Đánh giá truyện ngắn dương nghiễm mậu

Dương Nghiễm Mậu là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học miền Nam thời 1954-1975. Khi cuốn truyện Con Sâu được nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng cho ra mắt độc giả năm 1971, thì Dương Nghiễm Mậu đã có một văn nghiệp vững vàng. Nhìn chung thì trong suốt hai thập kỷ 1960-1970, Dương Nghiễm Mậu đã cho xuất bản 13 tập truyện ngắn, từ tập Cũng Đành (Văn Nghệ, 1963) đến tập Tiếng Sáo Người Em Út (Văn Nghệ, ?), và 8 truyện dài từ Gia Tài Người Mẹ (Văn Nghệ, 1964) đến Kẻ Sống Đã Chết (Giao Điểm, 1972). Năm 1972, theo nhà xuất bản Giao Điểm thì Dương Nghiễm Mậu còn có thêm những tác phẩm sắp xuất bản như những truyện dài : Con Mắt Đá Đen, Nuôi Hủi, Trái Nổ Trong Miệng, Đất Máu, một tự truyện : Giọt Nến Hồng và kịch bản : Cái Chết Của Một Lãnh Tụ. Không rõ các tác phẩm vừa kể có được xuất bản kịp thời trước biến cố tháng 4 năm 1975 không.

Qua nhiều truyện ngắn, truyện dài của Dương Nghiễm Mậu, thấp thoáng bóng dáng những người lính trẻ cô đơn, lạc lõng trong một xã hội đầy căng thẳng về mặt chính trị, đạo đức và trong một cuộc chiến dường như không bao giờ chấm dứt. Trong truyện Con Sâu cũng có những người lính trẻ và mối đe dọa của chiến tranh, nhưng người lính và chiến tranh chỉ được dùng để làm nền cho một truyện khác có chiều kích siêu hình.

Tác phẩm Con Sâu phong phú vì có thể được tiếp cận từ nhiều phương diện như nghệ thuật dựng truyện, triết học – có nên đặt vấn đề ảnh hưởng của triết học hiện sinh không ? – tâm lý và phân tâm học. Trước khi lần lượt xét qua những khía cạnh đó, thiết tưởng cũng cần nhắc lại nội dung của truyện.

I Nội dung truyện Con Sâu

Vào đầu truyện là một cảnh nhậu nhẹt giữa năm người bạn : Quảng, Ngưỡng, Thạc, Đức và Lực, trong một quán nước. Không khí có vẻ buồn bã, đôi khi họ văng tục. Quảng vừa tự tử hụt, bị các bạn tra vấn về nguyên do của sự chán đời. Quảng trả lời là vì thất tình, nhưng anh không thuyết phục được ai. Còn Ngưỡng đập nát chai bia trên đầu gối để nói lên sự đau buồn, uất ức về cái chết của Thăng ngoài mặt trận. Qua những độc thoại nội tâm, chân dung của năm người thanh niên được vẽ lên như sau :

Quảng, Ngưỡng và Thạc đều ở trong quân ngũ. Trước khi tòng quân, Ngưỡng là một người con trai hiền lành, mơ mộng, sống với mẹ và em gái. Chiến tranh đã biến Ngưỡng thành một người hung bạo, nhưng sự thật Ngưỡng vẫn là con người đa cảm. Ngưỡng yêu thầm Thảo, em vợ của Đức và mơ ước có một gia đình ấm cúng.

Thạc, cũng như Ngưỡng và Quảng, sống cuộc đời người lính nay đây mai đó. Thạc chỉ còn một người cô mà anh rất thương yêu.

Về phần Quảng, anh đã trải qua một thời gian trong quân lao vì đã nổ súng vào một tên chỉ huy dâm ô để cứu một cô gái. Được Quảng bênh vực, che chở, cô gái đem lòng yêu thương Quảng và muốn lập gia đình với anh. Nhưng tình yêu của cô gái chỉ là một tình yêu đơn phương. Quảng đã lớn lên trong một gia đình tan vỡ. Cha Quảng làm ăn thất bại, lại nữa ông không được trở về quê cũ, ông đâm ra buồn phiền, ngày đêm nằm hút thuốc phiện, trong một căn phòng tối tăm với một ngọn đèn leo lét, ông nằm quay mặt vào tường. Ông thường nhiết mắng mẹ Quảng là thứ đàn bà ngoại tình và cho rằng đứa em của Quảng không phải là con ông. Bà mẹ lẵng lặng bỏ nhà ra đi. Ở quân lao ra, Quảng giải ngũ và đi xin việc làm đây đó.

Đức khác với Ngưỡng, Thạc và Quảng, anh không biết đời lính là gì. Anh có một cuộc sống bình lặng của một người công chức với một gia đình êm ấm. Đức luôn luôn niềm nỡ đón tiếp bạn bè mỗi khi họ có dịp ghé chơi.

Lực lại càng xa vời với các bạn hơn. Anh ta ốm yếu, làm nghề nuôi ngựa trong Hội Kỵ mã. Lực yêu ngựa hơn đàn bà, những con ngựa của anh có tên là Mai Loan, Lệ Thu. Ước mơ của Lực là trở thành dô kề (jockey), người cưỡi ngựa đua ở ngoại quốc. Lực còn một ông chú và bà thím, anh có vẻ mơ hồ khi có ai hỏi đến lai lịch, nguồn gốc của mình.

Như thế, Đức và Lực sống bên lề chiến tranh, Ngưỡng, Thạc và Quảng đại diện cho thế hệ chiến tranh. Qua độc thoại của Đức, Ngưỡng đã nói lên sự chấp nhận định mệnh :

Giọng nhạt thoáng nó (Ngưỡng) nói, đến bọn mình thì chẳng được chọn gì ngoài cái chết. Nó nhập ngũ và sống. Nó không muốn bàn cãi. Chạy trốn, mơ mộng, lẫn tránh ước vọng và khỏa lấp mình. (tr. 66)

Ngưỡng là mẫu người lính miền Nam chịu đựng gian khổ. Khi Đức nói : Ông nào đi lính rồi cũng nhậu nhẹt tung trời, nói tục và ba trợn.

Ngưỡng trả lời :

Đừng nói thế oan cho lính. Một mình tôi thôi cậu ơi. Có điều cậu chưa sống như tôi, cậu chưa đi nhiều như tôi, chưa ăn rắn, nhái, ếch, rùa… chưa phải nhịn đói, ngâm mình dưới sình lầy, ngủ trong rừng mưa… cậu sung sướng đến không phải văng tục. (tr. 63)

Nhưng nhân vật chính là Quảng, chuyện Con Sâu là chuyện của Quảng. Cuốn truyện gồm ba chương, chương đầu gồm độc thoại của năm nhân vật, hai chương sau chủ yếu là độc thoại dài của Quảng. Bạn bè nhận thấy Quảng khó hiểu. Đức nghĩ : Hồi xưa thỉnh thoảng nó còn nói một tí chút, sau này tuyệt nhiên, nó chỉ nghe, làm như nó chẳng có điều gì để nói. (tr. 73).

