Cách ghi chép hiệu quả khi học đại học

Ghi chú hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng của một sinh viên đại học. Ghi chú tốt đòi hỏi sinh viên phải biết đánh giá, tổ chức và tóm tắt thông tin.

Trong hướng dẫn này, mình sẽ nói về cách mình chuẩn bị để ghi chép tốt trong lớp, giới thiệu cho mọi người một số kỹ thuật ghi chú hiệu quả và cách để tận dụng tối đa ghi chú của bạn sau giờ học. 

  • Chuẩn bị kỹ trước khi đến lớp
    • Có thể bạn sẽ thích
    • Notion là gì mà hot vậy nhỉ?
    • Cách mình xây dựng thói quen và tăng năng suất học tập khi học đại học.
  • Tư duy ghi chú hiệu quả
  • 6 hệ thống ghi chú tốt nhất 
    • Có cấu trúc: Ghi chú theo kiểu dàn bài
    • Để xem lại: Phương pháp ghi chú Cornell
    • Chiều sâu: Sơ đồ tư duy 
    • Toàn diện: Ghi chú luồng
    • Dễ dàng: Viết lên Slide
    • Trực quan: Bullet Journaling
  • Kết luận

Chuẩn bị kỹ trước khi đến lớp

Trước khi bạn đến lớp, hãy đảm bảo rằng bạn đã học (hoặc ít nhất là đọc lướt) tất cả các bài đọc được chỉ định từ giảng viên của bạn. Ngay cả khi bạn không được giao bài đọc, hãy thử và làm quen với các chủ đề trước khi đến lớp, để bạn biết mình sẽ gặp phải những vấn đề gì. 

Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng:

Những sinh viên đọc trước tài liệu trước khi đến lớp thể hiện sử hiểu biết về bài học nhiều hơn những sinh viên không được chuẩn bị gì trước khi đến lớp. 

Và đừng quên chuẩn bị mọi thứ bạn cần vào balo. Đảm bảo rằng bạn có bút mực, bút ghi chú, một cuốn sổ tay, giáo trình, và máy tính xách tay của bạn. 

Một tip mà mình muốn giới thiệu cho bạn là hãy mang trong cặp của mình một chai nước lọc. Theo một nghiên cứu, nước làm cải thiện luồng suy nghĩ của bạn, giúp bạn tỉnh táo và tiếp nhận thông tin tốt hơn. Mỗi khi cảm thấy căng thằng, hãy uống một ngụm nước, nó sẽ giúp bạn tập trung hơn rất nhiều. 

Tư duy ghi chú hiệu quả

Một thứ nữa mà bạn nên sắp xếp trước khi đi đến lớp chính là não bộ của bạn.

Hãy nhỡ rằng, khi có tâm trạng tốt và có thái độ tích cực, bạn sẽ có nhiều khả năng học hỏi hơn. 

Hãy đến lớp với một thái độ tích cực, cố gắng kết bạn với một người bạn cùng lớp để có thể học cùng (nếu bạn học lớp tín chỉ) và chú ý đến bài giảng của giáo viên.

Hãy nhớ, thái độ là tất cả

Mẹo nhanh: Nếu bạn nhận thấy trong giờ học, giảng viên của bạn đã đề cập đến cùng một sự việc hai lần hoặc nhiều hơn. Hoặc đã lặp lại một sự việc đã được nói đến trong bài giảng trước. Hãy ghi chúng lại.

Khoanh tròn nó, gạch chân nó để nói với não bộ của bạn phải chú ý. Nó chắc chắn sẽ quan trọng sau này. Hãy để ý đến sự lặp lại. 

6 hệ thống ghi chú tốt nhất 

Bây giờ, bạn đã sẵn sàng để ghi chú.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về một số kỹ thuật ghi chú phổ biến.

Mỗi người đều có một cách học khác nhau, và mình nghĩ mỗi môn sẽ có một phong cách học khác nhau.

Đừng ngại thử nghiệm các kỹ thuật ghi chú khác nhau để tìm ra một kỹ thuật phù hợp với bạn. 

