Cách thức viết đoạn văn 200 chữ trong đề thpt năm 2024

Hướng dẫn cách viết đoạn văn 200 chữ về chủ đề nghị luận xã hội để không làm mất 3 điểm đáng tiếc trong nội dung này.

Bạn muốn đạt 3 điểm tối đa đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ với các yêu cầu về hiện tượng xã hội đang bất cập hiện nay? Cùng tham khảo ngay cách viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về chủ đề nghị luận xã hội theo yêu cầu của bài đưa ra.

Yêu cầu đối với phần "Nghị luận xã hội", các em phải biết vận dụng các thao tác lập luận, rút ra bài học hành động cho bản thân trước vấn đề đặt ra, phù hợp với lứa tuổi.

Các dạng đề tài thường ra

Trước hết các em phải đọc kỹ yêu cầu đề tài được đưa ra. Từ đó xem đề yêu cầu mình bàn luận về vấn đề gì? Thuộc về dạng bài:

- Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

- Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

- Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm.

Yêu cầu về hình thức và nội dung khi viết đoạn văn nghị luận 200 chữ

Về hình thức:

- Đoạn văn 200 chữ cần trình bày trong 1 đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn 1 vài dòng cũng không bị trừ điểm.

Lưu ý: Nếu mạch văn cần đủ ý để diễn đạt thì các em hoàn toàn có thể viết lên tới 250 chữ .

- Đoạn văn phải đủ ý để làm rõ đề tài, diễn đạt lưu loát, không mắc nhiều lỗi chính tả, có sự sáng tạo, ...

Về nội dung:

Một đoạn văn 200 chữ nghị luận xã hội cần 3 nội dung chính sau:

1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)

- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).

- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)

2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)

- Giải thích các khái niệm liên quan.

- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.

+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.

+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.

- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.

3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)

+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.

Sơ đồ cấu trúc đoạn văn 200 chữ nghị luận xã hội

Lưu ý khi viết đoạn văn 200 chữ về chủ đề nghị luận xã hội

- Đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong một đề thi. (đặc biệt là triển khai đề tài theo ý của em)

- Đoạn văn cần ngắn gọn, súc tích, không lan man mà phải đi thẳng vào vấn đề, không nên lấy quá nhiều dẫn chứng để tránh đoạn văn quá dài.

- Thời gian để hoàn thành bài dao động từ 20 - 30 phút.

Một số đoạn văn 200 chữ hay nhất

Đọc Tài Liệu xin gởi các em một số mẫu đoạn văn nghị luận 200 chữ thường xuyên được các thầy cô ra đề hiện nay:

  • Đoạn văn 200 chữ nghị luận về tình mẫu tử
  • Đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về lòng tốt
  • Đoạn văn 200 chữ về vấn đề Ô nhiễm môi trường
  • Đoạn văn nghị luận về vai trò của gia đình đối với chúng ta
  • Đoạn văn ngắn về bạo lực học đường
  • Đoạn văn 200 chữ về lòng can đảm
  • Đoạn văn nghị luận 200 chữ liên quan tới dịch Covid-19
  • Đoạn văn viết về lòng biết ơn
  • Đoạn văn về trang phục và văn hóa
  • Đoạn văn nghị luận về tình yêu thương
  • Đoạn văn nghị luận về vấn đề rác thải nhựa
  • Đoạn văn nêu suy nghĩ về thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ
  • Cốt lõi của sự thay đổi là sự dũng cảm của mỗi người
  • Đoạn văn nghị luận xã hội về lời cảm ơn
  • Top 8 đoạn văn nghị luận xã hội giúp bạn đạt điểm cao

Mong rằng với các nội dung trên, các em đã nắm được cách viết đoạn văn 200 chữ về chủ đề nghị luận xã hội và cố gắng nắm trọn được 3 điểm của nội dung này.

Đề 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Bài làm:

Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi ta có sự thấu cảm, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để cảm nhận, thấu hiểu, cảm thông với cảnh ngộ, nỗi niềm của họ một cách sâu sắc. Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng, với những người xung quanh mình. Sự thấu cảm cũng giúp ta tránh được những phán xét, suy nghĩ cực đoan và sống vị tha hơn đối với người khác. Những người ở trong hoàn cảnh đau buồn, bất hạnh khi nhận được sự thấu cảm, yêu thương, chia sẻ, họ sẽ vơi bớt nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nỗi đau, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự thấu cảm còn tạo nên mối quan hệ thân thiện, gắn kết, yêu thương giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta phải biết thấu cảm với người khác để sống có tấm lòng, biết yêu thương, sẻ chia với những người bất hạnh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn như lời khẳng định của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”.

Đề 2: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.

Bài làm:

Một nhà thơ người Đan Mạch đã từng cho rằng: “Không thể tồn tại mà không có đam mê”. Thật vậy, việc ta tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi có niềm đam mê, chúng ta sẽ có sự nhiệt tình, cháy hết mình trong công việc, học tập, do đó có thể phát huy được một cách tốt nhất năng lực của mình để vươn đến thành công. Nhờ có đam mê, chúng ta sẵn sàng dấn thân, vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện điều mình theo đuổi. Đam mê còn là điều kiện cần thiết giúp con người biết vượt lên giới hạn của bản thân để làm nên những việc lớn lao, kì diệu. Nhờ có niềm đam mê nghiên cứu khoa học mà Marie Curie, Thomas Edison, Stephen Hawking…đã vượt qua những khó khăn, thất bại để đem đến những thành tựu khoa học vĩ đại cho nhân loại. Việc tìm ra niềm đam mê thực sự khiến con người cảm thấy cuộc sống này thật thú vị, ý nghĩa biết bao! Nếu thiếu nhiệt huyết, thiếu niềm đam mê, chúng ta cảm thấy cuộc đời này thật tẻ nhạt và làm việc gì cũng sẽ không không có sự cố gắng hết mình. Tóm lại, “hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn” (lời của một nhân vật trong một bộ phim Ấn Độ); tuy nhiên, đó phải là đam mê chân chính, đúng đắn chứ không phải là những đam mê, ham muốn tiêu cực, sai lầm, mù quáng.

Chủ đề