Điểm giống nhau giữa các hình thức trung gian thương mại

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

CÁC HÌNH THỨC PHÁP LÝ CHỦ YẾU CỦA TRUNG GIAN THƯƠNG MẠI

ThS. Nguyễn Thị Vân Anh

 Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong hoạt động thương mại, bên trung gian thực hiện các dịch vụ nhằm tạo điều kiện để bên có nhu cầu bán hàng, cung ứng dịch vụ… thiết lập quan hệ với bên có nhu cầu mua hàng, sử dụng dịch vụ… hoặc thông qua bên này mà hàng hoá, dịch vụ sẽ đến được với bên thứ ba. Ngay từ thế kỷ 19, luật pháp của nhiều nước trên thế giới (như Pháp, Đức, Ý, Nhật) đã quan tâm điều chỉnh các hoạt động thương mại qua trung gian. Ở nước ta, Luật Thương mại năm 2005 (LTM) đã đưa ra định nghĩa về hoạt động trung gian thương mại (TGTM), đồng thời, các hoạt động này được tập hợp thành một chế định: Các hoạt động TGTM (tại chương V, từ Điều 141 đến Điều 177).

Xin được nêu và so sánh ba hình thức hoạt động TGTM chủ yếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại theo pháp luật của các nước trên thế giới là: đại diện thương mại (ĐDTM), môi giới thương mại (MGTM), uỷ thác thương mại (UTTM) với các hình thức tương ứng theo pháp luật Việt Nam[1], đồng thời chỉ ra những nội dung cần lưu ý khi xác định hình thức cũng như hoạt động TGTM trên thế giới.

1. Đại diện thương mại[2]

Hiện nay, ĐDTM là hình thức hoạt động TGTM phổ biến nhất trên thế giới và được pháp luật của hầu hết các nước ghi nhận. Ở Pháp, ĐDTM được quy định từ Điều L134 -1 đến Điều 134 -17 Bộ luật thương mại (BLTM)[3]; ở Đức được quy định từ Điều 84 đến Điều 92 BLTM[4]; ở Nhật được quy định từ Điều 46 đến Điều 51 BLTM ; ở Thái Lan được quy định từ Điều 797 đến Điều 832 Bộ luật Dân sự và thương mại (BLDS và TM)5. Để kết hợp luật của các quốc gia thành viên liên quan đến những bên ĐDTM độc lập, Hội đồng châu Âu đã ban hành chỉ thị số 86/653/EEC ngày 18/12/1986 về những bên ĐDTM[5].

Qua nghiên cứu cho thấy, ĐDTM theo pháp luật của các nước nói trên có bản chất giống với hoạt động đại diện cho thương nhân theo pháp luật Việt Nam (được quy định trong LTM 2005 từ Điều 141 đến Điều 149).

Theo luật thực định của nhiều nước về ĐDTM (đại diện cho thương nhân theo pháp luật Việt Nam) thì đây là loại hoạt động thương mại theo đó, một bên (người) độc lập tham gia hoạt động kinh doanh, thường xuyên được uỷ quyền để thay mặt và nhân danh một bên khác (bên uỷ quyền) thực hiện việc mua hoặc bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ cho bên đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

Bản chất của hoạt động ĐDTM là bên giao đại diện ủy quyền cho bên đại diện thay mặt và nhân danh bên giao đại diện thực hiện một số giao dịch thương mại và bên đại diện sẽ được hưởng thù lao sau khi hoàn thành công việc được giao. Trong hoạt động ĐDTM, sự đại diện là yếu tố cơ bản, bên đại diện (bên được uỷ quyền) không hành động cho mình, không nhân danh mình mà nhân danh và vì lợi ích của bên uỷ quyền (bên giao đại diện). Trong phạm vi được uỷ quyền, bên đại diện hành động trên danh nghĩa, vị trí của bên giao đại diện, vì vậy, khi bên đại diện giao dịch với bên thứ ba (trong phạm vi được uỷ quyền) thì về mặt pháp lý được xem như chính bên giao đại diện giao dịch với bên thứ ba.

