Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Ngày 25/10 vừa qua, với việc thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội đã hoàn thành công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà của đông đảo cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS.Bùi Ngọc Thanh – đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với những phân tích, đánh giá khách quan về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này.

TỪ KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM CÁC CHỨC DANH DO QUỐC HỘI BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN - NHÌN LẠI SỰ ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI TRONG NỬA NHIỆM KỲ KHÓA XV

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Theo Chương trình kỳ họp thứ Sáu, ngày 25/10/2023, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần lấy phiếu thứ 4 của Quốc hội. Trong 49 chức danh, có 5 chức danh mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm nay nên chưa được lấy phiếu lần này. Còn 44 chức danh đủ điều kiện lấy phiếu bao gồm: Khối Chủ tịch nước 1; khối Quốc hội 17; Khối Chính phủ 23 và khối Tư pháp, Kiểm toán nhà nước 3 chức danh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi được công bố. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm, nhìn chung bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đánh giá sát đúng thực chất đối với các chức danh và từng chức danh.

Công tác chuẩn bị của Quốc hội hết sức chu đáo:

Cách đây 4 tháng, tại kỳ họp thứ Năm, ngày 23/6/2023 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo quy định tại Điều 9 của Nghị quyết này, “Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”. Thực tế, Nghị quyết này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ càng, công phu, chu đáo qua một số phiên họp ngay từ đầu năm, đến tháng 6 mới trình ra Quốc hội và Quốc hội đã thông qua. Nghị quyết 96/2023/QH15 có nhiều nội dung đổi mới để đạt mục tiêu lấy phiếu tín nhiệm, trong đó cử tri tâm đắc nhất là việc cụ thể hóa 2 căn cứ đánh giá chung (kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành pháp luật) thành 7 nhóm “tiêu chí” cụ thể, tạo thuận lợi cho việc đánh giá và đưa các nhóm tiêu chí về chính trị, đạo đức, lối sống... lên hàng đầu với ý nghĩa “đức tài” song song, nhưng đức là “gốc”. Vấn đề đoàn kết nội bộ được nhấn đậm đối với người quản lý, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.

Kết quả lấy phiếu phản ảnh khách quan và khá thực chất:

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bỏ phiếu kín.

Các số liệu đã được công bố rất cụ thể và chi tiết. Tùy theo yêu cầu nghiên cứu, sử dụng kết quả mà có thể có nhiều cách phân tích, đánh giá.

Nhìn một cách tổng quát, đem cộng mức phiếu “tín nhiệm cao” với mức phiếu “tín nhiệm” thì tất cả 44 chức danh đều đạt ở mức độ cao: Chức danh có mức phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất là 72 phiếu, bằng 14,97%, nghĩa là mức phiếu “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm” chiếm 85,03%. Chức danh có mức phiếu “tín nhiệm thấp” ít nhất chỉ có 2 phiếu, bằng 0,42%, nghĩa là 99,58% là mức phiếu “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm”. Nhìn vào các con số nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước mà mức độ tín nhiệm đạt từ 85,03% đến gần 99,6% thì thật là yên tâm.

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Tuy nhiên, đối với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước ở Trung ương có lẽ phải bám sát yêu cầu nâng cao chất lượng “tài, đức” của nhân sự được lấy phiếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, kiến tạo nhân sự cho nhiệm kỳ sau, phục vụ cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị (như Nghị quyết số 96 đã chỉ rõ). Theo đó, trong 3 mức tín nhiệm, phải đặc biệt lưu ý mức “tín nhiệm cao”, đó là “thước đo chiều cao tài - đức” của mỗi chức danh.

ĐỐI VỚI KHỐI CHỦ TỊCH NƯỚC, lần lấy phiếu này chỉ có một chức danh là Phó Chủ tịch nước - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, với mức phiếu “tín nhiệm cao” đã đạt được khá cao, 410 phiếu, bằng 85,24% tổng số phiếu thu về.

ĐỐI VỚI KHỐI QUỐC HỘI, mức “tín nhiệm cao” đạt rất cao, cao nhất đến trên 90%, thứ tự các chức danh như sau:

Mức “tín nhiệm cao” đạt từ 90% trở lên, duy nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 437 phiếu bằng 90,85%.

