Ba i văn hay tiê u ho c năm 1985 năm 2024

Tác giả Kim Vũ Trừng, tên thật là Kim Thư Thư, phó chủ biên tạp chí Văn học Thượng Hải. Bắt đầu công bố tác phẩm từ năm 1985, năm 2006 vào hội nhà văn Trung Quốc.Từ năm 1988 đến năm 2012 ông dùng ngôn ngữ Thượng Hải hoàn thành tiểu thuyết “Phồn hoa” viết về cuộc sống của con người thành phố Thượng Hải

II. Tiểu thuyết Phồn hoa

  1. Giá trị nội dung

Trong rất nhiều tiểu thuyết về đề tài Thượng Hải, “Phồn hoa” của Kim Vũ Trừng xuất bản năm 2013 là một tiểu thuyết xuất sắc. Phồn hoa có phong cách ngôn ngữ và phương thức tự sự vô cùng đặc biệt, tác phẩm biểu hiện mối quan hệ giữa con người và đô thị Thượng Hải, đề cập đến nhiều giai tầng thị dân Thượng Hải. Kim Vũ Trừng đã dùng lối tư duy của ngôn ngữ Thượng Hải để sáng tác Phồn hoa.

Tiểu thuyết viết về Thượng Hải những năm 60 đến những năm 90 của thế kỉ 20, bao gồm 33 chương, mỗi chương lại chia thành ba phần. Tác phẩm sử dụng nhiều đối thoại, nhiều tình tiết, sự kiện, giống như “thuyết thư” trần thuật điềm đạm về những chuyện đã qua của Thượng Hải.

Tác phẩm có hai tuyến truyện chính đan xen nhau, một tuyến viết về giai đoạn từ những năm 60, tuyến khác viết về giai đoạn từ 1980 đến đầu thế kỉ mới. Cùng với sự trôi chảy của thời gian, cuối cùng, hai tuyến này hợp lại ở “Hải Thượng”.

Ban đầu khi viết Phồn hoa, Kim Vũ Trừng chỉ muốn lên mạng viết về những câu chuyện của những con người vô danh, cho nên đã dùng bút danh Độc Thượng Các Lầu để viết. Phương thức xuất bản trên mạng đặc thù của tiểu thuyết đã thu hút sự quan tâm của người đọc, vô số lời bình luận tán thưởng, dẫn đến hiện tượng “Phồn hoa” trong giới phê bình và đông đảo độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Nhà văn đầu bạc Kim Vũ Trừng đã chọn cách đăng tải tác phẩm của mình giống với các nhà văn trẻ – đăng tải từng phần trên mạng trước. Sau nhiều lần gia công, chỉnh sửa mới in thành cuốn sách 30 vạn chữ, trở thành một đóa hoa rực rỡ của văn học Thượng Hải.

Phồn hoa lấy bối cảnh là đô thị Thượng Hải, kể về những câu chuyện của cuộc sống thành thị, tiểu thuyết thực sự là một đặc trưng điển hình cho văn học đô thị. Mặt khác, “viết về đô thị” trong văn học đương đại không thực sự phát triển. Sau thời kì trọng tâm chính trị chuyển về nông thôn, văn học viết về nông thôn phát triển mạnh, những đỉnh cao của văn học Trung Quốc như Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Giả Bình Ao đều là những nhà văn thành danh với đề tài nông thôn, trong bối cảnh đó, văn học viết về đô thị luôn ở thế yếu. Đây cũng chính là một trong những lí do ban đầu khiến Kim Vũ Trừng bắt tay viết tiểu thuyết này.

Tiểu thuyết “Phồn hoa” đã viết về những con người bé nhỏ có số phận khốn khổ trong bức tranh lịch sử rộng lớn. Cũng những nhà văn theo trường phái Thượng Hải như Trương Ái Linh, Vương An Ức… trong tác phẩm của Kim Vũ Trừng, cho dù lịch sử có thăng trầm như thế nào thì cũng không làm thay đổi được truyền thống thị dân với những điều vừa đời thường, vừa tinh tế, vừa vụn vặt vừa bất biến, và chính trong cái vừa vụn vặt vừa tinh tế ấy đã hiện lên bản chất chân thực nhất của cuộc sống. Tiểu thuyết đã phát hiện và khẳng định chất thơ cũng như dấu ấn lịch sử trong những sự vật sự việc bình thường, trong kinh nghiệm đời sống hằng ngày. Sự miêu tả đời sống thường nhật của Thượng Hải tồn tại sự liên tục và biến hóa, quá trình này thực chất là đã biểu hiện quá trình biến đổi trong nhận thức của tác giả về tinh thần Thượng Hải, cuộc sống Thượng Hải.

