Bảng hỏi nên được thiết kế như thế nào

như thế nào chưa? Bạn có biết trình tự để có một bảng hỏi khảo sát là gì chưa? Hãy xem ngay bài viết này nếu bạn vẫn chưa có câu trả lời nhé.

Cấu trúc của bảng hỏi khảo sát và các bước thực hiện

Một bảng hỏi khảo sát thường gồm 4 phần chính sau:

1.1. Phần mở đầu

Phần đầu tiên có tác dụng giải thích lý do, gây thiện cảm và tạo sự hợp tác của người được khảo sát. Trong phần này chúng ta có thể cung cấp một số thông tin như:

– Mục đích của cuộc khảo sát

– Đơn vị khảo sát

– Đề cao vai trò của người được khảo sát

– Lý do tại sao nên tham gia vào cuộc khảo sát

Ví dụ chúng ta có thể tiếp cận đối tượng theo cách: “Cuộc khảo sát nhằm mục đích tìm hiểu về kiến thức tiêu dùng của người dân tại địa bàn X. Ý kiến của anh/chị là rất quan trọng để sử dụng nâng cao trải nghiệm về sản phẩm của những người tiêu dùng khác”

1.2. Phần gạn lọc

Trong phần này chúng ta sử dụng các câu hỏi định tính với thang đo định danh hay thứ bậc để xác định đối tượng phù hợp với nghiên cứu.

Ví dụ khi khảo sát về dịch vụ trong ngân hàng cần có một câu hỏi mang tính lọc đối tượng như tần suất sử dụng dịch vụ tại ngân hàng với các thang đo: Không bao giờ, hiếm khi, thường thường, thường xuyên. Nếu đối tượng trả lời “Không bao giờ” chúng ta có thể dừng cuộc điều tra do đối tượng không phù hợp. Với các câu trả lời còn lại, đối tượng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi tiếp theo.

1.3. Phần chính

Đây là phần bao gồm các câu hỏi đặc thù để thu thập dữ liệu cần thiết cho nghiên cứu

Trong phần này, các bạn ngoài việc quan tâm đến nội dung câu hỏi cần sắp xếp các câu hỏi theo trình tự sao cho logic, hợp lý, tạo hứng thú cho đối tượng nghiên cứu và thu thập được thông tin tốt nhất. Các câu hỏi đi từ cái chung đến cái riêng, một vấn đề lớn nên phân ra các vấn đề nhỏ.

1.4. Phần kết thúc

Phần này bao gồm 2 phần: câu hỏi phụ và lời cảm ơn

Câu hỏi phụ có tác dụng thu thập thêm thông tin về đặc điểm nhân khẩu của đối tượng như: giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…Phần câu hỏi phụ có thể đặt ở vị trí của phần kết thúc hoặc ngay sau phần mở đầu, điều này tùy thuộc vào lựa chọn của người thiết kế bảng hỏi. Trong phần này nếu không quá cần thiết chúng ta nên tránh những câu hỏi quá cá nhân như tên, tuổi chính xác, số điện thoại, email….Đôi khi các câu hỏi này sẽ khiến người trả lời không thoải mái và không sẵn sàng trả lời các câu hỏi tiếp theo của bảng hỏi.

Lời cảm ơn bao gồm thông báo kết thúc bảng hỏi và lời cảm ơn đối với đối tượng. Lời cảm ơn chỉ cần viết ngắn gọn (thường không quá 2 dòng), chân thành và mộc mạc.

Việc xây dựng bảng hỏi theo cấu trúc như trên không tốn quá nhiều thời gian nhưng nó đem lại hiệu quả nhất định trong việc thu thập được dữ liệu chất lượng để phân tích cho đề tài nghiên cứu do đó các bạn cần quan tâm đúng mực đến cả nội dung và hình thức của bộ câu hỏi.

2. Các bước xây dựng bảng hỏi khảo sát

Bước 1:Xác định cụ thể dữ liệu cần thu thập và đối tượng khảo sát căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu.

