Bình luận về những ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp này trong dạy - học ngành luật.

Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật:

Bình luận về những ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp này trong dạy - học ngành luật.

TỪ KHÓA: Bản án, Hệ thống dân luật – Civil Law, Hệ thống thông luật – Common Law,

Phương pháp giảng dạy qua án đã được các trường chuyên ngành luật trên thế giới áp dụng từ rất lâu. Mục đích của phương pháp giảng dạy qua án là buộc sinh viên phải đọc, phân tích và làm sáng tỏ vụ án. Ngoài ra, sinh viên cũng được yêu cầu đưa ra kết luận của bản thân về phán quyết của tòa về vụ việc đó. Bài viết này giới thiệu về phương pháp giảng dạy qua án (case method) đồng thời có so sánh với phương pháp nghiên cứu tình huống (case study mehod). Bên cạnh đó, bài viết cũng đề cập cách sử dụng bản án trong giảng dạy và nghiên cứu ở một số nước theo hệ thống thông luật và dân luật.

I. Cách tiếp cận: Phương pháp nghiên cứu tình huống (case study method) và phương pháp giảng dạy qua án (case method)

1. Phương pháp nghiên cứu tình huống (case study method)

Chúng ta thường rất dễ nhầm lẫn giữa phương pháp nghiên cứu tình huống và phương pháp nghiên cứu qua án. “Case study” là nghiên cứu một tình huống hoặc sự kiện mà nó có vấn đề nào đó, thường là vấn đề mang tính thực tiễn. Phương pháp nghiên cứu tình huống ngoài việc cung cấp thông tin về vấn đề cần giải quyết thì nó còn đưa ra cách giải quyết vấn đề. Theo phương pháp này, người học sau khi nghiên cứu các tình huống sẽ phải phân tích, tìm các vấn đề cốt lõi mà tình huống đưa ra.[1]

Ví dụ: Tình huống vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Công ty Vinasun.

Công ty Ánh Dương kinh doanh taxi (thương hiệu Vinasun taxi). Ngày 26-11-2011, công ty niêm yết bảng giá tại quầy bán vé khu vực quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất là Vinasun 7 USD/Card. Vì hành vi này, tháng 1-2012, công ty đã bị Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định xử phạt hành chính 500 triệu đồng. Không đồng ý, công ty khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định xử phạt của phía Thanh tra.

Vấn đề 1: Áp dụng pháp luật

– Áp dụng Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng ban hành ngày 10/12/20014 hay áp dụng Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành).

Vấn đề 2: Thẩm quyền của Tòa án

– Tòa án có thẩm quyền không công nhận hiệu lực của nghị định này hay không?

Phương pháp nghiên cứu tình huống được sử dụng hầu hết ở các trường luật trên thế giới. Đây cũng được xem là phương pháp hiệu quả trong giảng dạy chuyên ngành luật. Tuy nhiên, bài viết không tập trung vào phương pháp này.

2. Phương pháp giảng dạy qua án  (case method)

Phương pháp giảng dạy qua án cũng thường được sử dụng trong giảng dạy luật. Phương pháp giảng dạy qua án được Christopher Columbus Langdell (Trưởng khoa Luật, Đại học Harvard 1870 – 1895) sáng tạo. Ông muốn hệ thống hóa và đơn giản hóa việc giảng dạy luật bằng việc áp dụng các vụ án đã có.[2] Từ cơ sở án, ông hướng tới việc làm rõ những nguyên tắc pháp lý. Sinh viên đọc các vụ án trước khi đến lớp. Khi đến lớp thì việc hỏi – đáp giữa giảng viên và sinh viên được thực hiện theo phương pháp Socrates.[3]

Từ những năm 1900 đến nay, hầu hết các trường luật ở Mỹ (như Chicago, Columbia, Harvard, Stanford, Yale…) đều áp dụng phương pháp giảng dạy qua án trong giảng dạy.