Có cấu trúc: Ghi chú theo kiểu dàn bài

Điều này dành cho những người thích sự đơn giản. Đây là một trong những cách dễ dàng nhất để ghi chú và khá tự nhiên với hầu hết mọi người. 

Khi chú dàn bài, hãy bắt đầu bằng cách chọn bốn hoặc năm điểm chính sẽ được đề cập trong bài giảng của bạn. Bên dưới những điểm đó, viết một số điểm phụ chuyên sâu hơn về mỗi chủ đề mà giảng viên trình bày (nếu bạn ghi chú ở máy tính, thì nó là những thẻ tiêu đề H1, H2, H3).

Đây là một cách ghi chú hiệu quả, đơn giản để ghi chép.

Nó giúp bạn theo dõi và chú ý trong giờ học, nhưng có thể sẽ khiến bạn choáng ngợp khi xem lại những ghi chú này sau đó.

Để hỗ trợ việc xem lại các loại ghi chú này, hãy cố gắng đọc từng tiêu đề và tự tóm tắt nó mà không cần nhìn quá nhiều vào ghi chú của bạn. Sử dụng ghi chú này để kiểm tra xem bạn thực sự hiểu được bao nhiêu thay vì chỉ đọc đi đọc lại chúng. 

Để xem lại: Phương pháp ghi chú Cornell

Phương pháp Cornell là một cách khá tốt để phân chia các ghi chú của bạn nếu bạn đang muốn tận dụng tối đa thời gian ôn tập của mình. 

Trong phương pháp này, bạn chia nội dung ghi chép của mình thành 3 phần: ghi chú, gợi ý và tóm tắt. 

Phần ghi chú của bạn dành cho những ghi chú bạn thực hiện trong giờ học. 

Phần gợi ý của bạn dành cho sau giờ học. Sử dụng phần gợi ý để ôn lại các ghi chú của bạn. Sau giờ học, viết ra những điều bạn cần phải ghi nhớ và sự gợi nhắc cho từng ý chính. 

Trong phần tóm tắt ở dưới cùng, hãy viết tóm tắt các ghi chú của bạn. Đây là nơi bạn sẽ làm nổi bật các ý chính và rút ra những kiến thức mà bạn đã học được trong bài học.

Hãy nhớ là giữ cho phần tóm tắt và gợi ý của bạn càng đơn giản càng tốt.

Chiều sâu: Sơ đồ tư duy 

Sơ đồ tư duy là một cách tuyệt vời để ghi chú cho các loại chủ đề cụ thể. Các môn học trên lớp như vật lí, lịch sử, triết học, tư tưởng có các chủ đề đan xen hoặc các ý tưởng phức tạp, trừu tượng là lựa chọn hoàn hảo của phương pháp này. 

Ví dụ, bạn đang học tiết học về chủ chương, đường lối cách mạng của đảng cộng sản Việt Nam trong thời khì kháng chiến chống Mỹ. Hãy bắt đầu với khái niệm đó ở trung tâm. Sau đó vẽ các nhánh của tất cả những thứ dẫn đến như chủ trường của đảng, đường lối của đảng, các sự kiện tiêu biểu, nguyên nhân thắng lợi,… khi giảng viên liệt kê chúng. Sau đó, từ những cái đó, lại rẽ nhánh ra những thứ chi tiết hơn trong sự kiện đấy. Và cứ thế tiếp tục. 

Ưu điểm của phương pháp này là nó hữu ích cho nhưng người học bằng thị giác, và giúp bạn nhớ và kết nối các mối quan hệ giữa các chủ đề. 

Toàn diện: Ghi chú luồng

Phương pháp ghi chú này rất phù hợp cho những sinh viên muốn tối đa hoá việc học tập tích cực của họ trong lớp và giảm thiểu thời gian ôn tập sau này.

Điểm lưu ý của ghi chú này, là bạn phải đặt bản thân của mình vào việc ghi chú như là đang tận thưởng việc thu nhận thông tin, chứ không phải là một máy ghi chép bài giảng. 