Trong bước đầu tiên này, bạn dựa vào câu hỏi: “Chúng ta cần những thông tin gì từ những đối tượng nào để đạt được mục tiêu nghiên cứu?” từ đó liệt kê một cách chi tiết những thông tin cần thu thập và đối tượng hướng đến. Chẳng hạn như với mục tiêu xác định mối quan hệ giữa khách hàng hiện tại và ngân hàng X, chúng ta cần thu thập thông tin về mức độ hài lòng, mức độ cam kết của khách hàng với ngân hàng X, … Mỗi đối tượng khảo sát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta dùng từ, cách đặt câu hỏi, nội dung câu hỏi. Ví dụ như cách dùng từ cho bảng câu hỏi liên quan đến nhu cầu giải trí của những người đã nghỉ hưu sẽ hoàn toàn khác cách dùng từ bảng câu hỏi về thái độ của các giám đốc công ty tài chính đối với thị trường chứng khoán.

Bước 2:Xác định phương pháp phỏng vấn.

Có ba phương pháp phỏng vấn chính: phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn trực diện và phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử. Đối với mỗi phương pháp khác nhau bạn cần xây dựng cấu trúc bảng câu hỏi khác nhau..

Đối với phương pháp phỏng vấn qua điện thoại cũng có sự tương tác giữa người phỏng vấn và đối tượng khảo sát, tuy nhiên đối tượng khảo sát không tiếp xúc trực tiếp với người phỏng vấn nên câu hỏi được sử dụng trong trường hợp này thường ngắn và đơn giản hơn phương pháp phỏng vấn trực diện.

Đối với phương pháp phỏng vấn trực diện, đối tượng khảo sát nghe câu hỏi và tương tác trực tiếp với người phỏng vấn, do đó người phỏng vấn có thể sử dụng những câu hỏi dài và phức tạp, đồng thời có thể giải thích nội dung cụ thể của từng câu hỏi để tránh trường hợp đối tượng khảo sát hiểu sai ý câu hỏi

Còn đối với phương pháp phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử lại hoàn toàn không có sự tương tác giữa người phỏng vấn và đối tượng khảo sát, do đó câu hỏi được sử dụng cho phương pháp này thường cụ thể, đơn giản và rõ ràng hơn hai phương pháp trước.

Bước 3:Xác định nội dung câu hỏi.

Nội dung câu hỏi được xây dựng dựa trên những thông tin liệt kê ở bước 1. Mỗi câu hỏi trong bảng khảo sát đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu cuối cùng của bài nghiên cứu. Chính vì thế, khi đưa một câu hỏi bất kì vào bảng khảo sát người nghiên cứu cần trả lời những câu hỏi sau: “Đối tượng khảo sát có hiểu câu hỏi không?”, “Câu hỏi này có cần thiết hay không?”, “Họ có đủ thông tin/khả năng để trả lời câu hỏi này không?”, “Họ có sẵn lòng trả lời câu hỏi này không?”

Bước 4:Xác định hình thức câu trả lời.

Đối với một câu hỏi nhất định, đối tượng khảo sát có thể lựa chọn câu trả lời từ những đáp án đã có sẵn hoặc trả lời bằng chính ngôn ngữ của mình. Tương ứng với hai cách trả lời trên người ta phân ra hai dạng câu hỏi: câu hỏi mở (ví dụ: Bạn thích nhãn hiệu dầu gội nào nhất?) và câu hỏi đóng (ví dụ: Bạn thích nhãn hiệu dầu gội nào nhất sau đây: Clear, Rejoice, Sunsilk) . Đối với nhiều người, câu hỏi mở thường khó mã hóa trong quá trình nhập liệu và phân tích, còn đối với đối tượng khảo sát dạng câu hỏi này đòi hỏi họ phải suy nghĩ nhiều hơn để trả lời, do đó dạng câu hỏi này thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu định tính hơn trong nghiên cứu định lượng. Trong khi đó, đối với câu hỏi đóng, vì đối tượng khảo sát lựa chọn những đáp án đã được gợi ý sẵn nên họ có thể trả lời rất nhanh mà không phải suy nghĩ nhiều, người nghiên cứu có thể mã hóa và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn. Tuy nhiên đối với câu hỏi đóng, câu trả lời có thể không chính xác do đối tượng khảo sát phải miễn cưỡng chấp nhận những đáp án đã có sẵn, hoặc do thành kiến gây ra bởi cách sắp xếp thứ tự câu trả lời (đối tượng khảo sát có xu hướng chọn đáp án đầu tiên hoặc đáp án cuối cùng, đặc biệt là đáp án đầu tiên)

Bước 5:Xác định cách sử dụng từ ngữ.