Phương pháp giảng dạy qua án buộc sinh viên phải đọc, phân tích và là sáng tỏ vụ án. Ngoài ra, sinh viên cũng được yêu cầu đưa ra kết luận của bản thân về phán quyết của tòa về vụ việc đó.

Phương pháp này có ba yêu cầu cơ bản:

Thứ nhất, phải có sách về các vụ án (casebooks). Sách này là tuyển tập các vụ án điển hình liên quan đến từng lĩnh vực pháp lý cụ thể và liên quan đến từng nội dung giảng dạy của chương trình. Nội dung của sách cũng phải thể hiện được quan điểm chủ đạo của tòa khi giải quyết vụ án.

Thứ hai, khi sách về các vụ án được phát hành và áp dụng, yêu cầu thứ hai là sinh viên phải đọc trước khi đến lớp.

Thứ ba, phải có thảo luận tại lớp về các vụ án.

So sánh phương pháp nghiên cứu tình huống và phương pháp giảng dạy qua án

Phương pháp nghiên cứu tình huốngPhương pháp giảng dạy qua án
Sử dụng phương thức đưa ra một vấn đề để làm ví dụ cho một nguyên tắc pháp lý. Sử dụng quyết định / bản án của tòa án để làm rõ thêm về một nguyên tắc pháp lý.
Xây dựng kỹ năng thảo luận và làm việc nhóm.Áp dụng phương pháp Socrates, thảo luận giữa giảng viên và sinh viên.
Phân tích những vấn đề đưa ra (unfolds) mà chưa có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Phân tích những vấn đề sau khi nó đã được giải quyết (resolved)bởi cơ quan có thẩm quyền.

II. Phương pháp giảng dạy qua án trong thông luật (common law system) và dân luật (civil law system)

1. So sánh khái quát giảng dạy luật của các nước theo thông luật, dân luật

Theo nghiên cứu của John Henry Merryman,[4] có một sự khác biệt lớn trong việc giảng dạy luật giữa các nước theo hai hệ thống dân luật và thông luật. So sánh dưới đây chỉ liệt kê 03 trong nhiều điểm khác biệt.

Dân luậtThông luật
- Mục tiêu giáo dục mang tính tổng quát, không phải giáo dục chuyên nghiệp. Tuy các chuyên ngành luật cũng có xây dựng kỹ năng mang tính chuyên nghiệp nhưng các môn học này gần đây mới được bổ sung và số lượng không nhiều. Hầu hết sinh viên không thấy trước hoặc định hướng trước là mình sẽ trở thành luật sư, thẩm phán hay công chứng viên.- Mục tiêu là giáo dục mang tính nghề nghiệp cơ bản. Luật không phải là khoa học.
- Chương trình giáo dục mang tính triết học hơn thực tiễn. Mục tiêu đào tạo nhắm đến đối tượng là cho sinh viên đang học tại trường (undergraduate education).- Chương trình giáo dục mang tính thực tiễn giải quyết tức thời các vấn đề xã hội. Mục tiêu đào tạo nhằm định hướng cho sinh viên làm việc sau khi ra trường (graduate education).
- Các thẩm phán, luật sư được xem như là những kỹ thuật viên, vận hành các máy móc, thiết bị do người khác thiết kế.- Các thẩm phán, luật sư được xem như là kỹ sư xã hội (social engineer), là người được trang bị một cách đặc biệtđể nhận thức và giải quyết các vấn đề xã hội.
- Khái niệm giảng viên toàn thời gian (full time) khá xa lạ (như Đức). Giảng viên đến lớp giảng bài và về nhà. Giảng viên hiếm khi ở lại trường.
- Điều này liên quan đến thu nhập. Ví dụ như giảng viên luật của Mỹ được trả lương rất cao trong khi ở Chile hay Ý thì lương giảng viên thấp và buộc họ phải làm thêm bên ngoài.
- Giảng viên sử dụng hầu hết thời gian làm việc ở trường. Phòng làm việc là nơi nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, là nơi gặp gỡ sinh viên và đồng nghiệp. Sự hiện diện của giảng viên tại làm tăng thêm khả năng gặp gỡ, trao đổi với sinh viên ngoài giờ giảng trên lớp.

