Bình luận của đinh văn quế tội 139 blhs

Về phương diện lý luận, tội “Trộm cắp tài sản” là một loại tội phạm có dấu hiệu hành vi khách quan khá đơn giản: “Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác” (Bình luận KHBLHS phần các tội phạm, Tập 2-Đinh Văn Quế- NXB TPHCM-2002- Trang 196). Tuy nhiên trong thực tiễn, hành vi trộm cắp tài sản, mà cụ thể là hành vi “lén lút” được diễn ra rất đa dạng, biến hoá, gây nhiều tranh cãi trong vấn đề định tội danh giữa các nhà áp dụng luật. Để góp phần nghiên cứu loại tội phạm này, chúng tôi xin đưa ra và phân tích một số đặc điểm nổi bật, riêng biệt, có tính mấu chốt làm cơ sở cho việc định tội danh cũng như để so sánh, phân biệt với một số tội phạm khác cùng có tính chiếm đoạt trong Chương XIV: “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự.

Ở đây, chúng tôi không phân tích lại 4 yếu tố Cấu thành tội phạm của tội “Trộm cắp tài sản” nữa, vì những vấn đề này đã được phân tích kỹ, đầy đủ trong các Giáo trình Luật hình sự và Bình luận khoa học BLHS… Chúng tôi chỉ đưa ra những dấu hiệu, đặc điểm dễ nhận biết nhất, nổi bật nhất của tội “Trộm cắp tài sản”, phân tích và làm sáng tỏ những dấu hiệu này để khi nhìn vào, chúng ta có thể biết ngay đó là tội “Trộm cắp tài sản”.

1. Hành vi “lén lút”

Đặc điểm riêng biệt có tính đặc thù của tội “Trộm cắp tài sản” là hành vi “lén lút”, không có việc lén lút thì không phải là trộm cắp. Nếu một hành vi chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản (sau này gọi tắt là chủ tài sản) thì không thể coi đó là hành vi trộm cắp, mà hành vi trộm cắp phải được thực hiện một cách lén lút, vụng trộm đối với chủ tài sản. Theo Từ điển Tiếng Việt tường giải và liên tưởng-NXB Văn hóa thông tin-2004, trang 467 giải nghĩa từ “lén lút” là hành vi: cố giấu diếm, vụng trộm không để lộ ra do có ý gian. Trong tội “Trộm cắp tài sản”, hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản có đầy đủ những dấu hiệu này, thiếu một trong những dấu hiệu đó sẽ không thể hiện được bản chất của sự “lén lút”, bởi nếu làm một việc quang minh thì không bao giờ phải lén lút.

Nói cách khác, “lén lút” là hành vi của một người cố ý thực hiện một việc làm bất minh, vụng trộm, giấu diếm không để lộ cho người khác biết, nhằm mục đích chiếm đoạt trái phép tài sản của họ.

Tuy nhiên, nếu tất cả các hành vi “lén lút” của tội “Trộm cắp tài sản” đều được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm, thì việc nhận biết chúng sẽ dễ dàng hơn và việc định tội danh cũng sẽ đơn giản hơn. Nhưng bởi thực tế, hành vi “lén lút” có nhiều cách thể hiện. Có những hành vi lén lút được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm (trường hợp che giấu toàn bộ sự việc phạm tội); nhưng cũng có những hành vi lén lút lại được thực hiện một cách công khai, trắng trợn không có ý che đậy hay giấu diếm hành vi của người phạm tội (trường hợp chỉ che giấu hành vi phạm tội đối với chủ tài sản). Sự công khai ở đây có hai hình thức:

+ Công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi;

+ Công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi đã được che đậy.

Công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi: là trường hợp người phạm tội chỉ thực hiện việc “lén lút” với chủ tài sản, còn những người xung quanh, người phạm tội không cần giấu diếm hay che đậy hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ví dụ: Kẻ trộm móc túi người khác giữa chợ hoặc giữa nơi đông người.

