Cảm nhận về nhân vật Mị Châu Trọng truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

Bài làm

    Nếu ai đã từng đến xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội hẳn không thể không tìm đến với những dấu tích của thành Cổ Loa xưa, nơi có giếng Trọng Thủy, còn gọi là giếng Ngọc, đền Thượng thờ An Dương Vương, am Bà Chúa thờ Mị Châu, chứng tích gợi nhớ đến một thời “xây thành – chế nỏ”, của một bi kịch tình yêu được thần kì hóa. Truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy đã đi vào đời sống tâm linh của nhân dân ta và trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu. Cả ba nhân vật chính trong tác phẩm cuối cùng đều phải nhận lấy những kết cục khác nhau nhưng có lẽ đáng giận và cũng đáng thương nhất là nhân vật Mị Châu.

      Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy có thể chia thành hai phần. Phần thứ nhất là bài học giữ nước rút ra từ những thành công của An Dương Vương và quan trọng hơn là phần thứ hai của bài học giữ nước rút ra từ sự mất cảnh giác của An Dương Vương và nhất là sự ngây thơ nhẹ dạ (và cả mất cảnh giác) của Mị Châu trong tình yêu và trong việc giải quyết mối quan hệ giữa hạnh phúc cá nhân riêng tư với quyền lợi của dân tộc, đất nước. Cả hai bài học đều quan trọng như nhau. Bi kịch mất nước bắt nguồn từ sự mất cảnh giác của An Dương Vương và nhất là sự ngây thơ nhẹ dạ (và cả mất cảnh giác) của Mị Châu trong tình yêu và trong việc giải quyết mối quan hệ giữa hạnh phúc cá nhân riêng tư với quyền lợi của dân tộc, đất nước.

      Cả hai bài học đều quan trọng như nhau. Bi kịch mất nước bắt nguồn từ sự mất cảnh giác của An Dương Vương. An Dương Vương quá mơ hồ về bản chất tham lam, độc ác nham hiểm của kẻ thù nên đã nhận lời kết tình thông hiểu, giặc kéo vào lại chủ quan không có phòng bị gì nên bị thua chạy thảm hại. Sau nữa, nó lại được tạo điều kiện từ sự nhẹ dạ, cả tin của Mị Châu. Vô tình tiếp tay cho hành động xâm lược của kẻ thù, Mị Châu vừa đáng giận, đáng trách vừa đáng thương. Mị Châu đáng giận vì nàng phạm phải những sai lầm lẽ ra không thể có ở một nàng công chúa. Nỏ thần là bí mật quốc gia, là sức mạnh bí ẩn làm nên sự bách chiến bách thắng của nước Đại Việt, vậy mà, vì thứ tình cảm vợ chồng cá nhân, riêng tư, để thỏa mãn điều mà nàng cho là trí tò mò của chồng đã nén lấy nỏ thần cho chồng xem, để đến nỗi nỏ thần bị đánh tráo mà không biết. Làm lộ bí mật quốc gia cho một kẻ sẵn có âm mưu xâm lược, Mị

Châu đã không thể ngờ hậu quả những hành động của mình nghiêm trọng đến nhường nào.

       Hành động rắc lông ngỗng khi ngồi sau yên ngựa của cha để chạy thoát thân cũng chỉ là một hành động vô tình, bởi: Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có tấm áo lông ngỗng thường được mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy có thể cứu được nhau. Chỉ đơn thuần là nghĩ đến hạnh phúc của cá nhân mình nhưng cuối cùng không thể cứu nhau mà lại còn là dấu cho quân giặc đuổi theo, để cuối cùng nàng phải chịu cái chết như một kẻ “giặc trong”. Sai lầm và tội lỗi của Mị Châu là không thể chối cãi và nàng bị kết tội hoàn toàn đích đáng. Cũng nhờ thế mà bài học về tinh thần cảnh giác càng trở nên thấm thía và sâu sắc.

