Đạo đức người thầy thuốc theo quan điểm hypocrate

Nói chuyện trên đài SÀI GÒN-HOUSTON (22/9/2016)

(Đề tài: Vấn đề Y Đức và tương quan giữa

Thầy thuốc và bệnh nhân Việt-Nam)

Lời mở đầu=

        Trong tháng 7 vừa qua, tôi có dịp qua Houston, bang Texas, Hoa Kỳ thăm họ hàng và bạn bè. Đây là cơ duyên của bài phỏng vấn này.                                                                                                                                              

   Tôi soạn bài này theo đề nghị của vợ chồng một bạn cùng khóa Y Saigon 68-75 đang sống tại Houston (Texas): chồng là BS HOÀNG Ý, chuyên khoa Mắt, vợ là  BS QÚY LINH, hiệu trưởng Trường Truyền Thống Việt chuyên dạy Việt Văn từ lớp Mẫu giáo đến Cấp 3. Từ năm 2007, chị QÚY LINH thường cộng tác với đài phát thanh Saigon-Houston nên đã mời các trí thức Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trình bày mỗi tháng một lần về Văn hóa Việt. Tôi là người thứ 75. Chị QUÝ LINH đặt cho tôi 8 câu hỏi về Y đức để tôi soạn trong vòng 1 tháng rưỡi và đến ngày 22/09 vừa qua, tôi trả lời trên đài phát thanh Saigon-Houston qua điện thoại.

                                                                                            BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

QL= Thưa quý thính giả,

Đây là chương trình Văn Hóa Việt do Trường Truyền Thống Việt (TTTV) phụ trách, đến với quý thính giả của đài Sài Gòn- Houston (SGH) mỗi tháng một lần, vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SGH.

Hôm nay chúng tôi mời BS. Nguyễn Quý Khoáng, BS. chuyên khoa về X quang, đến với chương trình Văn Hóa Việt trong đề tài Vấn đề Y Đức và tương quan giữa Thầy thuốc và bệnh nhân Việt Nam.

Chúng tôi xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SGH.

QK= Xin kính chào quý vị thính giả đài Sàigòn-Houston. Tôi rất hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện hôm nay.

QL= Chúng tôi xin được có đôi lời giới thiệu về BS. Nguyễn Quý Khoáng.

Bác sĩ NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa Saigon khóa 1968-1975 với chuyên khoa X Quang.

- Được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983. Làm việc tiếp tục tại bệnh viện An Bình (là bệnh viện Triều Châu, Saigon, trước 1975) từ 1983 đến 2009 với chức vụ lả Trưởng Khoa X Quang đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (là tên mới của ngành X Quang) Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, thành phố HCM.

- Được mời sang Pháp làm giảng sư X Quang (Maitre de conférences invité en Radiologie) tại Đại học Y khoa Nancy những năm 1997, 1998 và 1999.

- Nghỉ hưu năm 2009 nhưng tiếp tục làm việc tại Trung tâm Chẩn đoán Y Khoa Medic và giảng dạy tại các viện, trường cho đến năm 2013.

- Định cư tại Hoa Kỳ, bang North Carolina năm 2013 theo diện đoàn tụ gia đình.

- Từ năm 2014, lập một Website về Chẩn đoán hình ảnh <www.cdhanqk.com> để truyền đạt các kiến thức chuyên môn X Quang tới các đồng nghiệp và sinh viên Y khoa cùng các kỹ thuật viên X Quang.

QL= Câu 1/ Gần đây có một số tin tức ở Việt Nam liên quan đến tương quan giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Thường thường là những sự than phiền về cách đối xử của bác sĩ đối với bệnh nhân. Xin Bác sĩ cho biết thực sự vấn đề tương quan giữa người thầy thuốc và bệnh nhân có phải là một nan đề hiện nay trong lãnh vực Y tế hay không?

 QK= Với thời gian làm việc trong ngành Y ít nhất 36 năm tại quê nhà, tôi có vài nhận xét sau đây: Trước những năm 90 của thế kỷ 20, ngành Y tế Việt Nam còn trong thời kỳ bao cấp, quan hệ giữa Thầy thuốc và bệnh nhân chưa có nhiều vấn đề khúc mắc. Phải nói là sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận và Chính phủ VN chuyển sang kinh tế thị trường, ngành Y tế phải thu viện phí thì mới có thể hoạt động được. Mặc dù các phòng khám tư rồi đến các bệnh viện tư dần dần được phép hoạt động nhưng các bệnh viện công vẫn bị quá tải bệnh nhân nên những lời than trách về thái độ phục vụ của bác sĩ đối với bệnh nhân càng nhiều hơn.

Từ chuyện “rút ruột” vắc-xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tới vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm để trục lợi BHYT (bảo hiểm Y tế) tại Bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội) và năm 2013 là vụ BS giám đốc cùng nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết người rồi ném xác phi tan khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót. Sau bao nhiêu vụ việc bê bối trong ngành Y, rõ ràng đây không còn là “hồi chuông cảnh báo” mà nó phản ảnh một thực tế: Y đức đang xuống cấp trầm trọng!

Bộ trưởng Bộ Y Tế Việt Nam, bà Nguyễn thị Kim Tiến phát biểu:

"Vụ Cát Tường là đỉnh điểm, không phải chỉ là đạo đức ngành Y mà là mất nhân tính con người, gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không những cho người nhà nạn nhân mà cho cả ngành Y. Tất cả cán bộ ngành Y đều không thể tin đó là sự thật... Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp đạo đức trong đó chủ yếu là do bản thân không tự rèn luyện, muốn kiếm được nhiều tiền... Và đây là lần cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống ngành Y để có thể vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm sửa chữa ". 