Công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi đã được che đậy: là trường hợp người phạm tội công khai thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhưng bản chất tội phạm của hành vi đã được che đậy, nguỵ trang bằng những thủ đoạn khác nhau. Ví dụ: Người phạm tội đóng giả là nhân viên của Công ty điện lực, giả vờ đi sửa điện và công khai tháo công tơ điện bán lấy tiền tiêu; hoặc đóng giả nhân viên Bưu điện đi sửa đường dây điện thoại, nhưng thực chất là gọi điện trộm ra nước ngoài…

Như vậy, hành vi “lén lút” không nhất thiết là việc làm mà không ai biết, nó có thể được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách công khai, giữa nơi đông người. Tuy nhiên, việc giấu diếm hay công khai thì chúng đều có một đặc điểm chung, đó là sự “lén lút” với chủ tài sản. Bởi nếu không “lén lút” với chủ tài sản thì hành vi của họ sẽ không còn là phạm tội “Trộm cắp tài sản” nữa.

2. Đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi “lén lút”

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Vậy, hành vi lén lút này được thực hiện với ai ? Với tất cả mọi người hay chỉ với chủ tài sản ? Không thể có trường hợp muốn trộm cắp tài sản của A mà lại lén lút với B và công khai hành vi trộm cắp với chính A được. Nếu công khai hành vi trộm cắp tài sản của A với chính A, thì sẽ không còn là tội “Trộm cắp tài sản” nữa, mà tùy thuộc vào diễn biến hành vi cụ thể xảy ra mà phạm vào điều luật tương ứng, có thể sẽ là Cướp giật tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản… Như vậy, hành vi “lén lút” phải có “đối tượng” để người phạm tội hướng tới, nhằm vào thực hiện tội phạm. Điều này là rõ ràng, nhưng tại sao chúng ta cần phải nghiên cứu vấn đề này ? Bởi vì, không phải ai cũng là đối tượng để tội phạm hướng tới thực hiện hành vi lén lút. Có những đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút là chủ sở hữu tài sản, là người quản lý hợp pháp tài sản… nhưng cũng có những đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút lại chẳng có quyền gì đối với tài sản đó cả, thậm chí lại là người đang nắm giữ nó một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, khi tội phạm muốn chiếm đoạt tài sản thì lại phải thực hiện hành vi lén lút đối với họ. Vì vậy, việc xác định chủ thể là đối tượng mà tội phạm phải hướng tới để thực hiện hành vi lén lút là cần thiết và quan trọng, đặc biệt là trong hoạt động định tội danh đối với loại tội này.

Đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, mà ta cần làm rõ bao gồm: chủ sở hữu tài sản và người quản lý tài sản.

2.1- Chủ sở hữu tài sản

Theo pháp luật dân sự, chủ sở hữu tài sản là người có đầy đủ 3 quyền năng: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Có đầy đủ 3 quyền này mới là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản và được pháp luật bảo vệ. Hay nói cách khác, chủ sở hữu là người có quyền: tự nắm giữ, quản lý, chi phối tài sản theo ý mình mà không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian; có quyền khai thác các công dụng, lợi ích, giá trị của tài sản và quyết định về số phận của tài sản đó.

Như vậy, với việc thực hiện 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản, thì chủ sở hữu tài sản là đối tượng chủ yếu mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi “lén lút”.

2.2- Người quản lý tài sản

Theo Từ điển tiếng Việt-Viện ngôn ngữ học-NXB Đà Nẵng-2003, trang 800 thì “quản lý” được giải thích là: trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định. Từ định nghĩa này, liên hệ với pháp luật hình sự thì người quản lý tài sản là người đang nắm giữ hoặc trông coi, bảo vệ tài sản, nhưng lại không phải là chủ sở hữu tài sản và không có quyền định đoạt tài sản. Để làm rõ vai trò, ý nghĩa của người quản lý tài sản trong việc xác định đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút, ta có thể phân chia người quản lý tài sản theo những góc độ sau:

* Xét về góc độ nắm giữ, kiểm soát tài sản:

Có thể chia người quản lý tài sản thành 2 dạng: trực tiếp và gián tiếp.

Người quản lý tài sản trực tiếp:

+ Là những người được chủ sở hữu phân công quản lý tài sản, giao tài sản cho để quản lý, cho mượn, cho thuê, hoặc có được do ký kết các hợp đồng giao dịch… và những tài sản này đang trong vòng kiểm soát trực tiếp của người đó.

+ Là trường hợp người quản lý tài sản giao tài sản cho người thứ 3 để quản lý.

