Chào mừng ngày nhà giáo việt nam 20/11/2022

"...Có lẽ trong ký ức của mỗi người Việt Nam, khi tháng 11 về, ai cũng háo hức đón chào một ngày đặc biệt, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam"

Kính thưa:

                   - Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy AG;                    - Đc Nguyễn Như Anh, Tỉnh ủy viên, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang;                    - GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang;                    - ……………………………                    - Quý vị đại biểu, các nhà giáo lão thành cùng toàn thể quý thầy cô, các anh chị học viên CH, các SV, HS thân mến!

     Có lẽ trong ký ức của mỗi người Việt Nam, khi tháng 11 về, ai cũng háo hức đón chào một ngày đặc biệt, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam. Cùng cảm xúc đó, hôm nay, dù bận rộn nhưng chúng ta vẫn dành thời gian để có mặt nơi đây, bày tỏ lòng kính trọng đối với những thầy, cô giáo đáng quý, những người mà XH gọi với cái tên thân thiện, trìu mến: “nghệ sỹ tâm hồn” trên bầu trời văn hóa.

     Trong không gian ấm áp, trang trọng và nghĩa tình tại Hội trường này, cho phép tôi thay mặt tập thể nhà trường, xin nhiệt liệt chào mừng và gởi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể quý vị đại biểu, đặc biệt là các nhà giáo lão thành, các thầy, cô giáo - những người đã, đang và sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “trồng người” dưới mái Trường ĐH An Giang.

     Kính thưa toàn thể Quý vị!
     Thưa quý thầy cô, các anh, chị học viên và các em SV, HS thân mến!


     Từ thế kỷ VI tr.CN, Khổng Tử đã nhận ra tầm quan trọng của Giáo dục, ông cho rằng: “… Giáo dục là chìa khóa để phát triển kinh tế” 1. Khoảng thế kỷ thứ V Tr. CN, hiền triết Socrates (khoảng 469 – 470) nhận ra điều sâu sắc về giáo dục khi cho rằng: “Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình”2. Những giai đoạn lịch sử tiếp theo, dù có những biến đổi thăng trầm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… từ những chính trị gia cho đến học giả, tuy có cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung họ có cùng quan điểm về vai trò, sứ mệnh của giáo dục. Tôi xin điểm qua một vài quan điểm đó là: TS. Martin Luther  (1483 – 1546) người Đức đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Khi trường học phát triển, mọi thứ đều phát triển”3; Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716), cũng là người Đức, là nhà toán học và triết học tự nhiên khẳng định rằng: “Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới”4; đến F. Hegel, một triết gia lỗi lạc từng là thầy giáo triết học của C. Mác đã nhận định rằng: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”5. Cuối thế kỷ XIX, Nelson Mandela - Tổng thống Nam Phi tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”6, v.v…
     Đối với Việt Nam, thế kỷ XVIII, Quang Trung – Nguyễn Huệ (1753–1792) ngay sau khi đánh tan quân Mãn Thanh, lên ngôi Hoàng đế, một trong hoài bão lớn của ông là mong muốn Việt Nam có một nền giáo dục quốc dân phát triển nhằm đào tạo được nhiều nhân tài, trí thức để xây dựng đất nước hùng mạnh. Trong dự thảo Chiếu Lập học, ông quan niệm rằng: “Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài”7. Theo ông, giáo dục tuyển lựa những người giỏi ở khắp nơi trên đất nước, nâng cao tri thức, sàng lọc để chọn những tinh hoa, đấy là nhân tài - là nguyên khí quốc gia,…8; tương lai của một đất nước, một dân tộc thịnh hay suy là bắt đầu từ nền giáo dục hiện tại. Ở thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về giáo dục và vai trò của người thầy. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người chủ trương đưa giáo dục thành quốc sách; xem giáo dục có vai trò quan trọng trong giáo dục con người. Người nói:
     “Ngủ thì ai cũng như lương thiện      Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền      Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn

     Phần nhiều do giáo dục mà nên”.


     Kính thưa quý vị đại biểu,      Thưa quý thầy, cô,

     Các anh chị HV, các em SV, HS thân mến!


