Ca sĩ khánh ly nhạc trịnh công sơn là ai?

Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975, bên cạnh Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Thi Thơ và Lam Phương. Tên tuổi ông gắn liền với hơn 300 sáng tác trữ tình và quê hương: Ướt Mi, Một Cõi Đi Về, Hạ Trắng, Lời Buồn Thánh, Bên Đời Hiu Quạnh,... và sự nghiệp ca hát của nữ ca sĩ Khánh Ly.

Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam

Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam

PBN TNMB Live Khác
1 0 0 0

- Trịnh Xuân Thanh (cha) (? - 1954)- Lê Thị Quỳnh (mẹ) (1920 - ?)- Trịnh Quang Hà (em trai)

- Trịnh Vĩnh Trinh (em gái, sinh năm 1956)

Tiểu sử

Thời niên thiếu

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Daklak trong một đại gia đình với 9 anh chị em, tuy nhiên đó chỉ là một trong số những chỗ ở mà gia đình Trịnh Công Sơn đã chuyển tới theo những chuyến đi của cha ông. Cha mẹ Trịnh Công Sơn đều là người Huế. Quê gốc của ông là ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.

Trịnh Xuân Thanh, cha của Trịnh Công Sơn vốn là một doanh nhân yêu nước. Dù sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có cửa hàng kinh doanh lớn ngay tại trung tâm kinh kỳ Huế, nhưng suốt cả tuổi thơ của mình, Trịnh Công Sơn liên tục phải chứng kiến cảnh cha bị ra tù vào tội, bị đánh đập, tra tấn vì tham gia hoạt động chống Pháp. Người mẹ kính yêu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến rất nhiều lần trong các nhạc phẩm và bài viết của mình là bà Lê Thị Quỳnh. Thời còn con gái, bà Quỳnh từng là hoa khôi của trường Đồng Khánh. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, nhân hậu và đậm chất Huế.

Năm 1943, gia đình Trịnh Công Sơn chuyển về Huế. Tại Huế, ông được cho theo học tại trường Lycée Francais (nay là trường tiểu học Lê Lợi) và trường Provindence (nay là trường Đại Học Khoa Học Huế). Có thời gian, Trịnh Công Sơn được cho vào Sài Gòn theo học và tốt nghiệp tú tài tại trường Lycée Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn). Ngoài những trường kể trên, Trịnh Công Sơn kể ông phải chuyển trường đến 16 lần trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình, lý do chính là do các hoạt động chống Pháp của cha nên gia đình Trịnh Công Sơn phải di chuyển khắp nơi.

Năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, quân viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam, đồng thời trong năm này gia đình Trịnh Công Sơn cũng gặp phải một biến cố đau thương. Người cha Trịnh Xuân Thanh mà anh em Trịnh Công Sơn nhất mực kính yêu đột ngột mất đi trong một tai nạn giao thông. Sau khi cha mất, Trịnh Công Sơn thường xuyên lên chùa đọc kinh, làm công quả, có khi ngủ lại luôn trong chùa. Hai ngôi chùa mà Trịnh Công Sơn thường lui tới khi còn trẻ là chùa Phổ Quang và chùa Hiếu Quang ở Huế. Trong những ngôi chùa này đều có những vị kinh sư (phái kinh sư) nổi tiếng với giọng tán tụng rất hay, rành rẽ kinh pháp và âm nhạc Phật Giáo. Trịnh Công Sơn từng quy y với hoà thượng chùa Phổ Quang và được đặt tên pháp danh là Nguyên Thọ. Trong đó, "Nguyên" có nghĩa là suối nguồn và "Thọ" là trao truyền, tức là được trao truyền từ suối nguồn. Có thời gian, Trịnh Công Sơn còn theo học một lớp tán tụng (theo phái kinh sư) tại chùa Phổ Quang và là một trong những đệ tử xuất sắc, thông minh và rất có năng khiếu tán tụng. Năm đó, mẹ ông, bà Lê Thị Quỳnh 34 tuổi đang mang bầu cô con gái út Trịnh Vĩnh Trinh được 4 tháng. Sự ra đi của người cha đã giáng một đòn mạnh vào gia đình Trịnh Công Sơn, đặc biệt là cậu con trai cả vừa mới lớn với tâm hồn còn non nớt. Những mất mát đã trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống và cả âm nhạc sau này của Trịnh Công Sơn. Ông từng tâm sự:

“Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chêt của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù bị tra tấn của ba tôi trong những năm tháng chống Pháp. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người.”