Ví dụ: Trường hợp mượn tài sản rồi lại cho người khác mượn lại; hoặc trường hợp Công ty A đi thuê tài chính 1 chiếc ô tô của Công ty B, rồi giao lại ô tô cho lái xe quản lý, sử dụng…

+ Là người sử dụng tài sản trong trường hợp không phải do chủ sở hữu giao, hay nói cách khác là chưa được sự đồng ý của chủ tài sản.

Ví dụ: A và B là 2 anh em ở sát cạnh nhà. Do A đi vắng nên B tự vào nhà A lấy xe máy đi chơi mà không hỏi mượn A. Như vậy, nếu tội phạm muốn chiếm đoạt chiếc xe máy của A, thì lúc này phải lén lút đối với B chứ không phải là A.

Người quản lý tài sản gián tiếp:

+ Là người do tính chất công việc nên có trách nhiệm bảo vệ, trông coi, canh giữ tài sản nhưng không trực tiếp nắm giữ tài sản.

Ví dụ: Tiền ở cơ quan do thủ quỹ trực tiếp giữ, nhưng khi hết giờ làm việc thì bảo vệ có trách nhiệm trông coi, canh giữ. Nếu kẻ trộm muốn lấy tiền thì phải “lén lút” với người bảo vệ chứ không phải với thủ quỹ.

+ Là trường hợp người được giao nhiệm vụ quản lý những tài sản thuộc quyền sở hữu của các cơ quan, tổ chức Nhà nước được để ở những nơi công cộng để phục vụ sinh hoạt đời sống, những công trình phúc lợi…

Ví dụ: Công tơ điện để ở cột điện, đường nước sinh hoạt, điện thoại công cộng, ghế đá ở công viên, chậu hoa ở vườn hoa…Những tài sản này là tài sản thuộc sở hữu tập thể, nên thông thường giao cho nhân viên của cơ quan, tổ chức đó có nhiệm vụ quản lý tài sản. Nhưng do những tài sản này thường để ở nơi công cộng, đông người chứ không phải ở trụ sở, nơi làm việc của các nhân viên đó, nên họ cũng không trực tiếp nắm giữ để quản lý, trông coi được.

* Xét về góc độ pháp lý:

Chia thành 2 trường hợp: người quản lý tài sản hợp pháp và người quản lý tài sản bất hợp pháp.

Người quản lý tài sản hợp pháp:

Là trường hợp người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản một cách hợp pháp; hoặc tuy không phải do chủ sở hữu giao cho nhưng việc sử dụng, quản lý tài sản được coi là hợp pháp (VD: Trường hợp con lấy xe máy của bố để đi chơi mà không hỏi ý kiến…); người được người quản lý hợp pháp tài sản, giao tài sản cho để trông giữ; hoặc người phát hiện và thu giữ các tài sản vô chủ, tài sản bị bỏ quên, chôn giấu, chìm đắm… phù hợp với các điều kiện pháp luật quy định; hay các trường hợp quản lý tài sản theo quyết định, mệnh lệnh của cơ quan Nhà nước (VD: Các trường hợp thu giữ, tịch thu các tài sản là tang vật trong vụ án hình sự…).

Người quản lý tài sản không hợp pháp:

Xét về góc độ quyền sở hữu, thì đây là trường hợp chiếm hữu bất hợp pháp trong quyền chiếm hữu tài sản, trong đó có cả chiếm hữu tài sản bất hợp pháp ngay tình và không ngay tình. Một số trường hợp sau đây được coi là người quản lý tài sản không hợp pháp:

+ Người có được tài sản do phạm tội mà có;

+ Người cố ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có;

+ Người có được tài sản do hành vi gian dối, do vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức là tội phạm hình sự…

Đây chỉ là một số những trường hợp điển hình, còn trong thực tế thì có vô số sự biến tướng của dạng người này. Tuy nhiên, chúng có một đặc điểm chung nhất, dễ nhận biết nhất là: việc chiếm hữu, quản lý tài sản không hợp pháp và không được pháp luật thừa nhận. Nhưng trong pháp luật hình sự, mà cụ thể là trong tội “Trộm cắp tài sản”, thì những người này trở thành đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút, bởi tại thời điểm đó, họ là người đang nắm giữ tài sản.

