Cách mạng tân hợi bùng nổ thời gian nào năm 2024

Tư liệu 09:17, 07/12/2016 GMT+7

Cách mạng Tân Hợi

BP - Tháng 11-1894, Tôn Trung Sơn sáng lập ra Hội Trung Hưng để đấu tranh chống lại triều đình Mãn Thanh. Mặc dù kế hoạch bị lộ nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc trong đêm 10-10-1911. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi và quân khởi nghĩa đã thành lập chính phủ quân sự tại Hồ Bắc.

Ngày 11-10-1911, Chính phủ quân sự Hồ Bắc tổ chức hội nghị để đổi quốc hiệu nước thành Trung Hoa dân quốc; kêu gọi toàn quân, dân đánh đổ triều đình Mãn Thanh... Cuộc khởi nghĩa làm rung chuyển đất nước Trung Quốc rộng lớn và sau đó lần lượt có 140 tỉnh, vùng, khu tự trị... tuyên bố độc lập. Ngày 14-10-1911, nhà Thanh cử Viên Thế Khải làm Tổng đốc Hà Quảng đưa quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ngày 25-12-1911, Tôn Trung Sơn về nước và được đại biểu của 17 tỉnh phía Nam họp bầu làm Tổng thống. Lấy 1-1-1912 làm ngày khai sinh nước Trung Hoa dân quốc. Ngày 1-1-1912, Chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc họp ở Nam Kinh. Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhận chức Đại tổng thống. Lúc này, Viên Thế Khải tấn công mạnh vào chính quyền mới. Các nước đế quốc đang khống chế Trung Quốc không công nhận chính phủ của Tôn Trung Sơn. Để chấm dứt cuộc nội chiến, Tôn Trung Sơn đưa ra hiệp định với 5 điều khoản, trong đó có nội dung nếu Viên Thế Khải lật đổ được triều đình nhà Thanh sẽ được bầu làm Đại tổng thống. Viên Thế Khải sai Đoàn Kỳ Thụy với 40 tướng lĩnh khác bức vua Thanh là Phổ Nghi thoái vị. Ngày 12-2-1912, Phổ Nghi xuống chiếu thoái vị, chấm dứt hơn 260 năm cai trị của vương triều này. Nhà Thanh sụp đổ, chế độ phong kiến kéo dài hơn 2000 năm ở Trung Quốc cũng chấm dứt sự tồn tại. Sau khi lật đổ nhà Thanh, ngày 10-3-1912, Viên Thế Khải nhận chức Đại tổng thống thay Tôn Trung Sơn và chính phủ dời đô đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, Quốc dân đảng phản đối kịch liệt. Các tướng lĩnh đảng này khởi binh chống lại, nhưng đều bị Viên Thế Khải đánh bại. Cuối năm 1913, Viên Thế Khải ra lệnh trục xuất các nghị viên thuộc Quốc dân đảng ra khỏi Quốc hội. Đầu năm 1914, Viên Thế Khải giải tán Quốc hội của Trung Hoa dân quốc, cho xây dựng lại nền thống trị “độc tài của tập đoàn quan liêu, quân phiệt và đại địa chủ tư bản”. Trung Quốc bước vào thời kỳ thống trị của quân phiệt Bắc Dương.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng dân chủ tư sản do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo. Mặc dù chưa giải quyết được những nội dung cơ bản của một cuộc cách mạng nhưng đã lật đổ triều đình Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc.

Sau chiến tranh Nha Phiến năm 1840, Trung Quốc dần sa vào xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến, các thế lực phương Tây tàn bạo xâm lược chế độ phong kiến Trung Quốc suy tàn, thối nát không có năng lực, đất nước lâm vào tình cảnh chiến tranh loạn lạc, nhân dân đói rét, nhân dân và dân tộc Trung Hoa đã phải chịu đựng cảnh đau thương sâu sắc chưa từng có. Năm 1911, các nhà cách mạng, tiêu biểu là Tôn Trung Sơn đã phát động Cách mạng Tân Hợi làm chấn động thế giới, khởi xướng các thay đổi xã hội chưa từng có ở Trung Quốc. Năm nay kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, các nơi tại Trung Quốc tổ chức tưởng niệm Tôn Trung Sơn và các nhà tiền bối cách mạng khác cũng như công trạng lịch sử của họ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ở Việt Nam, Tôn Trung Sơn được nhiều nhà nghiên cứu đề cập trên một số phương diện như giới thiệu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp, về Chủ nghĩa Tam dân, về cách mạng Tân Hợi, về ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn đối với cách mạng và các nhà tiền bối cách mạng Việt Nam. Trưởng phòng Tạp chí Triết học, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Trịnh Thị Hằng là một trong rất nhiều học giả Việt Nam nghiên cứu về Tôn Trung Sơn và Cách mạng Tân Hợi. Trong gần chục năm qua, nhiều tập san của Việt Nam đã đăng những bài viết nghiên cứu của bà về Tôn Trung Sơn như“Sự khác nhau giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn” và“Tư tưởng về tự do và bình đẳng trong chủ nghĩa dân quyền của Tôn Trung Sơn”.

Về Cách mạng Tân Hợi, bà Trịnh Thị Hằng cho rằng, trong thời kỳ thù trong giặc ngoài, tất cả những người quan tâm tiền đồ và số phận quốc gia và dân tộc đều vô cùng đau xót nhận ra rằng, muốn giành được độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân và làm cho dân giàu nước mạnh thì cần phải lật đổ ách thống trị của chế độ phong kiến, đổi mới căn bản xã hội Trung Quốc. Do đó, Cách mạng Tân Hợi đã bùng phát. Cách mạng Tân Hợi có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Bà Trịnh Thị Hằng nêu rõ,“Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo là cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm ở Trung Quốc, lập nên Trung Hoa Dân quốc, một chế độ mới, phương thức sản xuất mới, cũng như phương thức quan hệ giữa con người với con người mới. Có thể nói, cuộc Cách mạng Tân Hợi đã tạo ra sự thay đổi xã hội chưa từng có ở Trung Quốc. Cuộc cách mạng này không chỉ phản ánh nguyện vọng tha thiết của nhân dân Trung Quốc mong muốn có được một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, mà còn phản ánh bước chuyển tất yếu của lịch sử, bước chuyển từ chế độ cũ sang chế độ mới. Hơn nữa, Cuộc cách mạng Tân Hợi có ý nghĩa to lớn trong việc tạo cơ sở, tiền đề về tinh thần cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho phong trào đấu tranh giành độc lập của Trung Quốc sau này”.

Thắng lợi của cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 không chỉ kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hơn 2.000 năm tại Trung Quốc, giáng đòn nặng nề vào chủ nghĩa đế quốc, mà còn làm chấn động phương Đông, thức tỉnh châu Á. Cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Thái Lan và nhất là đối với Việt Nam, đặc biệt truyền cảm hứng to lớn cho tinh thần đấu tranh của các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh.…

Bà Trịnh Thị Hằng cho biết,“Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, khi các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng lại bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn, thì sự thành công của Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo như một làn gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước. Đồng thời, cũng mở ra con đường mới, lối thoát mới cho phong trào cách mạng Việt Nam; cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp. Sự thành công của cách mạng Tân Hợi cũng thu hút nhiều thanh niên Việt Nam tiên tiến sang Trung Quốc học tập, hoạt động cách mạng, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh,... Đặc biệt, những thành công và hạn chế của Cách mạng Tân Hợi là bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng trên thế giới, Việt Nam cũng học được nhiều bài học từ cuộc cách mạng này”.

Chủ đề