Đến với âm nhạc

Biến cố thứ hai xảy đến với Trịnh Công Sơn là năm ông 18 tuổi. Đó là một buổi sáng đầu hè năm 1957 tại Huế, lúc ông đang học ở Sài Gòn thì ghé về thăm nhà. Niềm đam mê duy nhất của Trịnh Công Sơn khi đó là võ thuật. Trước sân nhà trên đường Phan Bội Châu (Huế), hai anh em Trịnh Công Sơn và Trịnh Quang Hà cùng nhau tập võ để chuẩn bị thi lên đai thì bất ngờ xảy ra tai nạn. Cậu em Trịnh Quang Hà trong lúc đang tung cú thúc cùi chỏ về phía ông anh thì bất ngờ bị ngã nhào lên anh trai, sức mạnh của cú cùi chỏ theo đà đập xuống cộng với sức nặng của Quang Hà khi té xuống đã vô tình giáng lên ngực Trịnh Công Sơn một đòn chí mạng. Trịnh Công Sơn nằm gục tại chỗ và thổ huyết cả thau máu. Do bị vỡ mạch máu phổi, Trịnh Công Sơn phải nằm liệt giường gần hai năm sau đó.

Năm đầu tiên, Trịnh Công Sơn không thể tự ăn uống được, chỉ nằm một chỗ và húp cháo lỏng. Đến năm thứ hai, dù vẫn nằm bệnh nhưng nhờ sức khoẻ đã khá hơn, Trịnh Công Sơn đã có thể gιết thời gian bằng sách. Ông đọc rất nhiều loại sách từ triết học, phật học, đến văn học, dân ca.

Sự ra đi của người cha và những tháng ngày nằm bệnh đối mặt với cửa tử cận kề của chính mình đã trở thành mỗi ám ảnh thường trực trong tâm hồn Trịnh Công Sơn. Sau cơn bạo bệnh, ông giống như cái cây đang dần héo khô vì nắng hạn bỗng bất ngờ nứt kẽ hồi sinh khi gặp được cơn mưa định mệnh của đời mình. Cơn mưa ấy phải chẳng chính là niềm khao khát sống, niềm yêu đời vô tận như một lần nào đó ông đã tâm sự:

“Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận. Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy” - những lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về con đường đến với âm nhạc của mình.

Cú sốc thứ ba giáng một đòn mạnh vào kinh tế gia đình Trịnh Công Sơn, đồng thời xảy đến trong năm 1957 khi ông đang nằm trên giường bệnh. Mặc dù người cha đã mất trước đó 2 năm, nhưng kinh tế gia đình Trịnh Công Sơn vẫn chưa đến nỗi sa sút, gia đình vẫn có một cửa hàng kinh doanh xe đạp trên phố. Một lần, bà Lê Thị Quỳnh mở tủ lấy tiền nhưng lại quên đóng, khiến toàn bộ tiền vàng trong tủ bị trộm khoắng sạch. Kẻ ăn trộm không ai khác mà chính là một người thợ làm việc cho gia đình. Việc kinh doanh ngày càng khó khăn, một đàn con đang tuổi ăn tuổi học, con trai cả thì bị bệnh nằm liệt giường phải có người chăm sóc, tiền bạc mất sạch, bà Lê Thị Quỳnh đành bán nhà chuyển đi chỗ khác, việc kinh doanh cũng rơi vào ngõ cụt.

Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn năm 1956, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng cho biết hai ca khúc đầu tay của ông là Sương Đêm và Sao Chiều đã được ông viết vào năm 17 tuổi, nhưng không được công bố, và có lẽ ông cũng chưa được hài lòng về những tác phẩm còn non nớt đó. Chỉ đến khi ca khúc Ướt Mi được ra mắt vào năm 1959, với tiếng hát của chính nữ ca sĩ Thanh Thúy, gia đình và bạn bè Trịnh Công Sơn mới bất ngờ về tài năng âm nhạc của ông.

Sáng tác những tác phẩm đặc biệt

Sau khi khỏi bệnh và tốt nghiệp tú tài, do kinh tế gia đình đã khánh kiệt không thể theo học các trường đại học lớn ở Sài Gòn hay Huế, Trịnh Công Sơn đành theo học sư phạm ở Qui Nhơn, với mong ước có thể sớm ra trường đi làm. Thời điểm đó, giáo viên còn thiếu rất nhiều nên sinh viên chỉ cần học 2 năm là có thể ra trường và có việc làm ngay với mức lương ổn định.

