Đánh giá đề thi đại học năm 2022

Thí sinh đã hoàn tất bài thi tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. 

Đánh giá đề thi đại học năm 2022

Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ sau giờ thi tốt nghiệp THPT

BÍCH THANH

Sau khi hoàn tất bài thi tổ hợp khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, thí sinh Yến Nhi, dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), chia sẻ rằng độ khó, dễ của 3 môn thi trong bài thi không đồng đều.

Cụ thể, Yến Nhi cùng nhóm bạn học chung trường đều cho rằng "đề thi môn lịch sử dễ nhất trong bài thi tổ hợp xã hội và môn thi khó nhất là địa lý còn môn giáo dục công dân thì bình thường".

Thí sinh thi Tốt nghiệp THPT 2022: “Đề thi môn Sử nhẹ và dễ thở”

Trong khi đó, thí sinh Chí Thiện chọn bài thi khoa học tự nhiên, cho biết 3 môn thành phần khó đều. Các đề thi môn vật lý, hóa học, sinh học đều có khoảng 4 câu cuối là thử thách với thí sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận xét đề lịch sử bám sát đề minh họa, yêu cầu không quá khó và không đánh đố thí sinh. Giáo viên trường chuyên này cũng nói thêm, độ phân hóa đề thi môn không cao. Phổ điểm năm nay có thể nhỉnh hơn năm trước. Đa số thí sinh sẽ đạt mức điểm từ 5 đến 5,5 trong khi năm 2021, đa số thí sinh đạt 4,5 điểm.

\n

Đánh giá đề thi đại học năm 2022

Thí sinh làm thủ tục làm bài thi tổ hợp sáng nay

đào ngọc thạch

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) nhận xét đề thi môn hóa nhìn chung có cấu trúc tương đương đề minh họa, đảm bảo 2 mục đích tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH.

Theo thầy Thanh, 29 câu đầu của đề thi hóa, từ câu 41 đến 70 rất cơ bản, tập trung chương trình lớp 12, câu hỏi chỉ thuộc mức biết, hiểu. Học sinh dễ dàng giải quyết các câu này; bài toán cũng rất cơ bản, quen thuộc, chỉ một phép toán có thể cho kết quả.

"Nhìn chung học sinh trung bình, khá sẽ dễ dàng đạt được mức từ 6,5 đến 7,25. Từ câu 71 đến câu 80 thuộc mức vận dụng và vận dụng cao, phân loại thí sinh, phục vụ xét tuyển đại học. Các bài toán vận dụng cao rơi vào nội dung điện phân, bài toán than nung nóng đỏ, chất béo, este, hỗn hợp các chất vô cơ. Nếu thí sinh có học lực giỏi, rèn luyện và ôn tập kỹ càng có thể giải quyết đến các câu mức độ phân hoá 8,75 - 9,0 điểm. Từ 9,0 - 10 điểm thí sinh phải xuất sắc mới có thể xử lý kịp thời gian", thầy Thanh nhận định.

Thí sinh thi Tốt nghiệp THPT 2022: “Đề thi môn Sử nhẹ và dễ thở”

Tin liên quan

  • Đề văn thi tốt nghiệp THPT ra 'Chiếc thuyền ngoài xa', giáo viên, thí sinh nói gì?
  • Thi tốt nghiệp THPT: Điểm thi quy ra trà sữa và tokbokki
  • Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh TP.HCM đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi

Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học. Bài tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Mỗi môn thi thành phần theo hình thức trắc nghiệm, có thời gian làm bài 50 phút.

Nhận xét đề thi năm nay, các thầy cô Tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, mỗi môn thi thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Môn Vật lí: 90% số câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 12; 10% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 % số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 20% số câu ở mức độ Vận dụng; 10 số câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao. Đề thi có 44% (22 câu) số câu hỏi là câu hỏi lí thuyết, 36% (18 câu) số bài tập tính toán. Đề thi không xuất hiện các câu hỏi thuộc dạng bài mới. Cấu trúc đề thi hoàn toàn tương đồng với đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố ngày 31/3/2022. Đề thi có độ phân hóa tốt ở vùng câu hỏi vận dụng cao phục vụ cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Môn Hóa học: Đề thi đáp ứng tốt mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp với 75% câu hỏi (30/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/ 40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Các câu thuộc vận dụng – vận dụng cao có 2 câu lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 và và đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2022. Đề chỉ có 4 câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao (cực khó) chiếm 10% tổng số câu hỏi trong đề thi và không xuất hiện câu hỏi về peptit như đề thi các năm trước. Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao đáp ứng mục tiêu phân loại để tuyển sinh đại học.

Môn Sinh học: Đề thi đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, ít yếu tố toán, tăng bản chất sinh, thí sinh cần kĩ năng đọc hình và bảng biểu, sơ đồ, nhưng đề không quá khó; số lượng điểm 10 khả năng sẽ không ít.

Về độ khó: 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Chỉ có 40% câu hỏi dùng để phân hóa trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao. Các câu khó nhất của đề thi vẫn năm trong phần quy luật di truyền và di truyền quần thể. Không có câu phả hệ ở mức vận dụng cao như truyền thống các năm qua.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Có sự giảm của việc lồng ghép toán vào câu hỏi, tăng tỉ lệ dạng câu hỏi đánh giá năng lực đặc biệt là các năng lực đọc, phân tích hình ảnh, đồ thị và bảng biểu để khai thác dữ liệu từ đó làm nguyên liệu cho việc trả lời câu hỏi.

Đối với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, các thầy cô Tổ Xã hội – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định chung, mỗi môn thi thành phần đã tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Môn Lịch sử: So với đề  thi năm 2021, đề thi năm 2022 mức độ phân hóa cao hơn, nội dung đề thi có nhiều điểm mới lạ. Ngoài ra, trong đề xuất hiện câu hỏi vận dụng thực tế. 92,5% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 7,5% câu hỏi thuộc lớp 11-  tăng 1 câu so với đề thi tham khảo và xuất hiện cả câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.

Đề thi có tỉ lệ câu hỏi nhận biệt, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo ngày 31/3/2022 nhưng có tính phân loại cao hơn do độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên. 80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, không làm khó thí sinh.

20% câu hỏi thuộc phần vận dụng – vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử  Việt Nam từ 1919  đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh  dạng bài so sánh (3 câu), liên chuyên đề, liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng. Đặc biệt, câu 32, 38, 39 là những câu hỏi so sánh, yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức của nhiều giai đoạn lịch sử, thậm chí kết hợp cả kiến thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam để hoàn thành.

Môn Địa lí: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Tỉ lệ câu hỏi lí thuyết /thực hành là 52,5%/47,5%. Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo (31/3/2022). Tỉ  lệ câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu/Vận dụng và Vận dụng cao là 75% - 25%. Trong phần câu hỏi Nhận biết, có 15 câu sử dụng Atlat. 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng – Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, Địa lí các vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế. Đối với phần thực hành kĩ năng Địa lí, không có dạng bài mới, tuy nhiên thí sinh cần phải có kĩ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.

Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.

Môn Giáo dục công dân: Đề thi không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới và là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. Riêng với câu hỏi lớp 12, có 64% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I, 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8./.