Các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 2024

Các chuẩn mực quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là một trong hai nhóm quyền chính cấu thành các quyền và tự do cá nhân cơ bản. Các nhóm quyền này đóng vai trò quan trọng, đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, sau đó được tái khẳng định và cụ thể hoá trong nhiều văn kiện quốc tế. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, các quyền về kinh tế xã hội và văn hoá được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Theo đó các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được chia thành ba nhóm, cụ thể như sau:

Nhóm quyền kinh tế (economic rights), bao gồm:

  1. Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng.
  2. Quyền lao động.

Nhóm quyền xã hội (social rights), bao gồm:

  1. Quyền được hưởng an sinh xã hội.
  2. Quyền được hỗ trợ về gia đình.
  3. Quyền được hưởng sức khỏe về thể chất và tinh thần.

Nhóm quyền văn hóa (cultural rights), bao gồm:

  1. Quyền giáo dục.
  2. Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học.

Cũng cần lưu ý rằng, để phục vụ mục đích nghiên cứu và trong quá trình áp dụng, một số quyền thuộc các nhóm ở trên đôi khi còn được chia tách thành những quyền khác cụ thể hơn. Dưới đây là bản tổng hợp (một cách khái quát nhất) các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong UDHR và ICESCR.

Quyền UDHR Các công ước Quyền được hưởng an sinh xã hội Điều 22 Điều 9 ICESCR Quyền lao động Điều 23 Các Điều 6,7 và 8 ICESCR Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng Điều 25 Điều 11 ICESCR Quyền được hỗ trợ về gia đình Điều 16 và 25Điều 10 ICESCR, Điều 23 ICESCRQuyền giáo dục Điều 26 Các Điều 13 và 14 ICESCR Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và được hưởng các thành tựu của khoa học Điều 27 Điều 15 ICESCR

2. Nội dung các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá

2.1 Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng

Trong một số tài liệu, quyền này được xem như là một tập hợp các quyền liên quan đến việc bảo đảm những điều kiện cơ bản của cuộc sống như ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế,v.v.. trong đó quan trọng nhất là quyền có đủ lương thực, thực phẩm và quyền có nhà ở thích đáng.

Quyền này lần đầu tiên được đề cập trong Khoản 1 Điều 25 UDHR, trong đó nêu rằng, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trưởng hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, goá bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.

Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 ICESCR. Liên quan đến Điều 11 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích rất cụ thể về ý nghĩa và nội hàm của các quyền ghi nhận trong Điều này trong các Bình luận chung số 4 (thông qua tại phiên họp thứ 6 năm 1991), số 7 (thông qua tại phiên họp thứ 16 năm 1997), số 12 (thông qua tại phiên họp thứ 21 năm 1999), số 14 (thông qua tại phiên họp thứ 22 năm 2000), số 15 (thông qua tại phiên họp thứ 29 năm 2002).

Theo đó, bình luận chung số 4 đề cập quyền có nhà ở thích đáng. Bình luận chung số 7 cũng đề cập quyền có nhà ở thích đáng, tuy nhiên tập trung vào khía cạnh cưỡng chế di dời nơi ở. Bình luận chung số 12 đề cập quyền có lương thực, thực phẩm thích đáng. Bình luận chung số 15 đề cập quyền về nước.

2.2 Quyền làm việc và hưởng thù lao công bằng, hợp lý

Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền về lao động bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như: quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền được bảo đảm điều kiện lao động hợp lý, quyền được trả thù lao hợp lý, quyền được thành lập công đoàn, được đình công, quyền được nghỉ ngơi…

Những quyền này đầu tiên được ghi nhận một cách cụ thể trong Điều 23 UDHR. Bổ sung cho quy định tại Điều 23, Điều 24 UDHR quy định về quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương. ICESCR cụ thể hóa các quyền về lao động nêu ở UDHR tại các Điều 6, 7 và 8.

2.3 Quyền được hưởng an sinh xã hội

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 22 UDHR, trong đó nêu rằng: “…mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội…”

Quy định trong Điều 22 UDHR sau đó được tái khẳng định trong Điều 9 ICESCR, trong đó nêu một cách ngắn gọn rằng, các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến Điều 9 ICESCR, Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa chưa có bình luận chung nào cụ thể về Điều này, tuy nhiên, trong hướng dẫn thiết lập báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước, Ủy ban xác định khái niệm an sinh xã hội bao gồm các chương trình cụ thể về: (i) chăm sóc y tế; (ii) trợ cấp tàn tật; (iii) trợ cấp tuổi già; (iv) trợ cấp tai nạn lao động; (v) trợ cấp đau ốm bằng tiền; (vi) trợ cấp thất nghiệp; (vii) trợ cấp gia đình; (viii) trợ cấp làm mẹ; (ix) trợ cấp cho người còn sống (survivors’ benefits). Cũng trong hướng dẫn này, Ủy ban nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các chương trình an sinh xã hội cụ thể cũng như việc dành một tỷ lệ thích đáng ngân sách quốc gia cho việc bảo đảm quyền an sinh xã hội.

