Đánh giá sản phẩm du lịch việt nam hiện nay năm 2024

Khách hàng tìm hiểu thông tin các tour du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) vào chiều 8-9 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 năm 2023 (ITE HCMC 2023) đang thu hút gần 200 người mua hàng quốc tế đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới để phát triển thị trường.

Tìm kiếm sản phẩm mới

Lần thứ hai trở lại TP.HCM kể từ sau dịch COVID-19, ông Naresh Chhatola - tổng giám đốc Công ty du lịch Global Journey Holidays (Ấn Độ) - khá bận rộn lịch hẹn với các đối tác Việt Nam trong hội chợ ITE.

Tháng 8 vừa qua, công ty ông đã tổ chức một đoàn khách Ấn hơn 30 người đến một số tỉnh miền Trung. Ước tính trong năm nay khoảng 1.500 khách Ấn với các đoàn quy mô chủ yếu từ 23 - 35 khách/đoàn đến Việt Nam tham quan, du lịch.

"Việt Nam là điểm đến đang rất nóng với du khách Ấn Độ. Chúng tôi phải không ngừng tìm kiếm những điểm đến, dịch vụ mới ở đây để mở rộng thị trường.

Chất lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới, tiện nghi là một trong những lợi thế của du lịch TP.HCM cũng như Việt Nam nhưng chúng tôi đang tìm kiếm những điểm đến mua sắm, hoạt động lễ hội thường kỳ để thiết kế các chương trình cho khách Ấn Độ", ông Naresh Chhatola nói.

Kể từ sau dịch đến nay, ngành du lịch TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút khách quốc tế.

Bản thân các nhà mua hàng quốc tế tham gia ITE lần này cũng đều mong muốn tìm kiếm được những sản phẩm du lịch mới mẻ ở TP.HCM để họ chào bán khách quốc tế, mở rộng thị trường Việt Nam.

Bà Trần Thị Bảo Thu - giám đốc truyền thông Công ty Vietluxtour - cho biết công ty đang rất thành công với một số tour nội đô ở TP.HCM. "Gần đây chúng tôi có tổ chức cho đoàn khách Úc tham quan tour Biệt động Sài Gòn, khách cảm thấy rất lôi cuốn khi trải nghiệm hầm vũ khí, hộp thư mật...

Hay như đoàn khách Philippines, đoàn sinh viên nhiều nước rất thích thú khi tham quan tòa nhà UBND TP cũng như các điểm văn hóa lịch sử khác. Đây là một trong những thị trường tiềm năng nằm trong kế hoạch phát triển thị phần mới của hãng lữ hành", bà Thu cho biết.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, nhiều công ty du lịch cũng khai thác tốt các tour chuyên đề văn hóa, lịch sử, tham quan theo sự kiện...

Tuy vậy, so với yêu cầu từ thị trường, dường như TP.HCM vẫn còn lúng túng để tạo ra các điểm nhấn mà các TP khác đã làm được như Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng, Festival Huế hay Festival hoa Đà Lạt...

Bà Đoàn Thị Thanh Trà - giám đốc truyền thông và tiếp thị lữ hành Saigon Tourist - còn tiếc rẻ các cơ hội từ Lễ hội sông nước vừa qua, các công ty du lịch gần như rất bị động khi khách hỏi về chương trình ở Lễ hội sông nước.

Mọi người rất quan tâm vì không ngờ có một sự kiện hoành tráng, nhộn nhịp như thế trên các con sông của TP. Nếu có thông tin sớm hơn, ít nhất từ 4-6 tháng, công ty có thêm thời gian để chuẩn bị sản phẩm, quảng bá đến đối tác, du khách, thu hút thêm du khách quốc tế đến Việt Nam.

"Sài Gòn có sông, có kênh, có rạch... nếu khai thác hết được tiềm năng này gắn với những sự kiện liên quan đến sông nước thì chắc chắn sẽ có những sản phẩm độc đáo, ấn tượng.

Không cần phải là những lễ hội quá lớn, chỉ cần duy trì những hoạt động diễu hành thuyền buồm, chèo sup hay trên trời có biểu diễn khinh khí cầu... Nếu làm định kỳ thì các công ty du lịch hoàn toàn yên tâm báo cho khách của mình giờ đó, ngày đó anh chị đến", bà Trà phân tích.

Đánh giá sản phẩm du lịch việt nam hiện nay năm 2024

Đua thuyền trong Lễ hội sông nước TP.HCM năm 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không để các sự kiện "phát pháo sáng rồi vụt tắt"

Hơn một năm nay, TP.HCM đã đẩy mạnh chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" để tăng trải nghiệm cho du khách. Chương trình huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch - cho biết ngành du lịch TP.HCM còn tập trung hoàn thiện, nâng chất lượng điểm đến và các chương trình hiện có, triển khai hiệu quả các dòng sản phẩm du lịch chủ lực theo chiến lược phát triển du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, du lịch y tế, thể thao và nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, nếu những sự kiện văn hóa, lễ hội chỉ tổ chức một lần thì không khác gì "bắn một phát pháo sáng rồi thôi". Du lịch TP sẽ khó có cái để níu khách quay trở lại.