Nguyên nhân nào khiến cho vấn đề Y đức ở mức báo động như hiện nay? Phải chăng xuất phát từ kinh tế thị trường, mức lương hàng tháng không đủ để các cán bộ Y tế trang trải trong cuộc sống khi mà bất cứ thứ gì cũng cần có tiền? Đây có lẽ không phải là nguyên nhân chính mà vấn đề nằm ở lòng tham vô đáy của con người. Chính lòng tham đã khiến bác sĩ quen dần với việc nhận phong bì từ người nhà bệnh nhân. Thân nhân bệnh nhân thường có tâm lý đưa thêm tiền cho bác sĩ và điều dưỡng để người nhà mình được khám ưu tiên và được chăm sóc chu đáo hơn. GS Nguyễn Trọng Nhân, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế (1992-1995) cho rằng, khủng hoảng về Y đức là do cả một hệ thống các nguyên nhân, là một lỗi hệ thống và cũng cần phải giải quyết theo hệ thống.

QL= Câu 2/ Nếu là một vấn đề cần quan tâm, người sinh viên Y khoa trong thời gian được huấn luyện về kiến thức Y khoa có được chuẩn bị về vấn đề tạm gọi là Y đức, tức là đạo đức của người thầy thuốc trong khi hành nghề Y hay không?

 QK= Tôi còn nhớ, trước 1975, các sinh viên Y Khoa năm thứ 5 phải học Nghĩa vụ luận Y Khoa (Déontologie médicale) và sau khi trình luận án tốt nghiệp bác sĩ thì phải đọc lời thề Hippocrate.

Đạo đức người thầy thuốc theo quan điểm hypocrate

Các tân bác sĩ đọc lời thề Hippocrate

 Ở trường Đại học Y khoa Hà Nội, môn đạo đức nghề nghiệp được giảng dạy 16 giờ, ở trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, môn này được giảng dạy 30 giờ. Thông qua môn học, sinh viên được trang bị những hiểu biết về đạo đức cơ bản và về đạo đức Y học và được cung cấp những thông tin cần thiết để thực hành Y đức (như Tuyên ngôn của Hội Y khoa thế giới về quyền của bệnh nhân, các nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, các nguyên tắc làm việc cùng đồng nghiệp, lời thề Hippocrate, Tuyên ngôn Geneva, 12 điều Y đức của Bộ Y tế Việt Nam ).

Song thực tế cho thấy, việc giảng dạy môn đạo đức nghề nghiệp ở các trường thuộc ngành Y vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, sách giáo khoa chuẩn và tài liệu phục vụ việc dạy và học môn đạo đức nghề nghiệp chưa có, giáo trình chủ yếu là do các trường tự biên soạn. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục- đào tạo cần có sự phối hợp để biên soạn một giáo trình môn đạo đức nghề nghiệp thống nhất cho các trường này.

Những hạn chế trên cùng sự tác động của những yếu tố như mặt trái của cơ chế thị trường, chính sách tiền lương đối với cán bộ Y tế… đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc rèn luyện và thực hành Y đức của sinh viên Y khoa.

Bình luận về vấn đề này, GS-TS Phạm Mạnh Hùng, cựu Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng cần phải đổi mới nội dung giáo dục về Y đức. Các giáo trình phải phân tích mối quan hệ giữa tính mạng bệnh nhân và lợi ích của thầy thuốc nhưng bất luận lợi ích lớn đến đâu, thầy thuốc cũng phải đặt tính mạng của bệnh nhân lên trên lợi ích của mình. Đây vừa là mục đích hành nghề vừa là điều kiện hành nghề. Tuy nhiên, kêu gọi đức hy sinh như trong thời kỳ còn chiến tranh dường như không còn phù hợp nữa. Ông nói :“Nếu không đổi mới vấn đề giáo dục Y đức mà chỉ kêu gọi tính hy sinh, không lo vấn đề mưu sinh cho nhân viên Y tế thì sự giáo dục ấy khó đi vào lòng người… Ngoài ra, muốn nâng cao Y đức cần có một điều vô cùng quan trọng, đó là nâng cao khả năng chữa bệnh của người thầy thuốc”.

Cũng vậy, trong suốt cuộc đời rèn luyện và phục vụ Y học, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn tự nhắc nhở mình phải “tiến đức, tu nghiệp”:

Tiến đức là mỗi ngày phải rèn luyện cho toàn thiện, toàn mỹ đạo đức của người hành nghề Y.

Tu nghiệp là phải chăm chỉ học tập cho Y thuật ngày càng giỏi. Đối với Hải Thượng Lãn Ông, đạo làm thuốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi chuyên môn nghề nghiệp, mà còn bao hàm cả đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, Hải Thượng Lãn Ông nói: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề Y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”.

QL= Câu 3/ Xin Bác sĩ cho biết định nghĩa của chữ “Y đức”.

QK= Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Y đức (hay còn gọi đầy đủ là đạo đức Y học, tiếng Anh : Medical ethics) là một hệ thống các nguyên tắc hay luân lý đạo đức, trong đó áp dụng các giá trị và các phán quyết dành cho việc thực hành Y học. Y đức là một môn học thực tế và là một nhánh của triết học đạo đức.