* Xét về góc độ sự kiện:

Ta có thể chia thành 2 trường hợp: Người quản lý tài sản trong trường hợp bình thường và trong trường hợp đặc biệt.

Người quản lý tài sản trong trường hợp bình thường:

Là trường hợp người được giao quyền quản lý tài sản được diễn ra một cách hợp pháp, thuần túy và có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản.

Người quản lý tài sản trong trường hợp đặc biệt:

Đây là vấn đề khá phức tạp khi phân biệt đối tượng mà người phạm tội hướng tới để thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Xác định chính xác đối tượng này, ta có thể làm rõ việc người phạm tội có thực hiện hành vi lén lút hay không, từ đó cơ sở để định tội danh sẽ rõ dàng hơn, không bị lẫn lộn giữa tội “Trộm cắp tài sản” với các tội khác có cùng tình chất chiếm đoạt.

Vậy, dấu hiệu nào để phân biệt người quản lý tài sản trong trường hợp đặc biệt với trường hợp bình thường? Đó chính là sự kiện làm phát sinh trách nhiệm quản lý tài sản của người đó. Người này, nếu không có một sự kiện nào đó xảy ra thì họ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ gì đối với tài sản. Bởi vì họ không phải là chủ sở hữu tài sản, hay người quản lý tài sản nên không có trách nhiệm phải trông coi, quản lý tài sản. Còn có trường hợp, họ không hề quen biết chủ tài sản hay người quản lý tài sản và thậm chí, người chủ tài sản còn không biết việc tài sản của mình đang do người khác quản lý. Vậy tại sao chúng ta lại nghiên cứu vấn đề này. Bởi vì, họ chính là một trong những đối tượng mà tội phạm thường hướng tới để thực hiện hành vi “lén lút”, và khi ta chưa xác định được rõ vai trò của họ trong loại tội này, thì sẽ còn nhiều vấn đề cần tranh cãi khi định tội danh.

Chúng tôi đưa ra những ví dụ sau:

v VD1: Trường hợp hai người đi xe máy cùng nhau bị tai nạn, trong đó A là người có tài sản bị ngất, B đi cùng nhưng vẫn tỉnh. Vậy khi những tài sản của A rơi ra, đã làm phát sinh trách nhiệm bảo quản trông giữ của B. Nếu tội phạm muốn lấy trộm thì phải lén lút với B chứ không phải với A.

v VD2: Trường hợp A là người đi đường, vào dập lửa trong một đám cháy và mang tài sản trong nhà ra ngoài để khỏi bị cháy. Do khi cháy thì không có chủ nhà ở nhà, nên A đã đứng trông tài sản vừa cứu được để chờ chủ nhà về nhằm trả lại tài sản. Vậy, A đã phát sinh trách nhiệm quản lý tài sản từ lúc này và tội phạm muốn lấy trộm thì phải “lén lút” với A chứ không phải với chủ nhà.

Cần chú ý phân biệt giữa người quản lý tài sản trong trường hợp đặc biệt với những người có mặt tại hiện trường. Người quản lý tài sản trong trường hợp đặc biệt thường là người có mặt tại hiện trường, nhưng nó chỉ phát sinh trách nhiệm khi có những điều kiện nhất định, nếu không có điều kiện này thì họ cũng chỉ bình thường như người có mặt tại hiện trường khác. Những điều kiện để phát sinh trách nhiệm với tài sản như: Tự nguyện đứng ra nhận trông coi, quản lý tài sản của người khác; khi chủ tài sản không có điều kiện để bảo vệ tài sản của mình… (VD 1, 2).

Những người có mặt tại hiện trường nhưng chỉ là đến xem và không có ý đứng ra bảo vệ, trông giữ tài sản thì người phạm tội không cần phải “lén lút” với họ, mà vẫn có thể công khai hành vi lấy trộm tài sản trước sự chứng kiến của họ (giống như trường hợp móc túi giữa nơi công cộng). Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt “trách nhiệm đối với tài sản” của người quản lý tài sản trong trường hợp này không đồng nhất với quyền chiếm hữu trong nội dung quyền sở hữu, Vì trách nhiệm đó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và nội dung trách nhiệm cũng được giới hạn, hạn chế bằng việc chỉ được bảo vệ, trông giữ tài sản đó chứ không phải là được quyền quản lý tài sản đó một cách đầy đủ như người quản lý tài sản trong trường hợp bình thường.