Thạc thì nhận xét lúc này Quảng lạ ghê, không biết có chuyện gì. Lực nói hồi trong lính Quảng đổi tính. Hay nhăn nhó, nhưng có lần thấy đi với một cô (cô gái chịu ơn Quảng). Còn Ngưỡng kể hồi Quảng còn trong quân ngũ, một đêm gác đồn, thấy cây cỏ lay động bèn quạt hai tràng, nhưng tưởng mình lầm, sáng ra có ba xác chết.

Bây giờ nó ngậm miệng, chừng như nó thấy không còn chuyện gì để nói. (…) Nó giải ngũ trở về mặc áo bỏ ngoài quần, đi học ban đêm, nạp đơn xin việc hai ba chỗ (…). Mày yêu ai chưa. Nó cười cười. Nhiều lúc nó làm tôi phát bực. Cái chó gì mày cũng cười cười. Nó trầm xuống dời xa tôi, nó không còn rủ tôi đi chơi gái nữa (…) Chửi nó, nói tức nó, nó cười cười… (tr. 44-45)

Sự thật có hai con người trong Quảng : con người xã hội và con người thầm kín.

Ngoài xã hội, Quảng làm tròn bổn phận người trai thời chiến, anh giàu lòng thương người và đầy căm phẫn trước hạng người giàu có, ích kỷ. Quảng vốn tính nhút nhát, mặc cảm, có cảm tưởng mình còn nhỏ bé. Nhưng đời sống trong quân ngũ đã làm anh trở nên chín chắn, có lập trường vững vàng ; trước những cảnh bất công, bạo tàn, Quảng phản ứng theo lẽ phải không chút ngần ngại, như khi anh nổ súng vào tên chỉ huy để cứu cô gái. Quảng độc thoại :

Tôi không muốn vậy nhưng nhiều khi tôi hiểu vì sao một người can tội giết người vì nó không thể làm khác. Tôi không phải là thằng hèn. (tr. 90)

Quảng nói với Thạc : Đời sống bẩn lắm mày. Nhiều chuyện đau lòng. Tao đâu nhắm mắt bỏ qua được. Thà chết chứ tao đâu chịu. (tr. 82)

Quảng đau lòng khi nhìn một người ăn mày lê lết trên sàn gạch bẩn thỉu của một quán ăn. Anh bênh vực người nghèo bị người giàu bóc lột và chửi bới hạng người này : Tiên sư ông, ông nhiều tiền lắm hả (…) tao chửi tiên sư những thằng giàu, trong đó có mày, (…) tiên sư những thằng giàu bần tiện… (tr. 162)

Quảng nhìn cuộc sống chung quanh với đôi mắt bi quan :

Địa vị, quyền lợi, tiền bạc, danh vọng và những gì nữa… Cái bọn người ấy sao được gọi là người nhỉ, sống chen chúc, thôi thúc, hớt hải, khổ sở như thế này để làm gì nhỉ, đánh nhau, giết chóc để làm gì nhỉ, cũng là một nguồn hạnh phúc đó sao ? (tr. 170)

Quảng dần dần thu mình vào cõi riêng tư, thầm kín. Anh bị hai ám ảnh giằn vặt : người cha và cái chết.

Hình ảnh người cha nằm quay mặt vào tường luôn ám ảnh Quảng. Ông không bao giờ chuyện trò với người mẹ. Gương mặt nhợt nhạt, đôi mắt hốt hoảng của ông làm Quảng khiếp sợ. Quảng tìm cách giải thích cái thế nằm quay vào tường của cha. Phải chăng do sự thất bại của ông, hay ông muốn nói ông không phải là cha của Quảng ? Rằng ông không có trách nhiệm, hay ông ngoảnh mặt với đời sống ? Quảng không tìm ra một thông điệp nào. Ông nói Quảng hãy tự lo lấy thân, tự xem mình mồ côi, rằng ông hối tiếc đã có con. Ông giáng xuống một câu hỏi đập sâu vào tâm thức của Quảng : Mày định sau này làm gì ? Quảng chới với lặp lại câu hỏi với các bạn : Cậu nghĩ sau này cậu làm gì ? Ngưỡng im lặng. Lực nói muốn nuôi ngựa giống tốt và sau này làm dô kề ở ngoại quốc. Đức muốn làm người chồng, người cha và người công dân tốt. Thạc nghĩ đến đâu hay đó. Những câu trả lời của các bạn không đáp lại mối băn khoăn của Quảng. Quảng lại âm thầm hỏi người cha : Ông định làm gì ? (…) Xưa kia bằng tuổi tôi ông định làm gì ? (tr. 109) Quảng tự hỏi lý tưởng của người cha là gì, ông có những xúc động nào, cái gì đã thúc đẩy tuổi trẻ của ông. Quảng chơi vơi, tự tìm cho mình một điểm tựa, và nhất là tìm nơi người cha một mẫu người, nếu không là lý tưởng thì ít ra cũng có khả năng chỉ đường cho Quảng. Nhưng người cha chẳng những không đáp lại sự mong đợi của Quảng mà ông còn là một bức tường câm, ngăn chặn Quảng với quá khứ, với tuổi thơ. Có nhiều chuyện mập mờ giữa cha mẹ mà trí óc nhỏ dại của Quảng không thấu hiểu được. Sự bất hòa giữa cha mẹ, thái độ hung bạo của cha, sự im lặng của mẹ đã làm cho đứa con đau khổ. Câu hỏi của người cha đột ngột đặt Quảng trước một tương lai mờ mịt, Tôi cũng không biết tôi phải làm gì. Quảng bèn quay nhìn hiện tại, anh đang ở trong quân ngũ, một ngày của đời lính đã diễn ra như thế nào ? Từ sáng đến chiều, cuộc hành quân kham khổ trong nóng bức. Đối với Quảng, mỗi người lính là một con số, những con số đều như nhau, cái tôi có đau khổ, kêu gào đến đâu thì cuối cùng vẫn chỉ là một con số. Cuộc đời càng trống rỗng hơn khi Quảng nhận thấy mình không có tình yêu. Quảng có cảm tưởng mình khác mọi người vì không có những cái bình thường của thiên hạ : gia đình, tình yêu. Quảng cho rằng con người tự nô lệ mình, tự cầm tù mình :… nếu phải sống như thế hết đời mình. Nếu con người sinh ra chỉ để sống như thế, không có gì khác (…). Ai hành con người vậy. Không ai biết. Chính nó. Chính nó làm cai ngục của nó. Chính nó những tham vọng và cố gắng như một hãnh diện vượt thoát khỏi đời sống thú vật để chịu một đời sống thú vật khác. (tr. 115)

Những lo âu, khắc khoải của Quảng là một chuỗi nghi vấn. Trong cuộc hành quân, dưới ánh nắng chói lòa : Mình ngồi đây làm gì ? Chờ. Chờ gì chờ hoài. Đến bữa ăn, thấy thức ăn bẩn thỉu : Làm sao để sống mà không ăn ? Và cuộc sống đơn điệu trong quân ngũ được diễn đạt qua sự lặp lại của những cụm từ Lần thứ mấy…, Lần thứ bao nhiêu… :

Lần thứ mấy thay đổi những khoảnh đất vuông vắn được rào lại, những dãy nhà, những chiếc sạp (…). Lần thứ mấy những khuôn mặt thoáng qua cùng những bài học luân lý, những răn dạy như lời hăm dọa, những kể lể huênh hoang (…). Lần thứ bao nhiêu nằm bên những người xa lạ, giấc ngủ chập chờn với chiếc ví tiền giấu trong ngực áo, chiếc khăn mặt luồn dưới chiếu, đôi giầy gối lên đầu, gói quần áo cột vào chân… Lần thứ bao nhiêu… và mỗi lúc bước chân một dời xa căn nhà cũ, con đường xưa, thành phố ấy để rồi tới đâu… Những gì đợi ở cuối đường kia (…)

Sự mệt mỏi, rã rời của người lính :

Nắng chói chang trên khoảng sân gồ ghề… Rồi tới đâu nữa. Những nét mặt bơ phờ, những thoáng nhìn ngỡ ngàng (…) Tìm gì ở đây. Tới đây làm gì, những vô lý chồng chất. (tr. 118)

Và Quảng nhìn những người phế binh : Tới đây để biến thành những thân hình ấy ?