Trường Sư Phạm và Kỹ Thuật Qui Nhơn khi đó mới được đầu tư xây dựng khá quy mô nhưng chưa có nhiều sinh viên theo học, Trịnh Công Sơn theo học khoá đầu tiên khai giảng ngày 22 tháng 4 năm 1962. Để quảng bá cho trường, ban giam hiệu quyết định đầu tư thành lập Ban Văn Nghệ để thực hiện những chương trình văn nghệ lớn chưa từng có dành cho sinh viên ở Qui Nhơn. Trịnh Công Sơn được chọn làm trưởng ban, Thanh Hải làm phó ban phụ trách phần nhạc, Võ Văn Phòng làm phó ban phụ trách phần kịch. Nhờ quyết định này của trường, Trịnh Công Sơn như cá gặp nước, thoả thích vùng vẫy với niềm đam mê âm nhạc của mình. Trong thời gian học ở Qui Nhơn, Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều nhạc phẩm như Dã Tràng Ca, Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Nắng Thủy Tinh,… Đặc biệt, nhạc phẩm Dã Tràng Ca đã được Trịnh Công Sơn dàn dựng làm tiết mục mở màn trong một chương trình văn nghệ với dàn hợp xướng gần 50 người do ông tự tuyển chọn và tập luyện.

Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn, Trịnh Công Sơn cùng một số bạn học của ông được điều về B’lao (nay là thành phố Bảo Lộc) để dạy tiểu học. Cả nhóm bạn thuê chung một căn biệt thự cũ để ở, Trịnh Công Sơn ở căn phòng phía trước nhà, nơi có cửa sổ nhìn ra con đường trước nhà. Đây chính là không gian sáng tác đã được Trịnh Công Sơn đưa vào trong rất nhiều nhạc phẩm của ông ra đời trong thời gian này, trong đó có bài Lời Buồn Thánh, Tuổi Đá Buồn.

Gặp gỡ nữ ca sĩ Khánh Ly

Năm 1964 đồng thời cũng là một dấu mốc khác của Trịnh Công Sơn, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh với nữ ca sĩ Khánh Ly tại một phòng trà ở Đà Lạt. Nhận thấy Khánh Ly có một giọng hát rất đặc biệt, phù hợp với những ca khúc của mình khi đó, Trịnh Công Sơn ngỏ ý mời cô về Sài Gòn để cùng hợp tác hát nhạc của ông. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã từ chối, với lý do chính là khi đó cô đang có cuộc sống, gia đình và công việc khá thoải mái ở Đà Lạt, không muốn trở về bon chen ở Sài Gòn. Chưa tìm thấy lối đi cho con đường âm nhạc, lại phần vì lý do kinh tế, Trịnh Công Sơn đành tiếp tục với công việc “gõ đầu trẻ”, dù miễn cưỡng nhưng mang lại cho ông mức thu nhập khá tốt.

Trong ba năm ở Bảo Lộc từ 1964 – 1967, ngoài những lúc đi dạy, Trịnh Công Sơn dành khá nhiều tâm sức cho âm nhạc. Trịnh Công Sơn vừa sáng tác, vừa đi đi về về giữa Sài Gòn và Bảo Lộc, để tìm cách phát hành những sáng tác của mình. Đây cũng là những năm tháng không thể nào quên của mối tình hoa mộng Trịnh Công Sơn và Dao Ánh. Trong 3 năm thư từ qua lại, từ Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn đã gửi về Huế cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư tình với những lời thư tình tự, bay bổng tuyệt đẹp. Một số nhạc phẩm được Trịnh Công Sơn viết tặng cho Dao Ánh trong thời gian này như: Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Chiều Một Mình Qua Phố…

Mùa hè năm 1967, có lệnh điều động giáo viên phải nhập ngũ, vốn quen biết và được ưu ái từ trước vì tài năng âm nhạc, Trịnh Công Sơn tìm cách trốn lính, trở về Sài Gòn. Cũng trong năm này, như một định mệnh đã được định sẵn, Khánh Ly ly dị chồng, ôm con trở lại Sài Gòn rồi tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn. Hai người kết hợp với nhau, bắt đầu hành trình của một cặp đôi huyền thoại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tâm sự:

“Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.”

