Chuyển đổi số trong các trường đại học

Mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra thì cần vượt qua không ít những khó khăn.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chuyển đổi mạnh mẽ từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, đảm bảo chương trình năm học của học sinh, sinh viên. Thời gian tới, mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Vậy, để chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần những điều kiện gì?

Ảnh minh họa.

Trong khoảng thời gian dịch Covid -19 diễn biến phức tạp tại nước ta, từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay, các sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến qua các nền tảng công nghệ, đảm bảo tiến độ chương trình đào tạo.

Em Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 2 chia sẻ: "Em cảm thấy rất thuận tiện mặc dù dịch bệnh nhưng sinh viên vẫn có thể cập nhật học các bài giảng qua zoom. Mới đầu cũng chưa quen việc học trực tuyến, và còn có chút vướng mắc trong việc tải phần mềm học và mạng internet nữa, nhưng một thời gian là ổn định. Em thấy có thể ngồi học ở bất cứ đâu…..Hiện bên cạnh học trực tiếp ở trường thì vẫn có một số môn em được học trực tuyến hoặc làm bài kiểm tra trực tuyến".

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng. Là một trong những cơ sở giáo dục xây dựng được có nền tảng hỗ trợ đào tạo trực tuyến mạnh, Trường Đại học Giáo dục đã huy động cán bộ giảng viên tham gia xây dựng học liệu số đa dạng, phương thức dạy học được chuyển hóa linh hoạt giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.

TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa công nghệ giáo dục, Trường Đại học giáo dục cho rằng, một trong những khó khăn của quá trình chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến là thay đổi tư duy, thói quen làm việc tại các cơ sở đào tạo.

"Tôi cho rằng hiện cơ sở vật chất hạ tầng của các đơn vị hoàn toàn có thể sẵn sàng chuyển đổi số. Tuy nhiên, có cái khó khăn lớn nhất là sự do dự, chưa hiểu chuyển như thế nào thường có tâm lý e dè. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển đổi số đòi hỏi cả một hệ thống. Trong khi chúng ta một số khâu thì làm trước, một số khâu chưa kịp làm thì hệ thống trực tuyến khó đạt hiệu quả. Ba là vấn đề về chính sách, vì làm chuyển đổi số sẽ có những hy sinh, có những cái phải đóng góp mà chúng ta thiếu cơ chế tạo động lực thì đôi khi sẽ tạo sự cản trở trong quá trình chuyển đổi số", TS. Cường cho hay.

Giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Trước hết phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục đào tạo đều có thể tham gia. Thời gian qua, ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… Đây có thể coi là bước tiến, những cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao. Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất thì công cuộc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn".

Chủ trương về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã được xây dựng nhưng còn phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của người trong cuộc và một số khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Theo đại diện nhiều trường đại học, hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý, quy định về chương trình học trực tuyến; thời lượng học, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng và công nhận kết quả học trực tuyến. Đồng thời, chú trọng quy định về điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng đảm bảo chất lượng, quy định tính pháp lý của hồ sơ điện tử liên quan đến học tập.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học và sau đại học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số của ngành giáo dục.

"Tôi cho rằng phải có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật, bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học để thích ứng cho cả đất nước. Vì vậy, chúng tôi đã phải nghiên cứu những lĩnh vực hàng đầu mở những ngành đào tạo mới, mở những hệ đào tạo tài năng", GS.TS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần một nền tảng công nghệ chung của quốc gia, được coi là bệ phóng để ngành giáo dục bứt phá, vươn lên. Đồng hành với quyết tâm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cam kết chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới./.

Theo VOV.VN 

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Chuyển đổi số đang đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực tạo ra cuộc cách mạng về năng suất lao động, văn hóa tổ chức và làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mỗi người.

Không nằm ngoài dòng chảy đó, Đại học Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới và đã triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị Đại học.

Chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, trước nhu cầu nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số, Đại học Đà Nẵng đã nắm bắt và xây dựng các ngành học mới, đặc trưng như: Khoa học dữ liệu và AI, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử viễn thông (Trường Đại học Bách khoa); Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số, Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật); Khoa học dữ liệu (Viện VNUK); E-Tourism (Viện DNIIT)...

Các trường thuộc Đại học Đà Nẵng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới. Đến nay phần lớn các môn học (đề cương, bài giảng) được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy được cho cả trực tuyến (online) và trực tiếp (onsite). Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng còn triển khai mô hình dạy học kết hợp (Blended learning); bước đầu xây dựng kho học liệu mở (MOOC) với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao; ứng dụng thực tế ảo tăng cường nhằm tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo.