Điều đáng quý của tiểu thuyết này là đã xây dựng lại đời sống của những con người bình thường ở Thượng Hải, thông qua việc khắc họa tầng lớp thị dân trong 30 năm, tiểu thuyết đã cho chúng ta thấy toàn bộ diện mạo của thị dân Thượng hải, và từ hai tầng diện lịch sử và hiện thực đã tiến hành phê phán, chỉ ra chân tướng của quan hệ giữa thành phố và con người trong cuộc sống ở thành phố Thượng Hải.

Tiểu thuyết viết về ba thế hệ nhân vật, mỗi số phận, bối cảnh gia đình, không gian sống chủ yếu, tính cách đều khác nhau. Từ những mảnh đời như vậy, tác giả đã phát hiện ra một bức tranh chỉnh thể về cuộc sống của con người Thượng Hải, phản ánh sâu sắc biến thiên của thời đại ẩn sau mỗi cảnh đời.

“Thượng đế làm thinh, như thể tất cả đều do chúng ta định đoạt”, đây là lời đề từ của Phồn hoa, hai chữ “làm thinh” chính là tinh túy của tiểu thuyết. Làm thinh trong Phồn hoa, tuy là không có âm thanh, nhưng lại không đồng nghĩa với im lặng. Phồn hoa được coi là viện bảo tàng về nhân tình thế thái của người Thượng Hải, là lịch sử tâm linh của người Thượng Hải, là kỉ niệm về cuộc sống đời thường của một lớp người. Kim Vũ Trừng tự thuật: “Nói một cách nghiêm túc, nguyên nhân viết Phồn hoa, là để kính trọng thành phố vĩ đại này”. Mỗi chi tiết nhỏ trong tiểu thuyết đều thể hiện phong vị Thượng Hải. Nếu dùng hai chữ để nói về thành phố này, thì đó chính là hai chữ: Phồn hoa. Nhà phê bình Trình Đức Bồi nói: “Đọc Phồn hoa tôi như được chiêu hồn vậy, những kí ức đã mất trong tuổi thơ tôi lại ùa về”. Tái hiện kí ức, bù đắp kí ức, cứu rỗi kí ức, tái hiện lại nhân tình thế thái là điều khiến Phồn hoa được độc giả đặc biệt yêu thích.

  1. Giá trị nghệ thuật

Tiểu thuyết “Phồn hoa” sử dụng thủ pháp Montage, viết về những thứ không thực sự có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác giả dường như đã ghi chép trung thực từng con đường, từng ngõ phố, đã viết lên “lịch sử đời sống vật chất” và thông qua qua sự tồn tại vật chất viết lên sự thay đổi lịch sử của đời sống Thượng Hải. Ông sử dụng những địa danh chân thực ở Thượng Hải khi viết tác phẩm khiến cho nhân vật trong tiểu thuyết mang lại cảm giác chân thực, điều đó thể hiện tình cảm tha thiết của tác giả đối với thành phố này.

Lối viết của “Phồn hoa” có dấu ấn của nhà văn Mĩ William Faulkner và nhà văn Nhật Bản Kawabata. Tiểu thuyết đặt các quan hệ nhân vật vô cùng phức tạp đan xen nhau trong không gian thời gian giao nhau để triển khai câu chuyện. Không những thế, tiểu thuyết còn có dấu ấn của “thể thoại bản” truyền thống, nhưng vẫn không thiếu vắng dấu ấn hiện đại. Tác phẩm sử dụng nhiều ngôn ngữ Thượng Hải, khiến cho tác phẩm mang đậm chất Thượng Hải, và ở phương diện ngôn ngữ, tác phẩm cũng khắc phục được khó khăn trong tự sự của các nhà văn phương Nam khi đối diện với ngôn ngữ phổ thông. Có thể nói, Phồn hoa đã thực hiện được một cuộc đột phá đối với vị trí lũng đoạn của ngôn ngữ phương Bắc, làm cho ngôn ngữ phương Nam đi từ biên duyên vào trung tâm trong sáng tác văn học ở Trung Quốc.

Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết Phồn hoa đã gợi mở một cách viết mới, trên phương thức tự sự, tác giả đã tự xưng là “người kể chuyện” trở về với người kể chuyện trong thành thị cổ đại, cần người kể chuyện, cần tác phẩm được kể, cần một hiện trường kể chuyện, cần một lượng người nghe nhất định…

Trên phương diện tự sự, tiểu thuyết sử dụng ngôn ngữ phổ thông, nhưng khi nhân vật đối thoại thì lại sử dụng phương ngữ. “Phồn hoa” sử dụng phương thức thoại bản Thượng Hải. Từ đầu đến cuối tác phẩm, tác giả dùng ngôn ngữ Thượng Hải để suy tư, để viết, thể hiện phong cách ngôn ngữ của người Thượng Hải, nhưng sắc thái phương ngữ không quá đậm trong văn bản khiến cho những người đọc không phải người Thượng Hải cũng có thể tiếp nhận.