Khi chiều xuống chấm dứt một ngày của lính : Bóng chiều ngả xuống, bên kia hàng rào kẽm gai cao nhiều tầng, phía ngoài một bãi cỏ trống hoang, khói lên từ mái nhà của trại gia binh, ba bốn đứa nhỏ, một cánh diều giấy là là ngang ngọn cây, cánh diều của một tuổi thơ vàng son huy hoàng còn chăng trong tâm tưởng. (tr. 121)

Hàng rào kẽm gai biểu tượng cho sự ngăn cách giữa hai thế giới : bên trong là chiến tranh, ngục tù, bên ngoài là thanh bình, tự do, và sự ngăn cách về thời gian, giữa tuổi của người lính đã từng nếm đắng cay của cuộc đời và tuổi của trẻ thơ còn vô tội.

Vậy là hình ảnh của người cha và câu hỏi của ông đã đẩy Quảng vào những trăn trở về thân phận của mình. Và Quảng rơi vào mối ám ảnh thứ hai : cái chết.

Chẳng những Quảng có cái nhìn yếm thế, tiêu cực về cuộc đời, Quảng còn bị một tâm bệnh : bệnh khó sống, khó hiện hữu trên đời. Trước hết là một cảm giác lạc lõng : Tôi trôi nổi mơ hồ… (tr. 124) Tôi không biết gì về tôi. (tr.145)

Quảng cố nhớ những người xung quanh nhìn mình như thế nào :

… cha tôi không quên tôi là một người con hư hỏng bỏ đi, những thằng bạn tôi thấy tôi là một con gà chết, mẹ tôi thấy tôi là một thằng con nhút nhát, bất lực, và các em tôi nhìn tôi như một tên điên khùng không chừng… Còn tôi, tôi nhìn thấy tôi như một con sâu. (tr. 126)

Ở trang 152, Quảng lặp lại : Tôi chỉ là một con sâu.

Quảng lạc lõng, không biết chỗ đứng của mình trong vũ trụ và không có hướng đi. Có lúc Quảng từ chối nguồn gốc của mình, muốn sống trong một gia đình khác, từ chối cái tôi của mình. Sao tôi không là một người khác. Tệ hơn nữa Quảng từ chối sự hiện hữu trên đời này bằng cách không muốn làm người, tự cảm thấy mình dư thừa và Quảng thụ động, tự để mình buông trôi :

Tôi sống với những gì đến đó. Người ta kéo tôi đến đâu tôi sống vậy. Có lúc tôi nghĩ nếu tôi không sinh làm người tôi cũng vậy mà thôi. Nhập ngũ, đánh giặc, người ta nói tới những bổn phận, tôi vác súng ra trận và bắn như người ta nhắm tôi bắn vậy. Nhưng chắc người ta khác tôi, người ta cầm súng bắn với những mục đích, những mưu toan, mơ ước khác tôi. Nếu không có trận giặc tôi cũng vậy, có rồi tôi cũng vậy. (tr. 92-93)

Tất cả bi đát của đời Quảng có thể được tóm tắt qua câu hỏi : Tôi sinh ra để làm gì ? Sau khi giải ngũ, bệnh khó sống của Quảng càng trở nên trầm trọng hơn. Chương II và chương III là những độc thoại dài cho thấy tâm trạng của Quảng qua hai ngày khủng hoảng siêu hình để kết thúc bằng một cơn hoang tưởng. Trọn chương II, Quảng ngẫm đi ngẫm lại vụ tự tử hụt của mình. Khởi đầu Quảng tự hỏi tại sao mình hành động như thế, hình ảnh cây cầu sắt, nơi Quảng gieo mình xuống sông, trở đi trở lại trong độc thoại đến mười lần, như một hình ảnh chủ đạo, biểu tượng cho sự ám ảnh của cái chết. Quảng cảm thấy bất lực, không giải thích được hành vi của mình. Quảng ôn lại suốt ngày hôm đó đã làm gì từ sáng đến tối, chính vào lúc tối xảy ra vụ tự tử. Ngày thứ hai của cuộc khủng hoảng, trong chương III, được diễn ra như sau. Buổi sáng thức dậy, Quảng nhớ là đã nộp nhiều đơn xin việc làm. Quảng chờ đợi một cái gì xảy đến để thay đổi đời mình. Thình lình lại nghĩ đến người cha, người mẹ, nghĩ đến sự giả dối trong xã hội, đến con người ngày nay khác với thời xưa. Quảng bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường Có lẽ mình đang biến giống rồi đây. Quảng đến tìm Lực, Lực đi vắng. Khi ra khỏi Câu lạc bộ Kỵ mã, Quảng đâm ra sợ, không biết đi đâu, làm gì, bèn đến nằm trên một ghế đá. Một thằng bé lân la đến làm quen, nó mách với Quảng vừa có một vụ tự tử gần đấy. Suốt ngày khủng hoảng đó, lời nói, cử chỉ của Quảng đều có tính hung bạo và quá mức. Nhiều lần Quảng tự hỏi mình có điên không. Sau đó Quảng đến văn phòng Đức, Đức lo lắng : Sao trông cậu như người mất hồn vậy. Đức đưa Quảng về nhà ăn trưa, trên đường Đức nói Quảng có con sán trong đầu. Ý nghĩ đó làm Quảng nôn mửa dữ dội khi về đến ngõ. Sau khi từ giã Đức, Quảng đi lang thang dưới trời nắng oi bức và đến ngồi trước hiên một cửa hàng đang đóng cửa. Thình lình một người điên xuất hiện, đối thoại giữa Quảng và người điên. Người điên nghe Quảng nói không có cha mẹ bèn hỏi : Thế chó đẻ ra à ? Bị xúc phạm, Quảng đá vào mặt người điên, rồi xin lỗi và mời hút thuốc. Dần dần Quảng phát điên và chìm vào một cơn hoang tưởng, tức tình trạng của một người mất quan hệ bình thường với thực tại, ăn nói như mê sảng : Tôi lao đầu chạy theo, tôi nghe như cả một không khí náo động, chừng như một thế giới ma quái nào bỗng nhiên thành hình, chừng như mọi vật đều thay màu, biến dạng, chừng như ma quỷ đã xuất hiện (…). Tôi la lên và lao đầu chạy, tôi nghe như vô vàn những tiếng la thét cùng cất lên, không khí đầy tiếng vang nhức nhối… Thế giới đã đổi khác rồi đó sao, tôi đã tiến vào một cõi nào… (tr. 198)

