Đánh giá vấn đề con người trong triết học

Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể

Tập thể là gì? Là hình thức liên kết các cá nhân thành từng nhóm xã hội xuất phát từ lợi ích, nhu cầu về kinh tế, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, khoa học, tư tưởng, nghề nghiệp…

Cá nhân được tồn tại trong tập thể với tư cách là đơn vị cấu thành của cái toàn thể, biểu hiện bản sắc của mình thông qua hoạt động tập thể nhưng không hoà tan vào tập thể. Cá nhân trong quan hệ với tập thể là cá nhân có nhân cách.

Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể biểu hiện:

Thực chất mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ lợi ích. Chính sự thống nhất và lợi ích giữa cá nhân và tập thể là điều kiện cơ bản đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân cũng như tập thể.

Bởi vì: Mỗi cá nhân không thể tự tồn tại và phát triển một cách cô lập, độc lập hoàn toàn. Cá nhân muốn tồn tại đích thực phải có quan hệ với tập thể, nhất định, với xã hội. Đây chính là cơ sở để hình thành tính tập thể, tính cộng đồng.

Tuy nhiên khi tham gia vào quan hệ tập thể, mỗi cá nhân luôn có nhu cầu về lợi ích. Tính tập thể sẽ trở nên trừu tượng, quan hệ giữa các thành viên sẽ lỏng lẻo nếu không dựa trên đáp ứng nhu cầu về lợi ích.

Lợi ích là chất keo kết dính giữa các thành viên trong tập thể, giữa cá nhân và tập thể, tạo điều kiện cho cá nhân phát triển, qua đó tập thể được củng cố.

Sự liên kết giữa cá nhân và tập thể được qui định bởi mối quan hệ khách quan và chủ quan. Tính khách quan bắt nguồn từ bản chất xã hội của mỗi cá nhân, những qui định, qui tắc của tập thể bắt buộc một thành viên phải thực hiện. Tính chủ quan là năng lực tự tiếp nhận và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi cá nhân trong tập thể. Sự thống nhất đó là điều kiện cần thiết để tập thể phát triển lành mạnh.

Hơn nữa, con người với tính cách là chủ thể có xu hướng phát triển tự do cá nhân, khẳng định cái “tôi” trong khi với điều kiện hiện thực của tập thể, không thể đáp ứng mọi yêu cầu của cá nhân dẫn tới mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể lại chính là động lực phát triển của tập thể. Do vậy, cần phải phát hiện kịp thời mâu thuẫn, phải tuỳ theo tính chất của mâu thuẫn để có phương pháp giải quyết mâu thuẫn phù hợp. Nếu giải quyết mâu thuẫn tốt sẽ tạo điều kiện cho cá nhân phát triển tốt, tập thể được củng cố, phát triển và ngược lại giải quyết mâu thuẫn không tốt có thể dẫn tới tan vỡ tập thể, xuất hiện nhu cầu hình thành tập thể mới.

Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể cần chống hai khuynh hướng: tuyệt đối hoá tập thể, bắt cá nhân hy sinh một chiều hoặc ngược lại tuyệt đối hoá cá nhân, để cái “tôi” của chủ nghĩa cá nhân phát triển. Hai khuynh hướng này đều phải loại trừ.

Trên thực tế những tập thể được hình thành và phát triển ổn định về cơ chế tổ chức và phát triển cá nhân được xây dựng trên những nguyên tắc sau:

Sự tương trợ theo tinh thần hữu ái.

Hiểu rõ và thực hiện nghĩa vụ đối với tập thể.

Sự kết hợp hài hoà nhu cầu và lợi ích cá nhân, với lợi ích và nhu cầu tập thể. Bình đẳng trong tập thể, tôn trọng tập thể và các qui định của tập thể.

Có ý thức trách nhiệm trước tập thể về hành vi của mình.

Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội

Quan hệ giữa cá nhân và xã hội là vấn đề có ý nghĩa lớn được đề cập một cách sâu sắc và toàn diện trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Khái niệm xã hội được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau: cao nhất là xã hội loài người (toàn thể nhân loại), thấp hơn là những hệ thống xã hội như quốc gia, dân tộc, giai cấp, chủng tộc.

Trong bất cứ xã hội nào, cá nhân cũng không tách rời xã hội. Cá nhân là hiện tượng có tính lịch sử, quan hệ giữa cá nhân và xã hội biến đổi trong sự phát triển của lịch sử.

Trong xã hội nguyên thuỷ, giữa cá nhân và xã hội không có đối kháng. Lợi ích cá nhân phụ thuộc trực tiếp vào lợi ích sống hàng ngày của cộng đồng thị tộc, bộ lạc. Mỗi con người của xã hội cộng sản nguyên thuỷ chưa trở thành những cá nhân theo đầy đủ nghĩa của nó. Trong xã hội này không có những lợi ích cá nhân, mà vai trò của cá nhân cũng “tan biến” “hoà tan” vào cộng đồng.