       Tuy vậy, dân gian vẫn luôn rất công bằng và đầy lòng nhân ái. Người xưa chỉ ra lỗi lầm của Mị Châu nhưng cũng tìm thấy ở đó những căn nguyên sâu xa khiến cho ta thấy thực ra nàng cũng chỉ là một nạn nhân, một nạn nhân đáng thương. Sai lầm của nàng xuất phát đầu tiên từ sai lầm của An Dương Vương. An Dương Vương gả Mị Châu cho Trọng Thủy cũng đồng nghĩa với việc nhà vua giao cho nàng nghĩa vụ trách nhiệm của một người vợ là cũng phải theo chồng. Đấy là chưa kể đến việc tình yêu và nghĩa vợ chồng có thể làm lu mờ nghĩa vụ và trách nhiệm.

       Mị Châu vì quá cả tin mà đã không thể ngờ được người chồng của mình lại là một kẻ “gián điệp”; thế nên mới mang bí mật nước mình mà san sẻ với Trọng Thủy như một câu chuyện san sẻ thường hay gặp ở những cặp vợ chồng. Cũng giống như việc tiết lộ bí mật làm cho quân nước nhà bại trận, việc rắc lông ngỗng một lần nữa lại vô tình chỉ lối cho kẻ thù đuổi theo hai cha con. Hai lần nàng liên tiếp phạm lỗi mà không hề ý thức được lỗi lầm mình mắc phải. Tội lỗi được gây lên tính từ sự ngây thơ, cả tin nên thật đáng thương. Việc Rùa Vàng kết tội Mị Châu làm giặc tuy đẩy nhân vật đến số phận bi thảm nhưng lại là một kết thúc cần thiết theo quan niệm của nhân dân.

         Rõ ràng Mị Châu có tội. Tôi trực tiếp gây nên mất nước ấy của nàng xứng đáng nhận lấy cái chết. Đây là bài học trực tiếp để răn dạy tinh thần đề cao cảnh giác trong sự nghiệp giữ gìn đất nước. Phê phán Mị Châu bằng “bản án tử hình” nhân dân cũng thấu hiểu rằng nàng mắc tội do chủ ý không phải do vô tình, ngây thơ nhẹ dạ và cả tin. Bởi thế, họ đã xếp cho nàng được biến thành ngọc trai đúng như lời nguyền trên bờ biển. Máu Mị Châu chảy xuống biển, tri sò ăn được thì đều biến thành ngọc châu, xác đem về ném ở Loa Thành thì biến thành ngọc thạch. Mị Châu bị trừng phạt cho những tội lỗi nhưng cũng đã được chiêu tuyết cho tâm hồn trong sáng và ngây thơ của mình. Hình ảnh ngọc trai – giếng nước ở cuối tác phẩm là một sáng tạo hết sức hoàn mĩ. Nó thuộc về thái độ ứng xử vừa nghiêm khắc, vừa nhân đạo vừa thấu lí đạt tình của nhân dân ta.

       Nhân vật Mị Châu và kết cục của nàng đã khiến cho chúng ta vừa giận, lại vừa đồng cảm và xót thương sâu sắc. Mong rằng ở một thế giới khác, nàng đã tự nhận được bài học cho bản thân mình có được cuộc sống đúng đắn và thanh thản hơn. Và khi ấy, số phận Mị Châu sẽ khác…

Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Cảm nghĩ của em về truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy

Truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy", là một trong những truyền thuyết nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên đây là một truyện đặc biệt, bởi nó vừa là một câu chuyện bi kịch gia đình lại vừa là truyền thuyết bi tráng nhất, bài học và ý nghĩa của truyện còn vang vọng mãi trong lòng nhân dân và xuyên suốt các thời đại lịch sử Việt Nam.

