Ca sĩ jazz việt nam là ai?

Giữa âm thanh của trống, đại hồ cầm hòa với ngón đàn jazz của Tuấn Nam, Hà Lê đã thực sự thuyết phục người nghe khi làm mới nhạc Trịnh.

Sau đêm diễn ở Hà Nội, tối 18/10, nhạc sĩ Tuấn Nam đã mang live concert cá nhân vào TP.HCM, cho đêm Nam Jazz Night thứ hai với concept jazz fusion, cũng là một cuộc chơi mạo hiểm.

Mạo hiểm vì thị phần jazz ở TP.HCM vốn không sôi động như những thể loại âm nhạc khác. Thậm chí, bao năm qua jazz bị thờ ơ, hoặc bị cho là quá cao sang, bác học, Tây phương để số đông thưởng thức.

Đêm nhạc của Tuấn Nam thực tế cũng đã không chật kín khán phòng. Lác đác vẫn có ghế trống đầy đáng tiếc. Nhưng có lẽ, với người nghệ sĩ theo đuổi jazz, không có gì hạnh phúc hơn khi tất cả khán giả đều ngồi đến phút cuối cùng, đong đưa với jazz, đắm mình trong sự nối tiếp của piano, organ, contrabass, saxophone, trống.

Nói như Quyền Văn Minh, nhạc sĩ Tuấn Nam đã đưa jazz Việt lên tầng cao mới.

Nghệ sĩ jazz Tuấn Nam.

Nghiệp jazz

Nếu không phải liều lĩnh, thậm chí là sự liều lĩnh bất chấp, không nghệ sĩ nào dám làm một đêm nhạc trong bối cảnh hiện nay. Ngay cả những ngôi sao ca nhạc với lượng fan hùng hậu cũng không dám đổ tiền làm live show ở nhà hát vào thời điểm này.

Chính thế mà quyết định của Tuấn Nam cho hai đêm nhạc jazz lần lượt ở Hà Nội và TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí sốc. Chưa bàn đến chuyện lãi mà nguyên khoản bù lỗ có lẽ cũng đã là thực tế được dự đoán trước.

Nhưng nhìn cách Tuấn Nam ngồi vào đàn, say sưa thảo những phím dường cầm, organ, khán giả phần nào hiểu được lựa chọn của anh. Sự đĩnh đạc của nam nghệ sĩ trong bộ vest chỉn chu và cách anh tạo ra âm thanh của jazz khiến những câu chuyện của thị trường, lãi lỗ không còn quá quan trọng.

Đêm nhạc mở đầu với màn hòa tấu của Tuấn Nam và các cộng sự nhạc công trong Feel Like Home. Sự ăn nhập của phút mở đầu được kéo dài đến tận phút cuối của concert. Dàn nhạc công chơi nhạc ăn ý, tung hứng cho nhau thông qua bộ saxophone, organ, piano cùng với đó là guitar, trống, contrabass (đại hồ cầm).

Cách chơi nhạc như đan vào nhau, lấy âm trầm làm chủ đạo nhưng âm cao cũng là điểm nhấn. Sự hòa quyện của các nhạc cụ tạo ra không gian đúng nghĩa fusion jazz, chinh phục được người nghe.

Hà Lê được đón nhận với ca khúc Ở trọ.

Hà Lê là điểm nhấn

Ban nhạc cũng hỗ trợ đắc lực cho các tiết mục biểu diễn. Đầu tiên là Đinh Hương với Bangbang, Mình yêu nhau bình yên thôi và Killing Me Softly. Có lẽ đã rất lâu sau những thăng hoa và bùng nổ của Đinh Hương ở cuộc thi Giọng hát Việt năm nào, khán giả mới lại thấy một Đinh Hương nội lực, đứng trên sân khấu nhà hát, giữa một ban nhạc và hát tiếng Anh hay như vậy.

Chương trình tiếp tục với Hà Lê trong ca khúc Ở trọ. Ở trọ cũng là tên album mà nam ca sĩ kiêm rapper ra mắt hồi đầu năm. Đây là dự án làm mới nhạc Trịnh được giới chuyên môn ghi nhận khi đưa những chất liệu như jazz, R&B, dream-pop, reggae… vào nhạc Trịnh.