Chương trình và phương pháp giảng dạy

- Chương trình khung.
- Giảng dạy mang tính truyền đạt, chuyển tải thông tin (cơ bản): giảng viên giảng, sinh viên lắng nghe. Án có thể chỉ là ví dụ minh họa bài giảng.
- Ít môn bắt buộc nhưng nhiều môn tư chọn. Chương trình thường chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn đầu là chương trình chung (thường các môn bắt buộc). Đây là giai đoạn quan trọng để sinh viên có những quyết định mang tính định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn 2 chủ yếu là các môn tự chọn chuyên sâu để sinh viên phát triển thực hành nghề nghiệp.
- Giảng dạy mang tính thực tiễn. Phương pháp giảng dạy qua án đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, có sự kết hợp giữa án, luật thực định và tài liệu mang tính lý thuyết khác. Anh, Mỹ chú trọng giảng dạy qua án vì họ cho rằng các bản án chính là con đường hình thành pháp luật (theo nguyên tắc trong án lệ Stare decisis – tiền lệ phải được tuân thủ). Theo quan điểm Anh - Mỹ, án phản ánh tiến trình phát triển của pháp luật và hệ thống pháp luật; án được xem là một phần của lịch sử xã hội.

2. Sử dụng bản án trong giảng dạy và nghiên cứu ở các nước theo hệ thống thông luật và phương pháp Socrates của Mỹ

Thuật ngữ “hệ thống vụ án” (case system) là thuật ngữ phổ biến trong các chương trình đào tạo luật, trong đó các vụ án được sử dụng như nguồn thông tin chính trong việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.[5]

Sách về các vụ án (Books of cases) được xem là “đặc trưng” trong giảng dạy luật. Do cách dạy trong các quốc gia theo hệ thống thông luật theo hướng tương tác, nên giảng viên yêu cầu sinh viên giải thích và làm sáng tỏ các vụ án và tranh luận những vấn đề liên quan đến các nguyên tắc pháp lý. Nổi tiếng trong cách dạy này là phương pháp Socrates  áp dụng trong các trường dạy luật ở Mỹ.[6]

Theo phương pháp Socrates, giảng viên sẽ đưa ra hàng loạt các câu hỏi đã được thiết kế sẵn về một vụ án. Vụ án được thiết kế sao cho có nhiều vấn đề pháp lý khó nhằm khuyến khích tư duy phản biện của sinh viên. Đôi khi, mục đích vấn đề đưa ra để minh họa cho sinh viên thấy rằng không phải một nguyên tắc pháp lý cũng có thể áp dụng được cho tất cả các trường hợp, và thẩm phán phải đối mặt với với việc đưa ra những nguyên tắc hoặc khái niệm phù hợp. Thông qua phương pháp Socrates, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về bài học. Việc không đưa ra kết luận hoặc câu trả lời rõ ràng là điều bình thường trong phương pháp này.

Phương pháp này tiến hành cụ thể như sau:

Bước 1: Giảng viên chuẩn bị vụ án theo chương trình giảng dạy và gửi các vụ án cho sinh viên (hoặc sinh viên phải mua sách về các vụ án).

Bước 2: Giảng viên đưa ra câu hỏi về vụ án.

Bước 3: Sinh viên suy nghĩ về các giả thuyết (chưa có đáp án) và tìm ra mối tương quan với pháp luật thực định (bài học).

Theo phương pháp Socrates, giảng viên chỉ là người trợ giúp (facilitator), sinh viên phải đóng vai trò chủ động trong việc tranh luận. Do đó, sinh viên được yêu cầu: 1) đọc án; 2) xác định vấn đề cơ bản của vụ án; 3) đánh giá những tranh luận về các vấn đề trong vụ án (có thể đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của tòa); 4) đưa ra những lập luận để bảo vệ quan điểm của mình; 5) xác định và đánh giá vụ án trong mối tương quan với các quy định của pháp luật và đặt ra những câu hỏi liên quan.