2.4 Quyền được hỗ trợ về gia đình

Quyền này có mối liên hệ chặt chẽ với quyền được kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân (ghi nhận ở Điều 23 ICCPR), cũng như các quyền khác trong ICCPR về phụ nữ và trẻ em.

Quyền được hỗ trợ về gia đình đầu tiên được đề cập trong Khoản 3 Điều 16 và Khoản 2 Điều 25 UDHR. Các quy định kể trên của UDHR sau đó được cụ thể hóa cả trong ICCPR (Điều 23, đã phân tích ở trên) và Điều 10 ICESCR, mặc dù quy định của hai công ước ít nhiều khác nhau. Liên quan đến Điều 10 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa chưa có Bình luận chung nào về Điều này, tuy nhiên, một số đoạn trong Bình luận chung số 19 của Ủy ban quyền con người có thể coi là những giải thích bổ sung cho quyền được hỗ trợ về gia đình.

2.5 Quyền về sức khoẻ

Quyền này nằm trong nội hàm của quyền được có mức sống thích đáng nêu ở Điều 25 UDHR, theo đó, mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết… Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt.

Quy định của Điều 25 UDHR sau đó được cụ thể hóa trong các Điều 7, 11, 12 ICESCR; Điều 10, 12, 14 CEDAW, Điều 24 CRC, Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai năm 1993. Ngoài ra, quyền về sức khỏe còn được ghi nhận trong một số văn kiện khu vực về quyền con người, chẳng hạn như Hiến chương xã hội châu Âu năm 1961 sửa đổi (Điều 11), Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc năm 1981 (Điều 16), Nghị định thư bổ sung Công ước châu Mỹ về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1988 (Điều 10)…

Điều 12 ICESCR được coi là quy định pháp luật quốc tế toàn diện nhất về quyền về sức khỏe. Liên quan đến Điều 12 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích một cách khá toàn diện và chi tiết về quyền này trong Bình luận chung số 14 thông qua tại phiên họp lần thứ 22 năm 2002 của Ủy ban.

2.6 Quyền được giáo dục

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 26 UDHR trong đó nêu rõ: Mọi người đều có quyền được học tập. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải mang tính phổ thông và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng (Khoản 1). Khoản 2 Điều này đề cập mục tiêu của giáo dục, trong đó nêu rõ: Giáo dục phải nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Liên hợp quốc về duy trì hoà bình. Theo Khoản 3 Điều này, cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ.

Điều 26 UDHR được cụ thể hóa trong các Điều 13 và 14 ICESCR.

Liên quan đến Điều 13 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích một cách khá toàn diện và chi tiết về quyền này trong Bình luận chung số 13, được thông qua tại phiên họp lần thứ 21 năm 1999.

Liên quan đến Điều 14 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã có những giải thích thêm trong Bình luận chung số 11, được thông qua tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999.

2.7 Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học

Quyền này đầu tiên được đề cập trong Điều 27 UDHR. Theo Điều này, mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học. Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.

Điều 15 ICESCR cụ thể hóa nội dung Điều 27 UDHR, theo đó, các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận mọi người đều có quyền a) Được tham gia vào đời sống văn hoá; b) Được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó; c) Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của mình (Khoản 1).

Theo Khoản 3 Điều 15 ICESCR, các thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do không thể thiếu được đối với nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo. Các Khoản 2 và 4 Điều này nêu rõ, để thực hiện đầy đủ quyền này các quốc gia thành viên Công ước phải thực thi nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp cần thiết để bảo tồn, phát triển và phổ biến khoa học và văn hoá, và khuyến khích, phát triển các mối quan hệ và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học và văn hoá.

Liên quan đến Điều 15 ICESCR, Ủy ban quyền kinh tế, xã hội, văn hóa chưa có Bình luận chung nào đề cập Điều này. Bởi vậy, nhận thức về nội dung của quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học hiện vẫn giới hạn ở các quy định trong các Điều 15 ICESCR và Điều 27 UDHR.

Trên đây là những phân tích về “Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá trong luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Chủ đề