v VD3: Trong trường hợp người có được tài sản do phạm tội mà có, hoặc mua những tài sản biết là do người khác phạm tội mà có… thì người đang nắm giữ tài sản này không phải là người quản lý hợp pháp tài sản, nhưng nếu tội phạm muốn lấy trộm thì phải “lén lút” với họ. Ví dụ như trường hợp A nhận tiền hối lộ của B là 10.000.000đ. Việc A có 10.000.000đ này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì A là người đang nắm giữ số tiền đó, nên là đối tượng mà tội phạm phải hướng đến để thực hiện hành vi lén lút.

v VD4: Trường hợp người nhặt được tài sản bị rơi, bị bỏ quên cũng là người quản lý tài sản trong trường hợp đặc biệt. Nếu không có việc bị rơi, bị bỏ quên tài sản của chủ tài sản thì sẽ không phát sinh người nhặt được tài sản đó. Trong trường hợp này, người quản lý tài sản chỉ có quyền chiếm hữu tài sản về mặt vật chất, chứ không được chiếm hữu về mặt pháp lý đối với tài sản.

* Ý nghĩa của việc xác định “đối tượng mà tội phạm hướng đến để thực hiện hành vi lén lút” trong hoạt động định tội danh

Phân biệt với tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Đặt tình huống xảy ra trong vụ tai nạn giao thông, có những trường hợp sau:

1. A và B là bạn đi cùng nhau. Trong đó, A là người bị chết, B bị thương nhưng vẫn tỉnh táo. Tại thời điểm này, do A đã chết nên B đương nhiên trở thành người quản lý hợp pháp đối với toàn bộ tài sản của A. Nếu người phạm tội lén lút chiếm đoạt tài sản không cho B biết, thì phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Còn nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản công khai trước mặt B vì biết B bị thương không thể ngăn cản được mình, thì là tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, khi A chết thì đương nhiên việc “lén lút” không hướng tới A nữa mà chuyển qua B. Còn nếu cho rằng, A chết là trường hợp lâm vào tình trạng không có điều kiện, khả năng quản lý tài sản thuộc dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” là không đánh giá đúng bản chất sự việc. Bởi vì do B đi cùng A, nên với sự kiện A chết đã làm phát sinh trách nhiệm quản lý tài sản đối với B, chứ không thể coi như không có sự hiện của B ở đó được. Hay nói cách khác, tại thời điểm này, B có nghĩa vụ phải trông coi, quản lý những tài sản của A cho đến khi có biện pháp giải quyết khác (như Công an đến thu giữ tài sản; gửi tài sản cho người khác trông hộ…). Do đó, trong trường hợp này B sẽ trở thành người quản lý tài sản hợp pháp một cách đương nhiên và là đối tượng mà tội phạm cần phải hướng tới để thực hiện hành vi lén lút.

2. Trường hợp A đi một mình và bị chết thì đặt ra tình huống:

+ Nếu tại hiện trường có 1 người (có thể là người dân, người quen, công an, dân phòng… ) đứng ra tự thu giữ và bảo quản tài sản cho A, thì lúc này người đó trở thành người có trách nhiệm quản lý tài sản. Và nếu tội phạm “lén lút” với họ để chiếm đoạt tài sản, thì là phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Còn ngược lại, nếu tội phạm công khai thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của họ, thì có thể là tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc “Cướp giật tài sản”…

+ Nếu hiện trường có nhiều người nhưng không có ai đứng ra quản lý tài sản cho A, khi người phạm tội lấy tài sản công khai trước mặt mọi người nhưng không ai can thiệp gì thì vẫn là tội “Trộm cắp tài sản”. Vì sự công khai chiếm đoạt tài sản này không phải trước sự chứng kiến của chủ tài sản, do đó nó chỉ giống như trường hợp móc túi giữa nơi đông người.

+ Nếu hiện trường không có ai ngoài A và người phạm tội, thì khi đó hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ là tội “Trộm cắp tài sản”. Bởi, tuy rằng người phạm tội không cần thiết phải thực hiện hành vi lén lút nữa, nhưng việc không cần lén lút ở đây là do điều kiện khách quan mang lại, chứ bản chất của việc chiếm đoạt vẫn là giấu diếm, vụng trộm, vì người phạm tội lợi dụng việc A bị chết và không có ai ở đó để chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này, không thể là phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được.