Ở đây, cơn hoang tưởng cũng có thể là một giấc mơ, Quảng có thể ngủ vật vờ đâu đó ngoài đường và nằm mơ thấy những huyễn tưởng, tức những sự tưởng tượng theo đó cái tôi tìm cách thoát khỏi sự chi phối của thực tại. Quảng thấy mình tỉnh dậy trên một bãi cỏ, một người thanh niên ở bên cạnh, và gần đấy có một ngôi nhà. Người thanh niên đề nghị đưa Quảng đi viếng vườn và nhà. Quảng được biết xưa kia có một con sông chảy ngang qua nhà, và ngôi nhà cổ này được xây cất một cách khó khăn. Một người đàn bà mang thai đã chết trong đó. Khi ngôi nhà không có ai ở thì có tiếng một người đàn bà chơi đùa với một đứa trẻ. Lúc trời tối, người thanh niên và Quảng ở trong ngôi nhà, Quảng than : Người ta sinh ra để làm gì ? Sống để làm gì ? Chết để làm gì ? (tr.215). Người thanh niên đưa cho Quảng một gói thuốc giết sâu bọ và bảo Quảng uống đi. Và Quảng chết trong cơn hoang tưởng.

Chủ đề chết hiển hiện trong khắp tác phẩm. Cái chết được xem như sự chấm dứt của bao khắc khoải và sau đó là hư vô. Quảng nhớ đến Ngưỡng : Rồi mày cũng chết con ạ… Rồi tao và cả chúng mày nữa cũng chỉ còn lại là một chút bụi vàng và hư không. (tr. 185)

Nhưng trước khi chết, thân xác được Quảng nhận thức như thế nào ? Quảng có cái nhìn bi quan về thân xác con người, thân xác mất hết giá trị bản thể, thiêng liêng của nó, và bị hạ xuống cái chức năng tiêu hóa, sinh lý : Ăn chỉ còn là hành động để cho đầy dạ dày. Hồi vừa nhập ngũ, nghe một tên cán bộ ví cái miệng là cái cối xay cứt đã khiến tôi nổi nóng, nhưng rồi từ đó, vâng từ đó, có lúc tôi đã nhận ra có phần đúng. (tr. 133)

… người đàn bà, con gái trong cái nhìn giống đực chỉ còn mỗi cái lỗ tròn, đôi vú với dáng điệu cách thế bỏ ngỏ như một đồ vật cần dùng… Từ đó đến nay tôi đã đánh mất đi bao nhiêu ảo tưởng, để chỉ còn lại thực tế. (tr. 133-134)

Dưới mắt Quảng có thân xác tàn tật của người ăn mày, thân xác tàn phế của người thương binh, thân xác tan nát của người lính tự tử trong kho súng. Ngay cả những người lính đang sống, đang hoạt động, thân xác của họ bị Quảng xem như những cái chết được tạm trì hoãn :

… Ở đó cũng có những người cha vô danh, người mẹ vô danh, dù vậy đứa con vẫn có một cái tên, một con số được khắc sâu vào miếng kẽm, xỏ vào một sợi dây, mắc ở cổ, lủng lẳng nơi ngực, nơi đó cũng có thể có tượng phật, tượng chúa, thìa khóa, cái cắt móng tay… Cái chùm kim khí đó như tấm mộ bia, khác chăng nó không cắm trên một nấm đất, một mớ xương mà ở trên một nấm mồ sống, còn da thịt nóng, còn hơi thở, nhưng ở đó cũng chôn giấu những dĩ vãng được khơi dậy hay đã lãng quên mù tăm… Có điều chắc chắn những nấm mồ đó đang lo âu cho những ngày tới của nó, những lo âu dời đổi qua những nghĩa trang… Những gã đào huyệt tội nghiệp… và sau chót sẽ đến một nghĩa trang vĩnh viễn, tiêu tan trong đó như một cụm bụi vàng… (tr. 116)

Ngoài hình ảnh cây cầu sắt đã nói ở trên, dấu hiệu của sự chết bàng bạc trong truyện. Ngưỡng và Thạc đều có bạn đã tử trận. Khi Quảng và Ngưỡng cùng đi bên nhau, mỗi người đang suy nghĩ lan man về câu hỏi « Sau này sẽ làm gì ? » thì có tiếng chuông nhà thờ vang lên, Ngưỡng nói có người chết vì đó là tiếng chuông báo tử. Quảng liền tự hỏi tại sao sau này mình không là một gã đào huyệt. Trong căn nhà của quân đội, có những dãy giường hai tầng, Quảng nhìn những chiếc màn màu chàm phủ điều vuông vắn như những chiếc quan tài ngoại khổ. (tr. 136)

Hình ảnh của xác chết cũng lảng vảng nhiều trong truyện : thời kỳ Ngưỡng ở ngoài hải đăng được nghe tả nhiều xác chết sình thối ; còn Quảng ngồi cạnh người cha có cảm tưởng mình đang canh một xác chết, người bạn Thạnh nằm ngủ cũng giống một xác chết.

Điều đáng chú ý nhất là vấn đề tự tử. Đầu truyện là vụ tự tử hụt của Quảng, cuối truyện Quảng tự tử trong cơn hoang tưởng. Trong truyện cũng có những vụ tự tử do Quảng mục kích hay nghe kể lại. Tự tử là hành vi cuối cùng để chấm dứt những khắc khoải siêu hình.

II Cách tân nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết

Tác phẩm Con Sâu là một cố gắng của Dương Nghiễm Mậu để làm mới nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết. Trong khi phần đông các tác giả vẫn còn kể truyện theo lối truyền thống, thì Dương Nghiễm Mậu, trong truyện Con Sâu, đã không ngần ngại dùng độc thoại nội tâm từ đầu đến cuối truyện. Hẳn tác giả đã dùng độc thoại đây đó trong các tác phẩm trước, như trong Gia tài người mẹ chẳng hạn, xuất bản năm 1964. Nhưng chưa bao giờ Dương Nghiễm Mậu dùng kỹ thuật độc thoại nội tâm một cách triệt để như trong truyện Con Sâu. Mở đầu truyện, có tới năm độc thoại của năm nhân vật xen kẽ nhau. Người đọc có thể bỡ ngỡ khi phải đi từ độc thoại này qua độc thoại khác, và nếu thiếu kiên nhẫn có thể bỏ ngang việc đọc. Phải nói trong truyện Con Sâu, vai trò của người đọc cần phải tích cực. Annie Saumont, nhà văn nữ Pháp nổi tiếng về thể loại truyện ngắn, đặc biệt truyện rất ngắn, đã yêu cầu người đọc hãy cùng bà xây dựng truyện, nghĩa là trí óc của người đọc phải luôn luôn thức tỉnh, không bỏ qua một chữ nào, một chi tiết nào để thấu triệt cốt truyện. Với truyện Con Sâu, người đọc cũng cần có những cố gắng tương tự. Không thể đọc truyện Con sâu một cách thụ động, mà trái lại phải nhập vào thế giới riêng tư của các nhân vật, đặc biệt phải theo dõi tư duy, tình cảm của nhân vật chính là Quảng. Việc đọc lúc đầu không dễ, cần phải đi xa hơn trong truyện mới từ từ nhận dạng được mỗi nhân vật.