Từ một sân khấu tạm bợ dựng trên bãi cỏ sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, tên tuổi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Thời gian này, Trịnh Công Sơn liên tục cho ra đời những tập ca khúc phản ᴄhιến được giới sinh viên, tri thức vô cùng yêu mến và ủng hộ.

Năm 1968, đại tá Lưu Kim Cương hy sinh trong một trận chiến tập kích giữa quân lực Việt Nam Cộng hòa với quân đội cộng sản Bắc Việt. Nhận được tin, Trịnh Công Sơn đã rất sốc và sau đó đã cho ra tác phẩm Cho Một Người Nằm Xuống - cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương là một người bạn thân của Trịnh Công Sơn. Sau Tập ca khúc Da Vàng phát hành năm 1967 và tái bản lần 2 năm 1969 với thêm 2 ca khúc mới, Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác tập ca khúc Kinh Việt Nam năm 1968, Ta Phải Thấy Mặt Trời xuất bản năm 1969 và Phụ Khúc Da Vàng xuất bản năm 1972. Có thể thấy, sức sáng tác của Trịnh Công Sơn thời kỳ này cực kỳ sung sức, chỉ trong vòng mấy năm, ông đã cho ra đời hàng trăm nhạc phẩm khác nhau.

Đầu thập niên 1970, Tuấn Ngọc đã hợp nhất hai ca khúc Cát Bụi và Tình Xa của Trịnh Công Sơn thành một ca khúc mang tên Cát Bụi Tình Xa (trung tâm Thúy Nga vẫn gọi đây là một liên khúc để gợi nhớ đến nguồn gốc của nó) để giới thiệu ba ca sĩ: Khánh Hà, Anh Tú và Thúy Anh. Sau đó, ít nhiều họ cũng đã đạt được giấc mơ âm nhạc của mình.

Biến cố năm 1975 và cuộc đời sau đó

Biến cố năm 1975, trong khi gia đình, bè bạn chọn cách đào thoát khỏi những nỗi buồn hậu chiến ở quê nhà thì Trịnh Công Sơn chọn ở lại như ông từng chia sẻ rằng hạt mầm âm nhạc trong ông chỉ có thể lớn lên, thành hình trên mảnh đất quê cha đất tổ này mà thôi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau vài năm bị đưa đi lao động ở vùng kinh tế mới, cũng đã được điều về làm việc tại hội âm nhạc Thành phố. Ông bắt đầu sáng tác trở lại vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, ông đã không có nhiều tác phẩm hay như thời trước năm 1975 ông đã từng sáng tác. Cái tên Trịnh Công Sơn lại tiếp tục được đem ra nghiên cứu, xem xét cả ở trong nước và hải ngoại. Người ta lật lại những ca khúc Trịnh Công Sơn đã viết cho những người bạn bên này – bên kia, cho những xác thân đã ngã xuống, những đau đáu trên phận người, cho con dân nước Việt, và lật lại những lời ông đã nói ở đâu đó, trong một hoàn cảnh nào đó để luận tội. Trong khoảng thời gian đó, Trịnh Công Sơn vẫn lặng im chịu trận và chấp nhận tất cả những điều đó như một sự đánh đổi cho ước nguyện hoà bình đã thành sự thật.

Thập niên 1980 có thể được coi là thập niên trỗi dậy trở lại của âm nhạc, điện ảnh, văn hoá, văn nghệ sau những năm tháng hỗn loạn hậu chiến. Ở nước ngoài, mặc cho sự phản đối của một bộ phận người Việt hải ngoại, nhạc Trịnh vẫn vang lên ở nhiều nơi với tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly và nhiều ca sĩ hải ngoại khác. Còn tại Việt Nam, nhạc Trịnh sau vài năm bị cấm đã được cho hát trở lại dù đó là dòng nhạc vàng trước năm 1975, và từ đầu thập niên 1990 trở đi, âm nhạc của Trịnh Công Sơn xuất hiện khắp nơi từ đài phát thanh, đài truyền hình, đến các sân khấu, chương trình âm nhạc tầm cỡ.

Năm 1999, trong một lần đến chơi tại làng du lịch Bình Quới, vì yêu thích cảnh sông nước hữu tình nơi đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn một khu vực yên tĩnh, cây cối sum xuê, sát bờ sông để xây dựng Hội quán Hội Ngộ để làm nơi gặp gỡ, giao lưu của giới yêu nhạc, hội hoạ, thơ ca,… Công trình được khởi công vào tháng 9 năm 2000 và hoàn thành vào tháng 1 năm 2001.