     Khi nói đến giáo dục, chúng ta không thể không nói đến vai trò của người thầy. Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã hình thành truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, đề cao quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tôn vinh “Nghề giáo là nghề cao quý nhất” và xem “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”,… Những câu nói này trong mỗi chúng ta ai cũng ghi nhớ từ bé và có lẽ sẽ còn nhớ mãi đến cuối đời. Nó đã trở thành nguyên tắc đạo đức, là triết lý nhân sinh định hướng cho hành vi của mỗi cá nhân và nó cũng trở thành nét đẹp, thành giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng, mặc dù trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng và trong kỷ nguyên số đang tăng tốc như hiện nay, xã hội có nhiều biến đổi, nhưng những giá trị và nét đẹp đó vẫn trường tồn cùng với dân tộc.
     Nhận thức tầm quan trọng của ngành Giáo dục, của nghề giáo, Nhà nước ta lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày 20/11/1958, đặc biệt là, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167/HĐBT, chính thức lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam9. Từ đó đến nay, ngày 20/11 hằng năm đã chính thức trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân, được khắp nơi trên nước ta tổ chức trang trọng nhằm tôn vinh các nhà giáo và ngành Giáo dục nước nhà.
     Kính thưa quý vị!
     Kính thưa toàn thể Quý vị!

     Có thể nói, năm học vừa qua là năm học rất bận rộn, mở ra bước ngoặt và để lại nhiều dấu ấn của nhà trường, bởi nó diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng, nổi bật. Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19. Vượt lên mọi khó khăn, nhà trường đã đạt được những thành tích quan trọng mà ở đó có sự đóng góp rất đáng trân trọng của quý thầy cô và HV, SV, HS. Tôi xin phép dành ít thời gian nhắc lại một vài sự kiện điển hình sau đây: Chuyển giao Trường ĐHAG trực thuộc UBND tỉnh AG trở thành trường ĐH thành viên của ĐHQG – HCM; Đảng bộ cơ sở Trường ĐHAG trở thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy An Giang, được giao một số quyền trên cơ sở; Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành công tốt đẹp; thành lập Hội đồng Trường; lần đầu tiên Trường phối hợp với ĐHQG-HCM tổ chức thành công Kỳ thi ĐGNL năm 2020; tổ chức thành công Lễ tốt nghiệp và cấp bằng 48 thạc sĩ, 1.602 sinh viên đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, Quỹ Khuyến học của Trường tiếp nhận hơn 3 tỷ đồng; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là Trường nhận được tài trợ một số Dự án lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có DA hơn 10 triệu USD10; Trường PT THSP tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật trong các kỳ thi HS giỏi, thi THPT Quốc gia với nhiều học sinh đạt thủ khoa các trường lớn trong tỉnh; các lớp bán trú đã thu hút được đông đảo phụ huynh gởi con, tạo được lòng tin yêu của XH… Điều đáng quý là trong điều kiện khó khăn chung về CSVC, chúng ta phải đối diện với khó khăn do dịch Covid-19; SV, HS không thể đến trường, thầy cô không thể giảng dạy trực tiếp. Ngay thời điểm này đã có rất nhiều thầy cô nỗ lực hết mình, soạn giảng trực tuyến, online, tham gia hội thảo, họp trực tuyến với các viện, trường, tổ chức khác trong và ngoài nước,… qua đó giúp nhà trường hoàn thành kế hoạch năm học trong thời gian sớm nhất.        Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ giảng viên cũng đã vượt khó, không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Hiện tại đội ngũ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tiếp tục tăng lên về số lượng và chất lượng; có 13 viên chức nhận bằng tiến sĩ, 13 VC nhận bằng thạc sĩ trong và ngoài nước, nâng tổng số TS lên 73 và ThS là 422 người; hiện đang có 71 VC đang là NCS và 24 VC đang học cao học. Tôi chia sẻ những khó với quý thầy, cô và gia đình mặc dù đã hoàn thành chương trình học, nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng chưa thể về Trường được bởi dịch Covid-19.      Có thể nói, đó là những thành tích đáng quý mà quý thầy, cô giáo, các HV, SV, HS đã đóng góp tích cực cho nhà trường trong năm học vừa qua. Nhân dịp này, BGH cũng xin chân thành cảm ơn sự nỗ lực, tấm lòng và tinh thần nhiệt huyết với nghề, với nhà trường của quý thầy, cô giáo; xin cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong nước và đặc biệt là cho tôi gởi lời cảm ơn đến các cá nhân, tổ chức ngoài nước, các tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia xa xôi trên thế giới mặc dù không có mặt hôm nay nhưng đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của nhà trường suốt thời gian qua.