Nói cho dễ hiểu, Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề Y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như của chính mình hoặc của người thân mình. Y đức không ở đâu xa, đó là thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ, cái mà người bệnh rất cần.

Đối với đa số những người làm ngành Y, thì việc nâng cao Y đức trước tiên là nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Kèm theo đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tụy với bệnh nhân. Như vậy, điều cốt lõi nhất của Y đức vẫn xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của thầy thuốc.

Hải Thượng Lãn Ông từng liệt kê ra một danh sách các vấn đề Y đức mà ông cho là “tội”, trong đó có các tội như tội lười biếng, tội tham lam, tội bất nhân, tội dốt nát... Theo ông, thầy thuốc mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì “kẻ cướp”.

 

Đạo đức người thầy thuốc theo quan điểm hypocrate

QL= Câu 4/ Y đức là một quan niệm theo Tây phương hay Đông phương? Quan niệm Y đức theo Tây phương như thế nào, có khác với quan niệm Y đức của Đông phương hay không?

QK= Trong lịch sử Y khoa có nhiều quan niệm về Y đức:

Bên TÂY Y, người đại diện là HIPPOCRATE ( 460-377 trước CN) với lời thề nổi tiếng "Serment d'Hippocrate" mà các bác sĩ thường tuyên thệ khi tốt nghiệp. Lời thề này đã được chỉnh lại cho phù hợp từng thời kỳ, từng địa phương nên đã có Bản Tuyên ngôn Geneva của Hiệp hội Y khoa Thế giới năm 1948, Nghĩa vụ luận Y Khoa của Bộ Y Tế VNCH năm 1964, 12 điều Y đức do Bộ Y Tế CHXHCNVN năm 1996, các nguyên lý đạo đức Y khoa của Hội Y khoa Hoa Kỳ (với nhiều bản năm 1847, 1903, 1957 và 2001) v...v. Những điều trong lời thề Hippocrate là quan điểm Y đức được ghi nhận sớm nhất và phổ biến đến tận ngày nay. Trong đó, ông đề cập đến mối quan hệ giữa thầy trò trong ngành Y, nhấn mạnh những giới hạn nghề nghiệp, đề cao tính chính trực và nhấn mạnh việc tránh làm tổn thương bệnh nhân, nhất là nhóm bệnh nhân yếu thế như phụ nữ hay nô lệ. Xét chung, nguyên tắc chính của lời thề Hippocrate là: “Trước tiên không gây hại cho bệnh nhân (Primum non nocere)”. Sau đây là tóm tắt lời thề Hippocrate:

"Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề thầy thuốc. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra. Được mời đến gia đình, mắt tôi không để ý đến mọi sự xảy ra, miệng tôi sẽ giữ kín những bí mật mà người bệnh đã thổ lộ. Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục hoặc tán dương tội ác. Tôi sẽ giữ cuộc đời và nghệ thuật trị bệnh của tôi trong sạch, không một vết nhơ.

Một lòng tôn trọng và biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu các thầy những giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được. Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân".

Đạo đức người thầy thuốc theo quan điểm hypocrate

 Hippocrate                  Hải Thượng Lãn Ông

Bên Đông Y, có HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG Lê Hữu Trác (1720-1791) với 9 điều Y huấn cách ngôn trong quyển "Hải Thượng Y Tông Tâm lĩnh" và có NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822- 1888) với sự tổng hợp luân lý Y học cổ truyền dưới dạng thơ qua quyển "Ngư Tiều vấn đáp Y thuật".

Hải thượng Lãn Ông đề ra 9 điều răn trong hành nghề Y thiên về xu hướng thầy thuốc hy sinh bản thân để thực hiện thiên chức. Việc thụ hưởng quyền lợi tùy thuộc vào hảo tâm và khả năng của người bệnh. Quan niệm này rất gần gũi với quan điểm nho giáo: Khi mọi người “chính danh định phận”: “Vua ra vua, tôi ra tôi” thì thiên hạ thái bình. “Thầy thuốc ra thầy thuốc, bệnh nhân ra bệnh nhân” thì Y đạo phát triển. Nhưng nếu ở một xã hội nhiễu nhương, một trong hai phía không chính danh thì quan điểm của ông sẽ không thể thực hiện được. Sau đây là những lời nhắc nhở của Hải Thượng Lãn Ông với người làm nghề Y:

"Nếu người nhà bệnh nhân có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau. Xem mạch cho đàn bà con gái, nhất là gái goá và ni cô, phải bảo một người đứng bên để tránh sự nghi ngờ. Đã là thầy thuốc phải để ý giúp người, không nên vắng nhà luôn, nhất là đi chơi. Chữa bệnh cho người nghèo và cô độc càng cần phải lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nhà nghèo mà bệnh nặng thì ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tự xử, vì làm thuốc là thuật thanh cao, thì người làm thuốc phải có tiết thanh cao. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân người bệnh ốm nặng, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được; hay đối với người giàu sang quyền quý thì ân cần để tính lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt coi thường, như vậy là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được..."

