Bài tập tình huống luật ngoại giao và lãnh sự năm 2024

gia A và B đều là thành viên của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự. Năm 1998, quan hệ giữa quốc gia A và B trở nên căng thẳng khi quốc gia A quyết định bắt giữ và xét xử ông Mohamet Ahit viên chức lãnh sự cao cấp của B trên lãnh thổ quốc gia A – với lời cáo buộc Mohamet Ahit có những hành vi “ phi ngoại giao” vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc gia A, khi ông này tiến hành chuyển tiền từ một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho nhóm phiến loạn tại quốc gia A thực hiện hành vi chống lại quốc gia này. Hành vi chuyển tiền nói trên đã được ông Mohamet Ahit thực hiện nhiều lần kết hợp với quá trình thực hiện công vụ. Ngày 18/8/1998 sau khi thực hiện xong việc chuyển tiền, ông Mohamet Ahit trở về nhà và đã bị bắt. Đông thời với việc xét xử ông Mohamet Ahit, quốc gia A quyết định trục xuất các thành viên khác trong lãnh sự quán của B có liên quan đến vụ việc.

Cho rằng quốc gia A vi phạm các quy định của Công ước Viên 1963, quốc gia B đã lên tiếng phản đối hành vi bắt giữ và xét xử ông Mohamet Ahit, đồng thời yêu cầu quốc gia A phải có lời giải thích rõ ràng về quyết định trục xuất các viên chức khác trong Lãnh sự quán.

Hãy cho biết: Hành vi bắt giữa và xét xử ông Mohamet Ahit và trục xuất các thành viên cao cấp trong Lãnh sự quán B của A có phù hợp với quy định của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự mà hai nước đều là thành viên không? Tại sao?

BÀI LÀM

Hành vi bắt giữ, xét xử ông Mohamet Ahit và trục xuất các thành viên cao cấp trong Lãnh sự quán B của A là phù hợp với quy định của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự mà cả hai nước đều là thành viên . Vì.

  1. Hành vi bắt giữ và xét xử ông Mohamet Ahit – viên chức lãnh sự trong Lãnh sự quán B của quốc gia A là đúng. Bởi những căn cứ sau:

Thứ nhất: Điều 41 Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về thân thể của các viên chức lãnh sự như sau:” 1. Các viên chức lãnh sự có thể bị bắt hoặc bị tạm giam giữ để chờ xét xử trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng và theo quyết định của cơ quan pháp luật có thẩm quyền ”. “ Tội nghiêm trọng” ở đây phải được hiểu là tội nghiêm trọng theo pháp luật của quốc gia tiếp nhận. Quay trở lại những dữ kiện đầu bài cho thì ông Mohamet Ahit có những hành vi “vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc gia A” cụ thể là “tiến hành chuyển tiền từ một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho nhóm phiến loạn quốc gia A thực hiện hành vi chống lại quốc gia này”. Như vậy, căn cứ vào điều luật đã trích dẫn trên thì hành vi bắt giữ và xét xử ông Mohamet Ahit của quốc gia A là hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự.

Thứ hai: Điều 43 Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự cũng quy định quyền miễn tài phán của của viên chức lãnh sự rằng: “ 1. Các viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự không phải chịu sự tài phán của các nhà chức trách tư pháp hoặc hành chính của nước tiếp nhận lãnh sự về các hành động của mình trong khi thừa hành nhiệm vụ lãnh sự”.Như vậy có nghĩa, các viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự không được hưởng miễn trừ tài phán đối với các hành động vi phạm pháp luật của quốc gi tiếp nhận không nằm trong chức năng lãnh sự của mình. Quyền tài phán chia ra làm ba loại: Quyền tài phán về hình sự, quyền tài phán về dân sự, quyền tài phán về hành chính. Cụ thể trong trường hợp này, ông Mohamet Ahit không được hưởng quyền miễn trừ tài phán về hình sự bởi: theo đề bài viên chức lãnh sự này đã có những hành vi “ phi ngoại giao” như “ tiến hành chuyển tiền từ một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho nhóm phiến loạn quốc gia A thực hiện hành vi chống lại quốc gia này”. Có thể thấy hành vi này của ông Mohamet Ahit không thuộc các chức năng lãnh sự của viên chức lãnh sự quy định tại Điều 5 Công ước Viên về quan hệ lãnh sự 1963 mà nó chỉ được ông thực hiện “ kết hợp với quá trình thực hiện công vụ”. Tức, ông Mohamet Ahit đã lợi dụng việc thực hiện công vụ để tiến hành các hoạt động “ phi ngoại giao” được cho là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của quốc gia A nhằm che giấu hành vi vi phạm của mình. Những hành vi của vị viên chức lãnh sự này không những đi ngược lại tinh thần tốt đẹp của Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 mà còn góp phần tạo ra nguy cơ bất ổn định tại quốc gia tiếp nhận. Do vậy, việc ông Mohamet Ahit bị cơ quan có thẩm quyền của quốc gia A bắt và xét xử là hoàn toàn hợp lý. Điều này không hề vi phạm quy định của Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự như lời cáo buộc của quốc gia B.

