Bị uống quá liều thuốc sử lý như thế nào

Suckhoedoisong.vn – Quá liều thuốc ở trẻ là tình trạng rất dễ xảy ra, do vô tình hay cố ý của người lớn, khi dùng các thuốc trị bệnh thông thường… có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Thuốc thông thường hay bị dùng quá liều

Paracetamol là thuốc hay bị lạm dụng nhất. Viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng ho, sốt… là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ và người lớn (cha, mẹ) lại hay tự làm bác sĩ mua thuốc về điều trị cho con là phổ biến. Paracetamol là thuốc được dùng để hạ sốt, giảm đau được sản xuất dưới dạng bột pha uống dùng cho trẻ nhỏ (trẻ lớn có thể dùng dạng viên uống). Thế nhưng thuốc này lại có mặt ở rất nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau (tùy theo nhà sản xuất). Vì vậy, vô tình hay cố ý, người lớn có thể cho trẻ dùng nhiều sản phẩm cùng lúc nhưng đều có chứa thành phần là paracetamol (hay còn có sản phẩm đề là acetaminophen).Khi dùng quá liều paracetamol có thể gây ngộ độc gan, nhất là với trẻ nhỏ khi chức năng gan, thận chưa hoàn chỉnh. Ngộ độc nặng có thể gây tử vong ở trẻ. Vì vậy, khi dùng thuốc này trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu, vã mồ hôi, đau bụng chán ăn và thường không kèm rối loạn ý thức…  cần đưa trẻ đi khám để được xử lý kịp thời.

Ibuprofen cũng là một thuốc dùng để hạ sốt, giảm đau (thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid – NSAID). Trên thị trường, ibuprofen  được sản xuất dưới dạng siro, dung dịch… để uống dùng cho trẻ nhỏ. Hoạt chất này cũng có ở nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau và của nhiều nơi sản xuất (trong và ngoài nước). Tuy nhiên thuốc này có thể gây một số bất lợi trên đường tiêu hóa (viêm loét, chảy máu dạ dày), thận… Không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi mà không có chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc thấy xuất hiện các phản ứng quá mẫn như hen, có thắt phế quản, khó thở, phát ban, mày đay, phù mạch… cần ngừng thuốc và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.

Thuốc kháng histamin như diphenhydramine  có trong nhiều sản phẩm trị ho, cảm lạnh ở trẻ. Thuốc này cũng có dạng viên nén, viên nang, viên nén bao phim, siro…  Diphenhydramine có tác dụng làm giảm dịch nhày ở đường hô hấp, giảm sổ mũi, các triệu chứng của dị ứng và giúp dễ ngủ. Diphenhydramine là một thuốc kháng histamin phổ biến. Khi dùng quá liều, thuốc có thể gây ngộ độc nặng với triệu chứng ức chế hệ thần kinh trung ương biểu hiện chủ yếu là mất điều hòa, chóng mặt, co giật, ức chế hô hấp. Ức chế hô hấp đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Vì vậy,  khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ cần phải được cấp cứu kịp thời.

Bị uống quá liều thuốc sử lý như thế nào

Luôn phải để thuốc xa tầm với của trẻ.

Phòng ngừa thế nào?

Để phòng ngừa tai nạn do quá liều thuốc ở trẻ, cần:

Các loại thuốc phải để xa khỏi tầm tay trẻ em hoặc không cho trẻ nhìn thấy thuốc. Cất thuốc trên các ngăn tủ cao ngay khi dùng xong. Xoáy nắp lọ thuốc chặt, đặc biệt là các lọ có khóa chống trẻ em… đề phòng vô tình trẻ uống phải gây quá liều, ngộ độc.

Khi dùng thuốc cần đọc kỹ mục thành phần của thuốc để tránh dùng nhiều loại thuốc có cùng hoạt chất. Các thành phần này thường được ghi ở phần trên cùng của nhãn thuốc. Vì nhiều loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng khác nhau nhưng lại có cùng một hoạt chất. Ví dụ, thuốc điều trị cảm lạnh và đau đầu với hai loại thuốc khác nhau nhưng cả hai sản phẩm đều có cùng thành phần hoạt chất là giảm đau paracetamol chẳng hạn. Nếu dùng cả hai loại sẽ dẫn đến tình trạng quá liều thuốc.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thêm thuốc dùng cho trẻ. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và dùng đúng liều theo khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc.