Về cơ bản thì quan niệm Y đức trong Tây Y và Đông Y không khác nhau bao nhiêu với những nguyên tắc chung như sau:

a/ Bổn phận tổng quát của người thầy thuốc:

Tôn trọng sinh mạng bệnh nhân, có tinh thần bất vụ lợi và tinh thần trách nhiệm, luôn luôn quan tâm cải tiến nghề nghiệp, lên án thủ đoạn lừa gạt của lang băm, có lòng tự trọng...

b/ Bổn phận của người thầy thuốc đối với bệnh nhân:

Lương thiện và có lương tâm trong nghề nghiệp, tận tâm chữa bệnh, hướng dẫn ngừa bệnh sau này cho bệnh nhân và người nhà…

c/ Bổn phận của người thầy thuốc đối với thầy và bạn đồng nghiệp:

Luôn luôn biết ơn thầy, đoàn kết và giúp đỡ đồng nghiệp…

QL= Câu 5/ Y đức đặt ra những tiêu chuẩn nào cho người thầy thuốc trong khi hành nghề?

QK= Theo tôi, một thầy thuốc tốt phải có tài và có đức, nhưng thường đức phải nhỉnh hơn. Như vậy, điều cốt lõi nhất của Y đức phải xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm. Thầy thuốc có Y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người.

Nghề Y là một nghề rất đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mạng của con người. Đó cũng là lý do sinh viên ngành Y được đào tạo rất lâu, rất kỹ, giai đoạn đầu ít nhất là 6 năm ở trường đại học, sau đó phải học và thực tâp thêm 3 - 4 năm mới có thể trở thành một thầy thuốc.

Với những sinh viên Y khoa, hành trang đầu tiên khi bước vào nghề là lời tuyên thệ trước tượng Hippocrate, Y Tổ của thế giới và Hải Thượng Lãn Ông, Y Tổ của Việt Nam: “Coi nghề Thầy Thuốc mà họ đã chọn như một con đường cứu người và giúp đời”. Thầy thuốc mới ra trường chỉ là mới bắt đầu cho Y nghiệp và Y đạo của mình, vì vậy cần phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một thầy thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với danh hiệu “Lương y như Từ mẫu”.

Những tiêu chuẩn Y đức mà các lời thề Tây Y hay Đông Y nêu lên chỉ là bề mặt áp dụng cho mọi người trong ngành Y nhưng đạo đức con người mới là điều cốt lõi ở mỗi nhân viên Y tế. Đạo đức này được vun trồng từ giáo dục gia đình lúc bé, từ những bài học về công dân giáo dục ở trường tiểu học. Một trong những quyển sách đã ảnh hưởng tôi rất nhiều, đó là quyển "Những tâm hồn cao thượng" của Edmond De Amicis do cụ Hà Mai Anh dịch ra tiếng Việt. Rồi khi lên trung học và đại học thì xem gương của các danh nhân Y khoa như ALbert Schweitzer, Tom Dooley, Yersin v...v. Khi học Đại học Y thì SVYK năm thứ 5 được học Nghĩa vụ luận để chuẩn bị cho việc hành nghề Y sau này.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng nói: " Đừng nghĩ là cứ cười nói, vồn vã với bệnh nhân là đủ, có trường hợp phải nghiêm khắc với bệnh nhân mới là tốt. Hiện nay, Y đức đang bị hiểu theo kiểu hình thức hóa. Thái độ và tinh thần phục vụ bệnh nhân là quan trọng nhưng nâng cao chuyên môn trong thực hành Y học, lấy chất lượng là tối thượng thì Y đức mới được vững chắc và bền lâu".

Năm 2009, TS-BS Nguyễn văn Tuấn ở Úc có viết một bài phổ biến trên Internet tựa đề là: "Đọc lại 12 điều Y đức của Việt Nam" và có những nhận xét sau đây:

" Nói chung, 12 điều Y đức nước ta cũng phù hợp với qui ước Y đức của Tổ chức Y khoa Thế giới và cũng lấy bối cảnh văn hóa Việt Nam làm nền tảng. Tuy nhiên 12 điều Y đức của Việt Nam mang tính ôm đồm, bao quát, hiểu theo nghĩa cái gì người ta có thì chúng ta cũng có. Điều này dẫn đến một hệ quả là 12 tiêu chuẩn Y đức trở nên rườm rà, thiếu tính logic và khúc chiết. Phần lớn các nguyên tắc Y đức trên thế giới tập trung vào những khía cạnh như chuyên môn, bệnh nhân, luật pháp, và cộng đồng. Còn đọc kỹ 12 điều Y đức của Việt Nam, tôi không thấy một cấu trúc logic như trên mà có sự trùng lắp, thậm chí còn mâu thuẫn nhau". Sau khi phân tích những khuyết điểm trên, ông kết luận: “Trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay cùng với sự hội nhập của đất nước, đã đến lúc các quy ước Y đức Việt Nam cần được soạn lại sao cho phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam và chuẩn mực Y đức thế giới". 

Theo cá nhân tôi, ta nên chọn các tiêu chuẩn đạo đức Y khoa của Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) năm 2001 vì chúng ngắn gọn, rõ ràng, thực tế. Các nguyên lý này không phải là những điều luật mà là các tiêu chuẩn về đạo đức ứng xử, mô tả các điểm chủ yếu trong phong cách và hành vi đúng đắn của người thầy thuốc:

1-Thầy thuốc phải tận tâm chăm sóc sức khỏe với sự cảm thông và tôn trọng danh dự và quyền con người.

2-Thầy thuốc phải duy trì các chuẩn mực của chuyên ngành, thành thật trong tất cả các giao tiếp chuyên môn, và có gắng báo cáo với nhà chức trách những thầy thuốc thiếu tư cách, hoặc bất tài, hoặc liên đới đến những vụ lừa đảo.