Bà Nguyễn Thị Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho biết tất cả sự kiện mà hiệp hội tổ chức đều nhằm tăng thêm hoạt động hấp dẫn du khách đến TP và lưu trú, chi tiêu nhiều hơn.

Mong muốn lớn nhất là làm sao duy trì các sự kiện này thành điểm hẹn thường niên để du khách có thể tham gia và hưởng ứng, các công ty du lịch có thể khai thác đưa vào chương trình quảng bá, bán hàng.

"Vừa rồi chúng tôi đã đề xuất Ngày bánh mì Việt Nam để tháng 3 hằng năm Lễ hội bánh mì Việt Nam được tổ chức. Khi đó du khách biết đến và các công ty du lịch, lữ hành có thể đưa khách đến và đó mới là yếu tố thực sự thành công của một lễ hội", bà Khánh nói.

Tuy nhiên, bà Khánh cũng thừa nhận duy trì một sự kiện hay lễ hội thường niên thì một mình hiệp hội không thể làm được.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - cho rằng vai trò và sứ mệnh của thị trường TP.HCM đối với ngành du lịch Việt Nam là khá đặc biệt, vừa là thị trường nguồn nhưng cũng là "trung tâm" đón khách lớn nhất cả nước.

Vì vậy cần nhìn nhận vai trò động lực và đóng góp của du lịch TP để có một chiến lược đúng đắn và đầu tư trọng tâm. "TP.HCM phải là trung tâm của những sự kiện, văn hóa lớn tầm khu vực, những sản phẩm kinh tế đêm đột phá, xứng tầm", ông Kỳ nói.

Ông Wildfred Fan - tổng giám đốc tài chính của nền tảng số Klook - cho rằng sản phẩm du lịch là một trong những giá trị cốt lõi để các đô thị phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế nhưng không nhiều đô thị làm thành công.

"Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều bài học phát triển của các TP trong nỗ lực hút du khách đến. Đa phần đều bắt đầu từ chiến dịch quảng bá trên các trang web, kênh truyền hình hay cả mạng xã hội. Du khách háo hức đến nhưng sau đó khách làm gì, ăn gì hay chơi gì thì lại không có thông tin.

Và chiến dịch quảng bá như thế đã thất bại dù rất tốn kém. Làm du lịch phải có sản phẩm cụ thể và tốt hơn nữa là duy trì các sản phẩm đó để biến nó thành cái cớ kéo du khách phải đến và quay trở lại", ông Wildfred Fan chia sẻ.

Lúng túng xây dựng sản phẩm mới

Tại TP.HCM, các tour về du lịch trị liệu đã hình thành và triển khai nhưng do thiếu tính kết nối và quảng bá nên khách gần như không biết nhiều về sản phẩm này.

Hiện UBND quận 10 đã phối hợp cùng các đơn vị lữ hành ra mắt tour "Nơi lịch sử ghi dấu ấn", "Nghe kể chuyện đông y", "Phố sức khỏe" và công bố sản phẩm du lịch y tế quận 10, giúp du khách trong và ngoài nước thêm cơ hội tìm hiểu những nét đặc trưng về vùng đất, lịch sử, văn hóa, con người.

Tuy vậy, phát triển thành công một tour mới, làm mới sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách vẫn không hề dễ nếu không có sự đầu tư.

Ông Kiên Lê - tổng giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort - cho biết các sản phẩm du lịch trị liệu của TP.HCM hiện nay nghèo nàn và chưa hấp dẫn, thu hút khách.

Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm này để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch trị liệu trên thế giới. TP cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khỏe ra quốc tế thông qua đẩy mạnh quảng cáo và truyền thông cũng như qua nhiều hình thức ngoại giao, văn hóa, sự kiện thể thao...

Ông Nguyễn Quốc Thệ - hiệu trưởng Trường trung cấp Y Dược Vạn Hạnh - cho rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm du lịch trị liệu để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch mới trên thế giới và kéo du khách quốc tế trở lại.

Đánh giá sản phẩm du lịch việt nam hiện nay năm 2024

Du khách vui chơi tại khu du lịch Núi Thần Tài, TP Đà Nẵng, trong dịp lễ 2-9 vừa qua - Ảnh: B.H.

Đà Nẵng hút du khách nhờ sản phẩm mới

Tại Đà Nẵng, dù những dự báo trước kỳ nghỉ lễ của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn không quá lạc quan nhưng lượng khách đón được dịp lễ 2-9 vừa qua đến Đà Nẵng vẫn ở mức tốt.

Lượng khách mà Đà Nẵng đón được trong 4 ngày nghỉ lễ đạt 254.000 lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ du lịch đạt 915 tỉ đồng. Có 492 chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng thời gian này, tăng 66 chuyến so với năm 2022.

Do đó dù không phải là một kỳ nghỉ bùng nổ nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì được phong độ và sức hút đối với du khách.