Mục đích của việc thiết lập quan hệ ĐDTM là để bên đại diện thay mặt và nhân danh bên giao đại diện tìm kiếm, xác lập quan hệ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại với bên thứ ba. Bởi vậy, quan hệ ĐDTM thường không thực hiện trong những thương vụ hợp tác nhanh chóng mà tồn tại trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên. Hơn nữa, hoạt động đại diện rất có lợi cho cả bên giao đại diện và bên thứ ba, ở chỗ, bên giao đại diện vẫn có thể mở rộng hoạt động kinh doanh với bên thứ ba mà không cần quan hệ trực tiếp với họ, còn bên thứ ba thì rất yên tâm tin tưởng rằng mình đã quan hệ với bên giao đại diện (thường là bên có uy tín trong kinh doanh) thông qua bên đại diện (bên trung gian)

Trong hoạt động ĐDTM, bên đại diện hoạt động hoàn toàn độc lập và tự do chứ không phải là người lao động làm thuê cho bên giao đại diện hay là một thành viên, một người của bên giao đại diện. Bên đại diện tự do xác định kế hoạch, tổ chức hoạt động và công việc kinh doanh của mình. Bởi vậy, khi thực hiện các hoạt động thương mại mà bên giao đại diện yêu cầu, bên ĐDTM phải chịu mọi rủi ro về chi phí cũng như các khoản thanh toán không hợp lý. Bên giao đại diện chỉ phải thanh toán các chi phí hợp lý mà bên đại diện phải bỏ ra để thực hiện các công việc mà bên giao đại diện uỷ quyền. Đặc điểm này làm cho bên ĐDTM có bản chất pháp lý khác hẳn tư cách của các văn phòng đại diện, các chi nhánh của thương nhân. Quan hệ giữa thương nhân và các văn phòng đại diện, các chi nhánh của mình cũng là quan hệ đại diện theo uỷ quyền nhưng các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân là đơn vị phụ thuộc của thương nhân, hoạt động theo sự phân cấp của thương nhân. Tính chất đại diện của bên ĐDTM cũng khác xa so với tính cách đại diện của giám đốc doanh nghiệp hay thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Bên ĐDTM là bên đại diện theo uỷ quyền của thương nhân giao đại diện còn giám đốc doanh nghiệp và các thành viên hợp danh của công ty hợp danh là những người đại diện đương nhiên của những doanh nghiệp đó.

Để có cơ sở pháp lý xác định rõ ràng những đối tượng nào thuộc phạm vi áp dụng luật về ĐDTM, pháp luật của nhiều nước (như Anh, Phần Lan, Hung-ga-ri), sau khi đưa ra định nghĩa về bên (người) ĐDTM thì đều quy định những trường hợp không phải là người ĐDTM. Đó là những người sau: (i) người thực hiện các cam kết nhân danh người khác do luật định (đại diện theo pháp luật); (ii) người là nhân viên của một công ty hoặc một hiệp hội tham gia vào những thoả thuận ràng buộc công ty hay hiệp hội đó; (iii) một thành viên hợp danh là người được uỷ quyền hợp pháp tham gia vào các thoả thuận ràng buộc các thành viên hợp danh khác[6]; Pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành không có quy định tương tự như vậy.

Về điều kiện của bên đại diện khi thực hiện các hoạt động thương mại nhân danh một thương nhân khác được quy định không giống nhau trong hệ thống pháp luật của mỗi nước. BLTM Đức quy định bên đại diện là thương nhân, nhưng luật một số nước khác (như Ý, Nhật) không bắt buộc bên đại diện phải là thương nhân. Ở Pháp, bên ĐDTM là một thương nhân, phải đăng ký vào sổ danh bạ thương mại. Ngoài ra, họ còn phải đăng ký vào một quyển sổ riêng, lưu giữ tại phòng lục sự của toà án thương mại trước khi tiến hành nghiệp vụ của mình, nếu không họ sẽ bị xử phạt hình sự (xem Sắc lệnh số 68- 765 ngày 22-8-1968)[7]. LTM 2005 của Việt Nam quy định bên đại diện và bên giao đại diện đều phải là thương nhân. Điều đó có nghĩa là, không phải bất cứ tổ chức cá nhân nào cũng có thể được uỷ quyền tham gia quan hệ đại diện cho thương nhân theo pháp luật Việt Nam mà chỉ những tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên và có đăng ký kinh doanh[8].