     Thưa toàn thể quý vị!      Thưa quý thầy cô,

     Các anh chị HV, các em SVHS thân mến!


     Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với rất nhiều công nghệ mới ra đời và được ứng dụng, đặc biệt là số hóa. Tất cả thành tựu của sự phát triển của khoa học và công nghệ đã và đang tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong mọi lĩnh vực, trong đó có cả sự tác động làm thay đổi nhiều về nghề giáo, về giá trị truyền thống và giá trị cuộc sống đương đại. Cùng với dịch Covid-19 đã và đang diễn ra phức tạp, mọi cơ sở giáo dục phải “gồng mình” gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, con người, đặc biệt là trí thức không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh và đã có nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Như tôi đã trình bày, bằng giải pháp công nghệ, chúng ta đã họp trực tuyến, hội thảo online, giảng dạy và học trực tuyến, online nhưng có một điều mà người học cũng như các thầy cô đều nhận ra, đó là giải pháp công nghệ không thể thay thế hoàn toàn cho thầy cô giảng dạy trực tiếp. Điều này chứng minh rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn không thể thay thế được toàn bộ cái mà người thầy có. Và theo tôi, đó chính là cảm xúc, đó còn là lý trí và tâm hồn của người thầy, như John Ernst Steinbeck11 - nhà văn nổi tiếng người Mỹ nói: “Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần”12. Hơn nữa, thành tựu mà công nghệ đạt được giúp người thầy sử dụng nó như là một phương tiện, một công cụ để tạo nên những tương tác tối đa có thể đạt được trong giáo án thì nó vẫn là sản phẩm của người thầy làm nên.
     Kính thưa quý thầy cô!
     Các anh, chị HV và các em SV, HS thân mến!

     Như GS. Thomas L.Friedman, người ba lần đạt giải thưởng Pulitzer, Báo New York Times và nhiều giải thưởng sách ở Mỹ với những tác phẩm nổi tiếng thế giới13, đã phân tích sâu sắc những khía cạnh cá nhân trong kỷ nguyên công nghệ tăng tốc, đó là: “… định mệnh không sắp đặt để robot giành hết mọi công việc của con người. Điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta buông thả - nếu chúng ta không gia tăng cải tiến trong các lĩnh vực lao động/ giáo dục/ khởi nghiệp, nếu chúng ta không tư duy lại toàn bộ hệ thống từ giáo dục tiểu học đến làm việc và học tập trọn đời”14. Cùng với quan điểm này, tôi cho rằng, dù khoa học công nghệ có tiến bộ đến đâu, robot cũng sẽ không thể thay thế hoàn toàn công việc của người thầy nhưng có điều chắc chắn rằng, đã đến lúc người thầy và người học nói riêng và ngành Giáo dục nói chung phải nhanh chóng thay đổi cùng sự tiến bộ đó.
     Kính thưa Quý vị!
     Rabindranath Tagore15 (1861–1941), người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học năm 1913 từng nói: “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”16. Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo ĐHQG TPHCM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự giúp đỡ của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, các cá nhân, doanh nghiệp đã giúp nhà trường hoàn thành sứ mệnh “trồng người” trong hơn 20 năm qua. Hy vọng rằng, nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của quý vị.      Xin chúc các nhà giáo lão thành và các Thầy, Cô giáo hiện đang công tác tại Trường cũng như quý Thầy Cô đang học tập ở nước ngoài, các học viên cao học, sinh viên, học sinh có một ngày vui thật trọn vẹn.      Kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt và cùng chung vui với chúng tôi trong một ngày có ý nghĩa nhân văn hôm nay.

