Có máy cuộc cách mạng xã hội

a) Khái niệm cách mạng xã hội và nguyên nhân của nó

Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, là phương thức chuyển từ một hình thái kinh tế - xà hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế - xã hội mới ở trình độ phát triển cao hơn. Theo nghĩa hẹp, cách mạng xã hội là việc lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời và thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn của giai cấp cách mạng.

Trong xã hội có giai cấp đối kháng, cách mạng xã hội được đặc trưng bằng việc giai cấp cách mạng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền nhà nước, đồng thời tiến hành tổ chức, xây dựng và sử dụng chính quyền nhà nước mới của nó để cải tạo căn bản, toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tức là xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới. Do đó, có thể thấy vấn đề chính quyền nhà nước nhất định là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Đồng thời, cuộc cách mạng nào cũng phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn giành chính quyền và giai đoạn tổ chức xây dựng chính quyền mới, xây dựng xã hội mới.

Cách mạng xã hội khác với cải cách. Khái niệm cải cách dùng để chỉ những cuộc cải biến diễn ra trên một hay một số lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi một hình thái kinh tế - xã hội, nhằm hoàn thiện hình thái kinh tế - xã hội đó như: cải cách thể chế kinh tế, cải cách nền hành chính quốc gia, cải cách nền giáo dục, V.V.. Khái niệm cách mạng xã hội cũng khác với khái niệm đảo chính. Khái niệm đảo chính dùng để chỉ những sự biến tranh giành địa vị quyền lực nhà nước giữa các lực lượng chính trị (thường là trong cùng một giai cấp) và với chủ trương không thay đổi bản chất chế độ hiện thời, nó có thể được tiến hành dưới hình thức bạo lực hoặc phi bạo lực vũ trang.

Nguyên nhân sâu xa của cách mạng xã hội là từ mâu thuẫn gay gắt trong bản thân nền sản xuất vật chất của xã hội, tức mâu thuẫn gay gắt giữa nhu cầu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất với sự kìm hãm của quan hệ sản xuất đã trở nên lỗi thời mà không một cuộc cải cách kinh tế hay chính trị nào có thể giải quyết được. Mâu thuẫn đó biểu hiện về mặt chính trị - xã hội thành cuộc đấu tranh giai cấp và chính sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp này đã tất yếu dẫn đến sự bùng nổ cách mạng. Đây cũng chính là nguyên nhân khách quan của các cuộc cách mạng xã hội. Ngoài ra, mỗi cuộc cách mạng xã hội còn có nguyên nhân chủ quan của nó, đó là sự phát triển về nhận thức và tổ chức của giai cấp cách mạng, tức giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Từ đó tạo ra sự phát triển của phong trào đấu tranh giai cấp từ tự phát đến tự giác và khi có sự kết hợp chín muồi của các nhân tố khách quan và chủ quan, tức tạo được thời cơ cách mạng, thì khi đó tất yếu cách mạng sẽ bùng nổ và có khả năng thành công.

b) Vai trò của cách mạng xã hội đối với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

Cách mạng xã hội giữ vai trò là một trong những phương thức, động lực của sự phát triển xã hội. Không có những cuộc cách mạng xã hội trong lịch sử thì không thể diễn ra quá trình thay thể hình thái kinh tế - xã hội này bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn. Với ý nghĩa đó mà C.Mác nhận định rằng: các cuộc cách mạng xã hội là những "đầu tầu của lịch sử", là phương thức thực hiện sự phát triển, của các hình thái kinh tế - xã hội. Mặt khác, chính nhờ những

cuộc cách mạng xã hội mà các mâu thuẫn cơ bản của đời sống xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,... được giải quyết triệt để, từ đó tạo ra động lực cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Trong những thời kỳ cách mạng, năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân được phát huy cao độ, có thể sáng tạo ra lịch sử mới với một sức mạnh phi thường: "một ngày bằng hai mươi năm".

Lịch sử nhân loại đã chứng minh đầy đủ và rõ nét vai trò của các cuộc cách mạng xã hội đã từng diễn ra trong lịch sử mấy nghìn năm qua. Đó là: cuộc cách mạng thực hiện bước chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội nguyên thủy lên hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ; cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ nô lệ và thay thế nó bằng chế độ phong kiến; cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xác lập chế độ tư bản chủ nghĩa; cuộc cách mạng vô sản thực hiện việc xóa bỏ chế độ chuyên chính vô sản, xác lập chế độ xã hội chủ nghĩa - đây là cuộc cách mạng vĩ đại nhất, sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại, làm thay đổi hoàn toàn bản chất chế độ chính trị xã hội cũ, xóa bỏ triệt để nguồn gốc chế độ tư hữu sản sinh đối kháng giai cấp đã từng tồn lại hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại.

Loigiaihay.com

Cuộc cách mạng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX

(ĐCSVN) - Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 – là sự kiện mang tầm vóc thời đại, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đó là đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Theo dòng lịch sử, đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào phe Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng nước ta.

Ở trong nước, trải qua ba cao trào Cách mạng lớn, ba cuộc diễn tập cách mạng: Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); Cao trào dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng chiến chống Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình cách mạng trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, sôi sục và rộng khắp và bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến thuận lợi đã đi đến khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Đến 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam. Tinh thần, trí tuệ ấy xuất hiện từ buổi đầu lịch sử dân tộc, đã được nâng lên một tầm cao mới sau 15 năm đấu tranh quật cường dưới dự lãnh đạo của Đảng. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công cũng do được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định khi mà chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

Cách mạng Tháng Tám thành công có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đó là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta sống dưới ách kìm kẹp của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, nổi bật là:

Một là, có một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành thắng lợi.

Hai là, vấn đề giành và giữ chính quyền của cuộc cách mạng. Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài. Đảng ta biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ba là, vấn đề nắm bắt được thời cơ ngàn năm có một, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13/8/1945. Chọn thời điểm 13/8 để phát động Tổng khởi nghĩa là vô cùng sáng suốt. Bởi vì vào thời điểm đó, Cách mạng đã lên tới cao trào, lực lượng cách mạng đã lôi kéo được cả những tầng lớp trung gian, lưng chừng lúc đó quân Nhật bại trận mất tinh thần cao độ, chỉ ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quân tay sai tan rã và đã tỏ thái độ đầu hàng lực lượng cách mạng. Thời cơ khởi nghĩa ngàn năm có một đã được chọn một cách chính xác trong khoảng 15 ngày trước khi quân Tưởng và quân Anh đổ bộ vào Đông Dương. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Đồng minh đã vào Đông Dương thì Cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động của mình và sẽ gặp khó khăn khác. Điều đó đúng như V.Lê-nin đã nhấn mạnh khi nói về thời cơ: Chiều nay quá sớm nhưng sáng mai quá muộn. Có thể đêm thì vừa! Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn.

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó cả hệ thống chính trị đang được phát huy sức mạnh với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc” để chiến thắng đại dịch COVID-19. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị và những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám để vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hồi đồng lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật TW; nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW

Video liên quan

Chủ đề