Do đã ra mắt ở góc độ sản phẩm cá nhân, chất jazz trong đêm nhạc không làm khó Hà Lê. Màn biểu diễn của anh nhận được sự tán thưởng của khán giả, đồng nghĩa không ít người đã chấp nhận nhạc Trịnh được làm mới.

Hà Lê làm chủ sân khấu, nhún nhảy trong chất hip hop và trở thành điểm nhấn của Nam Jazz Night.

Tiếc là phần biểu diễn của Hà Lê hơi ít. Anh sau đó chỉ kết hợp thêm với Dương Hoàng Yến trong Mưa hồng. Song, nhiều đoạn, Dương Hoàng Yến quên lời. Thực tế, gần như tất cả tiết mục song ca của chương trình đều không thực ăn ý.

Bù lại cho hạn chế của màn song ca, Dương Hoàng Yến sau đó phô diễn khả năng thanh nhạc, làm chủ giọng hát với Những ngày mơ khép lại và Có em chờ. Là một giọng hát nội lực và kỹ thuật, các thể loại âm nhạc không làm khó được Dương Hoàng Yến nhưng bao giờ cô cũng thiếu một chút tình để tạo nên giá trị lắng đọng.

Sẽ thật thiếu sót khi một đêm nhạc jazz lại thiếu Quyền Văn Minh. Ông được coi là người tiên phong phát triển jazz ở Việt Nam, nhiều năm gắn bó và cộng sinh với thể loại âm nhạc này.

Tiếng saxophone của ông chắc nịch. Cũng trên sân khấu, Quyền Văn Minh đã dành nhiều tán dương cho Tuấn Nam và những nỗ lực theo đuổi jazz của anh.

Hai nghệ sĩ khép lại chương trình là Soobin Hoàng Sơn và Lê Hiếu. Soobin Hoàng Sơn cho biết Tuấn Nam là thầy của anh trong giai đoạn học piano jazz ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nam ca sĩ thể hiện hai ca khúc: Vẫn nhớ và Và thế là hết. Trên nền nhạc jazz, Soobin Hoàng Sơn có nhiều nỗ lực trong thể hiện. Song, Vẫn nhớ có lẽ hợp hơn với phiên bản R&B mà nam ca sĩ làm mới cách đây không lâu hơn là chứa đựng màu sắc của jazz.

Lê Hiếu là người hát sau cùng. Anh hát Xin còn gọi tên nhau và Bây giờ tháng mấy. Cả hai ca khúc đều được phối mới theo phong cách của jazz. Lê Hiếu thể hiện tròn vai dù chất giọng của anh, để hay nhất có lẽ vẫn phải là ballad.

jazz đã phần nào có đời sống trên sân khấu.

Đêm nhạc kết thúc với Một ngày mới, là khoảnh khắc ban nhạc chơi bùng nổ nhất. Jazz khi đó đã thực sự có một đời sống trên sân khấu.

Jazz, và không chỉ có jazz

- Trở về nước hơn 10 năm sau thời gian học tập bằng một suất học bổng rất danh giá của Thụy Điển, nhưng cái tên Tuấn Nam vẫn khá lặng lẽ trong đời sống âm nhạc. Tôi tò mò tự hỏi, anh đến với âm nhạc như thế nào?

- Hồi còn nhỏ, tôi rất nghịch, vì thế, bố cho tôi học đàn để bớt nghịch. Bố tôi là kiện tướng thể dục dụng cụ của đoàn Thể công, học ở Nga về. Tôi lớn lên hoang dã, nghịch ngợm và hiếu động. Bảy tuổi, tôi bắt đầu học piano, chín tuổi đã diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc thi của Yamaha. Năm 10 tuổi tôi vào Nhạc viện, học jazz, lúc đó chưa có một khoa riêng mà chỉ là một chuyên ngành trong nhạc nhẹ. Thầy Lưu Quang Minh là một trong những người đem nhạc jazz về Việt Nam ở góc độ giáo dục, còn chú Quyền Văn Minh đem jazz về cho các sân khấu biểu diễn. Đến  năm 2013 mới có Khoa Jazz riêng. Tôi là thế hệ học sinh đầu tiên của Khoa Jazz. 