3- Thầy thuốc phải tôn trọng luật pháp và nhận lãnh trách nhiệm theo đuổi những cải cách nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.

4- Thầy thuốc phải tôn trọng quyền của bệnh nhân, đồng nghiệp, và các nhân viên Y tế khác, và phải bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân trong phạm vi luật pháp cho phép.

5- Thầy thuốc phải liên tục học hỏi, ứng dụng và trau dồi kiến thức khoa học, duy trì học thuật Y khoa, cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh nhân, đồng nghiệp và công chúng, tư vấn và sử dụng tài năng của các chuyên gia khác khi cần thiết theo chỉ định.

6- Thầy thuốc (ngoại trừ các trường hợp cấp cứu) trong điều kiện thích hợp, có quyền chọn lựa ai để phục vụ, ai cần liên hệ và có quyền chọn môi trường để cung cấp dịch vụ Y khoa.

7- Thầy thuốc phải nhận lãnh trách nhiệm tham gia các hoạt động nhằm cải thiện cộng đồng và Y tế công cộng.

8- Thầy thuốc trong khi chăm sóc bệnh nhân phải xem nhiệm vụ của mình đối với bệnh nhân là trên hết.

9- Thầy thuốc phải ủng hộ mọi thành phần trong xã hội được quyền tiếp cận dịch vụ Y khoa.

QL= 6/ Ngoài những lúc hành nghề, người thầy thuốc có cần phải sống theo Y đức hay không?

QK= Câu mà tôi thích nhất trong lời thề Hippocrate, đó là: "Tôi sẽ giữ cuộc đời của tôi và nghệ thuật trị bệnh trong sạch, không một vết nhơ" (Je garderai ma vie et mon art purs de toute souillure). Ngày xưa, người ta xem Y Khoa là một nghệ thuật (la médecine est un art), nghệ thuật trị bệnh. Chính vì câu này mà, ngay từ khi còn là sinh viên Y Khoa, tôi luôn luôn tâm niệm rằng khi ra trường, mình phải sống sao cho thật gương mẫu, khi hành nghề cũng như ngoài lúc hành nghề, để không hổ thẹn với thiên chức của người áo trắng như một vị Thầy đã nói: "Phục vụ để trở nên hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ".

Y thuật phải gắn liền với Y đức. Hải Thượng Lãn Ông viết: “ Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể khi kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng Hải Thượng Lãn Ông quan niệm bổn phận của người thầy thuốc còn thể hiện ra trong toàn bộ các quan hệ đối với nghề nghiệp, với xã hội: từ khả năng chuyên môn tới thái độ đối với người bệnh, với đồng nghiệp, đặc biệt là bổn phận của người thầy thuốc trước sự cơ cực của người bệnh nghèo, những người thiếu may mắn trong xã hội. Ông gọi đó là Y đạo. Bởi theo ông, đó mới là tư chất đích thực của người thầy thuốc.

Nền kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Hiện tượng “phong bì” phổ biến tại các bệnh viện. Điều này làm đau lòng và tổn hại đến danh dự của bất cứ ai đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp cao quý này, bởi với họ, người không có đức thì không thể làm nghề Y.

Đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn khó khăn, trong đội ngũ những người làm công tác Y tế vẫn còn một số lớn nhân viên Y tế cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh dù phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm. Ngoài ra, có nhiều tấm gương sáng trong ngành Y Việt Nam hiện nay để đối kháng với một số "con sâu làm rầu nồi canh" khiến chúng ta chưa đến nỗi bi quan.

Đó là những việc làm từ thiện như:

1/ Các bệnh viện hoặc trường Đại học Y các tỉnh thành đã và đang tổ chức rất nhiều đoàn bác sĩ, điều dưỡng khám bệnh từ thiện và phát thuốc cho các dân nghèo vùng sâu, vùng xa v...v.

2/ Năm 2015, câu chuyện về một bác sĩ trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Tp.HCM tên là Trương Hữu Khanh, nghỉ phòng mạch tư, dành thời gian lập facebook để tư vấn miễn phí cho phụ huynh về sức khỏe trẻ em khiến nhiều người bất ngờ và cảm động.

3/Từ năm 2014, BS Huỳnh Thanh Hiển (công tác tại bệnh viện Tâm thần Tp.HCM) cùng BS Võ Xuân Sơn, TS-BS Lê Hành đã giúp các bệnh nhân nghèo có những bữa cơm ngon bằng cách hát để quyên tiền qua những "Đêm nhạc blouse trắng".

QL= Câu7/ Xã hội thay đổi thì các tiêu chuẩn của Y đức có thay đổi không?

QK= Năm 1977, vợ chồng tôi được bổ nhiệm đến bệnh viện đa khoa Tỉnh Tây Ninh làm việc trong 6 năm. Mặc dù là BS X Quang nhưng vì công việc chuyên khoa lúc đó rất nhàn do máy móc và phương tiện còn thiếu thốn nên tôi được cử làm thêm Nội khoa và Săn sóc đặc biệt. Tôi còn nhớ quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân rất tốt, hiếm khi có sự khiếu nại của bệnh nhân như sau này.