Căn cứ vào pháp luật Việt Nam hiện hành và qua nghiên cứu pháp luật của các nước theo truyền thống Luật châu Âu lục địa, có thể thấy, quan hệ ĐDTM (đại diện cho thương nhân) có điểm giống nhưng có nhiều điểm khác với quan hệ uỷ quyền trong dân sự.

Điểm giống nhau: Quan hệ ĐDTM cũng có yếu tố uỷ quyền của một bên cho một bên khác thực hiện một hoặc một số hành vi pháp lý, bên được uỷ quyền không hành động cho mình mà hành động nhân danh bên uỷ quyền và vì lợi ích của bên này.

Điểm khác nhau: - Quan hệ đại diện theo uỷ quyền trong dân sự có phạm vi và đối tượng nhận uỷ quyền rất rộng, gồm nhiều lĩnh vực và bên uỷ quyền có thể uỷ quyền cho bất cứ ai đại diện cho mình. Trong quan hệ đại diện cho thương nhân bên đại diện (bên được uỷ quyền) thường là một thương nhân độc lập không có sự phụ thuộc về tư cách pháp lý vào bên giao đại diện;

- Quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ dịch vụ thương mại, theo đó, bên được uỷ quyền thực hiện công việc vật chất như mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên uỷ quyền và sẽ được hưởng thù lao khi thực hiện dịch vụ. Việc trả thù lao cho bên đại diện trong dân sự không phải là bắt buộc trừ khi các bên có thoả thuận về điều này;

- Hoạt động đại diện cho thương nhân có mục đích sinh lời. Quan hệ đại diện giữa họ gắn liền với lĩnh vực hoạt động thương mại, như mua bán hàng hoá, cung ứng các dịch vụ thương mại hay thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại vì mục đích sinh lời… Đại diện theo uỷ quyền nói chung trong BLDS không nhất thiết phải có mục đích này.

Từ sự phân tích trên, có thể khẳng định: ĐDTM (đại diện cho thương nhân) là một loại đại diện theo uỷ quyền quy định trong BLDS nhưng có nhiều điểm đặc thù. Chính bởi những điểm khác nhau đó, các nước theo truyền thống Luật châu Âu lục địa cũng như Việt Nam có những quy định riêng về ĐDTM (như quy định về quyền và nghĩa vụ của bên đại diện, bên giao đại diện, việc hưởng thù lao đại diện, việc hình thành và chấm dứt quan hệ đại diện) khác với những quy định về đại diện uỷ quyền trong BLDS. 

2. Môi giới thương mại

MGTM là hoạt động TGTM được pháp luật của nhiều nước quy định. Ví dụ: MGTM được quy định từ Điều 543 đến Điều 550 BLTM Nhật Bản[9]; từ Điều 845 đến Điều 849 BLDS và TM Thái Lan[10]; từ Điều 424 đến Điều 427 Luật hợp đồng nhân dân Trung Hoa[11]; từ Điều L131-1 đến Điều L131-11 thiên III quyển 1 BLTM Pháp[12]; từ Điều 150 đến Điều 154 LTM năm 2005 của Việt Nam.

Theo pháp luật thực định của đa số các nước trên thế giới, thì MGTM là hoạt động thương mại theo đó, bên MGTM làm trung gian cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và được hưởng thù lao khi hoàn thành công việc.

Một đặc điểm nổi bật của MGTM là trong hoạt động này, bên môi giới không phải là bên đại diện cho các bên được môi giới. Bên môi giới chỉ là bên trung gian làm nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, giới thiệu, tạo điều kiện để các bên được môi giới tiếp xúc giao dịch với nhau và sau đó các bên được môi giới tự đi đến giao kết hợp đồng.