- Rồi anh nhận học bổng và sang Thụy Điển học, đó là đất sống của jazz, tại sao anh lại chọn trở về?

- Khi học xong, vợ tôi có cơ hội làm việc ở Pháp, chúng tôi tính ở lại nhưng tôi luôn cảm thấy mình bị lạc lõng giữa đất khách quê người. Dù ở đó, tôi có cơ hội làm việc, sống bằng nghề, thỏa mãn đam mê, được chơi nhạc jazz thường xuyên. Tôi có những người bạn mời đi diễn ở Phần Lan, Đan Mạch, Đức, những nơi là đất sống của jazz. Nhưng tôi vẫn quyết định về Việt Nam, hăm hở với rất nhiều dự định. Ngay tháng sáu về nước thì tháng tám tôi đã làm một chương trình biểu diễn Tuấn Nam và những người bạn, người thầy. Đêm nhạc được khán giả đón nhận nhiệt tình.

- Ngày đó về nước anh có gặp khó khăn nào không, vì jazz vẫn là món ăn xa lạ với khán giả Việt Nam?
- Tôi thần tượng ban nhạc Anh em nên về nước tôi đầu quân cho ban nhạc này. Tôi gặp thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Hồi đó có những định kiến, rằng tôi chỉ biết chơi jazz. Nhưng âm nhạc thú vị lắm, nó là những gì hiện hữu, nếu chơi hay - dở không giấu được. Tôi khẳng định mình bằng những sản phẩm âm nhạc, như album của Mỹ Linh, làm giám đốc âm nhạc của những đêm nhạc pop, từ đó chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi không chỉ biết chơi nhạc jazz, mà một nghệ sĩ chơi nhạc jazz có thể bao phủ được rất nhiều thể loại nhạc khác. Rất nhiều bậc thầy trên thế giới đã khẳng định như thế. 

10 năm ấp ủ và tích lũy

- Vậy anh có chút nào tiếc nuối khi đã quay về và phải sống ẩn mình 10 năm, không được làm nghề theo đúng đam mê của mình mà phải chơi nhạc pop?

- Đôi lúc tôi cũng chạnh lòng vì không được sống với đam mê của mình. Tôi muốn làm một nghệ sĩ solo trên sân khấu thay vì đệm đàn cho ca sĩ. Nhưng tôi có 10 năm để ấp ủ và cho ra đời dự án dài hơi cho nhạc jazz như thế này. Tôi muốn để khán giả thấy jazz không quá nặng nề. Trái lại, jazz len lỏi trong rất nhiều thể loại nhạc, trong các ca khúc mà họ vốn dĩ rất quen thuộc, thậm chí có thể hát theo. Tôi nghĩ khi đến với hai đêm nhạc Nam Jazz Night (đánh dấu hành trình 10 năm theo đuổi khát vọng jazz của tôi, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 15-8, và tại TP Hồ Chí Minh tối 23-8), rất nhiều khán giả sẽ ngân nga theo giai điệu của các ca khúc mà nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu. Họ sẽ nhận ra, à, hóa ra mình đã nghe, đã thưởng thức, đã quen thuộc với jazz từ lâu lắm rồi. Thông qua các ca sĩ, tôi muốn thể hiện sự bao phủ rộng của jazz. 

- Và anh quyết định đi con đường độc lập  cùng với jazz. Hành trình đó chắc hẳn sẽ rất khó khăn?