Theo tôi, cần phải phân tích những điểm khác biệt trong môi trường làm việc thời bao cấp và thời kinh tế thị trường. Trong thời bao cấp, người thầy thuốc thực hành nghề nghiệp chỉ với mục đích là cứu chữa người bệnh, tiêu chí duy nhất đánh giá đạo đức của người thầy thuốc là sự hy sinh vì sức khỏe và tính mạng người bệnh.Tất cả những người thầy thuốc lúc bấy giờ đều không phải lo đến cuộc sống của mình vì đã có Nhà Nước bao cấp cho họ. Nhưng trong thời kinh tế thị trường thì khác, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe và cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc phải lo cả cuộc sống của chính bản thân cùng gia đình họ. Đó là điểm nổi bật nhất, khác biệt lớn nhất khi nói về Y đức của hai thời kỳ.

Đến nay nền kinh tế thị trường đã thay thế nền kinh tế bao cấp được gần 30 năm. Cơ cấu xã hội đã thay đổi rất nhiều. Hệ thống lương hành chính đang thể hiện sự bất cập sâu sắc. Trong khảo sát về lương năm 2003, thu nhập ngành Y đứng gần chót trong 18 ngành nghề. Lương cơ bản chỉ đảm bảo 65% nhu cầu sống tối thiểu. Rõ ràng các thầy thuốc không thể “Yên tâm cống hiến, đời sống đã có Chính phủ lo” như cách đây 50-60 năm.

Để quý vị thính giả có thể hình dung được lương tháng của một bác sĩ tại Việt Nam, tôi xin kể trường hợp của tôi.

Tôi làm việc tại hai bệnh viện công: BV.Đa khoa Tỉnh Tây Ninh và BV.An Bình tổng cộng là 32 năm. Cho đến khi tôi nghỉ hưu năm 2009, chức vụ cao nhất là Trưởng khoa X Quang, nghĩa là tôi có thêm phụ cấp chức vụ cũng như thâm niên, thế mà lương cao nhất mà chính phủ trả cho tôi là 5.500.000 đồng VN / tháng tương đương với 250 USD. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho công nhân viên, các bệnh viện thường có thêm quỹ 3 lợi ích (nhờ cho thầu bãi giữ xe, căng-tin, khám bệnh ngoài giờ…) nên mỗi nhân viên có thể được trợ cấp thêm từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng tùy theo khả năng kiếm tiền thêm của mỗi bệnh viện và phân loại thi đua của nhân viên. Qúy vị sẽ thắc mắc: Vậy thì làm sao mà sống và nuôi cả gia đình đây? Thầy thuốc thường khám bệnh thêm tại nhà (mở phòng mạch tư) hoặc đi làm thêm tại một phòng khám đa khoa tư nhân ngoài giờ làm việc cho Nhà Nước v…v.

Trước mắt, trong những năm gần đây, đã có những cải thiện về Y đức bằng những lớp huấn luyện về tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân cho nhân viên Y Tế ở một số bệnh viện công và tư như sau: - BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi Đồng 1, BV Pháp-Việt FV đã tổ chức các lớp "Văn hóa giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân” cho các nhân viên Y tế để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Có bệnh viện đã tổ chức khám bệnh sớm hơn thường lệ 1 giờ (bắt đầu vào 6 giờ sáng) như BV Nhi Đồng 1 hoặc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic khám bệnh từ 4 giờ sáng để các bệnh nhân ở các tỉnh xa có thể đến khám và về trong ngày. Ngoài ra trung tâm này còn làm người bệnh hài lòng khi triển khai dịch vụ xét nghiệm tại nhà.

QL= 8/ Vì đề tài nói về tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân mà từ nãy chúng ta mới nói đến phần Y đức, tức là trách nhiệm tinh thần của thầy thuốc với bệnh nhân. Nay chúng ta cũng đặt ra câu hỏi về phần thứ nhì của mối tương quan này là thái độ, cách ứng xử của bệnh nhân đối với thầy thuốc như thế nào. Xin mời BS. chia sẻ ý kiến của BS. về vấn đề này.

QK= Bệnh nhân và thân nhân phân biệt rất rõ cách đối xử của từng thầy thuốc qua thái độ phục vụ nên có những thân nhân vẫn hài lòng mặc dù bệnh nhân tử vong. Tôi đã trải nghiệm rõ điều này khi còn làm việc tại bệnh viện đa khoa Tỉnh Tây Ninh. Kề ra chuyện này, không phải vì tôi muốn khoe nhưng tôi chỉ muốn nói một thực tế: Mình cứ phục vụ bệnh nhân hết lòng đi thì có Trời biết, Đất biết vả thân nhân bệnh nhân biết. Chẳng thế mà sau khi bệnh nhân khỏe ra viện hoặc nặng quá qua đời, thân nhân bệnh nhân mời tôi đến nhà họ dự đám giỗ, đám cưới...suốt nhiều năm như người thân của họ. Lòng kính trọng, sự “đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Người bệnh sau khi được cứu chữa nhớ ơn thầy thuốc sâu nặng, coi thầy thuốc như người đã sinh ra mình lần thứ hai hoặc nhớ ơn thầy thuốc bằng cách biếu hiện vật, đó là những món quà gần gũi, giản dị do chính bàn tay người bệnh hoặc gia đình làm ra như: gạo, ngô, khoai, sắn, con gà, cân cá…nghĩa là, có gì cho nấy. Tuy nhiên, giờ đây, thời kinh tế thị trường, có một số bệnh nhân "hết rên quên thầy" nên càng ngày càng có nhiều nhân viên Y tế, từ bác sĩ đến điều dưỡng bị thưa kiện rồi phải ra hầu tòa. Hồi còn làm việc tại Việt Nam, tôi là thành viên của Hội đồng xét duyệt Y khoa của Sở Y Tế thành phố HCM nên đã tham dự nhiều vụ thưa kiện của bệnh nhân.

