Đừng so sánh số tuổi hãy so sánh từng trải

Làm sao để đừng so sánh bản thân với người khác? Chứng kiến người khác đạt được nhiều thành tựu hơn mình có thể làm bạn suy nghĩ, thậm chí hơi đố kỵ vì cảm thấy mình chẳng đi đến đâu. Nhưng cứ liên tục so sánh mình với người khác sẽ không làm bạn tiến bộ hơn.

Vậy, theo Glints, cách ngừng so sánh bản thân với những người khác là:

1. Thực hành sự mãn nguyện, lòng biết ơn

Ngầm so sánh bản thân với người khác có nghĩa là chúng ta chưa hài lòng với những gì mình có. Bạn muốn thu nhập cao hơn, đi du lịch nhiều nơi hơn, hoặc mua được nhiều thứ giá trị hơn như nhà, xe, như những “con nhà người ta” mà bạn được nghe kể.

Tuy vậy, sự mãn nguyện và lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nên để có được những tư duy này, bạn hãy luyện tập bằng cách mỗi ngày ghi ra những điều bạn thấy biết ơn.

Học cách hài lòng với những gì mình có để không tự so sánh mình với người khác.

Từ những việc nhỏ nhất đến những thành tựu lớn hơn, chúng sẽ nhắc nhở rằng bạn không thua kém ai cả. Khi bạn biết tận hưởng những gì đang xảy ra xung quanh mình, bạn mới có được sự yên bình ở hiện tại.

Đọc thêm: 7 Cách Để Bạn Có Thể Bằng Lòng Với Những Gì Mình Có

2. Chuyển sự ganh ghét thành động lực

Có một sự thật rằng: ganh đua lành mạnh thúc đẩy chúng ta cố gắng phát triển, còn ganh ghét đố kỵ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Cũng là xuất phát từ sự so sánh bản thân với người khác nhưng hai cách suy nghĩ này lại khác nhau hoàn toàn. Ví dụ:

  • “Chị ấy có công việc thu nhập cao thật. Mình cũng sẽ cố để kiếm được việc tốt lương thật cao như thế.”
  • “Chị kia có thu nhập cao thế, chắc là con ông cháu cha chứ gì? Kiểu gì cũng không giàu được lâu đâu!”

Ganh ghét, đố kỵ có làm bạn tốt hơn?

Tư duy này không chỉ tiêu cực mà còn rất nông cạn. Thay vì tự hỏi tại sao người ta lại hơn mình thì bạn nên biến những gì bạn muốn có (giống người ta) thành động lực cố gắng. Tập tư duy tích cực hơn bằng cách tự hỏi mình những câu hỏi sau:

  • Mình có thể học được gì từ họ?
  • Người thành công hơn mình cũng có trải nghiệm và khó khăn riêng.
  • Mình có thật sự muốn có cuộc sống như họ không?

3. So sánh bạn của hiện tại với bạn của quá khứ

Nếu bạn vẫn chưa thể hài lòng với hiện tại của mình và chưa thể ngừng so sánh bản thân với người khác, hãy ngồi lại và suy ngẫm xem bạn đã thay đổi thế nào trong quá trình trưởng thành.

Bạn đang ở đâu so với giờ này năm ngoái, năm kia, hay thậm chí 5 năm trước? Bạn đã đạt được những ước muốn nào của bạn từ phiên bản hồi nhỏ?

Đôi khi tham vọng làm chúng ta mờ mắt mà quên đi mình đã từng cố gắng như thế nào. Đừng vì những nhu cầu của hiện tại mà đánh giá thấp những gì chính bạn đã đạt được trong quá khứ nhé.

4. Đừng tin những gì bạn thấy trên mạng

Sự so sánh càng được khuếch đại khi các phương tiện truyền thông phát triển vượt bậc. Khi chúng ta nhìn thấy những thước ảnh về cuộc sống hoàn hảo của người khác trên mạng, chúng ta thường không tránh khỏi việc đặt bản thân mình lên bàn cân với họ.