Từ những căn cứ trên, khẳng định: hành vi bắt giữ và xét xử ông Mohamet Ahit – viên chức lãnh sự trong Lãnh sự quán B của quốc gia A là phù hợp với quy định của công ước Viên 1963.

  1. Việc quốc gia A trục xuất các thành viên khác trong lãnh sự quán B là đúng. Và quốc gia A cũng không bắt buộc phải cho B biết lý do của quyết định này. Vì:

Thứ nhất: Khoản 1 Điều 23 Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự quy định về những người bị tuyên bố không được chấp thuận như sau: “ Nước tiếp nhận lãnh sự có thể báo trước cho nước cử lãnh sự bất cứ lúc nào rằng một viên chức lãnh sự nào đó là persona non grata ( người không được chào đón hay người bị bất tín nhiệm) hoặc một nhân viên nào đó là persona non grata […]” . Như vậy, trong tình huống này, quốc gia A hoàn toàn có quyền tuyên bố các thành viên khác trong lãnh sự quán của B liên quan đến vụ việc của Mohamet Ahit là “persona non grata”, theo đó quyết định trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ quốc gia mình. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, không ít vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra tế mà gần đây nhất là vụ việc Mĩ tuyên bố Orlando Jose Montanez Olivare – thành viên của Lãnh sự quán Venezuela là “không được chào đón tại Mĩ” và đã trục xuất ra khỏi nước này vào ngày 10/3/2013 vừa qua.

Thứ hai: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963:” Trong trường hợp ghi ở đoạn 1 và đoạn 3 điều này nước tiếp nhận lãnh sự không bắt buộc phải cho nước cử lãnh sự biết lý do quyết định của mình” , thì quốc gia A không những có quyền trục xuất các thành viên khác trong lãnh sự quán B có liên quan đến vụ việc của ông Mohamet Ahit ra khỏi lãnh thổ của mình mà còn không cần phải giải thích rõ lý do quyết định này cho quốc gia B. Do đề bài không nói đến nên ta mặc nhiên công nhận rằng trước khi bắt tạm giam giữ, xét xử, trục xuất thành viên trong lãnh sự quán của nước B, quốc gia A đã thông báo cho B biết theo quy định tại Điều 42 Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự.

Kết luận: Hành vi bắt giữ, xét xử ông Mohamet Ahit và trục xuất các thành viên cao cấp trong Lãnh sự quán B của A là phù hợp với quy định của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự mà cả hai nước đều là thành viên.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật quốc tế, Nxb. CAND. Hà Nội – 2011.
  1. Ths. Nguyễn Thị Kim Ngân – Ths Chu Mạnh Hùng, Giáo trình Luật quốc tế, Nxb. GDVN. Hà Nội – 2010.
  1. Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự.
  1. Vnexpress.net