Mấy năm trước, ĐH Y khoa Hà Nội có làm một cuộc điều tra về Y đức và có một câu hỏi được đặt ra cho bác sĩ: Bác sĩ là ai? Bác sĩ nào cũng nói rằng bác sĩ là người chữa bệnh cho dân. Đáp án được xem là đúng phải như sau:“Bác sĩ là người cung cấp dịch vụ Y tế”. Khi chưa hiểu đúng về nghề của mình, bác sĩ luôn nghĩ mình ở trên cao, người bệnh đến chữa trị là trăm sự nhờ bác sĩ dù người bệnh đã chi trả theo đúng quy chế viện phí và lẽ ra phải được đối xử như khách hàng.Tuy nhiên khái niệm về dịch vụ Y tế đã khiến cho một số giám đốc bệnh viện cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân để bệnh viện họ có được tiếng tăm đối với người dân mà họ gọi là "thương hiệu" ví dụ: “Thương hiệu bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ”. Tôi không thích từ này vì đối với tôi, ngành Y tế không thể xem như những nghề buôn bán khác.

Đành rằng trong cơ chế thị trường, dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ khác, nghĩa là cũng có "kẻ bán, người mua", nhưng để tránh những tiêu cực, lãnh đạo Bộ Y tế khuyên sự mua bán này nên gián tiếp: thí dụ bệnh viện không nên thu viện phí của bệnh nhân mà bệnh nhân nên mua bảo hiểm Y tế, bệnh viện nhận kinh phí từ Công ty bảo hiểm Y tế chuyển sang. Những dịch vụ công cộng thì Nhà nước phải chi trả ngành Y tế. Tóm lại là không nên đặt đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân.

Đạo đức người thầy thuốc theo quan điểm hypocrate

Mặc dù Bộ Y tế đã triển khai rộng rãi cho dân chúng mua bảo hiểm Y tế nhưng chương trình này không được khả quan lắm. Số tiền BHYT đóng từ mỗi cá nhân không cao nên Công ty Bảo hiểm Y tế chi trả cho bệnh viện hạn chế khiến các bệnh nhân có thẻ BHYT bị phân biệt đối xử so với bệnh nhân khám dịch vụ, nghĩa là người trả tiền trực tiếp cho bệnh viện. Điều này gây nên những tiêu cực như hiện tượng chi phí ngầm (nghĩa là đút lót tiền qua phong bì ) rất phổ biến tại các cơ sở Y tế hiện nay, nhiều khi chi phí này cao hơn rất nhiều lần viện phí. Chính chi phí ngầm làm xói mòn đạo đức ngành Y.

Ngày nay, sự suy thoái đạo đức chỉ mới có ở một số thầy thuốc chứ chưa phải là toàn bộ. Tuy nhiên, những “con sâu làm rầu nồi canh” đó đã khiến xã hội nhìn ngành Y tế với một con mắt khác, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Do đó nhân viên Y tế phải tự trách mình trước. Một cuộc điều tra nhanh do báo VN Express thực hiện gần đây cho thấy gần 80% người được khảo sát, trả lời là thường bị nhân viên Y tế quát mắng. Việc sách nhiễu bệnh nhân có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như gây phiền hà (chờ đợi lâu, thủ tục hành chính phức tạp, nói máy móc bị hư….) để có cơ hội vòi "phong bì" hoặc như gây tốn kém cho bệnh nhân bằng cách bắt phải kiểm tra lại các xét nghiệm mới được làm xong ở một cơ sở Y tế khác để nhân viên Y tế được tiền hoa hồng...

Về phía bệnh nhân, thay cho sự bình tĩnh trong thời bao cấp là những thái độ nóng vội hiện nay, thay cho cử chỉ ôn tồn là những cử chỉ lăng nhục hay ẩu đả, thậm chí đánh đập bác sĩ và điều dưỡng. Hiện tượng này cũng một phần do sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung (một số người bệnh và người nhà bệnh nhân chưa ứng xử có văn hóa). Hàng loạt bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công tại nơi làm việc: như nhân viên cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bị chửi mắng, đạp vào bụng, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vũ Thư, tỉnhThái Bình bị đâm chết, một số nhân viên Y tế bị rượt đánh... khiến những người làm nghề Y hoang mang, lo lắng về sự an toàn trong nghề nghiệp và sinh ra nản chí, không an tâm với công việc. Một bác sĩ chán ngán tâm sự:"Mình làm nghề cứu người mà không được ai bảo vệ". GS Nguyễn Trọng Nhân nói: "Bên cạnh việc tiếp tục giáo dục bác sĩ về Y đức, chúng ta cũng cần phải tăng cường giáo dục cho nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm của họ đối với vấn đề Y tế. Y tế là một hoạt động xã hội, vì vậy toàn dân nên “xắn tay” xây dựng ngành Y tế. Chúng ta hãy để nhân dân kiểm tra chất lượng ngành Y tế và nhân dân cũng phải xóa bỏ “văn hóa phong bì”, hạn chế việc tiếp tay cho cán bộ Y tế tiêu cực".