Sử dụng các thiết bị cung cấp liều lượng đi kèm với mỗi loại thuốc, chẳng hạn như một ống nhỏ giọt, cốc, thìa, muỗng… mà không sử dụng các dụng cụ đo lường khác như thìa chúng ta dùng ăn hàng ngày trong nhà bếp vì có thể sẽ cung cấp sai liều lượng thuốc. Và không bao giờ được uống thuốc nước trực tiếp từ chai, lọ thuốc.

Kiểm tra thuốc 3 lần trước khi sử dụng. Đối với bất kỳ loại thuốc nào, thực hành này luôn luôn cần thiết. Trước tiên, kiểm tra các bao bì bên ngoài xem có còn nguyên vẹn không. Thứ hai, kiểm tra nhãn trên bao bì bên trong để chắc chắn rằng bạn dùng có đúng thuốc không. Thứ ba, kiểm tra màu sắc, hình dạng, kích thước và mùi vị của thuốc. Nếu nhận thấy có bất cứ điều gì bất thường, hãy ngừng dùng sản phẩm thuốc đó.


DS. Nguyễn Thu Giang

TTO - Trong sử dụng thuốc, luôn luôn có lời khuyên “phải dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian”. Đúng liều ở đây có nghĩa là phải dùng thuốc theo đúng số lượng thuốc đã được chỉ định (tức là đã được bác sĩ ghi trong toa hoặc theo hướng dẫn sử dụng thuốc) cho một lần dùng thuốc hoặc cho cả ngày (tức 24 giờ).

Còn đủ thời gian là phải dùng cho đủ số ngày đã được ấn định (như theo một phác đồ điều trị bệnh lao, phải dùng thuốc trong 9 tháng chẳng hạn). Có khá nhiều người quan tâm đến lời khuyên phải dùng thuốc đúng liều nhưng đặt trường hợp “vì vô tình lỡ uống thuốc quá liều” thì sẽ dẫn đến việc gì và phải làm gì để xử trí?

Trước hết, ta nên biết việc dùng thuốc không đúng liều gồm 2 trường hợp: dùng không đủ liều và dùng quá lâu. Cả 2 trường hợp đều dẫn đến hậu quả không tốt. Dùng thuốc không đủ liều không chỉ không trị dứt được bệnh của cá nhân người bệnh mà có khi gây hại cho cộng đồng. Như sử dụng kháng sinh không đủ liều có thể dẫn đến hiện tượng vi khuẩn đề kháng thuốc, vi khuẩn đề kháng này không bị tiêu diệt sau đó sẽ gây hại cho bất cứ ai bị nó xâm nhiễm. Còn dùng thuốc quá liều sẽ gây tác hại cho chính sức khỏe của người dùng thuốc, thậm chí có thể gây tử vong. Bởi vì, với hầu hết các thuốc, nếu dùng đúng liều thì đó là thuốc chữa bệnh, còn nếu dùng quá liều đó là chất độc không hơn không kém.

Liều dùng của thuốc hay còn gọi liều điều trị không phải được ấn định một cách tùy tiện mà phải trải qua quá trình nghiên cứu được gọi là thử tác dụng dược lý để tìm ra. Trước hết, thuốc phải thử độc tính, xác định “tứ liều 50” (lethal dose 50, viết tắt LD50) tức thử trên một số đối tượng súc vật (thường là chuột nhắt trắng), để xác định liều gây chết 50% súc vật đó. Để từ đó xác định “liều tối đa”, tức là liều không thể vượt, nếu vượt qua liều tối đa sẽ gây độc hoặc gây chết... Cũng thử trên súc vật, các nhà dược học xác định “liều tối thiểu”, tức là liều mà nếu dùng thấp hơn sẽ không có được tác dụng của thuốc (như hạ huyết áp hay an thần chẳng hạn). Liều điều trị sẽ được xác định và sẽ nằm giữa liều tối thiểu và liều tối đa. Thuốc càng an toàn, tức ít độc, khi khoảng cách giữa liều điều trị và liều tối đa càng lớn, còn thuốc dễ gây độc tính khi khoảng cách đó hẹp, tức liều điều trị quá gần liều tối đa hay liều độc. Như vậy ta thấy phải trải qua quá trình nghiên cứu thực hiện mới xác định được liều điều trị và liều này sẽ tùy theo cơ thể người bệnh, tình trạng bệnh mà được ấn định để phát huy cao nhất tác dụng điều trị và hạn chế thấp nhất các tác dụng phụ hay tai biến.