NHỮNG ĐIỀU LUẬT LÀM CĂN CỨ PHÁP LÝ TRONG BÀI LÀM

Điều 5. Chức năng lãnh sự

Các chức năng lãnh sự gồm có

  1. Bảo vệ tại nước tiếp nhận lãnh sự các quyền lợi của nước cử lãnh sự và người dân của nước đó, cá nhân cũng như pháp nhân trong phạm vi pháp luật quốc tế cho phép;
  1. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ thương mại, kinh tế, văn hóa và sự phát triển bằng mọi cách khác mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia theo đúng các điều khoản của Công ước này;
  1. Bằng mọi phương tiện hợp pháp, tìm hiểu tình hình sinh hoạt, thương mại, kinh tế, văn hóa và khoa học của nước tiếp nhận lãnh sự, báo cáo tình hình đó về Chinhd phủ nước cử lãnh sự và cung cấp tài liệu cho những người hữu quan;
  1. Cấp hộ chiếu và giấy tờ đi đường cho cho người dân nước cử lãnh sự, cũng như cấp thị thực và các tài liều thích ứng cho những người muốn đến nước cử lãnh sự;
  1. Cứu trợ và giúp đở những công dân, cá nhân cũng như pháp nhân của nước cử lãnh sự;
  1. Hoạt động như một công chứng viên, một hộ tịch viên và làm những chức năng tương tự, cũng như thi hành một số chức năng có tính chất hành chính, miễn là không trái gì với luật lệ của nước tiếp nhận lãnh sự;
  1. Bảo vệ lợi ích của người dân, cá nhân cũng như pháp nhân nước cử lãnh sự trong trường hợp có thừa kế di sản trên lãnh thổ nước tiếp nhận lãnh sự, theo đúng luật lệ của nước tiếp nhận lãnh sự;
  1. Trong phạm vi luật lệ của nước tiếp nhận lãnh sự cho phép, bảo vệ lợi ích của những người vị thành niên và những người không đủ năng lực mà là công dân của nước cử lãnh sự nhất là trong trường hợp lập sự giám hộ hoặc sự ủy thác tài sản đối với họ;
  1. Với điều kiện phải tôn trọng tập quán và thủ tục tiến hành ở nước tiếp nhận lãnh sự làm đại diện hoặc bố trí việc đại diện thích ứng cho người dân nước cử lãnh sự trước Tòa án và các cơ quan khác của nước tiếp nhận lãnh sự, nhằm mục đích làm cho những biện pháp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của những người dân đó được áp dụng theo đúng luật lệ của nước tiếp nhận lãnh sự, trong trường hợp vì vắng mặt hoặc vì một lý do nào khác những người dân đó không thể kịp thời đảm nhiệm việ bảo vệ quyền lợi của họ;
  1. Chuyển giao cá tài liệu tư pháp và các tài liệu không có tính chất tư pháp hoặc chấp hành các ủy nhiệm điều tra hoặc thu thập chứng cứ cho các Tòa án ở nước cử lãnh sự theo đúng các Hiệp định quốc tế hiện hành hoặc nếu không có những Hiệp định quốc tế như vậy, thì theo bất cứ cách nào khác phù hợp với luật lệ của nước tiếp nhận lãnh sự;
  1. Thực hiện quyền giám sát và kiểm tra đã được quy định trong luật lệ của nước cử lãnh sự đối với các tàu thủy có quốc tịch của nước cử lãnh sự, và các máy bay đăng kí ở nước này, cũng như đối với các nhân viên công tác trên tàu thủy và máy bay đó;
  1. Giúp đỡ các tàu thủy và máy bay nêu ở điểm k của điều này và giúp đỡ các nhân viên công tác trên tàu thủy và máy bay đó, tiếp nhận các lời khai về chuyến đi của tàu thủy, xem xét và đóng dấu giấy tờ của tàu, với điều kiện không ảnh hưởng gì đến quyền hạn của nhà đương cục nước tiếp nhận lãnh sự, tiến hành điều tra về bất cứ sự việc nào xảy ra trong chuyến đi và giải quyết các việc tranh chấp thuộc bất cứ loại gì giữa thuyền trưởng, nhân viên và thủy thủ trong chừng mực luật lệ của nước cử lãnh sự cho phép;
  1. Thi hành chức năng khác do nước cử lãnh sự giao cho một cơ quan lãnh sự mà không bị nước tiếp nhận lãnh sự ngăn cấm hoặc không bị nước tiếp nhận lãnh sự phản đối hoặc có nói đến trong các Hiệp định quốc tế hiện hành giữa nước cử lãnh sự và nước tiếp nhận lãnh sự.

