Để cải tạo vườn tạp có hiệu quả nhà vườn cần thực hiện nguyên tác nào sau đây

THỰC TRẠNG KINH TẾ VƯỜN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Từ khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ 20, diện tích cây ăn quả ở các vùng trong cả nước không ngừng tăng. Song do thiếu quy hoạch và không xác định rõ loại cây ăn quả chính cho từng vùng, từng địa phương, nên chủ vườn ai thích cây gì thì trồng cây ấy, thấy trên thị trường loại cây nào có giá là lập tức tìm mua bằng được để trồng, sau 3-4 năm không ra quả hoặc ra quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng như mong muốn thì lại chặt bỏ để trồng cây khác.

Theo ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh: Vườn tạp là vườn quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp. Vườn tạp có thể trồng một loại cây nhưng nhiều giống khác nhau, tuổi cây khác nhau dẫn đến trái to nhỏ, màu sắc quả không đồng nhất, năng suất khác nhau và giá trị kinh tế kém.

Theo kết quả điều tra khảo sát cho thấy có các loại hình vườn sau: Vườn trồng lẫn lộn nhiều loại cây ăn quả (có từ 3 giống hoặc loài trở lên), vị trí trồng bố trí tùy tiện, sử dụng không gian không hợp lý; có sự cạnh tranh về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng. Vườn chỉ có 1-2 chủng loại cây ăn quả, nhưng chất lượng giống không tốt.

Do thiếu chuyên môn, ham giá rẻ nên rất nhiều chủ vườn mua cây giống của người bán buôn, bán rong nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống có sạch bệnh hay không; có trường hợp họ tự chiết lấy từ các cây đã mang bệnh để trồng (cam, quýt).

Loại vườn trồng 1-2 chủng loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn về giống song việc đầu tư, chăm sóc, tưới nước, quản lý vườn cây không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây trong vườn sinh trưởng kém, chậm ra hoa, kém đậu quả, sâu bệnh phát sinh không được phòng trừ kịp thời dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém; loại nữa là vườn trồng cây ăn quả xen với nhiều loại cây trồng khác như sắn, cây lấy gỗ (xoan, lát hoa, keo) hoặc các cây khác như tre, mây… trong vườn không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực. Loại vườn này thường cho thu nhập rất thấp.

Ông Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh cho biết thêm: Trên địa bàn tỉnh nhà, các địa phương như Yên Khánh, Nho Quan, Tam Điệp… là những vùng, miền có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn theo hình thức VAC, hoặc vườn đồi; gia trại, trang trại trồng cây ăn quả... do có đất rộng, tập quán canh tác và điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp.

Tính đến hết tháng 7/2018 toàn tỉnh đã có 986 trang trại, gia trại (quy mô diện tích từ 5.000 m2 trở lên); trong đó có khoảng trên 80 trang trại, gia trại trồng trọt (trồng cây ăn quả hoặc rau, củ) và gần 540 gia trại tổng hợp vừa trồng cây ăn quả, rau củ vừa chăn nuôi: đó là chưa kể còn hàng trăm ngàn các vườn nhỏ, diện tích từ 100 m2 đến hàng mẫu của các hộ gia đình trong tỉnh.

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 5.433 ha, trong đó: Cam, quýt 51 ha; bưởi 184 ha; dứa 2.054 ha; chuối 1.061 ha; nhãn 499 ha; vải 384 ha; na 640 ha, táo 61 ha và tổng diện tích cây ăn quả có xu hướng ngày càng tăng, nhất là các loại cây như bưởi, nhãn, chuối, dứa, na.

Nhìn chung các trang trại, gia trại trồng trọt, trồng cây ăn quả và vườn của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cũng nằm trong tình trạng chung: Năng suất thấp, chất lượng không cao, sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng...

Năm 2018 là năm được mùa của cây nhãn. Song do chủ yếu là giống nhãn thóc, nhãn nước, quả nhỏ, cùi mỏng; mặt khác, đa số các cây nhãn được trồng đã lâu năm lại không được quan tâm đầu tư chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… nên cây trở lên cằn cỗi, thoái hóa dẫn đến chất lượng quả không ngon... giá bán rất thấp, chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn không muốn thu hái; trong khi đó nhãn của Hưng Yên, Sơn La tại thời điểm đó vẫn có giá từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Điều đó cho thấy chất lượng và hiệu quả của loại cây ăn quả nói riêng và kinh tế vườn nói chung trên địa bàn còn thấp. Từ đó đặt ra yêu cầu cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, muốn cải tạo vườn tạp được tốt cần có kiến thức chuyên môn của nghề vườn, đối tượng cây trồng và kinh doanh trong vườn; nắm được chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương, của ngành nông nghiệp về phát triển cây ăn quả; có nguồn lực về tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn tạp và phải nắm bắt được thông tin kinh tế về thị trường cây ăn quả để có giải pháp cải tạo vườn cho đúng hướng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình cải tạo vườn tạp thành công, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các gia đình, làm phong phú thêm thị trường rau quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

MỘT SỐ MÔ HÌNH CẢI TẠO VƯỜN TẠP CHO GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO

Xác định việc cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hiện nay là cần thiết, Đảng ủy, chính quyền xã Gia Sơn (Nho Quan) đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, bố trí loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành các vườn mẫu ở các làng quê. Mục tiêu phấn đấu từ năm 2017 đến năm 2020 có 50 ha vườn tạp được cải tạo, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Để cải tạo vườn tạp có hiệu quả nhà vườn cần thực hiện nguyên tác nào sau đây

Mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình ông Lê Quang Thịnh (xóm 4 Đông-Khánh Hội-Yên Khánh) được nhiều người dân đến tham quan, học tập. nh: Minh Đường

Cụ thể, mỗi thôn, xóm có từ 1 - 2 mô hình điểm cải tạo vườn tạp, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và các thôn, xóm hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất từ các tổ, nhóm tiết kiệm, vay theo hình thức tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như thường xuyên chuyển giao KHKT giúp bà con cải tạo vườn tạp sang vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT định hướng, khuyến cáo nông dân chỉ nên trồng những loại cây phù hợp với thị trường tiêu thụ và thực hiện mối liên kết cung ứng giống cây có chất lượng, uy tín gắn với tiêu thụ sản phẩm. Gia đình ông Bùi Xuân Minh, thôn Sơn Long (Gia Sơn) có vườn cam gần 500 gốc đang bắt đầu ra quả.

Ông Minh cho biết: Trước đây, toàn bộ hơn 1 mẫu vườn này gia đình trồng nhãn, vải nhưng hầu như chẳng bao giờ được thu bởi cây rất ít khi cho quả, thỉnh thoảng được năm sai quả thì giá lại rất rẻ. Sau khi đi tham quan một số mô hình trồng cam ở Hòa Bình về, gia đình đã mạnh dạn thay thế nhãn, vải bằng 400 gốc cam, gồm 2 giống cam Canh và cam Vinh.

Qua hơn 2 năm chăm sóc, có thể khẳng định đây là loại cây trồng phù hợp với đồng đất của Nho Quan, cây sinh trưởng, phát triển tốt và đã bắt đầu cho quả khá sai. Ước tính mỗi cây cho 30 quả, lứa đầu đã có 2,4 tấn cam, nếu bán với giá khoảng 20 nghìn đồng/1kg sẽ thu được số tiền gần 50 triệu đồng.

Ông Vũ Đình Cẩn (xóm 13, xã Khánh Thành, Yên Khánh) là một trong những người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp cho biết: Năm 2001, ông đã mạnh dạn cải tạo hết phần đất vườn hơn 2 sào của mình để trồng mướp đắng và bí xanh và chỉ sau 4 tháng ông đã thu về gần 15 triệu đồng.

Nhận thấy đây là mô hình có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông tận dụng cả diện tích quanh ao cá, lối đi để làm giàn trồng mướp đắng và chỉ tính riêng giàn mướp mỗi vụ cũng thu gần 5 tạ quả, với giá bán bình quân 12 nghìn đồng/kg thì số tiền thu về cũng khá. Giàn mướp lại tạo bóng mát thuận lợi cho đi lại và tạo điều kiện cho nuôi cá, nuôi lợn, gà...Tổng thu nhập hàng năm từ mô hình VAC của gia đình trên dưới 40 triệu đồng.

Đầu những năm 2000, gia đình ông Lê Quang Thịnh (xóm 4 Đông, xã Khánh Hội, Yên Khánh) bắt đầu cải tạo vườn tạp. Sau khi đi tìm hiểu, các giống cây mới đang có tiềm năng, hoặc có xu hướng được người tiêu dùng ưa dùng thì cây hồng xiêm Xuân Đỉnh đã lọt vào tầm ngắm của ông Thịnh.

Trong quy mô 3.400m2 vườn, ông đã trồng trên 250 gốc hồng xiêm Xuân Đỉnh. Trung bình mỗi cây cho sản lượng khoảng 1 tạ quả. Với giá "bán buôn" tại vườn dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg (tùy quả to, nhỏ) cũng đem lại cho gia đình từ 100 - 125 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Từ thành công của mô hình, nhiều gia đình trong xã đã học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng và xã Khánh Hội đã có 5 mô hình trồng hồng xiêm Xuân Đỉnh cho hiệu quả kinh tế cao.

Có thể thấy các loại vườn có diện tích nhỏ, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, ở vùng đồng bằng thì chủ yếu được dùng để phát triển các loại cây hàng năm: Rau, màu...nhằm giải quyết nhu cầu của chính gia đình và một phần cung ứng ra thị trường. Những vườn có quy mô lớn, đất đai không bằng phẳng, chủ yếu ở vùng đồi núi thì lại phát triển các loại cây lâu năm, mà trọng tâm là cây ăn quả hoặc cây công nghiệp.

Với từng loại cây cụ thể, tùy tình hình thực tế của mỗi hộ gia đình, địa phương và nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trên thị trường... mà có thể ứng dụng các phương thức cải tạo vườn sao cho phù hợp, hiệu quả như: Chặt bỏ toàn bộ cây trong vườn, mua loại cây trồng mới tại các cơ sở nhân giống đã được kiểm chứng; lựa chọn những cây trong vườn qua các năm đã cho năng suất, chất lượng để lấy mắt, chồi và chiết, ghép cải tạo, thay thế các cây khác; mua, xin mầm ghép, chồi ghép ở những vườn cây cùng họ đã được kiểm chứng về năng suất, chất lượng về ghép cải tạo cho vườn cây nhà mình...

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các ngành, đoàn thể ở địa phương và đặc biệt là sự năng động của người dân, trên địa bàn tỉnh đang hình thành nên những khu vườn mẫu cho giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Đinh Chúc