Theo thống kê của Bộ Y Tế, Việt Nam có trên 13.000 cơ sở Y tế công và trên 35.000 cơ sở Y tế tư với khoảng 400.000 cán bộ Y tế. Trong một lần trả lời về hiện trạng Y tế Việt Nam tại Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y Tế nói: "Chúng tôi mong muốn quý đại biểu và nhân dân hãy nhìn một cách khoan dung và toàn diện hơn. Mỗi năm, ngành Y tế khám chữa bệnh cho 121 triệu lượt người có BHYT nên chắc chắn sẽ có tỷ lệ nhất định về tai biến, có những cán bộ Y tế không đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn". Để nâng cao chất lượng phục vụ, Bộ trưởng Y tế cho biết đang thành lập đường dây nóng ở 3 cấp (bệnh viện, Sở và Bộ) để người dân gọi phản ánh trực tiếp về thái độ phục vụ của nhân viên Y tế. Theo bà Tiến, vừa qua, 50% trong 1.000 cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh về thái độ tắc trách của cán bộ Y tế. Và lần đầu tiên ngành tổ chức tới 11 lớp về quy tắc ứng xử đạo đức cho khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, tới đây Bộ Y tế sẽ có những cải tiến về đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới để giảm tải bệnh nhân ở các tuyến trên.

QL= Thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Chúng tôi xin mời BS Khoáng cho lời kết về đề tài hôm nay.

QK= Trường Truyền thống Việt tại Houston mời tôi nói về: “Vấn đề Y đức và tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân Việt Nam”, tôi chỉ muốn bàn cùng quý vị thính giả một cách khách quan về tình hình Y tế tại quê nhà sau 1975, nhất là thời kỳ gần đây. Phải nói là sau khi Việt Nam được dỡ bỏ cấm vận và chuyển sang kinh tế thị trường thì có nhiều than phiền, khiếu nại về thái độ phục vụ của thầy thuốc. Các nguyên nhân chính có thể gom vào 4 điểm sau đây: nhiều người đua nhau chạy theo đồng tiền trong đó có thầy thuốc, đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp, quản lý Y tế kém cỏi. Chúng ta mong rằng Nhà Nước và Bộ Y tế Việt Nam sẽ có những biện pháp sửa chữa để Y đức được cải thiện hầu các bệnh nhân Việt Nam được phục vụ tốt hơn.

Có được bài nói chuyện này, tôi phải cảm ơn các thầy thuốc và báo chí mà tôi đã nêu tên trong phần tài liệu tham khảo. Nhờ họ, tôi đã có thêm những thông tin cũng như những số liệu để bổ sung cho những trải nghiệm của tôi hầu có được những câu trả lời đầy đủ và chính xác hơn.

Trước khi dứt lời, tôi xin cám ơn chị Quý Linh và đài Sài Gòn- Houston đã tổ chức buổi nói chuyện hôm nay. Xin cám ơn quý vị thính giả của đài Sài Gòn- Houston đã theo dõi.

QL= Xin cám ơn BS Nguyễn Quý Khoáng đã dành thì giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt.

Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ GS Nguyễn Đình Cát và BS Lê văn Lân: "Les principes de Déontologie médicale- Ngư tiều vấn đáp Y thuật"(Hội Y sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ ấn bản 1998).

2/ TS BS Trần Bá Thoại : "Y đức, nên hiểu thế nào?" ( Dân Trí 24/02/2016)

3/ BS Nguyễn Đức Kiệt: "Y Đức, Y Đạo và mối quan hệ Thầy thuốc- bệnh nhân" (Đông dược Phú Hà. 23/08/2016).

4/ TS BS Nguyễn Văn Tuấn: "Đọc lại 12 điều Y đức của Việt Nam" (Y Khoa net. 27/02/2009).

5/ ThS BS Hoàng Thị Kim Oanh: "Giáo Dục Y Đức Cho Sinh Viên Ngành Y" (yduocvanhanh.edu,vn. 23/08/2016).

6/ PGS TS Triệu Nguyên Trung và ThS- BS Huỳnh Hồng Quang :" Bàn luận về khía cạnh Y đức và dược đức trong cơ chế thị trường ?" (Viện Sốt rét, Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn. 21/02/2012).

7/ ThS Hồ Thị Hưng : "Đặc thù của ngành Y tế và vấn đề về Y đức hiện nay" (truongchinhtrina.gov.vn. 23/08/2016)

8/ BS CK2 Phạm Đình Hùng: "Y đức trong môi trường xã hội hiện nay" (Sức khỏe và đời sống 23/08/2016).

9/ GS TS Nguyễn Trọng Nhân: "Nguyên Bộ trưởng trăn trở 'cứu' Y đức" (Chinhphu.vn 01/11/2013).

10/ Minh vân Hà phỏng vấn GS TS Phạm Mạnh Hùng: "Y đức xuống cấp khi đặt mưu sinh lên trên tính mạng người bệnh" ( Nhân dân 2/03/2016).

11/ Oldshylion :"Luận về Y đức" (oldshylion.wordpress.com 28/08/2015).

12/ VN Express:" Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường " ( VN express online 19/11/2013).

13/ BS Võ Xuân Sơn: "Bác sĩ và Y đức" (VN express 30/09/2014).

14/ BS Đồng ngọc Khanh dịch :" Các nguyên lý đạo đức Y khoa của Hội Y khoa Hoa Kỳ" (Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ 6/09/2008).

15/ BS Ngô thị Quý Linh & BS Đỗ Hoàng Ý : “Đạo đức Y khoa: Lửa thử vàng, gian nan thử đức ”( Trường Truyền thống Việt ở Houston,Tháng Tư năm 2015).

Download