Theo các doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân để Đà Nẵng giữ được lượng khách. Về khách quan, dù không còn mùa cao điểm du lịch hè nhưng những ngày nghỉ lễ vừa qua thời tiết miền Trung vẫn rất tốt, thích hợp cho hoạt động nghỉ dưỡng biển.

Điều này thể hiện qua việc Đà Nẵng được du khách tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng Booking.com trong số các điểm đến trong nước dịp lễ. Hơn nữa, khảo sát mặt bằng giá sản phẩm dịch vụ vui chơi, ăn uống tại Đà Nẵng dịp lễ vẫn bình ổn, không tăng giá.

Về chủ quan, chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng đã rất nỗ lực thực hiện các kế hoạch lễ hội, chương trình hoạt động mới để thu hút du khách dù TP này đã có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Trong đó, TP đã tổ chức lại giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn trong kỳ nghỉ lễ sau nhiều năm tạm dừng. Bên cạnh đó, Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2023 và chuỗi các hoạt động bên lề diễn ra trùng kỳ nghỉ đã thu hút không ít du khách là người đam mê bộ môn này.

Về phía doanh nghiệp, các khu điểm du lịch lớn rất tích cực trong việc đầu tư, ra mắt sản phẩm mới, chịu khó tự làm mới mình. Ngay trong dịp lễ, khu du lịch Sun World Ba Na Hills đưa vào phục vụ show trình diễn ánh sáng 3D mapping tại khu vực lâu đài Mặt trời.

Đây là lần đầu tiên dự án trình chiếu ánh sáng 3D mapping bằng công nghệ hiện đại được triển khai tại khu du lịch này và nhận được phản hồi tốt từ du khách.

Trong khi đó, khu du lịch công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đưa vào khai thác hạng mục dòng sông tình yêu, chèo thuyền kayak, đạp thuyền nước, bổ sung thêm sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho khách.

Nhờ đó, lượng khách các khu điểm du lịch đón được khá cao: Sun World Ba Na Hills đón được 47.000 khách, Núi Thần Tài đón 20.000 khách, danh thắng Ngũ Hành Sơn 21.000 khách, công viên nước Mikazuki 12.000 khách.

Phú Quốc cần làm mới để kéo khách trở lại

Anh Bùi Nhị Thiên Phương - chủ nhà hàng Đại Lâm Mộc, phường Dương Đông, TP Phú Quốc, Kiên Giang - cho biết từ dịp lễ 30-4 lượng khách du lịch đến Phú Quốc đã không như kỳ vọng, nhưng đến lễ 2-9 vừa rồi thì lượng khách đã giảm quá sâu.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 1 đến 4-9, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế. Còn khách lưu trú chỉ 19.209 khách, giảm 38,6% so với cùng kỳ.

Mặc dù lãnh đạo Phú Quốc giải thích du khách thưa vắng do thời tiết không thuận lợi, đã qua kỳ nghỉ hè, kinh tế khó khăn..., nhưng trên các diễn đàn về Phú Quốc, nhiều ý kiến cho rằng phải thừa nhận là giá cả ở Phú Quốc quá cao, "chặt chém" quá mức, cảnh quan bị bê tông hóa không còn như xưa, rác thải quá nhiều.

Ông Trần Quốc Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang - thừa nhận trước thực tế khách đến Phú Quốc liên tục giảm sâu, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần nhìn lại để chấn chỉnh, phải nâng chất sản phẩm du lịch, có nhiều sản phẩm du lịch mới và các cơ sở kinh doanh, cơ sở lưu trú có chính sách ưu đãi phù hợp hơn nữa.

Ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết ngoài cố gắng quảng bá để thu hút du khách, Phú Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt công tác quản lý giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch bán đúng giá niêm yết.

"Phát hiện cơ sở nào bán không đúng giá, "chặt chém" khách, địa phương sẽ xử lý. Quyết tâm của địa phương không để con sâu làm rầu nồi canh. Địa phương kiểm tra xử lý các quán ăn "chặt chém" khách và sẽ đưa lên truyền thông phổ biến rộng rãi cho du khách biết", ông Hưng khẳng định.

Ông Trần Hữu Hiệp - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - cho rằng nguyên nhân chính khiến hòn đảo được mệnh danh là "đảo ngọc" ế khách ngày càng trầm trọng chính là hệ quả của tình trạng phát triển nóng, "ăn xổi ở thì", du lịch "chặt chém", khai thác tận thu cái có sẵn do thiên nhiên ban tặng, thiếu cách làm mới thu hút khách...

"Phú Quốc cần mặc lại áo mới và gương mặt du lịch tươi mới với tấm lòng hiếu khách hơn là tự xưng đẳng cấp "thiên đường", "đảo ngọc" tầm cỡ thế giới như lâu nay.

Phú Quốc phải thoát khỏi du lịch mùa vụ, xây dựng hình ảnh du lịch tận tâm, thân thiện với du khách. Du khách không bỏ Phú Quốc vì giá cao hơn nơi khác, mà chính là vì dịch vụ du lịch chưa xứng đồng tiền bát gạo họ bỏ ra", ông Hiệp nói.