Độc thoại nội tâm là một lối viết hãy còn mới ở miền Nam vào những thập kỷ 60-70 ; thật ra, cũng vào thời đó nó đã trở nên thông thường ở Tây phương. Phải đi lùi thời gian mới biết người đầu tiên dùng độc thoại nội tâm là một nhà văn Pháp, Edouard Dujardin. Năm 1887, Edouard Dujardin đã dùng hình thức mới này để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông : Les lauriers sont coupés (Hoa trúc đào đã bị cắt trụi). Nhưng tiểu thuyết này không được chú ý. Phải chờ đến năm 1922, khi nhà văn Ai Len James Joyce cho ra một tác phẩm lừng danh : Ulysse, để độc thoại nội tâm được xem như một lối kể truyện mới mẻ. Lần lượt các nhà văn tên tuổi khác cũng dùng kỹ thuật này, như Virginia Woolf với tác phẩm Mrs Dalloway, hay William Faulkner với tác phẩm The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồn nộ), v.v…

Độc thoại nội tâm là cái hình thức văn chương nắm bắt thời hiện tại của con người trong một ngôn ngữ chưa thành hình, đang nảy sinh không ngừng từ đáy sâu của tâm thức, ngôn ngữ đó luôn luôn trà trộn những kỷ niệm, mơ mộng, dự tính, cảm giác, nó là cái chuỗi liên tục của cái được gọi là dòng tâm thức (tiếng Anh : stream of consciousness, tiếng Pháp : le flux de conscience). Dòng tâm thức được dùng làm vật liệu cho độc thoại nội tâm, những hồi tưởng, những liên tưởng bất ngờ thay thế cho việc kể truyện có thứ tự. Nhà văn đưa người đọc vào ngay cái dòng tâm thức của nhân vật. Độc thoại của nhân vật là cái dòng thác liên miên của từ ngữ và hình ảnh, trong đó có khi người đọc khó theo dõi cốt truyện, cho nên tài năng của tác giả là làm thế nào để người đọc hiểu được truyện qua những sự kiện dồn dập và có vẻ lộn xộn của dòng tâm thức. Về điểm này, James Joyce là bậc thầy, vào cuối truyện Ulysse, cái dòng tâm thức của nhân vật Mrs Bloom, trong khi bà nằm chờ giấc ngủ, trải dài trong khoảng bốn mươi nghìn chữ không chấm phết.

Trở lại Dương Nghiễm Mậu, tác giả không hoàn toàn theo độc thoại nội tâm của Tây phương, chẳng hạn bằng cách bỏ chấm phết để cái dòng tâm thức của nhân vật được tự do thao thao bất tuyệt. Câu văn của ông được cấu trúc hẳn hòi như trong một văn bản bình thường. Độc thoại nội tâm của Dương Nghiễm Mậu đúng hơn ở ngay trong cách suy nghĩ chủ quan, thầm kín của nhân vật, và ở ngay trong cách nối tiếp chuyện này qua chuyện kia theo lối hồi tưởng và liên tưởng. Chẳng hạn khi đứng trên cầu, nhìn đầu điếu thuốc đỏ cháy, Quảng liên tưởng đến đôi mắt đỏ ngầu vì dục tình của tên chỉ huy, rồi Quảng nhớ đến cái ngày xảy ra chuyện đó, một ngày hành quân gian lao dưới cái nắng oi bức, đi qua một miền quê, Quảng nhớ lan man đến người cha, chắc đây là quê ông, nơi ông muốn trở về, rồi trở lại cái cảnh tàn bạo của tên dâm đảng, v. v… Kỹ thuật dựng truyện của Dương Nghiễm Mậu có nhiều đặc điểm.

Thứ nhất : tác giả đã chọn hình thức độc thoại nội tâm rất thích hợp để biểu hiện những ám ảnh và cơn khủng hoảng tinh thần của nhân vật. Độc thoại cũng dễ dàng biến thành ảo ngôn, thành những lời mê sảng của nhân vật.

Thứ hai : trong cách xếp đặt độc thoại, vào đầu truyện, tác giả lắp ghép nhiều độc thoại khác nhau, người đọc đi từ độc thoại này qua độc thoại khác, và bắt đầu làm quen với các nhân vật, nhận dạng mỗi nhân vật theo tính tình, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống của họ. Khi chân dung của Quảng đã được vẽ lên qua những độc thoại của bạn bè, thì tác giả đưa người đọc trực tiếp vào cái dòng tâm thức của Quảng, qua những độc thoại dài của nhân vật này. Đôi khi tác giả xen kẽ độc thoại với đối thoại, xen kẽ độc thoại với hình thức tự sự, nhưng không gây khó khăn cho việc đọc vì cốt truyện vẫn tiếp diễn.

Thứ ba là cách xây dựng nhân vật. Dưới ngòi bút của Dương Nghiễm Mậu, các nhân vật là những con rối mà tác giả điều khiển, sắp đặt và làm cho linh hoạt. Mỗi nhân vật là một thế giới riêng tư, chân dung và lối sống của nhân vật này được nhân vật khác miêu tả. Có khi tác giả chuyển từ nhân vật này qua nhân vật khác một cách đột ngột. Ví dụ ở trang 66, trong độc thoại của Đức, Đức đang nghĩ tới Lực với những chuyện bông đùa về trai thiếu gái thừa, bỗng nhiên Đức bắt qua một người khác và gọi là nó, đọc thêm vài câu mới biết nó là Ngưỡng. Ngoài ra, chỉ cần một chi tiết nhỏ cũng đủ vẽ lên một nét đậm đà trong sự miêu tả nhân vật. Chẳng hạn để diễn tả sự xúc động mãnh liệt của nhân vật Ngưỡng là một người đa cảm, tác giả chỉ viết gọn gàng : Giọng Ngưỡng lạc đi. Hoặc chỉ đôi mắt của người con gái cũng đủ gợi lên một cuộc sống thanh bình ở thôn quê :

Đôi mắt trong xanh nhìn lên. Đôi mắt mang hình ảnh những cánh đồng rộng hiền hòa, những cánh rừng dừa bạt ngàn, những kinh rạch trong mát không bao giờ cạn nước… (tr. 102)

Thứ tư là ý nghĩa của đồ vật trong dòng tâm thức của nhân vật. Ví dụ chi tiết cái ông bơ. Trong độc thoại của Quảng, khi Quảng đi bên cạnh Ngưỡng, và đang suy nghĩ về câu hỏi của người cha đã ám ảnh Quảng : Mày định sau này làm gì ? Quảng lặp lại câu hỏi với Ngưỡng : Cậu nghĩ sau này cậu sẽ làm gì ?