Theo Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng giảng dạy, các trường thuộc Đại học Đà Nẵng thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm phương pháp giảng dạy bằng phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác, tổ chức các khóa huấn luyện giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình kết hợp (Blended), huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số...

Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực, Đại học Đà Nẵng cũng đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực liên quan chuyển đổi số. Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũngchia sẻ, Đại học Đà Nẵng có 5 nhóm nghiên cứu đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực IoT, AI, Cloud Computing/Communications, Big Data. Hàng năm, các nhóm nghiên cứu liên quan chuyển đổi số đã triển khai khoảng 20 đề tài khoa học công nghệ các cấp liên quan đến chuyển đổi số, công bố hàng chục công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới (WoS, Scopus)."

[Đại học Đà Nẵng mở thêm ngành mới đón đầu chuyển đổi số]

Các nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập, tích lũy dữ liệu mẫu, dữ liệu thực nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau để tạo bộ dữ liệu dùng chung; xây dựng các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn.

Liên quan đến lĩnh vực quản trị giáo dục, Đại học Đà Nẵng bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục và đào tạo như công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo và thanh tra, kiểm tra; phát triển một số ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản trị như ứng dụng quản trị số-chữ ký số, văn phòng điện tử, thống kê dữ liệu phục vụ xếp hạng đại học, phục vụ xây dựng báo cáo, phục vụ công tác quản lý.

Các trường thành viên bắt kịp xu thế chuyển đổi số

Trước xu thế chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực song nguồn nhân lực đào tạo hàng năm vẫn còn thiếu hụt, để nắm bắt cơ hội, các trường Đại học thành viên Đại học Đà Nẵng đã thay đổi, thành lập thêm các ngành mới về chuyển đổi số, giúp sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn Huỳnh Công Pháp cho hay, tại Đà Nẵng có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT, tăng trung bình 35%/năm; có 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với khoảng 22.000 người làm trong trong lĩnh vực này. Doanh thu năm 2019 đạt 19.570 tỷ đồng. Nhu cầu tuyển dụng ICT mỗi năm trên 10.000 lao động, trong đó khoảng 5.000 lập trình viên.

Để thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung Tây Nguyên, trường đã tổ chức đào tạo một số ngành chuyển đổi số như Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế mỹ thuật số, Công nghệ kỹ thuật máy tính và điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số (e-Tourism), Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (e-logistics)... Nhà trường còn thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) để nghiên cứu khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh và chuyển đổi số, đồng thời phát triển khởi nghiệp.

Tương tự như Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng đã phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, khẳng định việc thành lập các ngành mới để nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Một tiết học tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng cho biết, nắm bắt được xu thế của chuyển đổi số, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo việc cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo, các học phần đều được lồng ghép với tin học ứng dụng và kỹ thuật số, giúp người học có những kiến thức nền tảng về chuyển đổi số sau này.

Trường cũng mới thành lập Khoa Công nghệ số, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và phối hợp với các khoa khác của Trường. Nhiệm vụ trọng tâm của Khoa Công nghệ số là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Định hướng chuyển đổi số

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, để nâng tầm và đi sâu hơn về chuyển đổi số, trong thời gian đến, Đại học Đà Nẵng sẽ tập trung vào một số điểm chính. Đó là tăng cường chuyển đổi số để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới với sự sẵn có của công nghệ; mở rộng đối tượng người học, tiếp cận công nghệ cho người học; tiếp tục phát triển các ngành học mới, đột phá đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; hoàn thiện mô hình dạy học kết hợp song song với việc mở rộng các mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường cung cấp cơ hội cho người học tiếp cận với môi trường thực tế.

Trường cũng xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số; xây dựng các điều kiện cho chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứu khoa học như xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; tạo điều kiện để các công trình nghiên cứu sẽ liên kết được với nhau, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả, đồng kiểm nghiệm; cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ cho các thực nghiệm trên dữ liệu lớn.

Đại học Đà Nẵng sẽ xây dựng các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn, phát triển mạng lưới tư vấn khoa học; phối hợp với thành phố Đà Nẵng hình thành Trung tâm khởi nghiệp cấp quốc gia...

Đặc biệt trường phối hợp nhiều đơn vị để lan tỏa chuyển đổi số như tăng cường nhận thức xã hội về chuyển đổi số, đào tạo nhân lực và hỗ trợ nhân rộng mô hình chuyển đổi số cho các trường đại học, cao đẳng, phổ thông./.

Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Video liên quan

Chủ đề