Hoạt động MGTM cũng có điểm giống với đại diện cho thương nhân ở chỗ, trong cả hai hoạt động này, bên trung gian (bên đại diện hoặc bên môi giới) về mặt pháp luật là không có quan hệ với bên thứ ba, do đó trong quan hệ với bên thứ ba bên trung gian trong hai hoạt động này không có trách nhiệm gì. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động MGTM hoàn toàn khác so với ĐDTM. Trong hoạt động MGTM, bên môi giới không được nhân danh bên được môi giới để giao dịch với bên thứ ba và thường không đứng ra để giao kết các hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, mà sau khi được bên môi giới giới thiệu, các bên được môi giới trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau. Còn trong hoạt động đại diện cho thương nhân, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện để giao dịch với bên thứ ba và có thể giao kết hợp đồng với bên thứ ba nhân danh bên giao đại diện. Trong thực tế, ranh giới giữa ĐDTM và MGTM thường không rõ rệt, nhiều khi bên môi giới được bên được môi giới uỷ quyền để giao kết hợp đồng với bên thứ ba và khi đó quan hệ MGTM trở thành quan hệ ĐDTM.

Trong hoạt động MGTM, bên môi giới được hưởng thù lao khi đã hoàn tất việc môi giới, tức là khi các bên được môi giới đã giao kết hợp đồng với nhau. Trong trường hợp các bên được môi giới không giao kết được hợp đồng với nhau, bên môi giới không được hưởng thù lao nhưng có quyền yêu cầu bên được môi giới thanh toán các chi phí hợp lý liên quan đến việc môi giới. Mặt khác, bên môi giới không chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới cũng như khả năng thanh toán của các bên đối với nhau. Một trong những yêu cầu quan trọng mà bên được môi giới cần ở bên môi giới là giúp họ tìm đúng đối tác một cách nhanh nhất để tiết kiệm thời gian và chi phí, do đó, bên môi giới phải có mối quan hệ thường xuyên với các bên được môi giới để nắm bắt nhu cầu chính xác của bên được môi giới cũng như khả năng thật sự của bên thứ ba.

Bản chất của hoạt động MGTM là bên môi giới chỉ là bên giúp các bên được môi giới tiếp xúc, hiểu biết về nhau; do đó, quan hệ giữa bên môi giới và bên được môi giới có thể là quan hệ theo từng vụ việc hoặc quan hệ lâu dài theo nhu cầu tìm kiếm cơ hội để giao kết hợp đồng thương mại của bên được môi giới. Hiện nay, MGTM đã trở thành một hoạt động thương mại tương đối phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế, hoạt động hàng hải, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm.

3. Uỷ thác thương mại[13]

UTTM cũng là một hoạt động TGTM khá phổ biến và được pháp luật của đa số các nước trên thế giới quy định. BLTM Pháp quy định từ Điều L132-1 đến Điều 132-9[14]; Luật hợp đồng của Trung Quốc quy định từ Điều 414 đến Điều 418[15]; BLTM Đức quy định tại Điều 383; LTM 2005 của Việt Nam quy định từ Điều 155 đến Điều 165.

Từ các quy định cụ thể của pháp luật các nước về UTTM có thể thấy, UTTM là hoạt động thương mại theo đó bên nhận uỷ thác là bên thực hiện việc mua bán hàng hoá hoặc bất cứ giao dịch thương mại nào khác cho bên uỷ thác với danh nghĩa của chính mình.

Một đặc điểm quan trọng của hoạt động UTTM là bên nhận uỷ thác (bên trung gian) tiến hành các hoạt động thương mại vì lợi ích của bên uỷ thác nhưng lại nhân danh chính mình để giao dịch với bên thứ ba. Do đó, mặc dù hoạt động vì lợi ích của bên uỷ thác nhưng bên nhận uỷ thác không phải là đại diện cho bên uỷ thác trong các quan hệ với bên thứ ba. Về mặt pháp lý, bên uỷ thác không có quan hệ với bên thứ ba nên phải tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh do mình thực hiện với bên thứ ba.