     Kính thưa toàn thể Quý vị!
     Các anh, chị HV, các em SV, HS thân mến!

     17h00 chiều hôm qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định cho PGS,TS. Huỳnh Thành Đạt, UV BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG-HCM bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Bộ KH&CN. Đây là niềm vinh dự của ĐHQG-HCM nói chung, của cá nhân thầy nói riêng. Tối hôm qua, thầy nhận được thông tin, hôm nay Trường chúng ta tổ chức ngày Nhà giáo VN, nên thầy đã gởi lời nhắn như sau: “Cho tôi gởi lời trân trọng chúc mừng thầy cô Trường ĐH An Giang”. Nhân dịp này, tôi xin được phép chuyển lời chúc đến toàn thể quý thầy cô và các anh, chị HV, SV, HS và để cùng chung vui với người thầy đã hỗ trợ cho Trường ĐH AG rất nhiều từ lúc chuẩn bị hồ sơ cho đến khi Trường chính thức trở thành thành viên ĐHQG-HCM.

     Xin cảm ơn và trân trọng kính chào!

PGS. TS Võ Văn Thắng - Tỉnh ủy viên,
Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang

[1] “Giáo dục, phát triển trí đức là chìa khóa để phát triển kinh tế, đồng thời phát triển kinh tế là cơ sở cho phát triển giáo dục và dân trí”  - Dẫn theo Doãn Chính, “Quan điểm kinh tế trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử”, Tạp chí Triết học, số 6/1988, tr.45.

[2] http://redsvn.net/nhung-cau-noi-bat-hu-ve-giao-duc-va-nguoi-thay

[3] When schools flourish, all flourishes. Đọc từ: http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/87/strcats/48/sw/g/charmode/true/default.aspx, ngày 16-10-2018.

[4] https://caunoihay.top/ai-lam-chu-giao-duc-co-the-thay-doi-the-gioi--qt-5d5530be60e5e.html

[5] https://drkhoe.vn/cau-noi-hay-ve-giao-duc.

[6] Đọc từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Nelson_Mandela, ngày 14/11/2018.

[7] Đọc từ https://loigiaihay.com/chieu-lap-hoc-noi-len-hoai-bao-gi-cua-vua-quang-trung, ngày 16-10-2018.

[8] Chính vì vậy, bên cạnh Chiếu Lập học, Quang Trung Hoàng đế còn cho ban hành Chiếu Cầu hiền.

[9] Năm 1946, tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ ra đời với tên gọi là “Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục”. Để cộng đồng thế giới biết và nhớ đến vai trò quan trọng của nhà giáo, năm 1957, Hội nghị “Liên hợp quốc tế các công đoàn giáo dục” (FISE) họp tại Vacsava (Ba Lan) quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Quốc tế Hiến chương Nhà giáo.

[10] Dự án KOICA – Hàn Quốc hơn 10 triệu đô Mỹ; Dự án "Nghiên cứu Đồng bằng" do Anh Quốc tài trợ…

[11] Sinh 27-2-1902 mất 20-12-1968 là một tiểu thuyết gia người Mỹ.

[12] https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Steinbeck

[13] Thế giới phẳng, Cảm ơn vì đến trễ.

[14] Thomas L. Friedman (2018), Cảm ơn vì đến trễ (Nguyễn Dương Hiếu, Đặng Bích Hằng dịch), Nxb. Trẻ, tr. 289.

[15] Tên khác là Rabindranath Thakur. Ông là một nhà thơ Bengal, nhạc sĩ, triết gia Bà la môn và nhà Dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913.

[16]  Dẫn theo GS.TS Trần Văn Nhung, đọc từ https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-thi-hao-tagore-va-triet-ly-dau-tu-toi-uu-cho-giao-duc-20171114071633213.htm, ngày 29/10/2018 và http://www.loihayydep.info/2018/01/top-nhung-cau-noi-hay-ve-giao-duc-va-loi-hay-y-dep-hoc-sinh-hay-nhat.html, ngày 29-10-2018.