Phương pháp Socrates phát triển nhiều kỹ năng cho sinh viên. Thứ nhất, sinh viên suy nghĩ nhanh và tích cực hơn. Thông qua những câu hỏi mang tính định hướng của giảng viên, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn nhiều vấn đề pháp lý qua một vụ việc cụ thể. Với sinh viên ngoài việc tiếp thu kiến thức, đây còn là kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho nghề nghiệp của họ sau này bởi lẽ có nhiều câu hỏi mà khi lên lớp giảng viên mới đưa ra. Nó buộc sinh viên phải độc lập suy nghĩ và có độ phản ứng nhanh với tình huống (giúp ích khi họ thực hành nghề nghiệp liên quan đến thực hành tư vấn pháp luật – legal clinics). Thứ hai, phương pháp Socrates còn giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện. Thông qua các vụ án, sinh viên sẽ tiếp cận nhiều góc cạnh của vấn đề, xác định những điểm mạnh, điểm yếu trong lập luận.[7]

3. Sử dụng bản án trong giảng dạy và nghiên cứu ở các nước theo hệ thống dân luật và phương pháp thuyết giảng

Trong các quốc gia theo hệ thống dân luật, thuyết giảng là phương pháp chủ đạo. Giảng viên giảng và sinh viên ghi chép lại mà không có sự tương tác. [8]

Có nhiều ý kiến cho rằng phương pháp giảng dạy của các nước theo hệ thống dân luật chú trọng về yếu tố kinh tế hơn là phương pháp mang tính sư phạm.[9] Các trường đại học công lập rất đắt đỏ và do đó, số lượng sinh viên trong lớp đông hơn nhiều so với các trường ở Mỹ. Giảng viên dù muốn áp dụng phương pháp tương tác với sinh viên trong giảng dạy cũng rất khó khăn. Trong khi đó, các trường tư thì tổ chức lớp học nhỏ, ít sinh viên nên sự tương tác dễ dàng hơn.[10]

Một khía cạnh nữa cũng cần nhắc tới là đối với hệ thống dân luật, pháp luật là một ngành khoa học do đó, lý luận và các nguyên lý được đặc biệt chú trọng. Do được định hướng theo lý luận, giảng dạy luật ở các nước theo hệ thống Dân luật “mang tính khép kín” (closed) và “mang tính khái niệm” (conceptual).  Đây là điều hoàn toàn trái ngược với với việc giảng dạy luật ở các nước theo hệ thống thông luật là “mang tính mở và thực dụng”.[8] Với dân luật, giảng viên là các “nhà khoa học” và họ đóng vai trò trung tâm trong việc giảng dạy và truyền bá kiến thức cho sinh viên. Tuy nhiên đối với thông luật, giảng viên là người xây dựng kỹ năng, phát triển tư duy nhận thức pháp luật thông qua các vụ án cụ thể.

Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của các nước thông luật, việc sử dụng bản án trong giảng dạy và nghiên cứu ở các nước theo hệ thống dân luật cũng được áp dụng (chẳng hạn như Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha)[11] mặc dù không có sự áp dụng phương pháp Socrates.

III. Minh họa phương pháp giảng dạy qua án ở Đại học Yale (Mỹ), Đại học Melbourne và Tây Úc (Úc) và Đại học Nottingham (Anh)

1. Đại học Yale (Yale Law School, Yale University)

Theo phương pháp của đại học Yale, đầu tiên là giảng viên sẽ tập hợp các vụ án điển hình (case system) phục vụ cho bài giảng.[13] Sau đó sẽ xác định mối quan hệ giữa giáo trình và sách về các vụ án. Giáo trình thường gồm 4 phần (sinh viên luật tại Yale học 4 năm). Phần 1 là tổng quan về luật thực định và tiền lệ; Phần 2 là các chuyên đề cụ thể và dẫn chiếu đến các vụ án; Phần 3 là các chuyên đề nâng cao, chủ yếu sử dụng sách các vụ án; Phần 4 là phần khó nhất liên quan đến xung đột pháp luật (và có thể so sánh các hệ thống pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật).