So sánh với hoạt động ĐDTM và hoạt động MGTM, bên nhận uỷ thác khác với bên đại diện cho thương nhân và bên MGTM chính ở tư cách và trách nhiệm của họ khi quan hệ với bên thứ ba. Đối với hoạt động ĐDTM, trong phạm vi uỷ quyền của bên giao đại diện, bên ĐDTM quan hệ với bên thứ ba với tư cách của bên giao đại diện và về cơ bản không phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nhân danh bên giao đại diện. Trong hoạt động MGTM, bên môi giới thực chất không có quan hệ với bên thứ ba mà chỉ có chức năng giới thiệu để bên thứ ba thiết lập quan hệ với bên được môi giới. Trong hoạt động UTTM, bên nhận uỷ thác được bên uỷ thác tin cậy giao cho thực hiện việc mua bán hàng hoá (MBHH), cung ứng dịch vụ theo những chỉ dẫn rất cụ thể của bên giao uỷ thác nhưng với danh nghĩa của chính mình chứ không phải với danh nghĩa của bên uỷ quyền như trong hoạt động đại diện cho thương nhân. Do đó, những hành vi của bên nhận uỷ thác sẽ mang lại hậu quả pháp lý cho chính họ chứ không phải cho bên uỷ thác.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động uỷ thác MBHH thường phổ biến trong quan hệ uỷ thác xuất nhập khẩu (XNK). Điều này được thể hiện rõ thông qua việc một đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước không có năng lực hoặc không có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu, uỷ thác cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh XNK thay mình thực hiện hoạt động XNK trong từng vụ việc cụ thể.

UTTM có phạm vi hoạt động rộng - hẹp khác nhau tuỳ thuộc vào pháp luật của mỗi nước. Theo pháp luật của các nước châu Âu lục địa (trừ Pháp), và LTM 2005 của Việt Nam, uỷ thác chỉ thực hiện trong lĩnh vực mua bán hàng hoá, do đó bên nhận uỷ thác chỉ thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá cho bên uỷ thác theo những điều kiện bên ủy thác quy định. Trong khi đó, BLDS và TM Thái Lan, BLTM Nhật Bản, BLTM Pháp không giới hạn hoạt động cuả bên uỷ thác, theo đó bên ủy thác có thể thực hiện bất cứ giao dịch thương mại nào cho bên khác với danh nghĩa của chính mình.

Theo pháp luật các nước, trong hoạt động UTTM, bên nhận uỷ thác có thể có mối quan hệ mật thiết lâu dài với bên uỷ thác hoặc chỉ thực hiện việc mua bán hàng hoá theo từng vụ việc khi được bên ủy thác giao cho. Đây cũng là một trong những đặc điểm khá quan trọng để pháp luật một số nước lấy làm căn cứ phân loại các hình thức hoạt động TGTM.

So với pháp luật của nhiều nước trong việc xác định các hình thức hoạt động TGTM, pháp luật Việt Nam có quy định khác với nhiều nước trên thế giới ở một điểm nổi bật là bên cạnh ba hình thức hoạt động TGTM giống các nước như đã trình bày ở trên, LTM 2005 của Việt Nam còn quy định thêm một hình thức là đại lý thương mại. Điều 166 LTM 2005 quy định: Đại lý thương mại là loại hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Như vậy, theo LTM 2005 của Việt Nam, hoạt động đại lý thương mại và hoạt động uỷ thác mua bán hàng hoá có điểm giống nhau là: bên trung gian trong hai hoạt động này (bên đại lý, bên nhận uỷ thác) đều nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hoá cho bên uỷ quyền, do đó họ trực tiếp quan hệ với bên thứ ba và phải chịu trách nhiệm đối với bên thứ ba về các hoạt động của mình. Tuy nhiên, hoạt động uỷ thác mua bán hàng hoá có một số điểm khác với hoạt động đại lý thương mại: (i) quan hệ uỷ thác thường phát sinh trong từng vụ việc cụ thể, thời gian tồn tại không dài và bên uỷ thác sẽ có ít quyền kiểm soát hoạt động của bên nhận uỷ thác hơn so với bên giao đại lý trong quan hệ đại lý thương mại; (ii) theo LTM Việt Nam, hoạt động uỷ thác chỉ được thực hiện trong lĩnh vực mua bán hàng hoá còn đại lý thương mại được thực hiện trong mọi lĩnh vực của hoạt động thương mại.

