Bản hiệp định paris có bao nhiêu chương bao nhiêu điều

CN. Nguyễn Ngọc Vẹn - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

          Tóm tắt: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình đã mở đầu cho chiến thắng vang dội của nhân dân ta ở những giai đoạn tiếp theo. Đó là một trong những thành công rất đáng tự hào của Đảng ta đặc biệt trên mặt trận ngoại giao với một nước lớn như Mĩ và với dã tâm thôn tín là rất lớn. Thành công ký kết Hiệp định Paris là một trong những bài học để đảng ta vận dụng về tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”; kiên quyết, kiên trì, sử dụng đồng bộ nhiều mặt như chính trị, quân sự để bổ trợ cho công tác đối ngoại; tôn trọng các cam kết nhưng không bao giờ lơ là, mất cảnh giác và dựa vào sức mình là chính nhưng cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong công tác đối ngoại của đảng ta trong tình hình hiện nay.

          Từ khóa: Hiệp định Paris, những bài học kinh nghiệm

1. Bối cảnh lịch sử

Sau thất bại của “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tiến hành thiết lập chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với nỗ lực quân sự cao nhất nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, tiến hành thương lượng hoà bình để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra. Với tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí hiện đại Mỹ nhanh chóng mở liền hai cuộc phản công chiến lược mùa khô: đông - xuân 1965-1966 và 1966-1967 bằng hàng loạt cuộc hành quân "tìm diệt" và "bình định”. Nhưng tất cả các cuộc tiến công ấy đều lần lượt đi đến thất bại, trước những chiến thắng oanh liệt như trên, Đảng ta chủ trương mở thêm mặt trận tiến công ngoại giao. Mục tiêu ngoại giao trước mắt là đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, coi đó là điều kiện để đi đến thương lượng ở bàn hội nghị. Mặt khác, với thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn "choáng váng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; buộc Mỹ phải thương lượng với ta từ 13/5/1968 (Từ 25/1/1969, giữa 4 bên gồm Mỹ + Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa + Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).

Như vậy, sau nhiều cuộc tiếp xúc lập trường hai bên vẫn chưa có sự thống nhất, đặc biệt Mỹ từ chối ký dự thảo Hiệp định dù đã thỏa thuận vào tháng 10/1972. Đến tháng 12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm. Việt Nam đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải trở lại ký Hiệp định Pari.

2. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình

Do liên tiếp bị thất bại nặng nề về quân sự và để dành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống vào đầu tháng 11-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon dùng thủ đoạn lùi bước trong thương lượng với ta ở Pari và xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu tháng 10-1972, phái đoàn Mỹ đến Paris để nối lại cuộc đàm phán đã bị gián đoạn từ tháng 3-1972. Trong cuộc tiếp xúc riêng với đại diện Mỹ ngày 8-10-1972 tại Paris, ta đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến kí kết. Ngày 17-10-1972, văn kiện Hiệp định được hoàn tất và 2 bên đã thỏa thuận đến ngày 31-10-1972 sẽ kí chính thức. Trước khi ký, ngày 22-10-1972 Richard Nixon tuyên bố ngừng mọi hoạt động chống phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20. Nhưng thỏa thuận xong Mỹ lại dây dưa trì hoãn việc ký kết. Chúng đòi ta thảo luận thêm, đòi xét lại văn bản Hiệp định đã thỏa thuận, thay đổi một số điều khoản quan trọng không có lợi cho chúng, trong đó có vấn đề quân miền Băc rút khỏi miền Nam. Mỹ trì hoãn Hiệp định còn nhằm có thêm thời gian chuyên chở vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho quân đội Sài Gòn đê chúng có thể đứng vững sau khi Mỹ rút quân.

Để ép ta nhân nhượng, ký một hiệp định do Mỹ đưa ra, Ních xơn âm mưu giành một thắng lơi quân sự nhất định. Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là nhằm mục đích đó. Nhưng cuộc tập kích đã bị phá sản hoàn toàn. Thất bại của Mỹ trên chiến trường đã quyết định thất bại của chúng trên thương lượng.

Sau khi buộc phải chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống miền Bắc, Mỹ cử đại diện đến Paris để nối lại cuộc đàm phán. Đứng trên tư thế người chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định đã được thỏa thuận. Qua nhiều cuộc trao đổi, đến ngày 13-1-1973 bản dự thảo Hiệp định về cơ bản được thông qua.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ởViệt Nam được ký tắt ngày 13-1-1973 giưa đại diện hai chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ và kí chính thức ngày 27-1-1973 giữa bốn bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự Hội nghị (Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hòa) tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe (Paris). Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực từ ngày ký chính thức

Nội dung Hiệp định ghi rõ

- Hoa Kì và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

- Hoa Kì rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mĩ, phá hết các căn cứ quân sự Mĩ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam

- Các bên để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do

- Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau và tù binh và dân thường bị bắt.

3. Bài học trong vấn đề đối ngoại từ sự kiện Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về Việt Nam trải qua tất cả 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13-5-1968 đến 27-1-1973). Nhìn lại sự kiện ký kết Hiệp định Paris, chúng ta rút ra nhiều bài học quan trọng và có thể vận dụng vào việc xử lý các vấn đề đối ngoại trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc. Qua đó thể hiện sự linh hoạt trong việc xử lý các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên mà Đảng ta đã đặt ra và kiên trì minh chứng là Đảng ta đã chiến thắng… Hiện nay, tinh thần “bất biến” thể hiện rõ nét trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng an ninh, đặc biệt là vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, đó là việc Đảng ta đã giữ vững quan điểm Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở biển Đông, có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể, có thể vạn biến để linh hoạt thực hiện các biện pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sao cho phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế đồng thời dựa vào điều kiện thực tế của đất nước.

Thứ hai, có sự kết hợp nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao vị trí vai trò của hoạt động đối ngoại. Hiệp định Paris là một thắng lợi của Đảng ta trên mặt trận ngoại giao nhưng là thắng lợi chung về thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự… Nếu không có những chiến thắng ở các chiến dịch như “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt”; “Việt Nam hóa chiến tranh”, thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình. Trong đó, thắng lợi ở trận “Điên Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã bẻ gãy hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán cũng như chấp nhận các đề nghị của Việt Nam. Vận dụng bài học này, trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự trong các đàm phán thương mại song phương, thì Đảng ta kiên quyết giữ vững các quan điểm của mình nếu có đối tác đưa ra các yêu sách phi lý về nhân quyền, về các vấn đề nội bộ, về nền kinh tế thị trường…; bên cạnh việc kiên trì giải thích, thuyết phục, đảng ta đã chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể về các thành tựu về bảo vệ quyền con người ở nước ta thông qua sự ấm no hạnh phúc của người dân trong công cuộc đổi mới, tronng công tác phòng chống Covid – 19; hay về uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế; về tinh thần hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan và sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Thứ ba, dựa vào sức mình là chính nhưng cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, họ đã có sự đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, theo dõi sát sao từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”. Hiện nay, việc xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam cơ bản được thế giới đánh giá cao và ủng hộ. Như trong cuộc đấu tranh với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, gần như cả thế giới đứng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất thực sự khi kết hợp với các sức mạnh khác từ nội lực của chúng ta, như về chính trị, kinh tế, ngoại giao, kể cả sức mạnh quốc phòng, an ninh; sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà cụ thể là sự chung sức chung lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với thắng lợi này, dân tộc ta đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu "đánh cho ngụy nhào”. Từ nội dung Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.