Câu chuyện cảm động, thấm thía về tình nghĩa cha con và tình cảm vợ chồng giữa An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy được tác giả dân gian kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố lịch sử và các yếu tố kì ảo, phản ánh bài học đắt giá về lòng tin và cảnh giác đối với kẻ thù. Vua An Dương Vương sau khi được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành Cổ Loa xong còn tặng cho một chiếc vuốt để làm nỏ thần. Chiếc nỏ thần đã giúp cho quân của An Dương Vương đánh thắng quân của Triệu Đà, đất nước Âu Lạc thái bình vắng bóng quân xâm lược. Tuy nhiên An Dương Vương đã không cảnh giác lại gả con gái Mị Châu cho chính con trai của Triệu Đà là Trọng Thủy, hai nước vốn là kẻ thù của nhau nay lại có chung hôn sự không thể tránh khỏi hiểm họa về sau. Và đúng như vậy, việc xin cưới Mị Châu chẳng qua là âm mưu của Triệu Đà muốn gài gián điệp phục vụ cho dã tâm cướp nước Âu Lạc. Cha con Triệu Đà mưu sâu kế hiểm là vậy, thế nhưng An Dương Vương lại chủ quan có nỏ thần trong tay nên khinh địch, an nhàn và lơ là cảnh giác. Sai lầm này đã khiến vua An Dương Vương rơi vào cảnh nước mất nhà tan, vào bước đường cùng nhà vua mới biết con gái của mình là người đã nối giáo cho giặc xâm lược. Chính tay vua đã phải cầm kiếm chém đầu con gái rồi kết thúc cuộc đời mình, tức giận và đau xót muôn phần nhưng đó là sự trừng phạt thích đáng và cái giá phải trả cho sự chủ quan, thiếu cảnh giác. Mị Châu vốn là một người vợ có lòng chung thủy, tình nghĩa với chồng nhưng lại thiếu sáng suốt và thiếu trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc. Nàng đã ngu muội và tin tưởng Trọng Thủy một cách mù quáng, không chỉ tiết lộ bí mật thiên cơ về nỏ thần mà còn đưa nỏ thần cho quân giặc, chẳng khác nào là một kẻ bán nước. Tuy nhiên chính Mị Châu cũng không ngờ Trọng Thủy lại lợi dụng lòng tin và tình yêu của nàng để thực hiện dã tâm cướp nước. Nhân dân ta biết tội của Mị Châu nhưng vì cảm động tình máu mủ cha con nên vẫn lập đền thờ cha con Mị Châu ở gần nhau, nhằm hóa giải nỗi oan và thù hận giữa cha với con. Tình yêu và tình nghĩa vợ chồng giữa Mị Châu và Trọng Thủy là một chuyện tình đẹp gắn liền với chi tiết giếng ngọc và ngọc trai, khi Mị Châu chết, Trọng Thủy đã rất đau xót và nhớ thương nàng, bản chất của hắn là một người có tình nghĩa, coi trọng tình cảm vợ chồng với Mị Châu. Suy cho cùng Trọng Thủy cũng là vì nghĩa vụ trung quân với cha và với nước mà trở thành gián điệp, phản bội tình yêu của Mị Châu, ăn cắp nỏ thần của u Lạc. Có thể ngàn đời sau nhân dân ta vẫn oán hận Trọng Thủy vì đã đánh cắp nỏ thần, cướp nước nhưng ta cũng cảm thấy thương cho hắn khi phải trở thành tay sai của Triệu Đà, phải đứng giữa nghĩa vụ Tổ quốc và tình yêu sâu đậm. Hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" chính là biểu tượng cho tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy, ngọc trai tượng trưng cho tấm lòng trong sáng, ngây thơ của Mị Châu, còn giếng ngọc có hồn Trọng Thủy là tượng trưng cho sự hối hận của hắn.

Truyền thuyết "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ" tuy có một kết thúc đầy bi kịch và đau buồn nhưng đã hóa giải được những nỗi oan, niềm oán giận và sự hối hận trong các nhân vật. Kết thúc đó vừa thể hiện được truyền thống yêu nước gắn liền tự tôn dân tộc lại vừa thể hiện sự bao dung độ lượng của nhân dân ta. Truyện đã để lại cho đời sau bài học quý giá để bảo vệ đất nước, phải biết đề cao cảnh giác trước kẻ thù, đặt cái chung của dân tộc lên trên cái riêng của cá nhân.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Cảm nhận về truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Soạn bài lớp 10: Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
  • Soạn văn 10 bài: Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy
  • Văn mẫu lớp 10: Phân tích Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