Như vậy, trong xã hội công xã nguyên thuỷ chưa có đủ điều kiện để mỗi con người trở thành những cá nhân theo đúng nghĩa của nó. Cá nhân và xã hội có sự thống nhất với nhau.

Khi xã hội phát triển sang giai đoạn mới cao hơn, xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, xã hội hình thái mới trong quan hệ cá nhân - xã hội, làm cho truyền thống bình đẳng trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ chuyển thành cuộc sống thống trị và bị thống trị, bóc lột và bị bóc lột. Do vậy, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội vừa có sự thống nhất vừa có sự mâu thuẫn. Những con người thuộc giai cấp nô lệ không có đủ điều kiện để trở thành những cá nhân thực sự. Mỗi con người thuộc giai cấp nô lệ không thể khẳng định cá nhân mình trên cơ sở làm chủ hoạt động lao động cũng như những thành quả lao động của mình. Các thành viên thuộc giai cấp chủ nô là những con người có đặc quyền, đặc lợi được khẳng định với tư cách cá nhân và trở thành kiểu cá nhân đặc trưng thời đại. Trong xã hội dựa trên quan hệ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất mỗi cá nhân muốn tồn tại được phải tham gia vào quá trình cạnh tranh tìm tòi, sáng tạo và tự khẳng định mình.

Trong quá trình đó, mỗi cá nhân không bao giờ tự thoả mãn và thoả mãn với hoàn cảnh, mỗi cá nhân chứa đựng trong mình khuynh hướng đấu tranh với hiện trạng đang có để vươn tới tương lai.

Như vậy, phân công lao động, đấu tranh giai cấp chính là nhân tố thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người, tất nhiên điều đó bị ràng buộc bởi giới hạn người thống trị người, người bóc lột người nên nhân cách của đa số chưa trở thành nhân cách tự do và phát triển tối đa tiềm năng sẵn có trong họ.

Trong xã hội phong kiến, cá nhân không có điều kiện phát triển mạnh mẽ mặc dù có bước phát triển cao hơn chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng cơ bản vẫn là quan hệ người thống trị người. Người nông dân phụ thuộc vào địa chủ, vào chúa đất. Đây là xã hội có xu hướng cao bằng cá nhân, xoá bỏ cá nhân, cá nhân mâu thuẫn với xã hội.

Trong xã hội tư bản, ý thức về cá nhân được phát triển mạnh mẽ. Khi giai cấp tư sản đang lên, nó giương cao ngọn cờ giải phóng cá nhân, chĩa mũi nhọn vào giai cấp phong kiến. Nhưng khi chủ nghĩa tư bản càng phát triển, càng làm cho con người bị tha hoá. Kết quả hoạt động của con người, của giai cấp công nhân ngày càng biến thành một lực lượng đối lập với nó, đó là tư bản. Trong điều kiện kinh tế - xã hội đó, cá nhân con người không thể có sự phát triển hài hoà và toàn diện. Điều kiện sống và làm việc của công nhân càng tồi tệ hơn khi họ bị mất việc làm.

Chỉ khi nào các đối kháng giai cấp toàn xã hội bị xoá bỏ, khi người lao động thực sự làm chủ các điều kiện vật chất của lao động, họ mới thật sự trở thành người lao động tự do. Cá nhân người lao động với tư cách con người mới được khẳng định. Trong chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa cá nhân và xã hội cơ bản là thống nhất với nhau, và chỉ dưới chủ nghĩa xã hội mới tạo ra đầy đủ các điều kiện khách quan để kết hợp hài hoà cá nhân và xã hội.

Chủ nghĩa xã hội không “thủ tiêu cá nhân” như giai cấp tư sản khẳng định mà trái lại tạo ra những điều kiện xã hội cần thiết để mỗi cá nhân phát triển toàn diện, làm cho mỗi cá nhân phát huy cao độ năng lực của mình, bản sắc của mình trong cuộc sống riêng tư cũng như xây dựng một xã hội mới nhân bản, công bằng, văn minh, một xã hội trong đó lợi ích cá nhân và các lợi ích xã hội không đối lập nhau, mà thống nhất làm điều kiện, tiền đề của nhau.

Triết học Mác khẳng định xã hội giữ vai trò quyết định đối với cá nhân.

Xét về bản chất, con người cá nhân là sản phẩm của xã hội, sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử nhất định. Bản chất cá nhân là tổng hoà các quan hệ xã hội. Do đó, bản chất cá nhân là sản phẩm của lịch sử, của xã hội. Xã hội là tiền đề, là điều kiện để phát triển và hoàn thiện bản chất cá nhân.

Xã hội còn quyết định cá nhân cả về mặt vật chất, tinh thần, ước muốn quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Hơn nữa, xã hội còn tác động mạnh mẽ tới sự phát triển văn minh của con người trên cơ sở sinh học.

Quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi cá nhân như thế nào cũng do xã hội qui định thông qua hệ thống pháp luật và những nguyên tắc của nhà nước ban hành.

Xã hội còn quyết định cả sự biến đổi của cá nhân, ngay cả trong một hình thái kinh tế - xã hội và đặc biệt rõ nét khi xã hội thay đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế -xã hội khác.

Mặc dù, xã hội quyết định cá nhân nhưng cá nhân cũng có tác động to lớn trở lại xã hội. Điều đó được thể hiện ở những góc độ sau:

Cá nhân là chủ thể tích cực sáng tạo và năng động trong mối quan hệ với xã hội. Cá nhân là một bộ phận, một yếu tố tạo nên xã hội, là cơ sở tạo nên những quan hệ xã hội thông qua hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của mình. Do vậy, hoạt động của cá nhân tác động đến xã hội mặc dù hoạt động của cá nhân đó là tốt hay xấu. Nếu hoạt động của cá nhân là tích cực, phù hợp với qui luật khách quan, xu thế phát triển của lịch sử sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, cá nhân có phẩm chất năng lực kém, nhận thức và hành động tuỳ tiện không phù hợp với qui luật khách quan, có nhiều sai lầm khuyết điểm, sai lầm sẽ tác động kìm hãm sự phát triển của xã hội. Cá nhân là những lực thành phần tạo nên tổng lực thúc đẩy xã hội phát triển theo qui luật khách quan của nó. Hiệu quả tác động của cá nhân đối với xã hội phụ thuộc vào những điều kiện sau:

Cá nhân tác động đến xã hội phải thông qua tập thể, nhóm xã hội của như tính chất của tập thể, nhóm xã hội đó.

Chiều hướng và hiệu quả tác động của cá nhân tới xã hội phụ thuộc vào địa vị, thái độ, trách nhiệm và chất lượng của mỗi cá nhân. Nó còn phụ thuộc vào trình độ tổ chức của các tập thể, các nhóm xã hội.

Cá nhân tác động đến xã hội còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan cần thiết mà xã hội tạo ra và cho phép.

Mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội do sự qui định của mặt khách quan và mặt chủ quan. Mặt khách quan biểu hiện ở trình độ phát triển và năng suất lao động của xã hội. Mặt chủ quan biểu hiện ở khả năng nhận thức và vận dụng qui luật xã hội phù hợp với mục đích của con người.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và ngay cả trong chủ nghĩa xã hội, những điều kiện khách quan và chủ quan chưa cho phép chấm dứt ngay những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội. Do vậy, để giải quyết đúng đắn quan hệ cá nhân, xã hội cần phải tránh hai thái độ cực đoan:

Một là, chỉ thấy cá nhân mà không thấy xã hội, đem cá nhân đối lập với xã hội nhu cầu cá nhân chưa phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội. Khuynh hướng này tạo điều kiện và có thể dần tới chủ nghĩa cá nhân.

Hai là, chỉ thấy xã hội mà không thấy cá nhân, quan niệm sai lầm về lợi ích xã hội, về chủ nghĩa tập thể, thực chất là chủ nghĩa bình quân, coi nhẹ vai trò cá nhân, lợi ích cá nhân. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu, lợi ích cá nhân càng đa dạng. Nếu không quan tâm đến vấn đề cá nhân, sẽ dẫn đến xây dựng một xã hội nghèo nàn, chậm phát triển, không phù hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta là đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho cả cộng đồng và mỗi thành viên của cộng đồng với tư cách mỗi cá nhân. Trong quá trình đổi mới, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng và nhà nước đang thực hiện các chủ trương giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm phục vụ lợi ích của toàn xã hội, của cộng đồng. Bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, phát triển mạnh mẽ vững chắc kinh tế, văn hóa từng bước thực hiện công bằng xã hội, đó là lợi ích cơ bản của cả chế độ dân tộc. Lợi ích chung đó không mâu thuẫn với lợi ích cá nhân. Chủ trương của Đảng và nhà nước động viên toàn thể cộng đồng phấn đấu vì lợi ích chung, nhưng cũng tôn trọng và bảo vệ những lợi ích cá nhân chính đáng.

Trong nền kinh tế thị trường đang thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ sở vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú. Lợi ích cá nhân ngày càng được chú ý tạo cơ hội mới để phát triển cá nhân. Tuy nhiên, cơ chế này có thể dẫn đến tuyệt đối hoá lợi ích kinh tế, dẫn tới phân hoá giàu nghèo trong xã hội, chủ động khả năng đối lập giữa cá nhân và xã hội. Do đó, phải khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, phát huy vai trò nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người có ý nghĩa quyết định để giải quyết tốt quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Tinh thần đó được nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, có ý thức cộng đồng tôn trọng tình nghĩa, có lối sống văn hóa, quan hệ hài hoà trong gia đình cộng đồng và xã hội.