Bài viết về xây dựng nông thôn mới

STO - Về thăm những vùng quê của huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét về mọi mặt, với diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân có nhiều cải thiện. Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân không ngừng phấn đấu thực hiện linh hoạt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bài viết về xây dựng nông thôn mới

Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: CHANH THA

Những năm qua, Đảng bộ huyện Châu Thành thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân trong xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo nhân dân cùng tham gia. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, bà con đã tích cực chung tay, không ngần ngại hiến đất, đóng góp công sức, vật chất cùng nhau xây dựng quê hương. Công cuộc xây dựng NTM tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn. Các công trình cơ sở hạ tầng, hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới, khang trang.

Chú Lâm Binh - người dân ở ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Các tuyến đường liên xã, liên huyện hầu hết được láng nhựa, bê tông hóa, hai bên lề đường được trồng hoa, lắp đặt đèn chiếu sáng. Bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa vô cùng thuận tiện, ai nấy đều phấn khởi, vui mừng trước sự đổi thay của địa phương. Người dân càng phấn đấu lao động, sản xuất, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Thành công trong xây dựng NTM ở Châu Thành phải kể đến việc huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác sản phẩm có tiềm năng và lợi thế ở địa phương, với những mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện đã và đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của quê hương, đồng chí Lý Phonh - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Trop A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: “Tôi và người dân nơi đây rất vui mừng và phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của địa phương. Trước đây, vào mùa mưa, việc đi lại của bà con, rồi các cháu đi học rất khó khăn. Nay, đường sá đổ bê tông, láng nhựa phẳng phiu, xe bốn bánh đi từ trung tâm huyện, hay các địa phương lân cận về xã thuận lợi. Thời gian tới, tôi cùng Ban nhân dân ấp tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí NTM nâng cao mà xã chưa đạt”. Huyện Châu Thành có 6/7 xã đạt chuẩn NTM, xã Thuận Hòa đạt 16/19 tiêu chí. Xã An Hiệp và Hồ Đắc Kiện đang hướng đến đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Ngô Thanh Toàn cho biết: “Xây dựng NTM là một việc làm thiết thực, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của toàn dân. Nhờ xây dựng NTM, hệ thống giao thông từng bước được hoàn chỉnh, đời sống của người dân theo đó được nâng lên rõ rệt, dân trí được nâng cao. Huyện Châu Thành nỗ lực, ra sức thi đua, quyết tâm đạt chuẩn “Huyện NTM” vào năm 2023”.

CHANH THA

Bài viết về xây dựng nông thôn mới

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu 6 trọng tâm tới đây để xây dựng nông thôn mới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xây dựng NTM là một trong ba chương trình MTQG được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM tại 2 nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là "toàn diện, to lớn và có tính lịch sử".

Đến năm 2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Bên cạnh đó, Chương trình phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nêu 6 vấn đề trọng tâm để Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có thể triển khai một cách hiệu quả.

Thứ nhất, Bộ trưởng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả văn bản bao gồm nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn đã hoàn thiện, đủ điều kiện tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, với khối lượng văn bản rất nhiều, chưa kể các văn bản hướng dẫn của 2 chương trình MTQG còn lại trên cùng một địa bàn, có thể sẽ phát sinh những cách hiểu khác nhau và cách vận dụng khác nhau.

Thứ hai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, chắc chắn rằng nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp, sẽ không đủ để đạt được mục tiêu một chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn.

Đặc biệt, Chương trình chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn là đặc biệt quan trọng.

"Như vậy, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã về đích trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân. Theo tôi, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ sát sao với cấp cơ sở", tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.

Thứ ba, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn.

Nói cách khác, Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua nhưng sẽ bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…

Thứ tư, Bộ trưởng cho rằng, Chương trình không thể "mặc đồng phục" ở tất cả các địa phương. Hình ảnh NTM cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn.

Nông thôn có đặc thù là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, do đó cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.

Theo đó, Bộ trưởng mong các địa phương sẽ có nhiều sáng kiến để sau khi kết thúc Chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới hình ảnh "di sản nông thôn" của địa phương mình hơn là sao chép nơi khác, rập khuôn lẫn nhau. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức giải thưởng hằng năm về quy hoạch và kiến trúc cảnh quan nông thôn trong thời gian tới.

Thứ năm, tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề. Phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm "ly nông, bất ly hương".

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cách để thu hút người đô thị về với nông thôn, về với nông dân, là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là cách kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh. Bộ NN&PTNT đã tổ chức lại đội ngũ khuyến nông cộng đồng để hướng tới nhiều mục tiêu, trong đó có xây dựng và phát triển NTM. Bộ trường đề nghị các địa phương lưu ý vấn đề này.

Thứ sáu, gần đây bên cạnh tiêu chí NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, nhiều địa phương đã có sáng kiến kết hợp xây dựng làng thông minh, làng hạnh phúc, làng văn hoá du lịch…

Chương trình MTQG xây dựng NTM hướng tới mục tiêu cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.

Đỗ Hương