Cách mua bản quyền nhạc trên youtube

Hiện nay, Youtube đang dần trở thành một mạng xã hội phổ biến với việc chia sẻ nhiều video kèm nhạc. Theo đó, nhiều người cũng quan tâm nhiều đến việc đăng ký bản quyền nhạc trên nền tảng này. Vậy thủ tục này thực hiện thế nào?  

1. Youtube là gì?

Youtube là một trong những sản phẩm nổi bật của Google. Thông qua mạng xã hội này, người dùng có thể tải lên các video của mình hoặc của người khác và chia sẻ các video này trên nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, máy tính…

Để tương tác với những video được chia sẻ trên nền tảng này, người dùng có thể sử dụng tính năng yêu thích, không yêu thích hoặc chia sẻ video trên các trang mạng xã hội khác như Facebook, Zalo, Instagram, Skype… một cách hoàn toàn dễ dàng.

Ngoài ra, việc tải và cài đặt Youtube cũng hết sức đơn giản. Chỉ cần có thiết bị thông minh, người dùng chỉ cần vào Appstore (với người dùng Iphone) hoặc CH Play (với người dùng Android) để tải về.

Đặc biệt, người dùng hoàn toàn có quyền bật tính năng kiếm tiền trên Youtube để thu tiền từ quảng cáo và từ chính các nội dung trên các video được đăng tải trên kênh của mình.

2. Vì sao phải đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube?

Bởi Youtube là một trong những nền tảng lớn, có chứa nhiều video được tải lên nên nếu không đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube, rất dễ dàng cho người “ăn cắp” và bật kiếm tiền trên chính những tác phẩm âm nhạc của mình.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tác phẩm âm nhạc do trực tiếp tác giả sáng tạo bằng lao động trí óc mà không sao chép từ tác phẩm của người khác là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả.

Đây là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc ký tự âm nhạc hoặc định hình trong bản ghi âm, ghi hình hoặc không lời. Đặc biệt, nó sẽ không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không (theo Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

Do đó, nhạc trên Youtube nếu do tự tác giả sáng tạo, không sao chép từ người khác thì là loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, để được bảo hộ thì tác giả phải thực hiện đăng ký bảo hộ, nếu không thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như:

- Mất quyền đăng ký nhãn hiệu: Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, nguyên tắc để tác phẩm được bảo hộ là căn cứ vào ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong các đơn hợp lệ trùng hoặc tương đương nhau hoặc không khác biệt đáng kể so với nhau.

Do đó, nếu không đăng ký mà có cá nhân, tổ chức khác thực hiện đăng ký trước thì tác phẩm âm nhạc đó sẽ không được bảo hộ.

- Khó cấm người khác sử dụng bài hát của mình: Chủ sở hữu bài hát không được cấp văn bằng bảo hộ thì sẽ khó cấm người khác hát bài hát của mình (Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ).

- Có thể bị phạt hành chính: Do chưa đăng ký bảo hộ nên bài hát đăng trên Youtube không thuộc quyền sở hữu của tác giả hoặc ca sĩ đó. Do đó, nếu người khác đã đăng ký bảo hộ thì họ sẽ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc khởi kiện đòi bồi thường vì hát bài hát đó trái phép…

Do đó, dù đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube hay trên bất cứ nền tảng nào thì người có quyền cũng cần phải thực hiện ngay khi sáng tạo nên một tác phẩm và chia sẻ.

3. Thủ tục đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube thế nào?

3.1 Hồ sơ

- Tờ khai đăng ký nhạc trên Youtube bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp, tác giả, chủ sở hữu, thời gian hoàn thành, tóm tắt nội dung, bản ghi âm, ghi hình; tên tác giả, cam đoan trách nhiệm… Tờ khai này có thể do chính tác giả hoặc chủ sử hữu quyền tác giả/quyền liên quan ký tên, điểm chỉ.

Ngoài ra, tờ khai này do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

- Đĩa CD thể hiện bài hát đăng ký hoặc bản sao tác phẩm dưới dạng khác.

- Giấy uỷ quyền (nếu có).

- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu do tự sáng tác bài hát hoặc hợp đồng sáng tác bài hát hoặc tài liệu chứng minh được chuyển giao quyền.

- Văn bản đồng ý của đồng tác giả (nếu có).

- Văn bản đồng ý của đồng sở hữu (nếu có).

Căn cứ Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bởi khoải 14 Điều 1 Luật năm 2022.

3.2 Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Cơ quan, tổ chức có thể đăng ký thông qua việc nộp trực tiếp hoặc uỷ quyền hoặc nộp qua đường bưu điện. Trong đó, nếu nộp trực tiếp thì có thể gửi đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ phận một cửa Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện:

- Cục Bản quyền tác giả tại địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

- Văn phòng tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

- Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

(căn cứ khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

3.3 Thời gian giải quyết

15 ngày làm việc theo Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2022.

Giấy chứng nhận quyền tác giả này có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

3.4 Chi phí

Theo Thông tư 211/2016/TT-BTC, chi phí đăng ký quyền tác giả là 100.000 đồng/giấy chứng nhận.

Trên đây là giải đáp về việc: Đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube như thế nào? Nếu cần được tư vẫn và thực hiện thủ tục này, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại 0938.36.1919 để được LuatVietnam hỗ trợ miễn phí.

Chủ đề