3. Trong trường hợp người bị tai nạn mà không ngất, vẫn tỉnh táo, nhưng do vết thương nặng nên không đủ sức để bảo vệ tài sản và người phạm tội biết là chủ tài sản vẫn tỉnh, nhìn thấy, nhưng nghĩ là chủ tài sản không thể làm gì được mình nên vẫn lấy tài sản, thì lúc đó sẽ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Ý nghĩa trong việc xác định khách thể:

Theo Điều 51 BLTTHS quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”. Như vậy trong tội “Trộm cắp tài sản”, người bị hại là người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra và khách thể của tội phạm ở đây là quan hệ sở hữu về tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản bị mất là tài sản do phạm tội mà có (như tài sản có được do đánh bạc, do trộm cắp, cướp giật, tham ô…), hoặc do chiếm hữu bất hợp pháp (như cố ý mua lại tài sản của kẻ gian, tài sản có được do dùng thủ đoạn gian dối…) thì người bị mất tài sản có bị “thiệt hại về tài sản” hay không ? Có thể thấy trong trường hợp này, người bị mất tài sản không hề bị thiệt hại gì đến tài sản của họ, bởi những tài sản mà họ bị mất không được pháp luật thừa nhận và thực chất không phải là của họ, thậm chí, việc họ có được tài sản đó còn bị pháp luật xử lý. Vì vậy, việc xác định khách thể của tội “Trộm cắp tài sản” trong trường hợp này là khá phức tạp, bởi quan hệ sở hữu ở đây không bị xâm hại. Theo Giáo trình Luật Hình sự phần chung – ĐHQGHN – TSKH Lê Cảm chủ biên, trang 155-156 cho rằng: “Một quan hệ nào đó bị xâm hại nhưng không được Nhà nước bảo vệ bằng các quy phạm pháp luật thì không thể là khách thể của tội phạm”.

Vậy, khách thể của tội “Trộm cắp tài sản” trong trường hợp này là quan hệ gì? Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này, khách thể bị xâm hại sẽ là quan hệ về trật tự trị an, an toàn xã hội, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Bởi hành vi trộm cắp tài sản là hành vi trái với quy tắc xử sự chung của xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, vi phạm trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Do đó, để bình ổn tình hình an ninh, trật tự trong xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thì phải xử lý hành vi trộm cắp tài sản đó như các trường hợp bình thường. Còn nếu cho rằng khách thể của tội “Trộm cắp tài sản” chỉ duy nhất là quan hệ sở hữu về tài sản, thì như trường hợp trên, hành vi trộm cắp tài sản sẽ không cấu thành tội phạm ? Điều này sẽ là vô lý và bất cập. Bởi khi thực hiện hành vi trộm cắp, người phạm tội không cần biết đến nguồn gốc tài sản, không cần biết người đang nắm giữ tài sản có hợp pháp hay không, vì mục đích của họ chỉ là mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác biến thành tài sản của mình. Nếu họ trộm cắp những tài sản bất hợp pháp mà không bị đưa ra xử lý bằng pháp luật hình sự, còn người trộm cắp những tài sản hợp pháp lại bị xử lý bằng pháp luật hình sự, thì đó là một điều rất phi lý, bất công. Như vậy, hậu quả sẽ dẫn đến việc tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để phạm tội và gia tăng, gây mất trật tự trị an cho xã hội, không đáp ứng được mục đích phòng ngừa chung.

Với những lý do trên, chúng tôi cho rằng khách thể của tội “Trộm cắp tài sản” trong trường hợp này sẽ là quan hệ về trật tự trị an, an toàn xã hội, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chứ không còn là quan hệ sở hữu nữa. Vì vậy, khi xác định được đối tượng mà tội phạm hướng tới thực hiện hành vi lén lút thuộc diện người nào, lúc đó ta có thể làm rõ được khách thể của tội “Trộm cắp tài sản” có phải là quan hệ sở hữu hay không. Từ đó, đánh giá đúng tính chất của hành vi phạm tội và đưa ra biện pháp xử lý vụ án một cách chính xác, toàn diện.