Sách về các vụ án được xem là một phần của giáo trình và cũng được sử dụng để giảng dạy. Các vụ án phải được sắp xếp theo chủ đề. Trong quá trình học, sinh viên phải thảo luận về quan điểm của tòa án. Việc thảo luật có thể tập trung vào toàn bộ hoặc một vấn đề nhỏ trong vụ án.

Sách về các vụ án cũng đưa ra luật áp dụng nhằm minh họa, so sánh giữa lý luận và thực tiễn. Sinh viên có thể tìm ra sự bất hợp lý trong việc áp dụng pháp luật và lựa chọn luật áp dụng nếu giữa chúng có mâu thuẫn.[14]

2. Đại học Melbourne (University of Melbourne), Đại học Tây Úc (University of Western Australia)

Phương pháp sử dụng bản án để giảng dạy ở Đại học Melbourne từ năm 1956 và Trường Đại học Tây Úc từ năm 1957 (môn học đầu tiên là Torts Law). Phương pháp này nhằm giúp sinh viên hiểu pháp luật thông qua các quyết định của tòa án. Mặt khác, nó cũng giúp sinh viên hiểu tại sao và như thế nào mà tòa lại ra các phán quyết như vậy. Các vụ án thực tiễn được xem là nguyên liệu chủ yếu để xem xét và đánh giá pháp luật.

Các trường đã thực hiện theo cách thức sau:

– Xác định những việc sinh viên phải làm trước khi đến lớp.

– Giáo trình không phải là tài liệu cần nghiên cứu trước mà là sách các vụ án. Lớp học không phải là thuyết giảng mà chủ yếu là thảo luận. Giảng viên sẽ đặt hàng loạt các câu hỏi liên quan đến vụ án để kiểm tra cách hiểu của sinh viên về vụ án đó (hoặc nhiều vụ án khác liên quan).

– Thảo luận cũng là một yêu cầu bắt buộc. Qua thảo luận, sinh viên có cơ hội trình bày, bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời cũng tiếp cận quan điểm của giảng viên và các sinh viên khác.[15]

3. Đại học Nottingham (Nottingham Law School)

Mục tiêu của trường là nâng cao khả năng đọc và phân ích vụ án cũng như các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, do lớp học ngày càng đông nên giảng viên yêu cầu sinh viên nâng cao tinh thần tự học và thảo luận nhóm.

Phương pháp sử dụng án trong giảng dạy phụ thuộc vào việc lựa chọn án cũng như sách về các vụ án của giảng viên. Giảng viên sau đó thông tin đến sinh viên các tài liệu thích hợp (vụ án, sách về các vụ án) để sinh viên chuẩn bị trước khi đến lớp.

Giảng viên cũng sẽ đặt ra hàng loạt các câu hỏi và hướng dẫn sinh viên thảo luận. Việc này sẽ giúp sinh viên làm quen với việc đọc và phân tích án. Qua phương pháp này, sinh viên sẽ học được những nguyên tắc pháp lý từ các vụ việc để từ đó, họ có thể áp dụng vào từng trường hợp thực tiễn cụ thể.

Tuy nhiên, Đại học Nottingham khuyến khích áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy nhằm thay thế việc thường xuyên đến lớp (face-to-face teaching). Sinh viên sẽ được chia thành nhiều nhóm tự học và nộp báo cáo kết quả theo yêu cầu của giảng viên. Các nhóm sinh viên sau đó sẽ trình bày nghiên cứu của họ trước lớp để cả lớp cùng thảo luận.