Tiếp theo là 5 chức danh có số phiếu “tín nhiệm cao” chiếm 81% đến dưới 90% gồm: Phó Chủ tịchTrần Quang Phương 426 phiếu, 88,57%; Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn 414 phiếu, 86,07%; Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, 396 phiếu, 82,33%; Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, 392 phiếu, 81,50%; Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, 391 phiếu, 81,29%.

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Với mức phiếu “tín nhiệm cao” từ trên 64% đến dưới 80% có 11 chức danh, gồm:Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, 381 phiếu, 79,21%; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, 375 phiếu, 77,96%; Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, 373 phiếu, 77,55%; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, 367 phiếu, 76,30%; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cùng 365 phiếu, 75,88%; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, 361 phiếu, 75,05%; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie K’đăm 352 phiếu, 73,18%; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, 354 phiếu, 73,60%; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, 346 phiếu, 71,93%; và Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, 312 phiếu, 64,86%.

ĐỐI VỚI KHỐI CHÍNH PHỦ, mức phiếu “tín nhiệm cao” cũng đạt khá cao.

Trong số 23 chức danh được lấy phiếu có 6 chức danh đạt từ trên 70% đến trên 93% mức phiếu “tín nhiệm cao”, gồm các chức danh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, 448 phiếu, 93,14%; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, 384 phiếu, 79,83%; Thủ tướng Phạm Minh Chính, 373 phiếu, 77,55%; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, 371 phiếu, 77,13%; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, 370 phiếu, 76,92%; và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, 353 phiếu, 73,39%.

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Có 12 chức danh đạt từ trên 50% đến dưới 70% mức phiếu “tín nhiệm cao”, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc 334 phiếu, 69,44%; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, 329 phiếu, 64,40%; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, 328 phiếu, 68,19%; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, 316 phiếu, 66,70%; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 312 phiếu, 64,86%; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, 308 phiếu, 64.03%; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 306 phiếu, 63,62%; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, 279 phiếu, 58,00%; Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, 263 phiếu, 54,68%; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, 262 phiếu, 54,47%; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, 260 phiếu, 54,05%; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, 241 phiếu, 50,10%.

Có 5 chức danh đạt dưới 50% mức phiếu “tín nhiệm cao”, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, 239 phiếu, 49,69%; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, 237 phiếu, 49, 27%; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, 229 phiếu, 47,61%; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, 219 phiếu, 45,53%; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, 187 phiếu, 38,88%.

Đối với khối Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước, cả 3 chức danh đều đạt mức phiếu “tín nhiệm cao” từ trên 60% đến trên 70%, cụ thể là: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, 337 phiếu, 70,21%; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, 311 phiếu, 64,66%; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn 292 phiếu, 60,71%.

Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2024

Với các số liệu kết quả lấy phiếu tín nhiệm được phân loại theo mức độ tín nhiệm từ cao xuống thấp như trên cho thấy, 44 chức danh hình thành lên 3 cấp độ rõ ràng:

- Có 24 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” từ trên 70% đến trên 93%, trong đó khối Chủ tịch nước 1 chức danh, khối Quốc hội 16 chức danh, khối Chính phủ 6 chức danh, khối Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước 1 chức danh.

- Có 15 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” từ trên 50% đến dưới 70%, trong đó khối Quốc hội 1 chức danh, khối Chính phủ 12 chức danh, khối Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước 2 chức danh.

- Có 5 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” dưới 50% đều thuộc khối Chính phủ.

Lấy phiếu tín nhiệm thực chất là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ - một kênh thông tin chính thống đánh giá cán bộ theo phương pháp “lượng hóa”. Các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này biết rõ mức độ tín nhiệm được “định lượng” của bản thân (nhất là các chức danh mới đạt dưới 70% mức phiếu “tín nhiệm cao”, đặc biệt là 5 chức danh mới đạt dưới 50%), chắc chắn phải bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hơn nữa, phấn đấu “lao tâm khổ tứ” để hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh, trọng trách của mình trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cấp Trung ương./.