Ngưỡng lặng im một lúc, rồi ngừng lại nhìn tôi lặng lẽ, một lúc Ngưỡng lại cúi xuống tiếp tục bước. Một ống bơ nằm im. Ngưỡng giơ chân đá bung xuống mặt đường lăn đi rất xa. (tr. 107-108)

Rồi Quảng tiếp tục nghĩ đến câu trả lời của các bạn khác… thì : Tiếng chiếc xe vút qua, chiếc ông bơ bẹp xuống đường gây một tiếng động mạnh. Ngưỡng ở trước mặt tôi đang cúi xuống chiếc máy nước… (tr. 110)

Ống bơ xuất hiện trên mặt đường, lúc đầu nằm im lìm, rồi bị Ngưỡng đá lăn xa, một lát sau bị một chiếc xe chạy qua cán bẹp. Sự hiện diện của ống bơ, một đồ vật không đáng kể, được tác giả gợi lên hai lần, có tác dụng nói lên sự trôi qua của thời gian trong dòng tâm thức của Quảng. Tác dụng thứ hai là giá trị biểu tượng của cái ống bơ : thân phận của những người trai ở thời chiến, tức thân phận của Ngưỡng, cũng như cái ống bơ : bị đá lăn lóc đây đó, rồi bị cái guồng máy chiến tranh nghiền nát. Có thể xem biểu tượng này như một lời đáp của Ngưỡng với câu hỏi của Quảng.

Đặc điểm cuối cùng là việc dùng hồi tưởng và liên tưởng để nuôi dưỡng dòng tâm thức như đã nói trên.

III Truyện Con Sâu và triết học hiện sinh

Trong truyện Con Sâu, Dương Nghiễm Mậu thăm dò chiều sâu tâm lý của nhân vật, để nêu lên những khắc khoải về cuộc sống trên đời này, nêu lên sự hiện hữu dư thừa, vô lý, và có cả chứng buồn nôn, khiến người đọc liên tưởng đến triết học hiện sinh của Jean-Paul Sartre. Có đúng là Dương Nghiễm Mậu dùng thuyết hiện sinh cho truyện của ông không ?

Ở Pháp, sau thế chiến thứ hai, trong một bầu không khí buồn tẻ, trống trải, bỗng triết học hiện sinh của Sartre xuất hiện và được giới trí thức trẻ nhiệt liệt hưởng ứng. Theo Sartre, Hiện sinh có trước bản tính. Cây bút tôi đang cầm để viết, trước khi nó thành cây bút, nó đã được quan niệm là bút, đã được dự tính trước khi thành một đồ vật. Còn tôi, một con người, tôi hiện hữu vậy thôi, tôi không phải là kết quả của một dự án. Sartre cho rằng sự hiện hữu của con người là một sự ngẫu nhiên, vô cớ, phi lý. Con người bị đày phải tự do, một khi bị ném vào đời, con người chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm ra. Con người tự làm nên mình, tự tạo nên ý nghĩa của đời mình. Triết học hiện sinh của Sartre là một triết học hiện sinh vô thần, theo đó con người không do Thượng đế tạo nên, và sau cái chết không còn gì nữa. Ở Pháp, triết học hiện sinh của Sartre đã trở nên lừng danh và gây nhiều tranh cãi. Kể từ những năm 60 về sau, triết học này đã bị trào lưu cấu trúc luận phản bác, và bị phê phán là một ảo tưởng có tính chủ quan.

Ở Việt Nam, vào những thập niên 50-60, một số giáo sư trẻ tốt nghiệp về môn triết ở Pháp và Bỉ trở về nước giảng dạy triết học hiện sinh. Trong tâm trạng hoang mang trước một tương lai mờ mịt, trước sự đe dọa của chiến tranh, giới trí thức trẻ, đặc biệt giới sinh viên ở miền Nam thời đó hân hoan đón nhận triết học hiện sinh như một giải đáp phần nào cho những khắc khoải của họ. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nhiều người đã dùng danh nghĩa hiện sinh như một thứ ngôn ngữ thời thượng, làm dáng, và có khi họ hiểu rất mập mờ triết thuyết này.

Trong truyện Con Sâu có những chi tiết nhắc nhở đến cuốn La Nausée (Buồn Nôn) của Sartre, như sự hiện hữu dư thừa, vô lý, hư vô, điên, buồn nôn, con sâu. Nếu so sánh Quảng với nhân vật Roquentin của cuốn La Nausée, thì hai nhân vật giống nhau ở điểm là cả hai đều sống cô độc, có nhiều khắc khoải, dằn vặt và cả hai tự cảm thấy dư thừa.

Roquentin có những trải nghiệm siêu hình khiến cái nhìn về sự vật của anh ta, như cái rể cây, hòn đá cuội v.v… đã biến đổi. Trong công viên, Roquentin thấy mọi vật đều dư thừa và chính Roquentin cũng tự cảm thấy dư thừa. Anh ta tự hỏi mình có điên không. Khi nhìn những sự vật mà ý nghĩa hoàn toàn đổi mới, Roquentin bị chứng buồn nôn.

Về phần Quảng, Quảng cũng cảm thấy mình dư thừa : Có lúc tôi nghĩ nếu tôi không sinh làm người tôi cũng vậy mà thôi (…) Nếu không có trận giặc tôi cũng vậy, có rồi tôi cũng vậy. (tr. 92-93) Nhưng nếu chúng ta đi sâu vào tâm lý của Quảng thì cảm tưởng dư thừa chỉ có đối với gia đình, với xã hội và với bản thân của Quảng, chứ không do một trải nghiệm siêu hình có tính lý thuyết như Roquentin. Trong gia đình, cha Quảng nói Quảng phải tự lo cho thân và phải tự coi như đã mồ côi, mẹ Quảng bỏ đi. Ngoài xã hội Quảng cũng cảm thấy dư thừa, không ai cần đến Quảng : Trong đời sống, giữa mọi người tôi có hay không cũng được. (tr. 168) Và Quảng nôn mửa chỉ vì Đức nói trong đầu Quảng có con sán. Quảng cũng có những trăn trở siêu hình, nhưng như chúng ta sẽ thấy sau, những trăn trở của Quảng thu hẹp vào sự hiện hữu của mình qua người mẹ là kẻ đã cho Quảng chào đời, tức thu hẹp vào hoàn cảnh của một cá nhân đi tìm lý do sự hiện diện của mình trên đời. Quảng loay hoay với những băn khoăn, ray rứt của mình một cách tuyệt vọng để cuối cùng rơi vào một tình trạng hoang tưởng, đến mức tự hỏi mình có điên hay không. Còn những trải nghiệm siêu hình của Roquentin có những chiều kích trí thức, có thể mở rộng cho con người nói chung ; thoạt đầu Roquentin cũng tưởng mình điên, nhưng sau anh ta nhận thấy mình không điên. Roquentin đã đi đến tận cùng trong trải nghiệm của mình bằng một khám phá cơ bản : cuối cùng có thể tìm được một giải thoát cho sự hiện hữu phi lý, đó là sự sáng tạo nghệ thuật.

Về cái tên con sâu – Quảng tự cho mình là một con sâu – nhưng đây không phải là con sâu trong L’Être et le Néant (Hữu Thể và Hư Vô) của Sartre, hình ảnh con sâu của Sartre biểu hiện cho cái phần hư vô nằm trong hữu thể, là cái khoảng trống ở giữa cái sự lấp đầy. Còn con sâu theo nghĩa của Quảng có phải là loài sâu bọ không đáng kể chăng, trong cái nghĩa có cũng được mà không cũng được ?

