, chứ sao lại là “gà nhép”? Chú “trắm” là chú gì? Chỉ có “cá trắm” (thuộc họ cá chép) mới có nghĩa, còn từ “trắm” đứng một mình thì không có nghĩa.

Văn bản “Lúa nếp, lúa tẻ” (trang 77):

Lúa tẻ cho là nó thua kém lúa nếp vì trẻ em chỉ ưa đồ nếp. Đêm đó, nghe lúa tẻ thổ lộ, lúa nếp đáp:

- Chị nhầm. Lúa tẻ là vua cả năm. Đồ nếp chỉ là bữa phụ. (Thu Hương).

Nội dung văn bản này rối rắm, lủng củng, tối nghĩa - chắc chắn học sinh lớp 1 chẳng hiểu được gì!

Văn bản “Ví dụ” (trang 89):

Chị Thơm ra đề: “Cặp của Bi có 3 quả cam…”

Bi đáp:

- Em chả đem cam ra lớp.

- Chị ví dụ mà… Chị tiếp nhé: Bi cho em Bốp 1 quả…

- Chị nhầm ạ. Em bốp chỉ bú tí mẹ. (Phỏng theo Chuyện vui dạy học).

Văn bản ghi nguồn là phỏng theo Chuyện vui dạy học nhưng đọc nghe vô duyên, không mang tính giáo dục.

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Văn bản “Họp lớp” (trang 92):

Lớp cũ họp ở khóm tre ngà.

Cả lũ kể rôm rả. Sẻ kể: Tổ của nó nhỏ như hộp diêm mà đẹp. Gà kể: Nó chăm lũ gà nhỏ như nắm rơm. Cua khệ nệ ôm yếm. Nó sắp có lũ cua bé tí bò khắp hồ.

Tổ của sẻ tuy nhỏ nhưng có hình tròn chứ không phải (hình chữ nhật) như hộp diêm – cách so sánh khập khiểng. Câu văn “Nó chăm lũ gà nhỏ như nắm rơm” – thì “nắm rơm” là nắm gì? (có lẽ sách viết sai chính tả. Viết đúng là nấm rơm?). Còn hai câu cuối “Cua khệ nệ ôm yếm. Nó sắp có lũ cua bé tí bò khắp hồ” chẳng ăn nhập gì với nội dung toàn văn bản.

Văn bản “Quạ và chó” (trang 99):

Quạ đỗ ở mỏm đá, mỏ ngậm khổ mỡ to. Chó nghĩ kế cuổm khổ mỡ. Nó giả vờ:

- A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm.

Quạ há to mỏ:

- Quà… quà…

Thế là… “bộp”, khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi. (Theo Truyện ngụ ngôn Ê-dốp – Thành Vân kể).

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Học sinh lớp 1 như trang giấy trắng (chưa kịp kẻ lên đó những ô, những dòng), xin đừng gieo vào tâm trí các em những câu chuyện lọc lừa – mang danh ngụ ngôn. Hơn nữa, câu chuyện này được người kể và người ghi lại một cách thô thiển qua những câu văn như: Thế là… “bộp”, khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi.

Văn bản “Cua, cò và đàn cá” (phần 1), (115):

Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà:

- Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá. (Truyện dân gian Việt Nam, Ngọc Khanh kể).

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Câu chuyện này kể về những thủ đoạn gian xảo, ranh ma, lọc lừa của cò. Thử hỏi học sinh lớp 1 sẽ học được những gì từ những bài học như thế này? Chúng ta có cả kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ và truyện dân gian, sao không đưa vào giảng dạy?

Cần biết rằng, trong cảm thức người Việt, hình ảnh con cò bao giờ cũng gợi liên tưởng đến hình ảnh tảo tần, lam lũ, đáng thương của người mẹ phải vất vả mưu sinh lo cho con cái (Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non – ca dao). Thế nên việc gán cho cò với bản tính lừa lọc, mưu mẹo… là không đúng.