- 10 năm lặn lội trong thị trường âm nhạc Việt Nam, tôi nhận ra, jazz len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống âm nhạc Việt. Qua 10 năm tích lũy, đây là thời điểm thích hợp để quy tụ và cùng anh em đứng trên sân khấu,“nói” cùng một ngôn ngữ. Tôi không có ý định làm một ban nhạc riêng. Tôi mong muốn làm một serie âm nhạc liên quan đến jazz, có nhiều concept khác nhau, sẽ chơi ở nhiều không gian khác nhau, chứ không nhất thiết chỉ ở Nhà hát Lớn. 10 năm len lỏi, học hỏi. Tôi cảm ơn quãng thời gian đó giúp tôi trưởng thành, và đã đến lúc tôi muốn đi con đường của mình. Dù tôi biết phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ đi đến tận cùng con đường mà không phải ngó nghiêng loay hoay vì tôi hiểu mình đang làm gì.

- Điều gì ở nhạc jazz hấp dẫn anh đến thế?

- Đó là sự ngẫu hứng, bất ngờ. Nhưng ở Việt Nam, jazz thiếu sân khấu, thiếu trải nghiệm, thiếu những chương trình, concert hay, nghệ sĩ không có cơ hội thể hiện được sự phóng khoáng, tự do với nhạc jazz. 10 năm qua, tôi luôn khát vọng sẽ góp phần thổi bùng niềm đam mê jazz, để dòng nhạc jazz phát triển và trở thành dòng nhạc đại chúng ở Việt Nam.Tôi muốn tạo ra cộng đồng, sân chơi cho những người yêu jazz. Jazz sẽ mạnh hơn khi có cộng đồng. 

- Nếu vẽ bức tranh jazz Việt ở thời điểm hiện tại, anh sẽ hình dung như thế nào?

- Jazz Việt có những mảng màu khác nhau. Tôi sẽ hoàn thiện bức vẽ với một gam màu khác. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Trần Mạnh Tuấn là những bậc thầy đã miệt mài nuôi dưỡng ngọn lửa yêu jazz nhiều năm qua. Họ là những tượng đài của nhạc jazz Việt và đẩy hình ảnh saxophone lên một tầm cao. Còn tôi, ngoài việc là một nghệ sĩ biểu diễn, gắn với cây đàn piano, tôi muốn hướng tới là một nhà sản xuất, không chỉ làm các sản phẩm cho mình mà còn làm cho các nghệ sĩ yêu thích nhạc jazz, nâng tầm nhạc jazz lên. Tôi muốn tạo ra bức tranh nhiều màu cho nhạc jazz. Tôi sẽ từng bước chuẩn bị cho con đường dài với jazz.

- Vậy sau hai concert riêng của mình, con đường phía trước của anh sẽ đi như thế nào, với jazz?

- Sau đêm nhạc này, tôi sẽ bắt tay với một ca sĩ nhạc pop và sản xuất album cho cô ấy, sẽ ra mắt vào cuối năm nay, cùng với một concert riêng. Tôi muốn tạo thương hiệu, là một nhà sản xuất, theo con đường jazz. Thực tế, nhiều album của các ca sĩ đều có hơi hướng của nhạc jazz, rồi những đêm nhạc ca khúc nhiều ca sĩ phối với jazz. Jazz có mặt khắp mọi nơi, chỉ có điều chúng ta có nhận ra và tô nó rõ nét hay không thôi. Tôi hy vọng sẽ làm nên thương hiệu nhạc jazz để mọi người nhận ra, có một mảng âm nhạc rất hấp dẫn đó tồn tại ở Việt Nam.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nguyễn Tuấn Nam là người duy nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) năm 2017, nhận học bổng toàn phần khóa đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kỳ vòng thi tuyển nào. Trong thời gian học tập ở nước ngoài, anh có nhiều hoạt động lưu diễn và gặt hái nhiều thành công đáng ghi nhớ cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch), như tại: Festival danh tiếng Sata-Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm Âm nhạc thế giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thụy Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thụy Điển, Đan Mạch.

Tuấn Nam là nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc và kỹ thuật cho nhiều dự án, chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam như liveshow Hoàng Quyên, Kenny G Live in Concert, Live in Concert BoneyM- Chris Norman… Anh kết hợp cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Oplus… để tạo nên nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.

HẠNH NGUYÊN (thực hiện)

Video liên quan

Chủ đề