Qua đời & post-mortem

Hội quán Hội Ngộ hoạt động được ba tháng thì Trịnh Công Sơn đột ngột qua đời vì bệnh tiểu đường vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, một tháng sau khi ông bước sang tuổi 62. Tang lễ của Trịnh Công Sơn là tang lễ lớn nhất, rầm rộ nhất thời đó tại Sài Gòn. Hàng ngàn người hâm mộ đã xếp hàng đến viếng và đưa tiễn ông về an nghỉ tại nghĩa trang chùa Quảng Bình (bên cạnh nghĩa trang Gò Dưa). Tên tuổi, tiểu sử và lễ tang của Trịnh Công Sơn phủ đầy các mặt báo lớn trong nước và cả quốc tế như: BBC, The New York Times, Los Angeles Times,…

Sau cái chết của nhạc sĩ, hội quán Hội Ngộ trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn lưu giữ những kỷ vật, băng nhạc, tranh ảnh của nhạc sĩ, và nơi đây được xem là ngôi nhà cuối cùng của cố nhạc sĩ tài danh tại Sài Gòn. Vào ngày 1 tháng 4 hàng năm, các chương trình ca nhạc lớn nhỏ nhằm tưởng nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thực hiện, và trường hợp ngoại lệ duy nhất là năm 2020, do dịch COVID-19 nên không thể thực hiện được các chương trình này.

Năm 2011, chương trình Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam giới thiệu ba nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Còn Tuổi Nào Cho Em, Tuổi Đá Buồn, Xin Trả Nợ Người cùng với một phần trong những lá thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho người tình cũ Dao Ánh của ông. Cũng trong năm này, tại Việt Nam, thành phố Huế quyết định lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường mới mở dọc bờ sông Hương. Tiếp sau Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Quy Nhơn và Đà Nẵng cũng lấy tên Trịnh Công Sơn để đặt cho các con đường ở các thành phố này.

Ngày 28 tháng 2 năm 2019, trang chủ Google tiếng Việt đã vinh danh người Việt Nam đầu tiên, Trịnh Công Sơn, nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Trong mắt báo chí và bạn bè quốc tế, Trịnh Công Sơn được ví như “Bob Dylan của Việt Nam” hay vị nhạc sĩ được yêu mến nhất Việt Nam. Ông được coi là một biểu tượng cho tinh thần yêu chuộng hoà bình, yêu thương con người và đời sống không mệt mỏi.

Ngày 1 tháng 4 năm 2021, trung tâm Thúy Nga đăng tải một collection gồm 20 ca khúc/liên khúc nhạc Trịnh Công Sơn vào ngày giỗ lần thứ 20 của ông.

Di sản để lại

Với hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, Trịnh Công Sơn đã tạo nên một con đường âm nhạc hoàn toàn riêng biệt, độc đáo, không hề trộn lẫn với bất kỳ nhạc sĩ nào, thậm chí nhạc của ông đã hình thành nên trường phái riêng, gọi là "nhạc Trịnh". Trịnh Công Sơn có khoảng trên dưới 600 ca khúc, trong đó số ca khúc đã được phổ biến rộng rãi mới chỉ khoảng 250 ca khúc. Nhạc Trịnh xoay quanh 3 chủ đề lớn là tình yêu, thân phận con người và thời cuộc, và di sản lớn nhất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đã vượt cả ra ngoài địa hạt âm nhạc, đó là tư tưởng, là sự kết nối, yêu thương, hoà hợp giữa lòng người với lòng người và sự phổ biến những giá trị chân - thiện - mỹ, những giá trị chân thực nhất của một kiếp người thông qua những nốt nhạc.