Việc phân chia các hoạt động TGTM thành ba loại như nhiều nước trên thế giới hay chia làm bốn loại như pháp luật Việt Nam thì không có gì đáng bàn, nhưng một điểm đáng lưu ý là đại lý thương mại của Việt Nam khi dịch ra tiếng Anh cũng là commercial agency. Nhưng bản chất của hoạt động đại lý thương mại của Việt Nam thì lại hoàn toàn khác với hoạt động commercial agency (phần trên đã lý giải hoạt động này nên dịch ra tiếng Việt là ĐDTM) ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể là, trong hoạt động đại lý ở Việt Nam, bên đại lý nhân danh chính mình để quan hệ với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý, trong khi đó như đã trình bày, theo pháp luật của nhiều nước (như Pháp, Đức, Anh), trong hoạt động ĐDTM thì bên đại diện lại nhân danh bên giao đại diện để quan hệ với bên thứ ba trong phạm vi uỷ quyền. Đây là một vấn đề mà các thương nhân Việt Nam cần đặc biệt chú ý khi xác lập các hoạt động thương mại qua trung gian với thương nhân nước ngoài.

Tóm lại, mỗi hình thức hoạt động TGTM có những đặc điểm riêng, với những ưu điểm và những hạn chế nhất định. Bởi vậy, khi sử dụng các dịch vụ TGTM, các thương nhân Việt Nam phải nắm chắc các đặc điểm pháp lý của từng loại hoạt động TGTM để quyết định lựa chọn sử dụng cho phù hợp với nhu cầu của mình. Mặt khác, trong xu thế hội nhập quốc tế, thương nhân Việt Nam cũng nên biết sự tương đồng và khác biệt trong các hình thức hoạt động TGTM chủ yếu trên thế giới so với Việt Nam để tránh những hiểu lầm đáng tiếc dẫn đến thua thiệt lớn trong hoạt động kinh doanh./.

[1] Theo khoản 11 Điều 3 LTM năm 2005 của Việt Nam thì các hoạt động TGTM được phân chia thành bốn loại: đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại.

[2] “Commercial agency”: Một số tài liệu như: Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về thương mại của Cộng hoà Pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia 2005, tr.58; BLTM và luật những ngoại lệ đặc biệt về kiểm soát của Nhật Bản, Nxb. Chính trị Quốc gia 1994, tr.20, tr.21 dịch là “đại lý thương mại”, nhưng bản chất của hoạt động này tương tự với hoạt động đại diện cho thương nhân ở Việt Nam nên tôi cho rằng, hoạt động này dịch từ pháp luật nước ngoài nên gọi là: “ĐDTM” để tránh nhầm với hoạt động “đại lý thương mại” theo pháp luật Việt Nam.

[3] Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về thương mại của Cộng hoà Pháp, sđd, tr. 58 đến tr. 63.

[4] Georg Vorbrugg and Dirk H. Mahler, agency and distributorship agreements under German Law, Cite as: 19 Int'l Law. 607, Wes.

5 Council Directive 86/653/EEC of 18 Dec. 1986 on the cordination of the law of the Member States relating to self - employed commercial agents, Lexis.com.

[6] Section 1- Act CXV of 2000 on the commercial representation contract of self-employd commercial agents of the Republic Hungari.

[7] Francis Lemeunier - Nguyên lý và thực hành LKD, LTM, Nxb. Chính trị quốc gia, 1993 tr. 430.

[8] Xem Điều 6 LTM năm 2005.

[9] BLTM và luật những ngoại lệ đặc biệt về kiểm soát của Nhật Bản, sđd tr. 275 đến tr. 277.

[10]BLDS và TM Thái Lan, sđd tr. 213, 214.

[11] Nhà pháp luật Việt - Pháp, toạ đàm dự thảo 3 LTM (sửa đổi) của Việt Nam, tr.70.

[12] Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về Thương mại của Cộng hoà Pháp, sđd tr. 52, 53.

[13] Một số tài liệu như: BLDS và TM Thái Lan, sđd, tr. 210 dịch là đại lý hoa hồng; BLTM và luật những ngoại lệ đặc biệt về kiểm soát của Nhật Bản, sđd, tr. 278 dịch là đại lý uỷ nhiệm.

[14] Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về thương mại của Pháp, sđd, tr. 53 đến tr. 55.

[15] Nhà pháp luật Việt -Pháp, toạ đàm LTM (sửa đổi) sđd, tr. 68, 69.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP số 03/2006