Với phương pháp này, người học đóng vai trò trung tâm và chủ động trong việc học. Sinh viên chứng tỏ được kiến thức và sự hiểu biết của họ về các vấn đề pháp lý và phát triển vai trò của họ như một luật sư tương lai.[16]

IV. Kết luận

Việc sử dụng bản án trong giảng dạy luật là một phương pháp đã được áp dụng rất lâu và phổ biến trên thế giới. Các nước theo hệ thống thông luật hay dân luật đều áp dụng phương pháp này. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên nghiên cứu, áp dụng nhằm đa dạng hóa các phương pháp dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy cũng như tăng cường kỹ năng nghiên cứu và học tập của sinh viên.

CHÚ THÍCH

[1] The Training and Development World, Is there a difference between the case method and a case study’, http://thetrainingworld.com/faq/casemethod.htm, (truy cập 21/12/2014).

[2] Quyền sách đầu tiên về phương pháp này của Langdell là A Selection of Cases on the Law of Contracts năm 1871

[3] Havard Law School, The Case study teaching method (2014) file:///D:/Case%20book%20materials/The%20Case%20Study%20Teaching%20Method.htm (truy cập 20/12/2014)

[4] John Henry Merryman, Legal Education There and Here: A Comparison (1975), Standord Law Review số 27 (3), tr. 859 – 878.

[5] Simeo E. Baldwin, “Teaching law by case”, Havard Law Review số14, (1900-1901), tr. 258.

[6] Philip M. Genty, Overcoming cultural blindness in international clinical callabaration: The divide between civil and common law cultures and its applications for clinical education, Clinical Law Review (15:131), 2008, tr. 140.

[7] Washington University in St.Louis, The Socratic Method: Why It’s Important to the Study of Law (2014),.http://onlinelaw.wustl.edu/the-socratic-method-why-its-important-to-the-study-of-law/, (truy cập 20/12/2014).

[8] Philip M. Genty, “Overcoming cultural blindness in international clinical callabaration: The divide between civil and common law cultures and its applications for clinical education” (2008), Clinical Law Review (15:131), tr. 140.

[9] Michael McAuley, “On a Theme by Rene David: Comparative Law as Technique Indispensable” (2002), J. Legal Education số 52, tr. 47; Xem thêm Philip M. Genty, “Overcoming cultural blindness in international clinical callabaration: The divide between civil and common law cultures and its applications for clinical education” (2008), Clinical Law Review (15:131), tr. 140, 141.

[10] John Henry Merryman, “Legal Education There and Here: A Comparison” (1975), Standord Law Review số 27 (3), tr. 870, xem thêm Philip M. Genty, “Overcoming cultural blindness in international clinical callabaration: The divide between civil and common law cultures and its applications for clinical education” (2008), Clinical Law Review (15:131), tr. 140-141.

[11] Philip M. Genty, “Overcoming cultural blindness in international clinical callabaration: The divide between civil and common law cultures and its applications for clinical education” (2008), Clinical Law Review (15:131), tr. 140, 141 (trích từ Julie Bedard, “Transsystemic Teaching of Law at McGill: Radical Changes, Old and New Hats” (2001), Queen’s Law Journal, tr. 268-269).

[12] Kevin D. Ashley, “Case-based models of legal reasoning in a civil law context” (2003), University of Pittsburgh, tr. 2.

[13] Edward J. Phelps, “Methods of Legal Education” (1892), Yale Law Journal (vol 1, No.4), tr.144.

[14] Simeo E. Baldwin, “Teaching law by case” (1900-1901), Havard Law Review, (14), tr. 258-261.

[15] Willard H. Pedrick, “A case study in method teaching” (2014), http://www.austlii.edu.au/au/journals/UWALawRw/1957/5.pdf, (truy cập 22/12/2014), tr. 1-17.

[16] Michael Blissenden, “The Emerging use of storytelling as an alternative teaching methodology to theappellate case law method” (2010), Nottingham Law Journal (vol 19 (1)), tr. 12-15.

Tác giả: TS. Phan Nhật Thanh – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2015 (89)/2015 – 2015, Trang 62-67