III. Bình giá về tác phẩm

– Vương Xuân Lâm (Thành viên ban giám khảo giải thưởng văn học Mao Thuẫn) viết: “Nói đến tự sự Thượng hải, từ khi thịnh hành tiểu thuyết bạch thoại, đến khi “Phồn hoa” ra đời, không thể không nhắc đến 4 nhà văn, liệt kê theo thời gian, đó là: Hàn Bang Khánh, Trương Ái Linh, Vương An Ức, Kim Vũ Trừng”.

– Lôi Đạt – hội trưởng hội tiểu thuyết học Trung Quốc viết: “Đây là một trong những tiểu thuyết viết về Thượng Hải hay nhất và là một trong những tiểu thuyết về thành thị hay nhất”

– Nhà phê bình Lý Kính Trạch viết: “Trước kia tôi giảng về “Hồng lâu mộng”, nói chỗ tuyệt diệu của Hồng lâu mộng là nó có thể chân thực đến vô cùng và cũng hư cấu đến vô tận, đạt đến cảnh giới như vậy là thành tựu cao nhất của Hồng lâu mộng. Trong tiểu thuyết Trung Quốc từ thời hiện đại đến nay, tiểu thuyết đạt đến cảnh giới như vậy không nhiều, nhưng Kim Vũ Trừng đã làm được như vậy

– Nhà phê bình Hoàng Bình, Đại học Sư phạm Hoa Đông nói: “Tất cả các phương diện của cuộc sống, tình yêu của nhân vật trong “Phồn hoa” đều không thể mang đến cảm giác có ý nghĩa, đời sống giống như dòng nước, từ từ chậm chạp trôi qua tất cả, đây là thực tế cuộc sống của con người hiện đại”

IV.Giải thưởng và ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Khi vừa xuất bản, “Phồn hoa” đã được xếp đầu bảng danh sách tiểu thuyết Trung Quốc năm 2012, năm 2013 giành giải thưởng tiểu thuyết hàng năm của giải Văn hóa Lỗ Tấn lần thứ nhất, năm 2015 giành giải thưởng Mao Thuẫn – giải thưởng văn học danh giá nhất Trung Quốc. Với sức ảnh hưởng của mình, hiện nay các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đều đang dịch Phồn hoa,…

Tiểu thuyết vừa ra đời đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn, thậm chí dẫn đến cơn sốt lớn ở Trung Quốc. Đây là giai tác xuất sắc nhất của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Tác phẩm được cả giới phê bình tinh hoa và độc giả bình thường hết lời tán thưởng. Đối với độc giả bình thường, lượng tiêu thụ của Phồn hoa đã nói lên mê lực của nó: liên tục đứng trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất Trung Quốc. Từ tháng 3 năm 2013 xuất bản đến tháng 6 năm 2014, thống kê sách bìa mềm đạt lượng tiêu thụ 200 nghìn bản, tái bản 11 lần, hạ tuần tháng 6 năm 2014 xuất bản bản bìa cứng. Đến nay, đạo diễn nổi tiếng Vương Gia Vệ đang bấm máy dựng thành phim điện ảnh. Đối với giới văn học, Phồn hoa trở thành tiểu thuyết được quan tâm nhất, hấp dẫn nhất trên văn đàn Thượng Hải và văn đàn TQ. Nhiều hội thảo về Phồn hoa được tổ chức. Tiêu biểu là ngày 24 tháng 10 năm 2013, ban sáng tác và nghiên cứu văn học Hội Nhà văn TQ, hội nhà văn Thượng Hải, nhà xuất bản văn nghệ Thượng Hải phối hợp tổ chức hội thảo về tiểu thuyết Phồn hoa, ngày 13 tháng 7 năm 2014, Đại học Newyork, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tokyo, trung tâm lí luận phê bình quốc tế Đại học Sư phạm Hoa Đông đồng tổ chức hội thảo “Phồn hoa và nghiên cứu Thượng Hải”,…

Câu “lại còn phải hỏi” vốn thịnh hành thời Cách mạng văn hóa nhưng nhờ Phồn hoa hiện đã trở thành câu cửa miệng của người Thượng Hải.