Đừng so sánh bản thân với người khác qua những gì bạn thấy trên mạng.

Nhưng cuộc sống của người khác liệu có thật sự tốt hơn bạn? Chưa chắc đâu. Một phần là vì những gì họ khoe lên có thể đã qua một lớp “filter”, một phần là vì định nghĩa về sự “đủ” của mỗi người là khác nhau.

Hãy tập trung sống cuộc sống tốt đẹp nhất cho mình và một lúc nào đó bạn sẽ đột nhiên nhận ra rằng nó viên mãn hơn bạn tưởng.

5. Luôn nhớ đến điểm mạnh của bản thân

Mỗi người có những điểm mạnh khác nhau. Nhiều khi chúng ta cứ mải nhìn thấy sự hào nhoáng của con nhà người ta mà quên đi mình được yêu quý vì những gì.

Rơi vào cái bẫy của sự đố kỵ, chúng ta sẽ khó tìm thấy đường ra. Nên việc ghi nhớ những điểm mạnh của mình sẽ là la bàn chỉ hướng cho bạn thoát khỏi ma trận này.

Để ngừng so sánh bản thân với người khác, bạn hãy liệt kê ra ít nhất ba điểm mạnh mà mình có. Ví dụ:

  • Là người biết quản lý: Bạn biết quản lý bản thân bằng cách xả stress tích cực thay vì sa đà vào chất kích thích; bạn biết quản lý thời gian để không bị dồn deadline ngập mặt vào cuối ngày, v.v.
  • Giàu lòng cảm thông: Biết cảm thông là biểu hiện của EQ cao, bạn biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ, chứ không bao giờ nhìn mọi việc từ một phía rồi đưa ra phán xét.
  • Sáng tạo, giỏi ứng biến: Bạn có tư duy sáng tạo và nhanh nhạy nên bạn biết ứng biến với những tình huống bất ngờ, và không ít người đã khen bạn vì đặc điểm này của bạn, v.v.

Luôn nhớ tới thế mạnh của mình bạn nhé!

6. Biết cách vui mừng cho người khác

Khi bạn liên tục so sánh mình với người khác dẫn đến việc chúng ta không cổ vũ được những người đang nỗ lực để đạt được một vị trí nào đó. Và thật khó để ăn mừng với những người đã hoàn thành một điều gì đó.

Chắc chắn khi thấy mình yếu kém hơn so với người khác, bạn sẽ khó lòng chúc mừng thành tựu của họ. Biết cách thật sự vui mừng cho thành công của người khác chính là một thánh thức lớn. Nhưng không có nghĩa là bạn không làm được.

Thay vì tự dìm bản thân, bạn hãy nhớ rằng họ cũng có những khó khăn riêng. Nếu là bạn, bạn cũng sẽ không muốn ai đó trước mặt thì khen bạn, nhưng sau lưng lại gạt đi những gì bạn đã trải qua, đúng không nào?

Đọc thêm: Sự Khác Biệt Giữa Người Thành Công Và Người Thất Bại

Tạm kết

Chúng ta đều lớn lên khi mọi độ tuổi đều được gán với một cột mốc nhất định. Chẳng hạn như 18 tuổi phải đỗ đại học, 22 tuổi ra trường và có việc làm, 25 đến 27 tuổi thì phải yên bề gia thất. Đó là lý do nếu chúng ta không đạt được cột mốc nào đó, chúng ta sẽ so sánh bản thân với người khác và cảm thấy “không đủ”.

Bạn hãy thực hành các cách trên như Glints đã tổng hợp để có thể suy nghĩ tích cực hơn. Bên cạnh đó, đừng quên bạn là nhân vật chính của cuộc đời mình, chứ không phải nhân vật ngoài lề trong cuộc đời của người khác.

Chủ đề