Ghi lại các chủ đề, vẽ mũi tên, vẽ nguệch ngoạc và sơ đồ, đồ thị, tương tác với tài liệu. Hãy cố gắng học tập tích cực khi bạn đang ghi chép. 

Hãy liên tưởng các sự kiện mà giảng viên nói với những sự kiện mà bạn đã biết. Viết những dữ kiện đó ra ghi chú của bạn và rút ra kết nối giữa chúng.

Bầu trời là giới hạn cho điều này. Nó tuyệt vời cho những người ghét quy tắc. 

Lưu ý: Mặc dù phương pháp này rất tốt cho việc học trong thời điểm này, nhưng có thể khó để xem lại các ghi chú về quy trình sau này. Nếu bạn là người học bằng thị giác và lưu giữ lại được nhiều điều bạn học được từ các bài giảng của mình, có thể điều đó phù hợp với bạn. Nếu không, hãy thử ghép nối các ghi chú luồng của bạn với phương pháp Cornell để giúp bạn xem lại ghi chú của mình một cách dễ dàng hơn. 

Dễ dàng: Viết lên Slide

Thành thật mà nói, đây là ghi chú “dành cho người lười” và không có gì sai với điều đó. 

Nó siêu hiệu quả và dễ dàng.

Nếu giảng viên của bạn cung cấp cho bạn các slide mà họ đang sử dụng trong các bài giảng của họ. Hãy tải xuống các tệp và in chúng ra. 

Các slide cung cấp cho bạn một bước trong quá trình phác thảo. Giảng viên đã làm công việc đó cho bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là ghi chú thêm những thông tin hữu ích và đúc rút bài học vào trong slide.

Nó cũng hoạt động tốt. Vì sau này, bạn có thể nhìn vào slide và ít nhiều nhớ đến hình ảnh giảng viên đã nói gì khi bạn ôn đến slide đó. 

Trực quan: Bullet Journaling

Đây là phong cách ghi chú yêu thích của cá nhân mình, được sử dụng thường xuyên nhất cả trong và ngoài lớp học.

Nếu bạn yêu thích cái đẹp, thích vẽ nguệch ngoạc hoặc là một người đặc biệt thích trực quan, phương pháp này có thể sẽ phù hợp với bạn.

Khi bạn ghi chú theo kiểu Bullet Journaling, bạn biến một trang trống thành một bản trình bày đẹp đẽ về quá trình suy nghĩ của bạn. Hãy thử sử dụng nó để kết hợp các khía cạnh khác nhau của các phong cách ghi chú khác nhau. Bạn có thể dành một trang riêng cho sơ đồ tư duy, một trang riêng cho ghi chú luồng của bạn. Hãy làm những gì bạn muốn! 

Phương pháp này có nhược điểm. Có thể khó để ghi chú một cách nhanh chóng. Mục tiêu của việc ghi chú này là giữ cho việc ghi chú của bạn có tổ chức và hấp dẫn, điều này có thể khó khăn khi bạn đang viết nhanh hết mức có thể. Cá nhân mình thường ghi chú trên lớp theo kiểu dàn ý và sau đó về nhà sắp xếp chúng lại và ghi chép theo kiểu Bullet Journal như một hình thức ôn tập lại kiến thức. 

Nếu bạn cần ý tưởng để ghi chép Bullet Journal?

Chỉ cần lên Pinterest hoặc Google gõ “ Ý tưởng bullet journal cho sinh viên”. Sẽ có một thế giới về Bullet Journal mở ra cho bạn. 

Kết luận

Ghi chú có tổ chức và chu đáo có thể giúp cải thiện sự hiểu biết của bạn và việc nhớ lại những gì bạn đã học được trong lớp học. Hãy thử các phương pháp ghi chú này trong các buổi học tiếp theo của bạn và xem phương pháp nào phù hợp nhất với bạn!

Hi vọng điều này hữu ích với bạn.

Chủ đề