Tùy theo thời gian thuốc cho tác dụng mà ta có liều dùng cho 1 lần, liều dùng cho 24 giờ (tức cả ngày), liều dùng cho 1 đợt điều trị. Thí dụ, đối với một số nhiễm khuẩn thông thường, liều dùng 1 lần cho người lớn là 1 viên Amoxicillin 500mg, liều cho cả ngày là uống 3 hoặc 4 lần, và liều cho một đợt điều trị là uống 10 ngày. Đối với trẻ con, liều thường tính trên cân nặng, thí dụ liều

Erythromycin dùng cho trẻ là 40mg/kg/ngày; tức là trẻ nặng bao nhiêu ký cứ nhân số ký ấy cho 40 sẽ có liều dùng trong 1 ngày cho trẻ và liều này thường được chia uống làm nhiều lần trong ngày. Xin được nhắc lại, liều ấn định cho 1 ngày thường được chia dùng nhiều lần trong ngày, ta phải dùng đúng như vậy. Tuyệt đối không gộp lại uống một lần duy nhất. Một số người nghĩ rằng uống gộp một lần, thuốc cho tác dụng mạnh sẽ mau khỏi bệnh, làm như thế là không phải, có khi là nguy hiểm vì quá liều!

Qua phần trình bày ở trên cho thấy, ta phải dùng thuốc đúng theo liều đã chỉ định. Bởi vì nếu dùng không đủ liều, liều thấp hơn liều tối thiểu xem như thuốc không đủ cho tác dụng, còn nếu dùng quá liều, liều vượt qua liều tối đa gây độc, có khi rất nguy hiểm. Thận trọng trong sử dụng thuốc đòi hỏi phải luôn luôn đề cao cảnh giác, chống nhầm lẫn: chống nhầm lẫn tên thuốc và chống nhầm lẫn về liều dùng.

Thử đặt trường hợp “lỡ uống thuốc quá liều” thì phải làm gì? Nếu sự quá liều không thái quá, tức uống thuốc hơi lố một ít, cơ thể chuyển hóa tốt có thể sẽ chẳng việc gì. Nhưng nếu sau khi uống thuốc quá liều mà bắt đầu thấy các rối loạn (tùy theo loại thuốc các rối loạn sẽ khác nhau) thì có thể đã bị ngộ độc thuốc, lập tức phải xử trí theo cấp cứu ngộ độc. Trước hết, người bị ngộ độc còn tỉnh phải làm cho ói mửa. Nếu có sự ngưng thở phải làm hô hấp nhân tạo. Sau đó, nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được cứu cấp. Sự cứu cấp sẽ kịp thời nếu nhân viên y tế biết được thuốc đã gây độc. Vì vậy, ta cần phải thu thập thông tin ngay bằng cách: hỏi người bị ngộ độc hoặc người chung quanh xem bệnh nhân đã dùng thuốc gì, nếu được, nên đem theo thuốc, bao bì hoặc đơn thuốc để đưa cho bác sĩ điều trị ngộ độc xem để nhanh chóng tìm được loại thuốc giải độc.

Với ý thức thận trọng, ta đừng bao giờ để tình trạng dùng quá liều thuốc để bị ngộ độc. Phải xem thật kỹ liều dùng, nếu có gì nghi ngờ phải hỏi ngay bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ phân phối thuốc. Riêng đối với trẻ con do cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh, rất nhiều thuốc chỉ cần hơi quá liều một chút có thể trở thành liều độc và đặc biệt, việc cấp cứu ngộ độc có nhiều khó khăn hơn so với người lớn. Vì vậy, việc cho trẻ dùng thuốc phải xem là hệ trọng. Đừng vì một chút lơ đễnh cho trẻ dùng thuốc quá liều mà gánh chịu hậu quả đáng tiếc.