3. Vào thời điểm mất tài sản, chủ tài sản không biết.

Đây là mốc thời gian quan trọng để phân biệt với những tội khác. Thể hiện như sau:

* Trước khi mất tài sản, người quản lý tài sản vẫn đang kiểm soát được tài sản của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ở đây, trực tiếp được hiểu là người chủ tài sản đang nắm giữ tài sản của mình bằng cách: cầm, nắm, giữ, nhìn thấy… Sau khi mất tài sản, chủ tài sản có thể biết ngay việc bị mất.

Còn gián tiếp là trường hợp chủ tài sản không trực tiếp nắm giữ, cầm, sờ, nhìn thấy nhưng họ biết được cụ thể tài sản đó đang ở đâu (Ví dụ tài sản để ở nhà khi đi vắng), số lượng, vị trí, tình trạng của tài sản… (ví dụ trường hợp Công ty Điện lực nắm được số lượng, vị trí của các đồng hồ công tơ điện). Trong trường hợp này, thông thường sau khi bị mất tài sản, chủ tài sản không biết ngay việc bị mất tài sản.

* Tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản không biết việc mình đã bị mất tài sản.

Không biết bị mất tài sản có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, như:

+ Không có mặt tại nơi để tài sản;

+ Thủ đoạn và phương pháp tinh vi của người phạm tội làm cho chủ tài sản không biết được việc mình bị mất tài sản;

+ Do lâm vào tình trạng không có khả năng để biết, như: bị tai nạn ngất, bị chết…

* Ý nghĩa:

Ý nghĩa thứ nhất: Việc xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Nếu tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản biết việc tài sản của mình bị người khác chiếm đoạt, thì rất có khả năng là người chiếm đoạt không có ý định che dấu hành vi phạm tội của mình đối với chủ tài sản. Và như vậy, vấn đề có hay không có dấu hiệu “lén lút” cần phải đặt ra trong trường hợp này khi định tội danh.

Ý nghĩa thứ hai: Làm rõ vấn đề này còn có ý nghĩa xác định chủ quan, nhận thức của chủ tài sản khi bị chiếm đoạt tài sản. Bởi trường hợp chủ tài sản lâm vào tình trạng “không có khả năng để nhận biết việc mình bị chiếm đoạt tài sản” khác với dấu hiệu “không có điều kiện để bảo vệ tài sản” trong tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Trong thực tiễn, có quan điểm cho rằng: việc người bị chết, ngất là trường hợp “không có điều kiện để bảo vệ tài sản” – một dấu hiệu đặc trưng để cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Theo chúng tôi, quan điểm trên là chưa đánh giá toàn diện bản chất của vấn đề. Cũng như tội “Trộm cắp tài sản”, hành vi “lén lút” phải được thực hiện với chủ tài sản, thì trong tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, hành vi “công nhiên” cũng phải được thực hiện với chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản, chứ không thể với một người không liên quan, không có trách nhiệm gì đối với tài sản đó cả. Hay nói cách khác, tính “công nhiên” ở đây phải là công nhiên chiếm đoạt trước sự chứng kiến của chủ tài sản, còn mọi trường hợp chủ tài sản không biết việc tài sản của mình bị chiếm đoạt thì không thể cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được. Trường hợp chiếm đoạt tài sản của người bị ngất, bị chết thực ra cũng giống như trường hợp chủ nhà đi vắng bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản. Điểm giống nhau ở chỗ: chủ tài sản đều không có điều kiện để bảo vệ tài sản. Một trường hợp thì không còn khả năng để bảo vệ tài sản, một trường hợp thì ở xa không có điều kiện để bảo vệ tài sản. Và điểm giống nhau nữa là: tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản đều không biết việc mình bị mất tài sản. Vậy, tại sao ta lại cho hành vi chiếm đoạt tài sản khi chủ nhà đi vắng là tội “Trộm cắp tài sản”, còn hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị ngất, bị chết là “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” ? Tại sao ta cứ tự làm vấn đề phức tạp lên, rồi lại đi tìm cách để giải quyết, trong khi đó, việc chiếm đoạt tài sản đã thể hiện bản chất của hành vi khách quan.