Những lần nhạc của Trịnh Công Sơn được trình bày trong các chương trình Paris By Night

STT PBN số Tên tác phẩm Ca sĩ thể hiện Ghi chú
1 1 Mưa Hồng Anh Sơn Lần đầu tiên nhạc của Trịnh Công Sơn được trình diễn trên sân khấu Paris By Night.
2 16 Gọi Tên Bốn Mùa Khánh Ly
3 18 Tưởng Rằng Đã Quên Phi Khanh
4 31 LK Cát Bụi, Tình Xa Don Hồ, Thanh Hà, Diễm Liên
5 40 Ca Dao Mẹ Don Hồ Phần biên tập video minh họa cho bài hát đã tạo nên scandal đầu tiên của trung tâm Thúy Nga.
6 46 Mưa Hồng Khánh Ly
7 48 Phôi Pha Ý Lan
8 50 Ru Ta Ngậm Ngùi Khánh Ly
9 52 Lời Mẹ Ru Phụ diễn: Như Quỳnh, Thiên Kim, Loan Châu.
10 57 Như Cánh Vạc Bay Don Hồ
11 60 LK Diễm Xưa, Còn Tuổi Nào Cho Em, Ru Đời Đi Nhé, Hát Cho Người Nằm Xuống Khánh Ly
12 62 Tuổi Đá Buồn Như Quỳnh, Thiên Kim, Trúc Lam, Trúc Linh, Lynda Trang Đài, Châu Ngọc, Bảo Hân, Như Loan, Loan Châu, Tracy Phạm Lần đầu tiên nhạc của Trịnh Công Sơn được dùng trong một tiết mục trình diễn thời trang.
13 67 Tình Nhớ Don Hồ
14 71 Ru Tình Khánh Ly
15 79 LK Hãy Yêu Nhau Đi, Tình Sầu, Tuổi Đá Buồn, Phôi Pha Khánh Ly, Tuấn Ngọc
16 81 Diễm Xưa Khánh Ly
  • Xuất hiện trong LK Âm Nhạc Không Biên Giới.
  • Bài hát được trình bày bằng tiếng Việt và Nhật.
17 84 Giọt Lệ Thiên Thu Khánh Ly, Trần Thu Hà
18 86 Tình Nhớ Trần Thái Hòa (thí sinh cuộc thi Talent Show)
19 87 Mưa Hồng Quỳnh Vi
20 Chiều Một Mình Qua Phố Quang Dũng
21 Cát Bụi Tình Xa Ngọc Liên, Trần Thái Hòa (thí sinh cuộc thi Talent Show), Ngô Quang Minh, Huy Tâm
22 Sóng Về Đâu Khánh Hà
23 89 Hoa Vàng Mấy Độ Khánh Ly
24 Hạ Trắng Trần Thái Hòa
25 91 Bài Ca Dành Cho Những Xác Người Khánh Ly Xuất hiện trong nhạc kịch Huế Mậu Thân.
26 94 Diễm Xưa Don Hồ
27 95 Biển Nhớ Minh Tuyết, Tú Quyên, Quỳnh Vi, Trúc Lam, Trúc Linh, Ngọc Liên, Hương Thuỷ, Như Loan, Bảo Hân, Thùy Vân, Hồ Lệ Thu, Thanh Hà, Nguyệt Anh, Lynda Trang Đài
28 96 LK Một Cõi Đi Về, Thành Phố Buồn (Lam Phương), Như Cánh Vạc Bay Khánh Ly, Chế Linh
29 98 LK Chiều Một Mình Qua Phố, Gọi Tên Bốn Mùa Khánh Ly, Thế Sơn
30 99 Ướt Mi Khánh Ly
31 Divas Dấu Chân Địa Đàng
32 Cát Bụi Tình Xa Quỳnh Vi, Kỳ Phương Uyên, Tú Quyên, Lam Anh, Nguyệt Anh, Hương Giang
33 103 Còn Tuổi Nào Cho Em Minh Tuyết
34 Tuổi Đá Buồn Quang Dũng
35 Xin Trả Nợ Người Khánh Ly
36 115 LK Nắng Thủy Tinh, Như Một Lời Chia Tay, Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời Trần Thái Hòa, Hương Giang
37 Ru Ta Ngậm Ngùi Khánh Hà
38 117 Hoa Vàng Mấy Độ Quang Dũng
39 120 Tình Nhớ Hoàng Nhung
40 123 LK Rừng Xưa Đã Khép, Phôi Pha, Lời Thiên Thu Gọi Quang Dũng, Ngọc Anh
41 126 Chiều Một Mình Qua Phố Quang Dũng, Ý Lan
42 129 Rừng Xưa Đã Khép Mai Tiến Dũng, Bạch Công Khanh
43 Quỳnh Hương Lưu Bích Xuất hiện trong LK The Uptight.
44 Cát Bụi
  • Xuất hiện trong LK The Uptight.
  • Bài hát được hòa âm bằng guitar và không được thể hiện thành lời.

Video liên quan

Chủ đề