Cảnh sát đặc nhiệm là gì

TT - Giám đốc Công an TP.HCM vừa ra quyết định thành lập đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (đội đặc nhiệm), thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14). Thượng tá Mai Văn Tấn (ảnh), trưởng phòng PC14, cho biết:

Cảnh sát đặc nhiệm là gì

Phóng toTT - Giám đốc Công an TP.HCM vừa ra quyết định thành lập đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (đội đặc nhiệm), thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14). Thượng tá Mai Văn Tấn (ảnh), trưởng phòng PC14, cho biết: Nghe đọc nội dung toàn bài:

- Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tuần tra, mật phục trên các tuyến đường TP, phát hiện, trấn áp, bắt giữ các loại tội phạm: cưỡng đoạt tài sản hoạt động theo kiểu "xã hội đen", trộm cắp, đối tượng bị truy nã... Phương châm, mục đích hoạt động của đội đặc nhiệm là "nhanh, đảm bảo chính xác và tạo bất ngờ". Công an quận, huyện cũng đã thành lập tổ cảnh sát hình sự đặc nhiệm trực thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

* Chức năng, nhiệm vụ của đội đặc nhiệm là gì, thưa ông?

- Cơ chế hoạt động của lực lượng này dựa trên qui định tạm thời do giám đốc Công an TP ban hành. Theo đó, đội đặc nhiệm được quyền phục kích đón lõng, câu nhử đối tượng; bắt giữ, khám người, đồ vật, phương tiện, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người phạm tội quả tang, đối tượng có lệnh truy nã; kiểm tra người, đồ vật, phương tiện, giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của đối tượng nghi vấn cướp, cướp giật; khi truy đuổi đối tượng gây án tẩu thoát được dùng phương tiện đi vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ; được quyền yêu cầu xác minh đối tượng, nạn nhân, sao trích hồ sơ ban đầu các vụ án do điều tra viên, công an phường xã, thị trấn xác lập... Trong khi làm nhiệm vụ, phương tiện lưu thông của lực lượng đặc nhiệm được gắn còi hụ và được sử dụng thêm ba biển số phụ. Cảnh sát đặc nhiệm mặc thường phục khi làm nhiệm vụ.

* Trong quá trình truy đuổi, nếu đối tượng chạy qua địa bàn quận, huyện hoặc tỉnh, thành khác thì sao?

- Trong trường hợp cần đeo bám đối tượng sang địa bàn giáp ranh các tỉnh cũng sẽ được hỗ trợ tối đa từ công an các địa phương. Đặc biệt trong khi thực hiện công vụ, cảnh sát đặc nhiệm được phép huy động các lực lượng: cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, công an thị trấn, phường, xã, dân phòng, dân quân... để hỗ trợ.

* Cảnh sát đặc nhiệm có được phép nổ súng để khống chế đối tượng không?

- Cảnh sát đặc nhiệm được phép nổ súng để khống chế, bắt giữ đối tượng chống trả bằng súng, hung khí, nhưng tuyệt đối không được để người dân vô tội đổ máu do cách hành xử không chính xác của lực lượng đặc nhiệm gây ra.

* Đối tượng bị kiểm tra có quyền yêu cầu cảnh sát đặc nhiệm xuất trình giấy tờ để chứng minh hay không?

- Trước khi tiến hành kiểm tra người, đồ vật, phương tiện, giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của đối tượng nghi vấn cướp, cướp giật thì cán bộ, chiến sĩ phải xuất trình thẻ đặc nhiệm và giới thiệu "tôi là cảnh sát đặc nhiệm". Việc làm này nhằm loại trừ khả năng kẻ xấu mạo danh cảnh sát đặc nhiệm để làm bậy.

* Nếu người dân phát hiện tội phạm thì báo qua số điện thoại nào?

- Trước mắt, nếu người dân phát hiện tội phạm thì báo ngay về số điện thoại 8387342. Nếu sau này có thêm số điện thoại đường dây nóng chúng tôi sẽ cung cấp sau.