Theo chúng tôi, điểm mấu chốt để phân biệt 2 dấu hiệu này là ở chỗ: người chủ tài sản bị ngất, bị chết tức là không nhận biết được diễn biến sự việc xảy ra xung quanh mình nữa, và đương nhiên là không biết mình bị mất tài sản. Còn trường hợp “không có điều kiện để bảo vệ tài sản” trong tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” thì khác hoàn toàn. Người chủ tài sản vẫn tỉnh táo, vẫn nhận biết sự việc diễn ra xung quanh và khi bị chiếm đoạt tài sản, người đó biết được việc mình bị người khác chiếm đoạt, nhưng không thể làm gì được để bảo vệ tài sản của mình, do vào thời điểm đó không có khả năng, điều kiện để bảo vệ.

Tóm lại, dấu hiệu “thời điểm mất tài sản” là mốc thời gian, xác định việc tài sản đã bị chiếm đoạt và không nằm trong vòng kiểm soát của chủ tài sản nữa. Tại thời điểm này, chủ tài sản không biết việc mình bị mất tài sản và đây chính là hệ quả của hành vi “lén lút”. Bởi chỉ có “lén lút” mới làm chủ tài sản không biết mình bị mất tài sản. Với sự liên hệ qua lại giữa các dấu hiệu này, giúp chúng ta dễ dàng tìm ra điểm đặc trưng của tội “Trộm cắp tài sản”, từ đó có cơ sở để đưa ra quyết định đúng đắn khi xem xét định tội danh cho loại tội phạm này.

4. Dấu hiệu về tài sản

Điều 172 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Qua khái niệm về tài sản này, ta có thể thấy một điều: không phải bất cứ tài sản nào cũng là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”, có những tài sản mà tội phạm không thể lấy trộm được, và có những tài sản không được coi là đối tượng tác động của tội phạm. Cụ thể như sau:

* Tài sản không phải là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”

Thứ nhất, đó là “quyền tài sản”. “Quyền tài sản” là một dạng tài sản vô hình, không nhìn thấy được, nó gắn liền với quyền nhân thân và cố định với một chủ thể cụ thể được pháp luật công nhận. Do đó, nó không thể bị dịch chuyển trái phép, bị chiếm đoạt bởi người khác được, vì về mặt pháp lý, “quyền tài sản” phải được pháp luật thừa nhận thì mới có giá trị. Ví dụ: quyền chủ nợ, quyền sở hữu trí tuệ… Những quyền này gắn liền với nhân thân của một chủ thể xác định, mọi trình tự, thủ tục thực hiện quyền này đều tuân theo quy định của pháp luật. Do đó, tội phạm không thể chiếm đoạt được “loại tài sản” này, nên nó cũng không thể là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”.

Thứ hai: Một số tài sản thuộc loại “bất động sản” có tính chất vật lý cố định, ví dụ như: đất đai, nhà cửa, ao hồ. Những loại tài sản này không thể là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” vì không dịch chuyển được chúng. Tuy nhiên, có một số động sản mà pháp luật dân sự quy định là bất động sản do công dụng của nó như: cánh cửa gắn với ngôi nhà; cây cối trồng trên vườn… thì vẫn là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”.

Thứ ba: Những tài sản sau tuy là động sản, nhưng cũng không thuộc đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”:

– Tài sản vô chủ;

– Tài sản bị rơi, bị bỏ quên, thất lạc;

– Tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó. Ví dụ như: chủ sở hữu vứt, huỷ, bỏ… tài sản.

– Những tài sản không có giá trị hoặc giá trị sử dụng như: nước biển, gió trời, không khí…

– Những giấy tờ có giá trị, nhưng không trực tiếp chuyển thành tiền được. Ví dụ như: Sổ tiết kiệm, hợp đồng mua bán, giấy nợ…

– Tài sản thuộc các loại có tính chất và công dụng đặc biệt. Ví dụ như: vũ khí quân dụng, ma tuý, hàng cấm, máy bay, tàu thuỷ… Nếu người phạm tội trộm cắp những loại tài sản này thì tuỳ trường hợp mà phạm vào các tội danh cụ thể, có thể là tội Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, Chiếm đoạt chất ma tuý…

* Tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”

– Trước hết, về mặt vật lý, tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản;

– Là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước;

– Là tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản;

– Là tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng;

– Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp. Ví dụ như: Tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…