Tóm lại, ảnh hưởng của triết học hiện sinh trong truyện Con Sâu chỉ ở trong cái cảm tưởng của nhân vật Quảng rằng sự hiện hữu của mình trên đời là vô lý, là dư thừa. Cơn điên của Quảng không giống cảm tưởng điên của Roquentin, và chuyện Quảng nôn mửa chỉ là cú sốc do nhận xét của Đức.

IV Truyện Con Sâu nhìn từ góc độ phân tâm học

Trong ám ảnh của Quảng về cái chết, điều đáng chú ý nhất là ý muốn tự tử. Pierre Moron, tác giả một biên khảo về vấn đề tự tử, nhắc rằng về phương diện phân tâm học, người tự tử là một người sống cô độc, có hành vi tự tử khi hoàn cảnh sống của mình bị vỡ tung, khi cuộc đời không còn trọn vẹn nữa, nghĩa là thiếu tính tổng thể, và tổng thể mà người tự tử muốn đạt đến là tha nhân. Có thể nói tự tử là phản ứng cuối cùng của một người sống cô lập để tìm lại mối liên hệ đã bị vỡ tung, cho dù có phải tự tiêu diệt mình. Có phải đây là trường hợp của nhân vật Quảng không ? Quảng có đi tìm kiếm một mối liên hệ đã vỡ tung, một sự trao đổi với tha nhân không ? Và tha nhân đó là ai ? Điều này dẫn chúng ta vào lĩnh vực phân tâm học.

Như đã nói, tâm bệnh của Quảng là bệnh khó sống. Không phải chiến tranh, đời sống gian khổ trong quân ngũ hay những cảnh bất công trong xã hội đã khiến Quảng muốn chấm dứt đời mình. Quảng có thừa can đảm để đối phó với những thực trạng khó khăn. Lý do sâu xa ở ngay trong hoàn cảnh gia đình của Quảng, hay đúng hơn ở nơi người mẹ. Ám ảnh về người cha đã dẫn đến ám ảnh về người mẹ, và ám ảnh này sâu xa hơn, quyết liệt hơn. Những khắc khoải siêu hình làm lung lay sự hiện hữu của Quảng ở trên đời là do sự hoài nghi về người mẹ, sự bất lực để hiểu sự thật về người mẹ. Người mẹ đã sinh ra Quảng, và Quảng trăn trở : Tôi sinh ra để làm gì ? Truyện Con Sâu là chuyện tìm kiếm hình ảnh một người mẹ đã bị những lời nhục mạ của người cha làm cho hoen ố.

Trong các độc thoại dài của Quảng, hình ảnh cha mẹ, hoàn cảnh gia đình tan vỡ thường trở đi trở lại như một ám ảnh sâu đậm. Khi nghe bạn bè nhắc đến cha mẹ của họ, Quảng nghĩ : Còn tôi, có đó chứ nhưng tôi có cũng như không, thà như Lực (Lực tuyên bố không cha không mẹ), thà như một vật bỗng thấy mình có đó… (tr. 126)

Trong khi Ngưỡng yêu thầm Thảo và mơ có một gia đình ấm cúng, thì Quảng hoàn toàn dửng dưng trước tình yêu của một người con gái, Quảng không tài nào biết được hạnh phúc của yêu đương vì :

Tôi không xóa được bức màn đen căng lên cuộc sống, bức màn đen phủ lên cảnh vật. (tr. 102) Tôi cảm thấy tôi đui mù hay như kẻ sáng lần qua con đường hầm sâu tối mịt mù… (tr. 122)

Bức màn đen hay đường hầm sâu tối mịt mù là sự ngăn cản của vô thức, vô thức không cho Quảng đi xa hơn để biết tình yêu của nữ giới vì người mẹ biểu tượng cho nữ giới là một bí ẩn, khó hiểu. Quảng bị những lời nguyền rủa của người cha đeo đuổi và tự hỏi : Mẹ tôi đã ngoại tình sao ? (tr. 97)

Có phải đứa em sau chót đó không phải là con của cha tôi. Bằng chứng nào về điều đó. Với hơn bốn mươi tuổi đầu mẹ tôi vẫn còn những thèm khát tình ái nữa sao ? Như thế nào là đủ cho một người đàn bà. Cha tôi đã bất lực sao, thuốc phiện đã khiến ông hao sức lực rồi sao ? Sao tôi không quên đi những điều hết sức kỳ cục đó. (tr. 154)

Người phụ nữ ngự trị trong tâm hồn Quảng có hai bộ mặt : người đàn bà phản bội và người mẹ thương con. Thời gian Quảng ở trong quân lao, một người bạn tù đề nghị xâm một hình vẽ trên cánh tay Quảng, vì Quảng không biết chọn hình gì, người đó bèn xâm hình một con rắn thè lưỡi, vẻ ác độc. Sau đó anh ta đưa cho Quảng xem trên lưng anh ta hình một con rắn bị chặt nhiều khúc. Anh ta giải thích bị tình phụ và dọa sẽ giết người tình tuổi con rắn. Anh ta nói hình con rắn sẽ làm Quảng nhớ rằng bọn đàn bà nó khốn nạn lắm. Thế là vô tình Quảng mang trên tay cái biểu tượng của người đàn bà phản bội. Cái chết của người lính trong kho súng cũng vì lý do có người vợ dâm ô. Và khi gặp người điên Quảng tự hỏi tại sao anh ta điên. Một trong những lý do Quảng tưởng tượng là : Vợ hắn theo trai. Trong thâm tâm Quảng, người phụ nữ phản bội cũng là người mẹ của Quảng : mẹ đã phản bội cha.

Nhưng hình ảnh người mẹ thương con vẫn mạnh hơn. Người mẹ thương con có thể là một người phụ nữ thiếu đức hạnh, như trong cuốn phim mà Quảng đã xem cái ngày Quảng gieo mình xuống sông. Cuốn phim kể chuyện một cô gái điếm rất thương con. Quảng cũng nghe kể chuyện một người mẹ có con đi lính, vì quá thương con, sợ con chết, bà cầu mong con mình bị cụt tay cụt chân để có thể còn sống mà trở về với bà. Một gương khác về tình mẫu tử là tình thương của người mẹ của Ngưỡng, ngày đêm bà sống trong lo âu vì đứa con trai của bà ở trong cảnh vào sinh ra tử. Dấu hiệu đẹp nhất của người mẹ hiện ra trong cơn hoang tưởng của Quảng là tiếng hát của người mẹ khi đùa giỡn với đứa con trong căn nhà huyễn tưởng trống vắng ở cuối truyện, có lẽ đây là hồn của người đàn bà mang thai đã chết trong căn nhà đó.