Điều 23. Những người bị tuyên bố là không được chấp thuận

  1. Nước tiếp nhận lãnh sự có thể bảo cho nước cử lãnh sự bất cứ lúc nào rằng môt viên chức lãnh sự nào đó là người không được chấp thuận hoặc một nhân viên nào khác của cơ quan lãnh sự là người không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, nước cử lãnh sự phải triệu hồi đương sự hoặc đình chỉ công việc của người này tại cơ quan lãnh sự.
  1. Nếu nước cử từ chối không chịu hoặc sau một khoảng thời gian vừa phải vẫn chưa thi hành nghĩa vụ của mình theo đoạn 1 của điều này, nước tiếp nhận lãnh sự có thể tùy từng trường hợp hoặc rút giấy chứng nhận lãnh sự của đương sự hoặc thôi không coi người đó là nhân viên của cơ quan lãnh sự nữa.
  1. Một người được cử làm nhân viên một cơ quan lãnh sự có thể bị tuyên bố là người không thể chấp nhận được trước khi đến lãnh thổ nước tiếp nhận lãnh sự hoặc nếu đã đến rồi, thì trước khi nhận nhiệm vụ tại cơ quan lãnh sự, trong bất cứ trường hợp nào như vậy, nước cử lãnh sự phải bãi bỏ việc cổ nhiệm người đó.
  1. Trong những trường hợp ghi ở Khoản 1 và Khoản 3 của Điều này nước tiếp nhận lãnh sự không bắt buộc phải cho nước cử biết lý do quyết định của mình.

Điều 41. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của các viên chức lãnh sự.

  1. Các viên chức lãnh sự có thể bị bắt hoặc bị tạm giam giữ để chờ xét xử trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng và theo quyết định của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
  1. Ngoài trường hợp nêu ở đoạn 1 của Điều này, không được giam cầm hoặc dùng bất cứ hình thức nào khác để hạn chế quyền tự do thân thể của viên chức lãnh sự trừ trường hợp thi hành một quyết định chung thẩm của Tòa án một quốc gia.
  1. Nếu một viên chức lãnh sự bị truy tố về hình sự thì người đó phải ra trước nhà đương cục có thẩm quyền. Tuy nhiên việc truy tố phải được tiến hành với sự tôn trọng xứng đáng với cương vị công tác chính thức của họ và đảm bảo càng ít trở ngại cho việc thừa hành nhiệm vụ của họ càng tốt trừ trường hợp nêu ở Khoản 1 của Điều này, khi cần tạm giam giữa một viên chức lãnh sự trong hoàn cảnh nêu ở Khoản 1 Điều này, việc truy tố người đó phải được tiến hành thật khẩn trương.

Điều 42. Thông báo về việc bắt, giam giữ hoặc truy tố

Trong trường hợp bắt hoặc tạm giam, giữ đến đợi xét xử hoặc truy tố về hình sự trước Tòa án một nhân viên cơ quan lãnh sự nước tiếp nhận lãnh sự phải nhanh chóng báo cho người đứng đầu cơ quan lãnh sự biết. Nếu chính bản thân người đó là đối tượng bị xử lý như trên, nước tiếp nhận lãnh sự phải báo cho nước cử lãnh sự qua con đường ngoại giao.

Điều 43. Quyền miễn trừ tài phán

  1. Các viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự không phải chịu sự tài phán của các nhà chức trách tư pháp hoặc hành chính của nước tiếp tiếp nhận lãnh sự về các hành động của mình trong khi thừa hành nhiệm vụ lãnh sự.
  1. Tuy nhiên những điều quy định ở khoản 1 Điều này không áp dụng đối với một vụ tố tụng dân sự:
  1. Xảy ra vì một hợp đồng do một viên chức lãnh sự hoặc một nhân viên lãnh sự ký kết mà không phải là rõ ràng hoặc hàm ý đứng trên danh nghĩa một người của nước của nước cử lãnh sự để ký kết.
  1. Hoặc do một bên thứ ba tiến hành về thiệt hại do tai nạn ô tô, tàu thủy hoặc máy bay xảy ra tại nước tiếp nhận lãnh sự.