Một yếu tố đóng vai hết sức quan trọng trong việc thiết kế bảng khảo sát đó là cách sử dụng từ ngữ bởi vì nó ảnh hưởng lớn đến câu trả lời của đối tượng khảo sát. Chẳng hạn, nếu một câu hỏi được diễn đạt không rõ ràng, đối tượng khảo sát có thể từ chối trả lời hoặc trả lời không chính xác. Để đảm bảo đối tượng khảo sát và người nghiên cứu đang cùng nói về một vấn đề, người nghiên cứu cần lưu ý những điều sau: xác định vấn đề chính cần hỏi một cách rõ ràng; sử dụng từ ngữ đơn giản và thông dụng, khi muốn dùng thuật ngữ chuyên ngành cần giải thích cụ thể thuật ngữ đó theo cách dễ hiểu nhất; không sử dụng những từ ngữ mơ hồ (ví dụ: thỉnh thoảng, thường xuyên, …); tránh những câu hỏi mang tính chất gợi ý (ví dụ: Bạn có nghĩ rằng người Việt Nam yêu nước nên mua sản phẩm nhập khẩu cho dù việc này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nước?); tránh những câu hỏi suy đoán và ước lượng; tránh những câu hỏi có hai câu trả lời một lúc (ví dụ: Sản phẩm X có rẻ và bền không?).

Bước 6: Xác định trình tự và hình thức bảng câu hỏi.

Mở đầu bảng câu hỏi cần có phần giới thiệu để đối tượng khảo sát có thông tin tổng quát về bài nghiên cứu. Phần nội dung chính của bảng câu hỏi nên bắt đầu bằng những câu hỏi chung (câu hỏi gạn lọc), sau đó đến những câu hỏi chuyên về những vấn đề cụ thể, và kết thúc bằng thông tin về nhân khẩu học. Mục đích chính của câu hỏi gạn lọc là để lọc ra những đối tượng khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu (ví dụ: Bạn có sử dụng sản phẩm X trong 3 ngày gần đây nhất không? Nếu câu trả lời là “có”, mời bạn trả lời tiếp những câu tiếp theo. Nếu câu trả lời là “không”, xin chân thành cám ơn, bạn có thể dừng khảo sát). Trong phần câu hỏi chính về vấn đề nghiên cứu, các câu hỏi cần được sắp xếp theo hướng tăng dần về mức độ cụ thể và độ khó. Bên cạnh đó, các câu hỏi về những vấn đề nhạy cảm nên được đặt ở cuối cùng. Phần câu hỏi về nhân khẩu học nên đặt ở phần cuối vì đối tượng khảo sát thường có xu hướng cảm thấy không thoải mái và không sẵn lòng cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ.

Hình thức bảng câu hỏi đặt biệt quan trọng nếu người nghiên cứu phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử. Bảng câu hỏi cần được chia thành các phần khác nhau với hướng dẫn cụ thể ở từng phần, đánh số thứ tự rõ ràng, dùng chữ in đậm, in nghiêng, màu khác nhau, … để phân biệt giữa hướng dẫn, câu hỏi và câu trả lời.

Bước 7:Phỏng vấn thử và hoàn thiện bảng câu hỏi.

Bảng câu hỏi sau khi hoàn thành cần được thử nghiệm để loại bỏ những sai sót (lỗi chính tả, những câu hỏi/thuật ngữ/hướng dẫn khó hiểu, cách dùng từ chưa chính xác,…). Phỏng vấn thử được thực hiện bằng việc phỏng vấn một vài đối tượng khảo sát, thành viên nhóm nghiên cứu, hoặc chủ nhiệm đề tài, …(khoảng 10-15 người). Phương pháp phỏng vấn trực diện cần được áp dụng cho một vài bảng khảo sát (ngay cả khi đây không phải là phương pháp sử dụng khi tiến hành khảo sát thực tế) vì người phỏng vấn vừa quan sát được những phản ứng của đối tượng vừa khai thác thêm được những điểm còn vướng mắc khi đối tượng khảo sát trả lời câu hỏi. Sau khi chỉnh sửa những nội dung cần thiết, bảng khảo sát được dùng để phỏng vấn thử lần thứ hai (sử dụng đối tượng khảo sát khác với lần một) để hoàn thiện lần cuối.

Chủ đề