Trong cơn mê sảng, Quảng thình lình đổi giọng : Quảng không nói tôi mà nói con : … Con cũng không biết làm sao con đã có… Có để làm gì. (tr. 202). Rồi Quảng trở lại nói tôi : Thôi rồi, một sự thật chẳng bao giờ tôi tìm kiếm thấy… (…), nào tôi còn biết gì trong những gán gấp những nhận chịu từ những người khác đưa đến, những tiếng nói, những cái nhìn bao phủ, những tiếng nói như một chống đối, mà nào tôi còn gì trong thế giới này. Mẹ ơi, mẹ ơi… (tr. 203)

Một lời thú về sự bất lực trong việc tìm hiểu sự thật, và lời thú kết thúc bằng tiếng kêu cầu cứu với người mẹ.

Trong truyện Con Sâu có hai biểu tượng về người mẹ : nước và ngôi nhà. Nhà triết học Gaston Bachelard phân loại trí tưởng tượng theo các nguyên tố trong vũ trụ : nước, lửa, không khí và đất. Trong truyện Con Sâu, trí tưởng tượng của Dương Nghiễm Mậu thuộc về nước. Đầu truyện, Quảng gieo mình xuống sông, cuối truyện cũng có một con sông chảy qua ngôi nhà huyễn tưởng. Trong khi người điên nói ba hoa thì Quảng trong cơn hoang tưởng, mơ màng : Tôi nhảy xuống dòng sông, không một bóng người nào, nước gì trong quá trời vậy, bóng mây dưới đáy nước, hai bờ sông những cỏ xanh mọc cao trông ngọt ngào êm ả, tôi trôi trên đó dịu dàng phơi phới, tiếng suối đổ từ một nơi nào đó nghe êm đềm (…). Trong dòng nước đó tôi thấy tôi tan đi, tan đi siêu thoát. (tr. 197)

Theo Bachelard, nước là một nguyên tố có nữ tính. Có nhiều thứ nước : nước trong suốt, nước mùa xuân, nước trôi chảy, nước tù hãm. Có thứ nước mà Bachelard gọi là nước của người mẹ, của người nữ ; đặc tính của thứ nước này là ru. Khi Quảng nói : Tôi trôi trên đó dịu dàng phơi phới, Quảng đã được ru, được mẹ ru. Và nếu vào đầu truyện Quảng đã nhảy xuống sông để chết, đó cũng là một cách đi tìm người mẹ.

Mặt khác, Bachelard, trong cuốn La terre et les rêveries de la volonté (Đất và những mơ mộng của ý chí) cho rằng ngôi nhà cũng là một biểu tượng của nữ tính, trong cái nghĩa ngôi nhà là chốn ẩn nương, là người mẹ, là sự che chở, là lòng mẹ.

Trong khi Quảng mất trí : Mình đi đâu ? Trở về căn nhà của mày. Căn nhà nào của tôi ? Trở về nơi mày còn những ràng buộc không bỏ đi được. (tr. 204) Và ngôi nhà huyễn tưởng ở cuối truyện được miêu tả tỉ mỉ, một ngôi nhà được xây cất với đá quý. Đối với Quảng, ngôi nhà là sự kêu gọi trở về lòng mẹ đã cưu mang mình.

Tóm lại, chuyện của Quảng là một chuyện tìm kiếm người mẹ mà những lời thóa mạ của người cha đã làm mất biến. Có thể nào nói đến phức cảm Oedipe không ?

Xin nhắc sơ qua rằng theo học thuyết của Freud, phức cảm Oedipe chỉ định một tập hợp những biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ của đứa bé đối với cha mẹ. Vào khoảng 3 tuổi, đứa bé, đặc biệt đứa bé trai có phức cảm đó với mẹ nó. Nó yêu mẹ, muốn chiếm hữu mẹ hoàn toàn cho riêng mình, và nó ganh tị với người cha. Trong phức cảm Oedipe, không phải bản năng nhục dục mà chính tình yêu ở hàng đầu. Khi người con trai lớn lên, phức cảm Oedipe bị kìm nén, và người con trai tự đồng hóa với cha mẹ, chấp nhận những quy tắc đạo đức của cha mẹ. Trong sự tiến hóa tình cảm và đạo đức, người con trai xa rời người mẹ và đi tìm những đối tượng tình yêu khác.

Trong trường hợp của Quảng, một cách vô thức Quảng đã trở về với tuổi thơ : Tôi sinh ra không có cái nôi để nuôi mình. (tr. 100) Tới hai mươi sáu tuổi tôi vẫn thấy tôi còn bé (…) Đứng trước bất cứ ai … tôi thấy tôi nhỏ bé và khờ dại… (tr. 107)

Như đã nói, tuổi thơ là thời kỳ đứa bé trai có phức cảm Oedipe. Chẳng những vô thức của Quảng đưa Quảng về với phức cảm Oedipe mà Quảng còn muốn trở về trong bụng mẹ qua huyễn tưởng người đàn bà mang thai chết trong căn nhà. Phải chăng đây là cái chết của mẹ con Quảng mà Quảng ước mơ, cái chết trước khi Quảng ra đời để khỏi biết những sự thật phũ phàng, và cũng là cái chết để gìn giữ trọn vẹn thanh danh của người mẹ ?

Có thể nghĩ rằng phức cảm Oedipe của Quảng đã bị cản trở bởi những lời buộc tội của người cha, cho nên mới có những hình ảnh xấu về người đàn bà : người đàn bà phản bội mà hình con rắn là biểu tượng. Nhưng chuyện của Quảng không phải chỉ là một chuyện về phức cảm Oedipe. Quảng thiếu một người mẹ : Tôi sinh ra không có cái nôi để nuôi mình. (tr. 100) Và sự tìm kiếm người mẹ qua bao dằn vặt đã đưa đến cơn hoang tưởng ở cuối truyện ; tiếng nói của vô thức đã quá rõ ràng.

Một tác phẩm văn học phong phú là một tác phẩm hàm nhiều ý xếp chồng lên nhau, công việc phê bình là gỡ từng lớp để cố đưa ra ánh sáng một số ý ngầm như một phần nào của cái mà các nhà phê bình theo xu hướng phân tâm học ở Pháp gọi là vô thức của văn bản. Vô thức của văn bản khác với vô thức của tác giả. Tác giả là người đã tạo nên văn bản, nhờ tác giả mới có văn bản, tuy nhiên khi văn bản được hình thành, nó có một đời sống độc lập và có một vô thức riêng của nó.

Truyện Con Sâu có hai đặc điểm : trước hết là nghệ thuật dựng truyện như đã nói : vào đầu truyện Dương Nghiễm Mậu dùng độc thoại của nhiều nhân vật và cho những độc thoại đó đan vào nhau, khiến người đọc nào chưa quen sẽ ngỡ ngàng, tác giả muốn đưa người đọc đi vào nội tâm của từng nhân vật. Đây là một nghệ thuật dựng truyện rất mới đối với văn học miền Nam thời đó. Đặc điểm thứ hai là tác giả có lối miêu tả một cuộc khủng hoảng tâm lý khởi đầu từ thế giới hiện thực rồi lần lần trôi vào thế giới của huyễn tưởng khi cơn khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, để chấm dứt bằng một cơn hoang tưởng.

Khi thăm dò chiều sâu tâm lý con người, Dương Nghiễm Mậu đã chọn một hình thức sáng tạo độc đáo, có thể được xem như một đóng góp đáng kể vào văn học miền Nam.