Chưa kể, nhan đề văn bản là “Cua, cò và đàn cá” nhưng đọc mãi chẳng thấy nhân vật Cua đâu – cũng khiến học trò thắc mắc không đáng có.

Văn bản “Tiết tập viết” (trang 119):

Lớp Hà có tiết tập viết. Hà viết rất cẩn thận. Thế mà bạn Kiên xô bàn làm chữ “biển” của Hà xiên đi. Hà nhăn mặt. Kiên thì thầm: “Tớ lỡ mà”.

Hà chả giận bạn. Em viết thêm chữ biển thật đẹp. Cô nhìn chữ em, khen: “Chữ Hà đẹp lắm”.

Việc Kiên xô bàn khiến Hà viết chữ xiên là một hành động cố tình nghịch phá quá mức, thế nên Kiên không thể ngụy biện “lỡ” được. Lẽ ra, Hà phải yêu cầu bạn Kiên xin lỗi mình và không lặp lại hành động như vậy nữa, chứ không phải bao dung theo kiểu “chả giận”.

Gà qué trong sách lớp 1

Sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều có nhiều từ ngữ hoàn toàn xa lạ với học sinh

Văn bản “Sơn và Hà” (trang 129):

Giờ kiểm tra, Sơn vừa chép đề vừa lẩm nhẩm: giỏ có 8 con cá thờn bơn. Cho bớt 5 con, còn 4. Hà thì thầm: “Còn 3 chứ”.

Cô Yến đến bên Hà:

Hà để bạn tự làm đi. Hà lễ phép:

Dạ!

Sơn ngẫm nghĩ, em chợt nghĩ ra và nắn nót viết: 8-5=3. (Nguyễn Ly)

Nội dung văn bản cho thấy, Sơn đã được Hà nhắc đáp án, chứ không phải “chợt nghĩ ra” rồi viết đáp án vào bài làm của mình.

Văn Bản “Chuột út” (trang 133):

Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa về nhà, nó ôm mẹ, kể:

- Mẹ ạ trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nó nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá.

Chuột mẹ đáp:

- Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con. (Theo Lép-tôn-xtôi)

Cuối văn bản là câu hỏi: Đố em: Con thú “dữ” chuột út gặp là con gì?.

Đáp án được đưa ra là con gà trống, con chó và con mèo (hình vẽ). Và theo mô tả của chú chuột thì gà trống là đáp án đúng.

Tuy nhiên, kiến thức đưa ra không chuẩn, vì gà thuộc họ chim nhưng nội dung truyện lại gọi chú gà trống là “con thú”.

Văn bản “Hai con ngựa” (trang 157):

Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng

- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.

Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”

Gà qué trong sách lớp 1

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Văn bản nói về hai con ngựa chỉ nhau cách trốn việc, làm việc thiếu trách nhiệm. Cho nên đem câu chuyện này vào dạy học sinh là phản giáo dục!

Nhìn chung, nhiều văn bản trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều đưa truyện ngụ ngôn vào dạy cho học sinh – là lợi bất cập hại.

Ngày 10/9/2020, Báo Thanh Niên dẫn lời một Tiến sĩ Ngữ văn nói đại ý, có loại ngụ ngôn trẻ em hiểu được và loại không thể hiểu được.

Những truyện này nếu áp đặt cho trẻ em, không chỉ trẻ em không hiểu được mà còn tác động ngược khiến các em thấy lười biếng, lừa lọc, dối trá… tốt hơn là thật thà, siêng năng mà với lứa tuổi ấy, thầy cô rất khó nói sao cho chúng hiểu. [2]

Liệt kê những hạt sạn trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều, chúng tôi mãi trăn trở, con em chúng ta liệu sẽ học được gì từ cuốn sách này…

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.youtube.com/watch?v=iLRm2Ot9tf4

[2] //thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-cau-chuyen-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-khong-ro-tinh-giao-duc-1288917.html

[3] //sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/?fbclid=IwAR3yaYoDGsbPBuL_APepbccgy6MgO66CpaFyjJ5k-Cst3OUajtiqmYfHXxI#page/176

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài